Trái ngọt STEM đưa sang Hàn Quốc
Xuất khẩu chương trình giáo dục của Việt Nam ra nước ngoài là câu chuyện nhiều người đã nghĩ đến, nhưng mới chỉ là giấc mơ. Sau một thời gian vật lộn xây dựng, khẳng định chương trình giáo dục tích hợp STEM tại Việt Nam, “trái ngọt” dành cho TS Đặng Văn Sơn – giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Học viện sáng tạo S3 – là hợp tác giáo dục khoa học cho học sinh phổ thông Hàn Quốc.
Học sinh Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) trải nghiệm chương trình giáo dục tích hợp STEM. Ảnh: HUYÊN NGUYỄN
STEM vượt biên giới
Những ngày cuối năm 2018, TS Đặng Văn Sơn – người tiên phong nhóm lửa cho chương trình giáo dục tích hợp STEM tại Việt Nam tất bật cho những tiết học đầu tiên trong chương trình hợp tác giáo dục khoa học cho học sinh phổ thông tại thành phố Busan, Hàn Quốc.
Ánh mắt rạng ngời khi nói về chương trình sắp tới, TS Sơn cho biết ngày 15.12 có tiết học đầu tiên trong chương trình biên bản ghi nhớ hợp tác với tổ chức Korea Science Camp do Tiến sĩ Park Eun Ju của Trường Đại học Dankook University sáng lập. Hai bên tiến hành các hoạt động chung, trong đó phía Hàn Quốc sẽ sử dụng chương trình của Việt Nam để dạy cho học sinh Hàn Quốc, tại các trường trên địa bàn thành phố Busan.
“Trước đây, chúng tôi đã thực hiện một chương trình kết nối các CLB STEM với nhau mang tên CLB Thiết kế toàn cầu. Các học sinh sẽ thực hiện chung 1 dự án sau đó trao đổi với nhau. Học sinh Việt có cơ hội trao đổi thông tin, bài làm với các bạn ở Mỹ, một số nước Châu Mỹ, Châu Âu nhưng do có múi giờ chênh lệch nhau nên chủ yếu mới chỉ dừng ở gửi thông tin chứ chưa xây dựng được môi trường học thực. Chúng tôi kỳ vọng, học sinh Việt Nam được thực sự làm việc nhóm cùng học sinh Hàn Quốc và sẽ dần mở rộng ra các nước khác trong khu vực với múi giờ không quá chênh lệnh so với Việt Nam để các em học sinh Việt có cơ hội làm việc nhóm quốc tế ngay trong ngôi trường của mình” – TS Sơn nói.
Bật mí về điểm đặc biệt của chương trình, TS Sơn cho biết đó là chương trình sẽ mang tính địa phương hoá, gắn liền với thực tiễn cuộc sống của học sinh. “Trong việc đưa các chương trình STEM của Việt Nam sang Hàn Quốc, chúng tôi sẽ xây dựng các chủ đề STEM dựa trên các đồ chơi dân gian của Việt Nam như: Đèn kéo quân, rối gỗ, chuồn chuồn thăng bằng… Trong mỗi món đồ chơi này đều chứa hàm lượng khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán phù hợp với độ tuổi học sinh”.
Trong chương trình thử nghiệm giai đoạn đầu, lớp học sẽ được tổ chức song song để học sinh Hàn Quốc và Việt Nam cùng nhau học một chủ đề cho mỗi tuần. Học sinh sẽ được kết nối với nhau qua nền tảng chuyên cho giáo dục là Storypal do một Startup của Hàn Quốc phát triển. Chương trình mang tên Mini Camp thời gian thực, trong đó mỗi nhóm học sinh sẽ gồm 2 bạn Việt Nam và 2 bạn Hàn Quốc kết nối trực tuyến với nhau để tham gia lớp học.
Lớp học sẽ do giáo viên của cả hai bên thực hiện với cùng một giáo án đã thống nhất với các chủ đề là các đồ chơi dân gian Việt Nam và Hàn Quốc. Mỗi một Camp sẽ chọn một món đồ chơi để tiến hành chủ đề STEM trong Camp đó.
Video đang HOT
Theo TS Sơn, chúng ta thường nói đến kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, tuy nhiên, trong thế kỷ 21, làm việc nhóm không chỉ giới hạn trong 1 lớp học, 1 trường học mà còn mở rộng ra toàn cầu, Mini Camp này sẽ giúp học sinh tập làm quen với việc thảo luận nhóm quốc tế với học sinh cùng lứa tuổi ở một đất nước hoàn toàn xa lạ và cùng nhau tiến hành làm một chủ đề STEM. Đây là cơ hội tốt để học sinh được học trực tiếp với giáo viên và online thời gian thực với giáo viên và học sinh Hàn Quốc.
TS Đặng Văn Sơn hướng dẫn cô giáo của một trường trung học cơ sở quận Ba Đình một nội dung về STEM. Ảnh: NVCC
Viết tiếp câu chuyện về xuất khẩu STEM
Trăn trở khi nhiều phụ huynh Việt sẵn sàng bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đưa con em đi trại hè nước ngoài trong khi Việt Nam hiện đang có tiềm năng lớn, TS Sơn nhấn mạnh, chương trình giáo dục STEM ngoài các chủ đề chung, mang tính toàn cầu như: Năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường, sự nóng lên toàn cầu…, mỗi quốc gia, mỗi vùng sẽ có các chủ đề STEM đặc trưng gắn liền với cuộc sống của học sinh địa phương.
Ở Việt Nam, chúng ta có rất nhiều các chủ đề STEM đặc trưng, ví dụ như các chủ đề về đồ chơi dân gian, về thủ công mỹ nghệ… Nếu mang được các chủ đề này ra thế giới thì chúng ta vừa có cơ hội giới thiệu về văn hoá Việt Nam tới các nước, vừa giới thiệu được các chủ đề STEM thú vị…
Bốn năm, khoảng thời gian chưa dài, nhưng cũng đủ để TS Đặng Văn Sơn tiếp tục kỳ vọng vào những dự định mới. Sắp tới, anh sẽ tiếp tục có những hoạt động kết nối quốc tế để đưa các chương trình giáo dục tích hợp STEM của Việt Nam tới học sinh các nước trong khu vực và tổ chức thành công các trại hè quốc tế tại Tuần Châu, Quảng Ninh.
* STEM là viết tắt của Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM bản chất là trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết liên quan đến 4 lĩnh vực là Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
MAI NGUYỄN
Theo laodong
Việt Nam và Anh đẩy mạnh hợp tác giáo dục
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã kết thúc thành công chuyến công tác tại Vương Quốc Anh từ ngày 20-26/1, mở ra một chương mới trong hợp tác giáo dục giữa hai nước.
Ảnh minh họa
Ngày 25/1, tại Cardiff, thủ phủ của xứ Wales, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ trưởng Giáo dục xứ Wales bà Kirsty Williams về công tác hợp tác đào tạo, đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị giáo dục, hợp tác nghiên cứu giữa các trường Việt Nam và các trường của Wales.
Đặc biệt, chính quyền xứ Wales, thông qua quỹ Wales toàn cầu, sẽ dành cho Việt Nam 20 suất học bồng toàn phần sau đại học mỗi năm (2020-2022) học tại các trường đại học của Wales theo chương trình học bổng Chevening của Chính phủ Anh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Anh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết chuyến công tác đã rất thành công trên nhiều phương diện, thứ nhất là qua trao đổi về tình hình cải cách giáo dục với bộ trưởng các nước tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới, các bộ trưởng đã học hỏi và chia sẻ nhiều kinh nghiệm với nhau, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy và học tập.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng, tuy nhiên kỹ thuật và kinh nghiệm để áp dụng vào Việt Nam cần phải làm kỹ hơn vì mỗi nước có những điều kiện khác nhau khi áp dụng công nghệ đối với giáo viên, học sinh, thậm chí cả đối với phụ huynh cũng phải có những lộ trình bước đi thích hợp.
Bộ trưởng khẳng định xu hướng sử dụng công nghệ trong giáo dục là rất mạnh, đồng thời cho biết đã trao đổi với các công ty công nghệ và các đồng nghiệp tại hội chợ triển lãm công nghệ giáo dục thế giới, mọi người đều rất tin tưởng, kỳ vọng Việt Nam sẽ là một trong những nước đi nhanh trong việc áp dụng kỹ thuật mới này.
Một trong những thành công trong chuyến công tác của đoàn Bộ Giáo dục và Đào Tạo Việt Nam tại Anh là Việt Nam đã đăng cai được triển lãm công nghệ giáo dục thế giới tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3/2019.
Triển lãm công nghệ giáo dục sẽ thu hút nhiều công ty phát triển về công nghệ giáo dục và các nhà giáo dục toàn cầu đến với Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở giáo dục của Anh Quốc. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, công nghệ giáo dục đi kèm với tiếng Anh là 2 công cụ quan trọng đẩy nhanh sự tiến bộ, tạo ra những đột phá về chất lượng giáo dục cho Việt Nam.
Một thành công khác nữa trong chuyến công tác này là rất nhiều trường đại học lớn, các trung tâm khảo thí tiếng Anh, các nhà xuất bản, công ty, tập đoàn lớn cung cấp các dịch vụ về tiếng Anh như Cambridge, Pearson đều rất quan tâm đến giáo dục của Việt Nam và muốn vào Việt Nam để cùng tham gia đề án Ngoại ngữ Quốc gia của Việt Nam trong vấn đề dạy, kiểm tra đánh giá đo lường chất lượng.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục Việt Nam triển khai chiến lược đổi mới căn bản toàn diện, trong đó có chương trình sách giáo khoa mới. Đây là dịp rất tốt để Việt Nam áp dụng phương pháp giáo dục mới, trong đó có áp dụng nhiều công nghệ cho chương trình tiếng Anh, chương trình giáo dục STEM.
Nói về 30 bản ghi nhớ (MOU) đã được ký giữa khoảng 19 đại học, 11 trường phổ thông và trên dưới 10 công ty giáo dục của hai nước trong chuyến đi trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đáng chú ý là nhiều MOU không phải là lần đầu tiên được ký, các đối tác đã làm việc với nhau kỹ nên tính khả thi khá cao.
Ngoài liên kết đào tạo, liên kết về nghiên cứu để tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các trường học cũng được Bộ trưởng đề cập trong các buổi làm việc và đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ phía Anh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Anh rất mạnh về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong phát triển cơ hội việc làm mới. Các trường đại học sang trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đặc biệt có thể cùng với Anh mở các trung tâm khởi nghiệp đổi mới ở các trường đại học Việt Nam là điều hai bên sẽ hướng tới.
Trong tương lai, quan hệ hợp tác hai chiều sẽ được chú trọng, một mặt tạo điều kiện để các du học sinh Việt Nam sang Anh học, mặt khác thu hút các cơ sở giáo dục của Anh sang Việt Nam để mở các trường, giảng dạy, qua đó để Anh cũng đưa một số người Anh sang Việt Nam học tập và làm việc trong lĩnh vực này.
Đề xuất đã được phía Anh quan tâm và nhất trí. Bộ trưởng khẳng định ông có niền tin rất lớn vào chiến lược hội nhập đào tạo, trong đó Anh là nước có rất nhiều triển vọng.
Diễm Quỳnh, Tuấn Anh
Theo TTXVN
5 bí quyết chọn trường mầm non "chuẩn" cho con Cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, mật độ dân số ngày càng tăng cao ở Hà Nội đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các trường mầm non, cơ sở mầm non tư thục tạo thành mạng lưới ma trận dày đặc với rất nhiều lời mời chào hấp dẫn về chương trình giáo...