Trải nghiệm iPad Pro 2020 từ góc nhìn của người chưa bao giờ dùng máy tính bảng
Một người chưa bao giờ sử dụng máy tính bảng sẽ thấy thế nào khi lần đầu cầm và làm việc trên chiếc iPad Pro 2020?
iPad Pro: thiếu hay thừa?
Nhiều người bạn từng nói với tôi rằng iPad là món đồ công nghệ không mua thì thấy thiếu, nhưng mua xong thì lại thấy thừa, có khi còn ví von rằng mua về chỉ làm đẹp đội hình là chính. Vì nghe những ý kiến như thế nên tôi vô tình bị áp ý nghĩ này vào đầu, dần rồi ý định mua iPad cho bản thân cũng không còn đó nữa.
Nhưng rồi mới đây khi iPad Pro 2020 ra mắt và xem xong clip quảng cáo của Apple hướng dẫn cách sử dụng máy tính thế nào cho đúng, ý nghĩ tìm mua 1 chiếc iPad đã bắt đầu quay lại trong tôi.
Quảng cáo iPad Pro.
Cũng phải nói thêm rằng, tôi là người sử dụng nhiều hệ sinh thái khác nhau, với máy tính làm việc thì chọn MacBook, máy tính để bàn ở nhà chạy Windows ráp từ thời sinh viên chơi game, điện thoại chính là iPhone còn phụ là một chiếc Samsung. Tuyệt nhiên, cả đời tôi chưa lần nào sở hữu một chiếc máy tính bảng cả. Thế nên trước khi quyết định “tất tay” cho duyên mới này hay không, tôi tìm mượn bằng được chiếc iPad Pro mới để trải nghiệm thử hai ngày, xem như là demo cái đã.
Cũng may là tìm được con máy để trải nghiệm trước ngày cách ly toàn xã hội, giờ thì ở nhà vọc vạch thôi nào!
Cầm “lẻ” thì thiếu, lắp đủ đồ chơi thì ngon
Khi dùng lần đầu, tôi chợt nhận ra có lẽ như iPad Pro sinh ra không phải là để cầm trên tay trong thời gian dài, dù là phiên bản 11 inch nhưng cầm 1 lúc thì cũng mỏi nhừ cả tay. Và tôi nghĩ nếu cầm trên tay thì rõ ràng chiếc máy tính bảng này không khác gì một chiếc smartphone phóng lớn, chẳng có thể làm gì được ngoại trừ đọc báo/sách hay lướt Facebook. Chơi game trên màn hình lớn nhìn mọi thứ rõ nét cũng thích thật, nhưng thao tác cực khó.
Nhưng mục đích của tôi đâu chỉ có giải trí, iPad này phải phục vụ được cả công việc nữa! Thế là buổi chiều lại cặm cụi đi tìm mượn thêm phụ kiện và đến lúc này tôi mới nhận ra iPad chỉ có thể “full công lực” khi có đủ hết tất cả các món đồ chơi kèm theo. Bạn sẽ không thể ngồi xem phim cả buổi nếu không có chỗ tựa cho iPad, hay cũng không thể gõ văn bản cả ngày bằng cách chạm cảm ứng mãi được.
Một chút góc #LàmỞNhà. “Full công lực” cho iPad Pro khi có bàn phím và chuột.
Đây là cover Folio cho iPad Pro 2018 tôi mượn để tạm lên cho có chỗ đứng, phần khoét camera theo kiểu 2018 nên hơi cấn đôi chút nhưng vẫn có thể đặt lên dùng được. Bàn phím kèm theo cover này nhìn chung gõ cũng ổn nhưng dùng thời gian dài có lẽ không đủ phê.
Sau nửa ngày dùng, tôi quyết định hỏi mượn tiếp bàn phím khác, lần này may mắn có được Magic Keyboard. Kết nối xong, gõ và nghe tiếng tách tách từ bàn phím nghe sướng hơn hẳn, thậm chí lúc quay trở về với chiếc Macbook Pro 2019 tôi còn cảm giác bị “tụt mood” vì bàn phím cánh bướm quá chán.
Nhìn chung, iPad Pro được kèm phụ kiện thì quá là tuyệt!
Hệ điều hành iPad OS mới: Mượt, dễ làm quen, đa nhiệm cực thích
Cảm nhận phần lớn thời gian sử dụng chiếc iPad Pro 2020 này của tôi là hài lòng, và tất nhiên hệ điều hành iPad OS góp công rất lớn để trải nghiệm này được “thăng hoa”. Là một người chưa bao giờ dùng máy tính bảng như tôi, bước vào thế giới của iPad OS hóa ra lại vô cùng dễ dàng và chỉ vài phút là đã quen gần như tất cả.
Và phải nói rằng, tôi rất thích từng chi tiết nhỏ nhưng mang đến trải nghiệm lớn cho người dùng của Apple. Chẳng hạn như khi tôi kết nối iPad với chuột ngoài, trỏ chuột sẽ xuất hiện theo dạng chấm tròn màu xám mờ, không quá to khiến “gai mắt” nhưng cũng không quá nhỏ để tôi có thể nhận ra nó đang ở đâu trên màn hình này.
Và khi đưa trỏ đến gần các thanh công cụ hay icon ứng dụng , nó sẽ tự động “hoà nhập” lại để thao tác dễ hơn, đỡ bị trượt khi click vào.
Hay như muốn chia màn hình, tôi chỉ cần vài thao tác kéo thả là có thể làm việc song song, một bên là trang web thông tin cần Google và một bên là để Docs gõ bài. Mọi thứ rất mượt và trôi chảy, gần như không có độ trễ nào là điều mà tôi rất thích khi làm việc multitask trên iPad Pro này.
Ngoài ra tôi cũng có thể linh hoạt sử dụng giữa chuột, bàn phím lẫn màn hình cảm ứng tùy theo từng tình huống. Theo cảm nhận cá nhân, vuốt thoát hoặc multitask cửa sổ bằng ngón tay nhanh hơn rê chuột, hay tô chọn một đoạn văn bản bằng cảm ứng với tôi vẫn nhanh hơn là dùng chuột kèm bàn phím. Mỗi thứ đều có cái hay riêng và khi ta biết tận dụng hết thì thao tác còn nhanh hơn cả laptop.
Thực chất công việc của tôi không đòi hỏi nhiều thứ phức tạp, chỉ cần một thiết bị có khả năng multitask tốt, chia đôi màn hình được và hoạt động mượt mà là đủ. Ở iPad Pro 2020 này, tôi thấy nó hội tụ đủ những thứ tôi cần.
Có thể nhiều bạn cho rằng, một chiếc laptop cũng có thể làm được, tại sao lại cần tablet nữa? Đúng, nhưng với những ngữ cảnh của riêng cá nhân tôi, thì nó lại hoàn toàn hợp lý hơn tất thảy các laptop khác.
Chỉ so riêng với Macbook Pro 13 mà tôi đang sử dụng, iPad Pro gọn nhẹ hơn nhiều mà lại mang tính cơ động không kém, tôi có thể ngồi bất cứ đâu thoải mái, từ nhà ra phố, từ phòng ngủ cho tới phòng ăn, khi không cần dùng đến thì bỏ vào balo cũng gọn hơn hẳn với Macbook.
Thao tác phím tắt khá giống MacOS
Lại còn thoải mái kết nối với ổ cứng để đọc dữ liệu.
Hay nếu thích ngồi tại bàn làm việc, tôi có thể mở rộng không gian hiển thị hơn bằng cách biến iPad thành màn hình thứ hai cho Macbook cũng được.
Chưa kể đến là khi tối đến muốn cho người nhà xem video cùng thì cứ việc bật Netflix lên và “trao tay”, không cần phải quá lo lắng đến việc đưa cả một chiếc laptop chỉ để ngồi coi phim hay Youtube.
Và với công việc hiện tại, iPad Pro này có thể đáp ứng đầy đủ cho tôi, từ gõ bài, lọc ảnh từ thẻ nhớ máy ảnh, hậu kỳ ảnh, dựng thành bài viết hoàn chỉnh mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Tất cả những dòng chữ, những hình ảnh đã được chỉnh sửa mà bạn xem ở toàn bộ bài viết này, đều được chính tay tôi thực hiện ngay trên chiếc iPad.
Bài viết này được hoàn thành từ trên chính màn hình iPad Pro 2020.
Tất nhiên hiệu năng của iPad Pro không chỉ gói gọn với những công việc của tôi ở trên. Với khả năng kết hợp cùng bút Apple Pencil, chiếc tablet này sẽ rất hữu dụng với những bạn làm nghề đồ họa, sáng tạo nội dung… có thể mang đi bất cứ đâu để làm việc lẫn giải trí.
Hình mẫu cho giải trí tại gia
Chưa bao giờ tôi thấy việc giải trí tại gia lại cần nhiều như lúc này, khi mà chúng ta buộc phải ở nhà để chung tay ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và những thiết bị điện tử bên cạnh sẽ là bạn đồng hành trong những ngày dài này.
Màn hình có độ sáng 600 nits với độ phủ màu rộng giúp iPad Pro có thể truyền tải được các nội dung video rất đã mắt dù ở trong nhà hay ngồi ngoài vườn có ánh nắng chói chang. Điểm cộng của màn này còn nằm ở chỗ có độ làm tươi 120 Hz, vì vậy từ việc vuốt cuộn trên web, sách e-book hay xem phim đều rất mướt.
Điều khiến tôi ấn tượng tiếp theo là hệ thống loa. Chạy thử một tập phim Money Heist trên Netflix, tôi hơi giật mình vì âm lượng của máy quá lớn, tất cả là vì nó có đến 4 loa chia đều cho 2 cạnh bên (khi đặt theo chiều dọc thì 2 loa hướng lên và 2 loa hướng xuống). Ngoài âm lượng lớn, chất lượng âm thanh của chiếc tablet này theo tôi đánh giá ở mức khá ổn, tức có thể xem phim, nghe nhạc ở mức thưởng thức vừa đủ, các dải âm không bị lấn vào nhau còn để nói về xuất sắc thì gần như không hề có.
Chia sẻ một thiết bị như thế này cho mọi người trong gia đình, cùng biến nó thành một món công nghệ để giải trí tại gia thì sẽ rất tuyệt. Bố có thể đọc tin tức, mẹ xem Youtube hướng dẫn nấu ăn, còn tôi thì xem Netflix trước khi đi ngủ.
Thứ tôi chưa thực sự cảm thấy thoải mái với chiếc iPad Pro này chính là chơi game. Màn hình của nó quá to để có thể cầm trên tay thao tác, nhất là với các tựa game đòi hỏi phải xử lý liên tục như PUBG Mobile hay Liên Quân Mobile thì tôi đành chịu thua.
Nếu giải trí nhẹ nhàng một vài game Arcade thì có lẽ sẽ phù hợp với chiếc máy này hơn.
Đôi chút về camera, dù biết rằng camera trên iPad Pro năm nay cũng được nâng cấp nhiều, nhưng cá nhân tôi không thích dùng đến nó, vì ai cần cầm một chiếc máy tính bảng to nặng để chụp đâu chứ. Với tôi, cứ đưa iPhone lên chụp, sau đó chuyển nhanh qua AirDrop và chỉnh sửa ngay trên iPad rồi đăng lên mạng xã hội hoặc dùng để viết bài tiện hơn rất nhiều. Apple có một hệ sinh thái như thế, chỉ cần tận dụng là sẽ thấy nó hoạt động kết nối với nhau vô cùng hiệu quả.
Trông cụm camera mới hấp dẫn đấy, nhưng đó không phải là thứ mà tôi quan tâm.
Kết luận
Sau 2 ngày trải nghiệm nhanh, một người bạn có hỏi tôi rằng cảm nhận về chiếc máy này thế nào? Có tù túng so với laptop mà tôi đang dùng hay không? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và hôm nay sau khi trả máy, tôi đã nhận ra chính iPad Pro này mang đến cho tôi một trải nghiệm rất riêng. Nó không hề tù túng như cái cách mà Apple làm với iOS, nhưng ngược lại lại mang đến cảm giác sử dụng vô cùng tự do, từ công việc bàn giấy cho đến công việc sáng tạo và cả giải trí.
Nhưng, sự tự do ấy muốn có được cũng phải đánh đổi khá nhiều, đó là giá thành. Thật sự thì giá thành của một chiếc iPad Pro này, dù là 2018 hay 2020 cũng vẫn còn khá chát, chưa kể ta phải cần trang bị thêm cover, bàn phím và thậm chí là chuột thì trải nghiệm ấy mới hoàn toàn tự do.
Cuối cùng, quay trở lại với những ý kiến mà ngày trước tôi bị áp đặt vào, rằng “iPad là món đồ không mua thì thấy thiếu, nhưng mua rồi lại thấy thừa”, tôi nghĩ có lẽ thời điểm ấy họ đã đúng, vì có thể iPad khi ấy chưa hoàn chỉnh, hoặc OS chưa được chuyên nghiệp để có thể làm được nhiều thứ hơn. Nếu là tôi khi ấy, chọn chiếc iPad từ nhiều năm trước, có lẽ cũng sẽ sớm bán đi; nhưng với iPad hiện tại, có lẽ tôi phải bỏ ống heo từ bây giờ để sớm “kết duyên” cùng nó trong tương lai.
Tuấn Lê
Chọn iPad Pro 2017 hay iPad Pro 2020 để làm việc online mùa dịch Covid-19
Đây là thời điểm mà mẫu iPad đang rất HOT trên thị trường, và việc lựa chọn giữa iPad Pro 2017 và iPad Pro 2020 cũng cần được cân nhắc kỹ trước khi "xuống tiền".
Video so sánh iPad Pro 2017 và iPad Pro 2020.
Dòng sản phẩm iPad Pro năm 2020 của Apple có thể không có nhiều điểm khác biệt lớn so với phiên bản iPad Pro 2018. Tuy nhiên, khoảng cách sẽ lớn hơn khi so sánh với phiên bản iPad Pro năm 2017.
Sự khác biệt trên camera.
Nếu còn đắn đo chưa thể nâng cấp lên iPad Pro 2018 thì giờ là lúc người dùng iPad Pro 2017 nên đổi sang iPad Pro 2020.
Phần cứng
Điểm số đa lõi trên iPad Pro 2017 (trái) và iPad Pro 2020 (phải).
Chỉ xét riêng về phần cứng bên trong đã có một khoảng cách lớn giữa iPad Pro 2017 và iPad Pro 2020. Dòng máy tính bảng mới hơn mạnh hơn rất nhiều, tích hợp chip đồ họa tốt hơn và tự hào với nhiều tính năng hơn. Bộ xử lý đã chuyển từ A10X Fusion sang bộ xử lý A12Z. A10X Fusion là chip sáu lõi trong khi A12Z hiện là 8 lõi.
Điểm hiệu năng đồ họa của iPad Pro 2017 (trái) và iPad Pro 2020 (phải).
Các phiên bản mới năm 2020 cũng được trang bị RAM 6GB, có các ứng dụng thực tế tăng cường AR, hỗ trợ một số lượng lớn các tab tài liệu mở hoặc các ứng dụng đang hoạt động ở chế độ nền. Không những thế, khả năng kết nối Wi-Fi 6 cũng được tích hợp trên iPad Pro mới.
Hiệu suất
Những thay đổi nội bộ đã giúp dòng iPad Pro năm nay cải thiện hiệu suất rất nhiều. Trên các dòng máy tính bảng khác, việc tăng sức mạnh này có thể không quan trọng nhưng những người dùng chuyên nghiệp sẽ tận dụng được những lợi ích này.
Thiết kế mặt sau khác biệt với cụm camera.
Trên bài kiểm tra hiệu năng Geekbench 5.1 cho cả 2 mẫu máy tính bảng, phiên bản iPad Pro năm 2017 chỉ đạt 754 điểm cho lõi đơn và 2222 cho đa lõi. Trong khi đó, phiên bản iPad Pro năm 2020 có điểm số lõi đơn và đa lõi lần lượt là 1117 và 4690. Mức tăng lên tới gần 100% trong bài kiểm tra đa lõi một phần nhờ hai lõi bổ sung cũng như chip mạnh hơn. Tương tự, về khả năng xử lý đồ họa, phiên bản năm 2017 chỉ ghi được 6581 điểm trong khi phiên bản 2020 ghi tới 9296, tăng 50%.
Camera
Rõ ràng, sự thu hút ngay từ ban đầu đã tập trung vào thiết kế camera lớn của iPad Pro 2020 với 3 cảm biến, khá giống với iPhone 11 Pro và iPhone 11 Pro Max. Bố cục camera của mẫu iPad Pro mới chứa camera góc rộng 12 MP, camera siêu rộng 10 MP, đèn flash True Tone và máy quét LiDAR. Trong khi đó, iPad Pro 2017 chỉ có ống kính máy ảnh góc rộng 12MP đơn giản, nhô ra một chút và nằm cạnh đèn flash True Tone.
iPad Pro năm nay có cụm 3 camera sau khá hoành tráng.
iPad Pro mới năm nay có thể quay video 4K ở tốc độ 24FPS, 30FPS và 60FPS trong khi mẫu iPad Pro 2017 chỉ có khả năng quay video 4K ở tốc độ 30FPS. Đáng chú ý, phiên bản mới cũng cung cấp khả năng quay video chuyển động chậm ở 1080p 240FPS trong khi mẫu 2017 chỉ có thể quay 240FPS slo-mo ở 720p. Về âm thanh, iPad Pro mới có 5 micrô "chất lượng phòng thu", vượt xa các micrô kép trên model 2017.
Thiết kế
Về thiết kế, ngoại hình của dòng iPad Pro năm nay khác hoàn toàn với thế hệ cách đây 3 năm vì có viền mỏng hơn, tăng kích thước màn hình mà không làm tăng kích thước tổng thể. Nói cách khác, iPad Pro 2020 có vẻ nhỏ và gọn tay hơn.
Rõ ràng, việc bỏ nút Home và thay thế bằng cảm biến Face ID đã giúp thu nhỏ tối đa viền màn hình cho iPad Pro năm nay. Face ID sử dụng hệ thống camera TrueDepth cho phép chụp ảnh selfie ở chế độ chân dung, ấn tượng hơn nhiều so với camera đơn nghèo nàn trên iPad Pro 2017.
Những thay đổi thiết kế khác bao gồm: bỏ giắc cắm tai nghe trên các mẫu mới, chuyển sang USB-C và tích hợp bộ sạc cảm ứng cho Apple Pencil thế hệ thứ hai. Cuối cùng, Bàn phím thông minh Magic chỉ tương thích với iPad Pro 2018 và 2020 và iPad Pro 2017 không có được vinh dự này.
Kết luận
Dòng iPad Pro 2020 của Apple nổi bật hơn tất cả với sức mạnh vượt trội, camera ấn tượng và các tính năng đáng kinh ngạc. Tất nhiên, so với các dòng máy tính bảng Android khác trên thị trường, iPad Pro 2017 không hề lép vế vì vẫn có khả năng xử lý mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi so với iPad Pro 2020 ấn tượng, nhiều người sẽ chọn nâng cấp lên mẫu iPad mới hơn.
An Nhiên
iPad Pro 2020 và Macbook Air 2020/ MacBook Pro 2019 đang khiến người dùng bấn loạn Bằng việc ra mắt iPad Pro 2020, Apple đã khiến cho việc lựa chọn giữa những chiếc MacBook mới và iPad Pro trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Không giống như những năm trước đây, ranh giới giữa dòng máy tính bảng iPad Pro, máy tính xách tay giá phải chăng - MacBook Air và máy tính xách tay cao cấp...