Trải nghiệm lái kỳ lạ với vô-lăng hình chữ nhật trên xe Tesla
Kiểu thiết kế vô-lăng mới của Tesla gây ra nhiều phiền toái cho người lái, điển hình là thao tác đánh lái liên tục hoặc sử dụng đèn báo rẽ.
Trên 2 mẫu xe điện Model S và Model X đời 2021 ra mắt hồi đầu năm nay, Tesla mang đến tính năng mới đáng chú ý là vô-lăng dạng chữ nhật. Trang bị này ngay lập tức bị đặt dấu hỏi về tính hữu dụng trong thực tế, dù rằng xét đến tính thẩm mỹ thì thiết kế của Tesla trông khá đẹp mắt.
Mới đây, nhóm đánh giá sản phẩm của tổ chức Consumer Reports (CR) đã có cơ hội cầm lái Tesla Model S 2021 và đưa ra những nhận định về chiếc tay lái mới có tên gọi “Yoke”.
Trải nghiệm lái nhiều bất tiện
Qua video ghi lại thao tác xử lý của người lái trên mẫu Tesla Model S, một trong những điểm bất tiện nhất là thao tác xoay vô-lăng khi xe di chuyển vào góc cua hẹp, quay đầu hoặc cần xoay trở xe liên tục.
Do không có diện tích cầm nắm nhiều như vô-lăng hình tròn truyền thống, Yoke khiến việc xoay tay lái liên tục gần như bất khả thi. Tài xế phải liên tục để mắt đến vị trí tiếp xúc với chiếc vô-lăng chữ nhật để cảm nhận trạng thái đánh lái của bánh xe.
Điều này gây cản trở lớn khi người lái muốn vừa đánh lái vừa nhìn ra phía sau lúc tiến/lùi xe ở không gian hẹp, hoặc tình huống quan sát 2 bên khi di chuyển vào giao lộ.
Thao tác đánh lái nhiều vòng của vô-lăng Yoke gây ra nhiều trở ngại cho tài xế. Ảnh: Electrek.
Đồng thời, nhiều người trải nghiệm nhận xét cầm lái Model S liên tục dẫn đến đau tay khi vô-lăng được làm cứng và có ít nơi để nghỉ tay trong lúc lái xe. Thiết kế dạng chữ nhật buộc người lái phải cầm chặt Yoke không rời để có thể xử lý các tình huống trên đường.
Tất cả những điều này khiến thao tác điều khiển chiếc xe điện trở nên rối rắm và phức tạp với những người đã quen với vô-lăng dạng tròn, trang bị đã được sử dụng trên ôtô hơn 100 năm qua.
Các tính năng mới kém hữu dụng
Video đang HOT
Không chỉ thay đổi hình dạng tổng thể của vô-lăng, hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk còn muốn tạo nên cuộc cách mạng trong thiết kế nội thất ôtô khi loại bỏ hoàn toàn các cần gạt chức năng trên cột tay lái, bao gồm cần xi-nhan, cần chỉnh đèn và cần chỉnh gạt nước.
Với Tesla Model S và Model X, mọi chức năng vừa kể được tích hợp ngay trên 2 cụm nút bấm của Yoke. Không kể đến các con lăn để chỉnh âm lượng hay chuyển bài hát khá hữu dụng thì nút bấm xi-nhan rõ ràng là một trang bị khó hiểu.
Cụm nút bấm xi-nhan nằm bên trái của vô-lăng. Ảnh: Motortrend.
Ở trạng thái di chuyển bình thường, người lái có thể dễ dàng bấm chọn 1 trong 2 mũi tên nằm bên trái vô-lăng để mở đèn báo rẽ. Tuy nhiên, khi đánh tay lái 180 độ thì việc bật đúng xi-nhan nhanh chóng là không hề dễ dàng.
Khi 2 nút bấm xi-nhan bị đảo ngược sang bên phải, người lái chọn mũi tên chỉ sang hướng nào thì xi-nhan phía ngược lại được mở. So với chi tiết cần gạt xi-nhan truyền thống luôn được cố định và dễ dàng sử dụng, thiết kế này rõ ràng chỉ mang đến sự phiền toái.
Bên cạnh đó, thành viên của CR còn cho rằng việc Tesla làm một nút bấm còi nhỏ thay thế cho kiểu bố trí ngay giữa vô-lăng sẽ khó sử dụng, đặc biệt là trong tình huống nguy cấp cần bấm còi. Thay vì ấn ngay bàn tay vào giữa vô-lăng để cảnh báo bằng còi, người lái cần định hình vị trí nút để ấn ngón tay vào, thao tác sẽ chậm trễ hơn.
Tạo hình vuông vức khiến việc cầm nắm vô-lăng Yoke liên tục gây đau tay. Ảnh: Motortrend.
Không chỉ cắt giảm các cần gạt chức năng thông thường trên cột tay lái, Tesla còn mạnh dạng “xóa sổ” cần số trên 2 mẫu xe điện có tay lái Yoke. Để bắt đầu vận hành, người lái cần đạp bàn đạp lần lượt bàn đạp phanh rồi đến bàn đạp ga để Model S vào số D và chạy.
Với thao tác dừng đỗ xe, thao tác chuyển sang số P là chọn và vuốt trên màn hình cảm ứng. Trải nghiệm ban đầu có phần hơi rườm rà nhưng không quá khó khăn để làm quen, và ít nhiều góp phần giúp thiết kế nội thất của xe đơn giản hết mức có thể.
Lợi ích không đáng kể
Như đã nói, ưu điểm đáng kể nhất của vô-lăng Yoke là mang đến sự đột phá về phong cách thiết kế cho khoang lái Model S và Model X. Cùng với đó, vô-lăng hình chữ nhật giảm việc chắn tầm nhìn với bảng đồng hồ tốc độ, điều mà tay lái hình tròn mắc phải.
Khoang lái của Tesla được tối giản nhờ vô-lăng Yoke. Ảnh: Motortrend.
Thêm một điểm cộng khác được nhắc đến của Yoke là tạo hình lấy cảm hứng từ vô-lăng xe đua F1, tăng khả năng điều khiển xe chính xác và hiệu quả ở tốc độ cao.
Đây được cho là một trong những yếu tố giúp Tesla Model S Plaid đánh bại kỷ lục của Porsche Taycan và trở thành mẫu xe điện thương mại nhanh nhất tại trường đua Nurburgring. Trong video do Tesla công bố, tay đua đã cầm lái bản cao cấp nhất của Model S với vô-lăng Yoke, đi kèm một bảng đồng hồ chuyên dành cho xe đua.
Ảnh chụp từ video của Tesla cho thấy tay đua sử dụng tay lái Yoke trên Model S Plaid để phá kỷ lục tốc độ.
Sau cùng, với định hướng phát triển những mẫu xe điện có khả năng tự lái thì việc đơn giản hóa vô-lăng có thể xem là bước đi cần thiết của Tesla, dần tiến đến tương lai của các dòng ôtô tự hành không có tay lái.
Nhiều mẫu xe concept trong vài năm qua cũng được trang bị dạng vô-lăng hình chữ nhật, hay như vài mẫu siêu xe đắt tiền cũng có tay lái vát bằng 2 mặt trên và dưới, gần như tạo thành một hình vuông hoặc hình chữ nhật.
Tính năng lái tự động của Tesla bị điều tra vì gây tai nạn liên tục
Sau hàng loạt tai nạn, hệ thống lái tự động của Tesla tiếp tục bị NHTSA đưa vào "tầm ngắm" khi mới đây lại là nguyên nhân gây tai nạn chết người.
Mới đây, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) thông báo rằng họ đang điều tra một vụ tai nạn chết người liên quan đến một chiếc Tesla vào ngày 26/7 ở New York.
Liên quan đến loạt tai nạn, hệ thống lái tự động của Tesla bị điều tra
Cụ thể, theo Reuters, một người đàn ông 52 tuổi đã bị đâm trên đường cao tốc Long Island (New York - Mỹ) bởi một chiếc Tesla vận hành hệ thống lái tự động Autopilot. Đây là hệ thống tự động xử lý một số nhiệm vụ của người lái xe, giúp họ có thể rời tay lái trong thời gian dài.
Là một trong những công ty xe hơi được yêu thích nhất ở Mỹ và đã được tạo điều kiện thuận lợi trong gần nửa thập kỷ qua, nhưng gần đây Tesla đang bị NHTSA chỉ trích dữ dội.
NHTSA đã mở hơn 30 cuộc điều tra
Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ đã yêu cầu Tesla gửi một loạt dữ liệu liên quan đến hệ thống lái tự động của mình nhằm điều tra về các vụ tai nạn liên quan đến chế độ lái tự động trong quá khứ. Theo đó, hãng sản xuất xe điện phải trình khối lượng dữ liệu khổng lồ về mỗi đơn vị xe được bán từ năm 2014 đến nay.
Trước đó, trang Car and Driver thông tin, Tesla có thời hạn đến ngày 22/10 để bàn giao dữ liệu, bao gồm chi tiết về những chiếc xe mà họ đã bán được trang bị Autopilot cũng như các thông số vận hành của hệ thống.
NHTSA đã mở hơn 30 cuộc điều tra.
Một báo cáo của NHTSA vào tháng 8 cho biết, chỉ trong ba năm qua, đã có khoảng 11 vụ tai nạn liên quan đến việc Teslas đâm vào xe cấp cứu hoặc xe ô tô khác, dẫn đến 17 người bị thương và một người tử vong.
NHTSA đã mở thêm 33 cuộc điều tra từ năm 2016. Trong quá trình đó, cơ quan này đã loại trừ việc sử dụng hệ thống lái tự động trong ba vụ tai nạn không gây tử vong.
Nếu thông qua các cuộc điều tra, NHTSA phát hiện hệ thống lái tự động của Tesla không phù hợp để vận hành thực tế, công ty có thể bị buộc phải thu hồi và khắc phục bất kỳ lỗi an toàn nào trong các sản phẩm của mình. Điều này có thể ảnh hưởng đến hơn 760.000 chiếc xe đã được sản xuất và bán từ năm 2014 - 2021.
Elon Musk thừa nhận hệ thống Autopilot của Tesla "không tốt lắm" "FSD Beta 9.2 thực sự không tốt lắm, nhưng nhóm Autopilot/AI của Tesla đang tập trung để cải tiến hệ thống này nhanh nhất có thể", ông Musk thừa nhận trong một dòng trạng thái trên Twitter. Tesla hiện bán trọn gói phần mềm tự lái FSD với giá 10.000 USD, hoặc bán theo tháng với giá 199 USD/tháng tại thị trường Mỹ....