Trái phiếu doanh nghiệp: Để hết cảnh vốn 1, phát hành 100
Thời gian qua có một số doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu phát hành vượt 100 lần vốn chủ sở hữu.
Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP để trình Chính phủ với nhiều quy định mới nhằm quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường thời gian qua tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro.
Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về phạm vi, điều kiện, lãi suất và phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chẳng hạn, dự thảo quy định trái phiếu riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của trái phiếu.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, quy định này nhằm giảm bớt tình trạng doanh nghiệp chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và nhiều mã trái phiếu.
Đáng chú ý, dự thảo cũng bổ sung nhiều về điều kiện phát hành và hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.
Bộ Tài chính siết lại các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Cụ thể, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về khối lượng trái phiếu được phát hành đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất cung cấp.
Trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng, với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.
Về tần suất phát hành, các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Về lãi suất phát hành, dự thảo bổ sung quy định về trần lãi suất phát hành theo quy định tại điều 468 Luật Dân sự năm 2015 (không quá 20%/năm) và quy định chi phí trả lãi trái phiếu là chi phí lãi vay của doanh nghiệp khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định pháp luật về thuế. Doanh nghiệp vì vậy sẽ không thể phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thị trường vốn.
Một nội dung đáng chú ý khác là dự thảo buộc các doanh nghiệp phát hành phải có tổ chức phát hành là các công ty chứng khoán được phép thực hiện hoạt động tư vấn, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về giới hạn phạm vi và khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ được cho là sẽ có tác động rất lớn tới thị trường khi có hiệu lực.
Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 11 tháng đầu năm 2019, có 28/177 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu (chiếm 27,8% tổng khối lượng phát hành), trong đó 11 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 100 lần vốn chủ sở hữu.
Trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.
Lãi suất trái phiếu cao có thể tác động đến mặt bằng lãi suất trên thị trường ngân hàng, ảnh hưởng đến mục tiêu điều tiết lãi suất ổn định vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất trái phiếu cao đồng nghĩa với áp lực trả lãi lớn và doanh nghiệp dễ gặp rủi ro thanh toán trong trường hợp hoạt động kinh doanh có những yếu tố tác động bất lợi ngoài dự báo, nhất là khi phương án sử dụng vốn vay không thực sự có khả năng mang lại hiệu quả cao.
Video đang HOT
Minh Thái (Tổng hợp)
Theo baodatviet.vn
211 doanh nghiệp huy động được 280.141 tỷ đồng trái phiếu
Trong tháng cuối năm 2019 có thêm một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu giá trị lớn, lũy kế cả năm có 211 doanh nghiệp, bao gồm 82 doanh nghiệp niêm yết, huy động được tổng cộng 280.141 tỷ đông trái phiếu.
Công ty chứng khoán tích cực làm "bà mối"
Trong tháng 12/2019, đối tượng phát hành trái phiếu có sự thay đổi từ nhóm ngân hàng, bất động sản sang các loại hình doanh nghiệp khác.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp có "tuổi đời" hoạt động còn non trẻ, hoặc những cái tên "lạ" huy động trái phiếu với quy mô hàng ngàn tỷ đồng.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Hải Dương Giang Biên, được thành lập tháng 6/2018, liên tiếp thông báo trong những ngày cuối năm 2019 về việc phát hành 3 lô trái phiếu, tổng giá trị 3.600 tỷ đồng, tài sản thế chấp được đảm bảo bởi bên thứ ba.
Đơn vị đứng ra thu xếp cho đợt phát hành của Hải Dương Giang Biên là Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Hay Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Địa ốc Xanh vào ngày cuối cùng của năm 2019 huy động được 3.450 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (trong tổng số 4.100 trái phiếu đăng ký phát hành) vào ngày cuối cùng của năm 2019.
Toàn bộ số trái phiếu được mua bởi tổ chức trong nước. Thu xếp vốn cho Công ty là TCBS và Techcombank. Ngay trước khi huy động vốn trái phiếu, công ty này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 675 tỷ đồng lên 1.025 tỷ đồng.
Theo thống kê, trong năm 2019, có 211 doanh nghiệp thực hiện chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu, chia làm 807 đợt phát hành, trong đó có 12 đợt phát hành không thành công.
Tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công là 280.141 tỷ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018.
Hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu dưới hình thức riêng lẻ, chỉ có khoảng 6% phát hành ra công chúng bởi các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, có một lô phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) ngày 17/7/2019 với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,25%/năm và trái phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.
Các công ty chứng khoán đang cạnh tranh tích cực hơn trong mảng tư vấn, thu xếp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí theo tuyên bố của một công ty 100% vốn ngoại mới đây là thì mảng này sẽ trở thành mảng trọng yếu, thay vì chỉ đẩy mạnh môi giới thông qua lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ (margin) thấp như hiện nay.
Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, có tổng cộng 244.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được thu xếp phát hành thông qua trung gian là công ty chứng khoán, tương đương 87,3% tổng lượng phát hành trong năm 2019.
Với quy mô tăng nhanh trong 2 năm trở lại đây, trái phiếu doanh nghiệp trở thành thị trường hấp dẫn với các công ty chứng khoán để gia tăng doanh thu và lợi nhuận, không chỉ từ phí thu xếp phát hành, mà còn từ hoạt động phân phối trên thị trường thứ cấp.
Nhóm 3 công ty chứng khoán thu xếp phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là TCBS, Công ty Chứng khoán VPS (VPS) và Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND), với thị phần lần lượt là 21,6%, 13,9% và 12,4%; riêng nhóm này chiếm gần 50% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua trung gian là công ty chứng khoán.
Trong đó, VND tập trung vào các đợt phát hành của các ngân hàng với tổng giá trị thu xếp phát hành là 27.300 tỷ đồng (chiếm 93%).
Tại TCBS, 58,5% (khoảng 30.000 tỷ đồng) tổng giá trị thu xếp phát hành thành công của TCBS là trái phiếu bất động sản của các doanh nghiệp có liên quan đến Vingroup, Vinametric, NewCo...
Thị phần thu xếp phát hành trái phiếu của VPS có được phần nhiều đến từ VPB. Ngân hàng này phát hành hơn 18.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2019, trong đó hơn 17.000 tỷ đồng thông qua VPS.
Ngoài VPB, VPS không thu xếp phát hành cho ngân hàng nào khác. VPS còn tư vấn phát hành trái phiếu cho nhiều tổ chức là khách hàng tín dụng của VPB.
Lãi suất trái phiếu cao hơn lãi tiền gửi từ 3 - 4%/năm
Tính bình quân gia quyền theo giá trị phát hành năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình toàn thị trường là 8,8%/năm và kỳ hạn trái phiếu bình quân là 4,04 năm.
Lãi suất và kỳ hạn đều nhích tăng trong quý cuối năm, phần nhiều do các ngân hàng thương mại gia tăng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài và lãi suất cũng cao hơn.
Theo SSI, nhóm trái phiếu ngân hàng có lãi suất bình quân thấp nhất (7,4%/năm), nhóm có lãi suất bình quân cao nhất là bất động sản (10,3%/năm).
Nhóm các doanh nghiệp khác có lãi suất bình quân cao ngang bằng nhóm bất động sản, chủ yếu là do lô phát hành 1.402 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất 20%/năm của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng. Nếu loại trừ khoản này, lãi suất trái phiếu bình quân của nhóm các doanh nghiệp khác chỉ là 9,86%/năm.
Ngoài lô trái phiếu lãi suất cao bất thường kể trên, có 3 lô phát hành của Bất động sản Phát Đạt (PDR) và 2 lô phát hành của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Gia Cư có lãi suất trên 13%/năm - đều là các doanh nghiệp bất động sản.
Công ty Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Star Beach chào bán 150 tỷ đồng trái phiếu 24 tháng, lãi suất 18%/năm, nhưng không có bên nào mua, cho thấy nhà đầu tư trái phiếu cũng có sự chọn lọc, không hẳn chỉ nhìn vào lãi suất.
Ngoại trừ nhóm trái phiếu ngân hàng, hầu hết các trái phiếu nằm trong khoảng lãi suất 10 - 11%/năm, tức là cao hơn lãi suất tiền gửi từ 3 - 4%/năm và ngang bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn đang là 9 - 11%/năm (theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước).
Kỳ hạn trái phiếu bình quân dài nhất (7,3 năm) thuộc về nhóm phát triển hạ tầng và các doanh nghiệp năng lượng, khoáng sản - phù hợp với tính chất dài hạn của các dự án đầu tư mà những doanh nghiệp này thực hiện.
Nhóm phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn nhiều nhất là các công ty chứng khoán, chủ yếu từ 1 - 2 năm. Cá biệt, có 2 lô phát hành với tổng giá trị 104 tỷ đồng của VND có kỳ hạn lên tới 10 năm.
Nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn, cần cơ chế bảo vệ
Mặt dù quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng liên tục qua các năm, nhưng báo cáo của SSI đánh giá, hiện kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn có quy mô khá nhỏ so với các kênh huy động vốn khác.
Nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, tổng quy mô tín dụng cuối năm 2019 khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, tương đương 138,4% GDP và gấp 12,3 lần quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo thống kê của Ngân hàng châu Á (ADB), quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam (gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) tại ngày 30/9/2019 là 95,37 tỷ USD, tương đương 37,6% GDP - là mức tương đương với Philippines, nhưng còn cách khá xa Trung Quốc, Thái Lan (xấp xỉ 60% GDP).
Các nước càng phát triển thì tỷ trọng kênh trái phiếu trên GDP càng lớn như Nhật Bản là 214% GDP, Hàn Quốc là 120% GDP...
Theo đó, SSI nhận định, thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng là xu hướng tất yếu và phù hợp để tạo sự cân bằng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính.
Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh đầu tư khá mới mẻ tại Việt Nam, sự phát triển nhanh giai đoạn vừa qua tiềm ẩn những rủi ro nhất định, cần được nhận diện và điều chỉnh bởi cơ quan quản lý để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững.
Điều này cũng phần nào thể hiện trên thị trường, trong tổng số 211 doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng thì có 129 doanh nghiệp chưa niêm yết, chất lượng thông tin và trách nhiệm công bố thông tin vì vậy còn tương đối hạn chế.
Đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư cá nhân.
Trong năm 2019, các nhà đầu tư cá nhân, chủ yếu là cá nhân trong nước, đã mua 26.492 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp, tương đương 9,64% tổng lượng phát hành toàn thị trường.
Giá trị đầu tư mà các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể còn lớn hơn do có một số trái phiếu được phát hành riêng lẻ trên thị trường sơ cấp sau đó được phân phối lại cho nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp.
Mặc dù tham gia ngày một nhiều, nhưng nhà đầu tư cá nhân thường bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin cũng như kinh nghiệm đầu tư.
Đây là rủi ro cho không chỉ người tham gia đầu tư, mà cho cả sự ổn định của thị trường.
Tuy nhiên, các tổ chức trong nước vẫn là nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với tổng lượng mua 219.200 tỷ đồng, tương đương gần 80% lượng phát hành trong năm 2019.
Trong đó, các ngân hàng thương mại mua 25.500 tỷ đồng, tập trung vào các trái phiếu bất động sản; các công ty chứng khoán mua 38.600 tỷ đồng, tập trung vào trái phiếu do ngân hàng phát hành.
Giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thực tế của các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán có thể lớn hơn, do thông tin bên mua của những đợt phát hành riêng lẻ càng về cuối năm càng trở nên chung chung, chỉ còn ghi "tổ chức trong nước".
Đối tượng "tổ chức trong nước" này đã mua 56% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, giá trị trên 150.000 tỷ đồng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Nhận diện 5 ngân hàng huy động hơn 60.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 Theo số liệu của HNX, năm 2019 qua 16 đợt phát hành trái phiếu VIB đã huy động thành công 13.700 tỷ đồng, dẫn đầu ngành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp... Số liệu tổng hợp tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội năm 2019 cho thấy, trong năm ngành ngân hàng đã...