Trải nghiệm Galaxy Fold: “Kỳ quan công nghệ” của Samsung có gì thú vị?
Galaxy Fold có thực sự xứng đáng với cái danh “Kỳ quan công nghệ” mà chính Samsung đã đặt ra hay không? Sau hơn 3 tuần trải nghiệm, mình đã có được lời giải đáp hoàn chỉnh cho câu trả lời trên, hãy cùng tìm hiểu nhé.
Galaxy Fold là một sản phẩm không dành cho số đông người dùng, rõ ràng nhìn vào mức giá bán cũng như số lượng sản phẩm bán ra giới hạn thì ai cũng có thể hiểu được điều đó.
Có lẽ Samsung muốn định hình sản phẩm này ở một “tầm” khác với các flagship của hãng cũng như của các hãng khác. Ở cái “tầm” mà dù bạn có tiền cũng chưa chắc đã có thể sở hữu được Galaxy Fold.
Riêng điều này thôi đã khiến Galaxy Fold trở nên rất đặc biệt rồi.
Hoàn thiện ngoại hình tốt, màn hình gập ấn tượng
Điểm đặc trưng và dễ nhận biết nhất chính là thiết kế của Galaxy Fold, thiết kế gập trong với 2 trạng thái màn hình vô cùng ấn tượng và mang đậm nét “tương lai”.
Thực tế, khái niệm màn hình gập không phải là điều gì đó còn quá xa lạ với giới công nghệ và người dùng am hiểu công nghệ nữa. Một số nhà sản xuất đến từ Trung Quốc đã rất nhanh tay ra mắt trước đó một vài mẫu sản phẩm nhưng lại chỉ bán tại thị trường nội địa hoặc thương mại.
Đối với Samsung, Galaxy Fold có lẽ là sản phẩm màn hình gập đầu tiên được thương mại hóa trên nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ và người dùng có thể được sở hữu, tận tay trải nghiệm. Cũng chính vì thế mà Galaxy Fold, dù không phải sản phẩm gập đầu tiên được giới thiệu nhưng sẽ là sản phẩm đầu tiên tiếp cận được với đại đa số người dùng.
Khác với smartphone thông thường chỉ có 1 kiểu hình dáng với 1 màn hình cố định, không thể thay đổi kích thước. Galaxy Fold có thể sử dụng linh hoạt 2 trạng thái, 1 màn hình nhỏ kích thước 4.6 inch và 1 màn hình lớn kích thước đến hơn 7 inch.
Để làm được điều này, Samsung đã thiết kế nên một bản lề và áp dụng công nghệ tấm nền “dẻo” có thể dễ dàng gập mở.
Bản lề và khung của máy là chất liệu thép vừa đủ độ cứng để bảo vệ an toàn cho cơ chế gập và cũng đủ “sang” nhằm giúp góp phần tạo nên thiết kế đẹp mắt, đẳng cấp. Mặt trước và sau đều là kính cường lực, bóng bẩy và sang trọng.
Với chừng đó tạo hình thôi cũng đã đủ thấy được sức hấp dẫn của Fold, có người bạn của mình từng chia sẻ rằng Galaxy Fold khi đeo theo ốp carbon tặng kèm làm liên tưởng đến 1 sản phẩm siêu cao cấp là Vertu, thiết kế dài dài và cảm giác cầm nắm nặng nặng tay rất đã.
Ở trạng thái màn hình 7 inch, Galaxy Fold lại một lần nữa tạo được ấn tượng cho người dùng và cả những người xung quanh. Chuyện sử dụng một chiếc máy tính bảng ở quán cafe hay nhà sách đã không còn xa lạ nhưng chiếc máy tính bảng đó có thể thay đổi kích thước “nhỏ lạ” hoặc “to ra” là điều vô cùng lạ lẫm mà mình tin chắc rằng không phải ai cũng được tận mắt chứng kiến.
Khi mở ra Galaxy Fold vẫn khá gọn, tức là bạn vẫn có thể dùng 1 bàn tay để cầm được sản phẩm này và tay còn lại thực hiện thao tác cảm ứng. Nói chung, dù ở trạng thái nào thì Galaxy Fold vẫn gọn gàng và tiện lợi.
Trải nghiệm khác biệt với màn hình gập
“Nỗi niềm” của người dùng là luôn muốn có một chiếc điện thoại sở hữu màn hình thật lớn để đáp ứng nhu cầu sử dụng, xử lý công việc, giải trí ở mức tối đa nhất. Đó cũng là lý do vì sao những năm trở lại đây chúng ta thấy smartphone ngày càng được tối ưu không gian màn hình.
Tuy vậy, 6.8 inch có lẽ vẫn chưa đủ “lớn” để đáp ứng tối đa nhu cầu cho mọi đối tượng khác hàng. Smartphone có thể lên đến 7 inch nhưng sẽ đạt ngưỡng giới hạn về kích thước, cồng kềnh và không tiện lợi.
Vì lẽ đó, một sản phẩm có màn hình gập như Galaxy Fold lại là lựa chọn vô cùng hợp lý, đủ nhỏ gọn để nghe gọi, liên lạc cơ bản và cũng đủ lớn để có thể đọc email, tin tức, xử lý công việc, chơi game hay xem video trực tuyến.
Màn hình kích thước nhỏ của Fold là 4.6 inch, sử dụng công nghệ hiển thị AMOLED, vì kích thước nhỏ nên độ phân giải HD vẫn cho độ chi tiết rất cao. Màn hình này được sử dụng tối đa cho các tác vụ liên lạc như nhắn tin, nghe gọi cơ bản, bởi sự gọi gàng và linh hoạt của nó.
Một điều hơi đáng tiếc là kích thước màn hình nhỏ chỉ dừng ở con số 4.6 inch, trong khi viền trên và dưới vẫn còn khá nhiều. Giá như Samsung đưa kích thước lên khoảng 5 inch có lẽ thao tác liên lạc sẽ trở nên thoải mái hơn rất nhiều.
Màn hình lớn có kích thước chính xác là 7.3 inch, độ phân giải 2K và sử dụng tấm nền Foldable Dynamic AMOLED giúp màn hình có thể gập lại mà không bị ảnh hưởng khả năng hiển thị.
Màn hình này sở hữu một lớp bảo vệ bằng chất liệu poly mà không phải kính cường lực như chúng ta thường thấy. Vì poly có độ đàn hồi tốt phù hợp cho thao tác gập.
“Wow” sẽ là cảm giác đầu tiên khi người dùng mở chiếc Fold này ra, không gian hiển thị rộng lớn nằm gọn trong lòng bàn tay. Giờ đây việc theo dõi nội dung sách báo đã trở nên dễ dàng hơn.
Video đang HOT
Tỷ lệ màn hình lớn của Galaxy Fold là 4:3 vuông vắn và phần nào khiến việc cầm Galaxy Fold giống như đang cầm một quyển sách vậy.
Bạn có thể thư thả chọn một quán cafe thân thuộc nào đó mở chiếc Galaxy Fold ra mà bắt thường thức cuốn ebook đang đọc dang dở hôm trước hay theo dõi các thông tin thời sự nóng hổi. Toàn bộ nội dung được tái hiện đầy đủ, rõ ràng như một trang sách ngay trước mắt, điều mà những mẫu điện thoại 6 inch chưa thể làm được.
Camera: Đủ ống kinh, đa tính năng
Mình không phải là một người thường xuyên sử dụng camera di động, tuy vậy vẫn cần một thiết bị có đủ các góc chụp và có khả năng xử lý ánh sáng tốt để đáp ứng nhu cầu trong một số trường hợp cần thiết.
Đặc biệt là trong những buổi tiệc lớn, một thiết bị di động có hệ thống phần cứng camera tuyệt vời sẽ mang đến trải nghiệm và hỗ trợ tốt, linh hoạt hơn.
Hệ thống camera chính của Galaxy Fold gồm 3 ống kính chính, lần lượt là: 12MP camera góc rộng 12MP camera tele và 1 camera góc siêu rộng có thông số 16MP, mức thông số tương đương với Galaxy Note10 . Chất lượng hình ảnh cũng tương đương và không có quá nhiều khác biệt.
Ngoài camera chính, thì Samsung Galaxy Fold còn có rất nhiều camera selfie, 1 camera selfie ở trạng thái màn hình 4.6 inch thông số 10MP và 2 camera selfie ở trạng thái màn hình 7.3 inch thông số 10MP 8MP. Việc có thêm 2 camera selfie bên trong đối với mình là không cần thiết, bởi mình rất ít khi selfie ở trạng thái màn hình lớn, selfie với màn hinh 4.6 inch nhanh và gọn hơn.
Nhìn chung, chất lượng ảnh của Galaxy Fold tương đương với Galaxy Note 10 , chụp đêm tốt, chi tiết cao, tốc độ bắt nét ổn định và linh hoạt trong nhiều tính huống chụp khác nhau.
Một số bức ảnh được chụp từ Galaxy Fold:
Cấu hình “khỏe” đa nhiệm mượt mà
Đối với những mẫu di động thông thường, nói đến cấu hình mạnh có lẽ người dùng sẽ nghĩ ngay đến những tựa game khủng, nhưng với Galaxy Fold thì hoàn toàn khác.
Đối tượng người dùng mà Galaxy Fold hướng đến có lẽ không dành nhiều thời gian cho việc chơi hay khám phá các trò chơi cấu hình cao đang phổ biến trên thị trường. Đối với họ, một chiếc máy tốt là một chiếc máy đủ mạnh để xử lý nhanh các thao tác liên lạc theo cách ổn định nhất. Một chiếc máy tốt còn là một chiếc máy mạnh để có thể xử lý đa nhiệm ổn định trong thời gian dài.
Và Galaxy Fold có đủ những yếu tố đó, hoạt động với vi xử lý Snapdragon 855 được sản xuất trên tiến trình 7nm, đây là con chip mạnh nhất của Qualcomm trong nửa đầu năm 2019. Đi cùng với đó là RAM 12GB và bộ nhớ trong lên đến 512GB.
Những thông số này là quá “dư” nếu người dùng chỉ dùng để liên lạc hay xử lý công việc, tuy nhiên Galaxy Fold là một sản phẩm “đa năng”, nó có thể hoạt động song song 3 ứng dụng trên cùng một màn hình vì lẽ đó mà 12GB RAM sẽ là điều kiện đảm bảo máy luôn ổn định. Dung lượng bộ nhớ 512GB cho phép người dùng lưu tài liệu cá nhân, video ở chất lượng cao theo cách thoải mái nhất mà không lo vấn đề bộ nhớ.
Tất nhiên với mức cấu hình như trên, Galaxy Fold cũng sẽ cho trải nghiệm chơi game với các tựa game nặng rất “ổn” nhưng mình tin chắc người dùng đã sẵn sàng chi ra khoản tiền lớn mua Galaxy Fold thì game không phải là thứ để họ quá quan tâm.
Thời lượng pin tốt, bảo mật khuôn mặt tiện lợi
Galaxy Fold sở hữu viên pin 4,380mAh thực tế đây không phải là dung lượng pin quá lớn so với một sản phẩm có màn hình 7.3 inch chứ chưa nói gì đến việc phải “gánh” đến 2 màn hình.
Một số người dùng có suy nghĩ Galaxy Fold có thời gian hoạt động liên tục không quá tốt. Nhưng thực tế trải nghiệm cho kết quả đi ngược lại với số đông.
Mình dùng 1 SIM để có thể bật 4G gần như liên tục, thì thời gian hoạt động của máy có thể lên đến gần 2 ngày. Hoạt động chính của mình là lướt web, check mail và xem video, mình không trải nghiệm game và có lẽ đây là lý do giúp Galaxy Fold hoạt động lâu hơn.
Tất nhiên, kết quả này chỉ mang tính tham khảo, bởi thời lượng pin của 1 sản phẩm còn phụ thuộc rất rất nhiều vào nhu cầu sử dụng của người dùng. Một số trang công nghệ nổi tiếng đã test và đưa ra kết quả Galaxy Fold hoạt động liên tục trong khoảng 10 tiếng, tức là hơn 1 ngày sử dụng.
Máy có hỗ trợ sạc nhanh với tốc độ cơ bản là 15W, thời lượng pin tốt như vậy thì theo mình sạc nhanh 15W là đủ nhu cầu.
Galaxy Fold hỗ trợ 3 cơ chế bảo mật chính là: Vẽ kiểu hình/code/nhập số truyền thống, vân tay (đặt bên phía cạnh phải) và mở khóa nhận diện khuôn mặt.
Mình không thường xuyên sử dụng vân tay, thay vào đó là đăng ký bảo mật khuôn mặt. Tính năng này của Galaxy Fold rất hay, mỗi khi bạn mở màn hình lớn ra thì ngay lập tức máy sẽ nhận diện khuôn mặt và cho phép truy cập, rất nhanh và tiện lợi. Đây cũng là một trải nghiệm rất thú vị mà mình từng được trải nghiệm đối với thiết bị di động.
Tạm kết
Có thể thấy, thứ tạo nên sự “đẳng cấp”, sự thú vị và khiến Samsung tự hào về Galaxy Fold đó chính là vẻ bề ngoài của sản phẩm. Không ngoa khi nói rằng đây là “Kỳ quan công nghệ” của năm 2019.
Đi sâu vào trong sản phẩm, ta nhận ra rằng Galaxy Fold được tối ưu phần mềm theo cách riêng để người dùng có thể tận dụng tối đa không gian hiển thị màn hình lớn, đa nhiệm 3 ứng dụng, hỗ trợ thao tác công việc nhanh hơn.
Nét sang trọng trong thiết kế và sự mới mẻ ở trải nghiệm màn hình gập có lẽ là 2 yếu tố tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng lại của Galaxy Fold, đây cũng là nguyên nhân vì sao sản phẩm này cháy hàng liên tục trong 3 đợt mở bán gần đây nhất.
Khá đáng tiếc là Samsung chỉ bán sản phẩm này với số lượng có hạn, việc bạn có điều kiện tài chính tốt cũng chưa hẳn có thể sở hữu được chiếc máy này.
Hy vọng rằng, Samsung sẽ mở thêm nhiều đợt đặt trước Galaxy Fold trong thời gian tới hoặc trong năm sau sẽ có nhiều mẫu smartphone màn hình gập hơn nữa để người dùng có thể tiếp tận và trải nghiệm.
Theo cellphones
Là Fandroid chưa bao giờ dùng iPhone, đây là những gì tôi cảm nhận sau 2 tuần dùng iPhone 11 Pro Max
Mặc dù là một người yêu công nghệ, được thử rất nhiều những sản phẩm mới mẻ trên thị trường nhưng mình chưa bao giờ được động tới một chiếc iPhone.
Nói là chưa được 'động tới' thì cũng hơi quá, vì qua bạn bè, người thân mình cũng đã được cầm thử, 'vuốt vuốt' trong một vài phút để biết được chiếc smartphone của Apple 'mô tê ra sao'. Nhưng mình vẫn muốn có một lần được sử dụng thực tế, sử dụng SIM của mình, được cài những ứng dụng của mình để biết được iPhone có thứ ma thuật gì mà nhiều người tin dùng, thậm chí trở nên cuồng chúng đến mức mỗi năm lại bỏ ít nhất 20 triệu Đồng để mua chúng về sử dụng.
Cơ hội cuối cùng cũng đến khi người anh trong bài viết đánh giá Samsung Galaxy Fold cảm thấy 'chán cơm thèm phở', chuyển hẳn sang sử dụng sản phẩm này và cho mình sử dụng chiếc iPhone 11 Pro Max của anh ấy. Bài viết đó đã nêu lên đầy đủ những cảm nhận của một iFan lâu năm khi 'phải' chuyển qua Android, còn ngược lại thì sao? Một người từ trước tới nay chỉ sử dụng smartphone Android nay bỗng phải cất chúng vào tủ để chuyển qua iPhone như mình thì có cảm nhận gì?
Nhiều người coi smartphone Android và iPhone là 2 phạm trù đối lập nhau hoàn toàn, đã là người sử dụng nền tảng này thì chắc chắn sẽ 'ghét cay ghét đắng', là một anti-fan của nền tảng kia. Trên thực tế mọi thứ đều không rạch ròi như vậy. Tuy là một người chỉ sử dụng smartphone Android từ trước đến nay nhưng mình không hề 'ghét' iPhone, luôn coi đây là một sản phẩm cao cấp và đáng ao ước. Thậm chí, trong quá khứ mình còn tự xưng là một 'iFan'!
Ngược dòng thời gian, sản phẩm công nghệ 'smart' đầu tiên mình được sở hữu và cũng chính là cánh cửa đưa mình vào cuộc chơi công nghệ tốn tiền, tốn thời gian nhưng lại rất vui vẻ đó là chiếc iPod Touch gen 3. Chiếc máy này được bố mẹ mua cho mình sau những lời hứa 'ngon ngọt' rằng nó có tính năng tra cứu từ điển giúp cho việc học tiếng Anh trở nên đơn giản hơn, nhưng quả thực sau khi có nó thì mình chơi game nhiều hơn là sử dụng vào việc học!
Quả thực việc được lần đầu cầm trên tay một sản phẩm từ Apple - bấy giờ được mình coi là biểu tượng của sự hoàn mỹ, của những sản phẩm công nghệ nhưng được coi trọng không kém gì đồ trang sức - thật khó tả. Đến bây giờ nhìn lại chiếc iPod Touch gen 3, ta vẫn thấy được những đường nét hiện đại, mang đầy tính thẩm mỹ mặc dù đã được ra mắt cách đây 10 năm. Mình vẫn nhớ rõ việc mỗi lần nâng cấp iOS là đi tìm phần mềm Jailbreak, niềm vui sướng khi Cydia hiện lên màn hình, và rồi cài đầy những tính năng 'thừa mứa' cho đến khi máy treo và phải khởi động lại!
Mình đã đổi đến 5 đời iPod Touch, gồm 1 chiếc iPod Touch 3, 3 chiếc iPod Touch 4 (mỗi chiếc bị hỏng hoặc mất) và dừng lại ở chiếc iPod Touch gen 5 - một trong những sản phẩm đầu tiên sau khi Steve Jobs mất đi và CEO hiện thời Tim Cook lên nắm quyền. Nhưng nhu cầu sử dụng đã thay đổi, mình cần có một chiếc smartphone để liên lạc, lên mạng và kèm theo đó là thực hiện được tất cả những gì chiếc iPod Touch làm được. Mình không thể lúc nào ra đường cũng đem theo một chiếc iPod và Nokia 1280 'thần thánh' để liên lạc được!
Và thế là chuyến phiêu lưu sang 'đồng cỏ Android', ra khỏi 'vườn Táo' kín cổng cao tường bắt đầu với chiếc smartphone đầu tiên là HTC One X. Mặc dù độ 'mượt' hệ điều hành không thể bằng được Apple kể cả khi so với chiếc iPod Touch lúc bấy giờ, máy đôi khi còn xảy ra quá nhiệt do sử dụng chip Tegra hiệu suất không cao, nhưng HTC One X vẫn đem lại cho mình trải nghiệm hoàn toàn tự do với màn hình lớn hơn, hệ điều hành thoải mái tùy chỉnh và khả năng truyền tệp với máy tính nhanh chóng - không cần dùng tới iTunes, một phần mềm quá nặng nề và chậm chạp trên chiếc máy netbook yếu ớt của mình lúc bấy giờ.
Cứ thế theo thói quen, những smartphone tiếp theo của mình vẫn sử dụng hệ điều hành Android nhưng bởi những hãng khác nhau, bao gồm Sky A870 sau khi HTC One X rơi mất, LG G2 để nâng cấp, LG G6 trong một thời gian ngắn khi G2 đã đến hồi 'nghỉ hưu', Realme 2 Pro và cuối cùng tạm hài lòng với chiếc Samsung Galaxy S10 Plus sau một thời gian chờ đợi để nó giảm giá. iPhone và kèm theo đó là Apple bỗng trở thành 'thông tin nền' đối với mình, mặc dù vẫn có theo dõi nhưng không còn đam mê, không còn là một 'iFan' sử dụng sản phẩm của hãng nữa.
Nói chuyện quá khứ dài dòng quá, có lẽ ta trở lại hiện tại với chiếc iPhone 11 Pro Max - chiếc iPhone đầu tiên mình có cơ hội sử dụng trong một thời gian dài. Và cảm nhận đầu tiên về chiếc máy này đó là chất lượng hoàn thiện phải nói là rất cao!
iPhone từ trước đến nay (trừ iPhone 6 gặp bendgate - có thể bị cong khi để vào túi quần) luôn được đánh giá cao về chất lượng hoàn thiện, và tất nhiên iPhone 11 Pro Max - chiếc iPhone đắt nhất từ trước đến nay cũng không làm ta thất vọng. Mặt bên bằng thép của máy cho một cảm giác cầm cứng cáp, cùng với đó là độ nặng khiến ta tự động nghĩ rằng đây là một sản phẩm đắt giá, rằng số tiền lớn mà ta bỏ ra đã được đền đáp. Song, chất lượng hoàn thiện tuyệt vời này không che dấu được một sự thật: thiết kế của iPhone 11 Pro đã khá cũ.
2 dòng iPhone thực sự làm mình phải 'Wow' về vấn đề thiết kế đó là iPhone 4 và iPhone X. iPhone 4 là chiếc máy đầu tiên hãng từ bỏ thiết kế bầu bĩnh của những dòng iPhone 2, 3 và 3G, sử dụng kim loại để làm mặt bên và kính cho cả 2 mặt tạo một cảm giác cứng cáp và sang trọng hơn rất nhiều. iPhone X thì là chiếc iPhone đầu tiên xóa bỏ nút Home để có thiết kế màn hình tràn viền, và cũng là 'tác nhân' để hàng loạt smartphone Android khác ăn theo thiết kế 'tai thỏ'.
Thế nhưng khác với iPhone 4 - chỉ có một phiên bản kế nhiệm với thiết kế tương tự là iPhone 4S thì thiết kế của iPhone X đã được dùng đến năm thứ 3, vẫn hiện hữu trên chiếc iPhone 11 Pro Max mà mình có cơ hội sử dụng. Và mình cho như vậy là khá nhàm chán. Apple - hãng công nghệ đầu tiên trên Thế giới cán mốc nghìn tỷ USD, với đội ngũ thiết kế chắc chắn là dày dặn kinh nghiệm mà phải tái sử dụng một thiết kế đến năm thứ 3 sao?
Để nói một cách công bằng, thì iPhone 11 Pro Max không giống hệt 2 phiên bản trước khi có một mặt lưng nhám, kèm màu xanh rêu đẹp mắt hơn. Thế nhưng đa phần mọi người mua smartphone là để nhìn vào mặt trước, thứ mà iPhone 11 Pro không có bất cứ thay đổi gì so với iPhone Xs, iPhone X trước đó: vẫn có một vùng cắt lớn, các cạnh viền cũng không còn mỏng khi đặt cạnh những dòng flagship Android nữa.
Lý do lớn nhất để 'tai thỏ' vẫn tồn tại, và trở thành một tính năng mà những người dùng iPhone hay sử dụng để khoe rằng sản phẩm này tốt hơn so với smartphone Android đó là FaceID - tính năng nhận diện khuôn mặt 3D tân tiến của Apple. Và có lẽ họ cũng có lý do để tự hào, vì quả thực FaceID có nhiều ưu điểm so với cách mở khóa bằng vân tay. Đầu tiên, việc mở máy lên khá tự nhiên, nhất là với thế hệ FaceID mới nhất trên iPhone 11 Pro Max có tốc độ nhanh ngay khi cả trong điều kiện tối 'như hũ nút'. Tính năng khóa thông báo cho tới khi máy nhận ra người dùng cũng thực sự rất hay, tăng tính bảo mật ngay cả khi người dùng chưa vào tới màn hình chính.
Nhưng ngược lại, mình cũng cảm thấy bực mình khi không thể mở khóa được máy khi đang đặt trên bàn, nếu muốn làm công việc này thì phải rướn cả người về phía trước để máy nhận diện được khuôn mặt, thay vì có thể đặt tay vào cảm biến vân tay, như ở Galaxy S10 thì ở ngay màn hình.
Tiện nói về một ưu điểm trên Galaxy S10 mà iPhone 11 Pro Max không có: cổng cắm 3.5mm. Có lẽ việc phàn nàn về việc một smartphone không có thành phần này trong thời điểm sắp sang 2020 đã trở nên quá nhàm chán, vì thậm chí đến những smartphone Android tầm cao cũng đã từ bỏ nó rồi. Nhưng ít nhất với Andr oid, ta vẫn có một vài lựa chọn giữ lại nó, đây cũng là một lý do lớn tại sao mình chọn Galaxy S10 chứ không phải Galaxy Note 10 hay bất cứ smartphone tầm cao nào của các hãng khác!
Việc từ bỏ cổng 3.5mm trên smartphone không hoàn toàn vô lý như mình nghĩ trước đây, vì nếu Apple không 'dũng cảm' làm điều này trước thì các hãng smartphone khác sẽ không làm theo, và rồi thị trường tai nghe không dây sẽ không phát triển như hiện nay, ta có lẽ sẽ không có những Noble Falcon, những Grado GW100, những Sony WF-1000xm3. Nhưng có lẽ mình vẫn sẽ 'tối cổ' thêm một thời gian nữa, vì vẫn còn yêu tai nghe có dây và chưa thể bỏ chúng được. Chính vì vậy nếu như mình có nói rằng đã cất tủ tất cả smartphone Android để sử dụng iPhone ở đầu bài thì mình đã nói dối đó, chiếc Galaxy S10 vẫn phải đảm nhiệm nhu cầu làm máy nghe nhạc!
Một điều khó khăn nữa trong việc sử dụng iPhone đó là cổng Lightning. Trong khi toàn bộ thị trường công nghệ và thậm chí cả Apple với những sản phẩm khác đều đang hướng tới sử dụng USB Type-C cho tất cả mọi thứ, thì iPhone vẫn một mình một đường với Lightning, không thể sử dụng chung dây với bất cứ sản phẩm nào mình có sẵn.
Trái ngược với những điểm chưa hài lòng phía trên là một ưu điểm lớn trong cấu hình làm mình cảm thấy thực sự ấn tượng là thời lượng pin. Dù có sử dụng nhiều đến mấy (liên tục bật 4G và phát cả cho máy khác, đặt màn hình độ sáng cao, bật Bluetooth) mình cũng không bao giờ gặp hiện tượng hết pin giữa chừng trong ngày. Đây cũng là một ý nổi bật trong bài đánh giá riêng chiếc iPhone 11 Pro Max này, mà hiện nay chỉ số ít smartphone Android mới có thể bì được.
Quả thực đã rất lâu rồi mình mới sử dụng lại iOS, và nếu nhớ không nhầm thì phiên bản cuối cùng mình sử dụng trước khi chuyển qua Android là iOS 8 trên iPod Touch gen 5. Song iOS vẫn luôn là iOS - những ai đã từng sử dụng nó dù có bỏ bao lâu thì khi trở lại vẫn sẽ thấy quen thuộc, dễ dùng.
Nhờ chỉ có một hệ điều hành di động duy nhất sử dụng trong suốt 13 năm qua mà Apple có cơ hội tối ưu hóa nó đến mức hoàn hảo. Tất cả những thao tác cơ bản của máy đều 'mượt' như những gì iFan tự hào nói. Sự 'mượt' này nằm ở các đồ họa chuyển cảnh đều được làm tỉ mỉ, có thể không thực hiện nhanh chóng được như Android sau khi chỉnh tốc độ đồ họa trong Developer Options nhưng quả thực là đẹp mắt.
Sự mượt mà này cũng thể hiện rõ khi ta chuyển qua lại giữa những camera của máy, trong khi các smartphone Android dù cao cấp đến thấp cấp đều có bước tắt camera này để chuyển qua chiếc khác, thì iPhone 11 Pro Max chỉnh sửa góc nhìn và chuyển không ngừng giữa 3 camera của mình. Chả người dùng nào cần tới điều này, có quả thực không có cũng chả sao, nhưng việc Apple vẫn bỏ thời gian phát triển nó chứng tỏ hãng rất quan tâm tới sự 'mượt' mà ta đang nói tới.
Nói về camera, mình cũng phải đưa ra lời khen về chất lượng chụp hình trên iPhone 11 Pro Max. Trong nhiều trường hợp, chiếc máy này cho những bức hình sắc nét, kiểu phối màu sắc (color science) nhìn tự nhiên, dễ chỉnh sửa. Camera iPhone 11 Pro không toàn diện về mọi mặt như thua Pixel 4 về chất lượng camera chính, chụp đêm không cho ảnh nổi bật như OPPO Reno2, nhưng tất cả mọi thứ đều làm đủ tốt. Smartphone duy nhất hiện nay có thể so bì được với iPhone 11 Pro Max về chất lượng chụp hình tổng thể có lẽ chỉ là Galaxy Note 10.
Ảnh chụp từ iPhone 11 Pro Max
Thế nhưng sử dụng iPhone, mình bỗng gặp lại những 'cái bẫy' đã lâu lắm rồi không phải giải quyết do dùng smartphone Android. Đầu tiên là việc không thể đặt được bất cứ widget nào trên màn hình chính (mình thường đặt widget đồng hồ lớn để xem giờ nhanh), toàn bộ ứng dụng đều được đặt ở màn hình chính nên nhìn rất 'rác' và cuối cùng là không thể đặt ứng dụng ở những vị trí mà mình mong muốn, phải sắp xếp theo thứ tự. Việc mất đi nút Back cố định cũng làm mình đôi lúc phải 'ngớ người', vì mỗi ứng dụng lại có một cách để trở lại riêng, không giống nhau.
Việc tương tác với những ứng dụng của Google cũng rất bực mình: mặc dù đặt giao diện toàn hệ thống là tối (Dark) nhưng những ứng dụng như Snapseed, Drive, Docs vẫn không thể chuyển được sang màu tối. Mình sử dụng rất nhiều ứng dụng Drive để lưu trữ tệp tin giữa nhiều máy, nhất là với ảnh, iPhone gây bực mình khi chọn quá nhiều ảnh thì không hiện lên lựa chọn để đăng lên Drive nữa. Mỗi khi lấy ảnh từ Drive xuống, máy cũng không cho phép tải trực tiếp vào ứng dụng Photos mà phải đặt vào ứng dụng quản lý tệp trước.
Chuyển tệp giữa máy và đám mây gây khó chịu, mình còn gặp nhiều rắc rối hơn khi chuyển tệp giữa iPhone và máy tính. Để chuyển nhạc hoặc ảnh vào iPhone, ta không thể kéo-thả được như smartphone Android, mà phải thông qua iTunes. Tại sao mình phải sử dụng một phần mềm riêng biệt để chuyển dữ liệu giữa máy tính và smartphone - là một phụ kiện có khả năng lưu trữ? Câu trả lời chắc chắn sẽ là 'Apple bảo là phải thế'!
Có lẽ, iPod Touch là sản phẩm công nghệ đầu tiên nên lúc đó mình không thấy những điều khó khăn về phần mềm trên những sản phẩm Apple. Nhưng sau nhiều năm chuyển qua smartphone Android, mình thấy rằng sự mở, khả năng cho người dùng tùy biến và tự làm những gì mình muốn với dữ liệu hợp với cách sử dụng smartphone của bản thân hơn là một trải nghiệm mượt mà là thế, nhưng lại rất đóng của iOS.
Hãy đặt ra một viễn cảnh: nếu như vì một lý do nào đó mà từ giờ trở đi mình chỉ được sử dụng iPhone và không được phép 'chạm' vào bất cứ một chiếc smartphone Android nào nữa, thì cuộc sống của mình sẽ thay đổi như thế nào? Câu trả lời chắc chắn sẽ là không thay đổi gì! iPhone hay smartphone Android, đến cuối cùng vẫn chỉ là những chiếc smartphone để phục vụ cuộc sống, mặc dù có sự khác biệt nhưng chắc chắn bất cứ ai sử dụng một nền tảng đủ lâu cũng sẽ thấy quen thuộc, tiếp tục sử dụng thành thạo.
Thế nhưng viễn cảnh này sẽ không xảy ra, và sau 2 tuần sử dụng iPhone mình đã trở lại với chiếc Galaxy S10 Plus của mình, và cảm thấy như 'trở về nhà' với một smartphone 2 SIM vật lý, với cổng 3.5mm, và trên hết là những lựa chọn trong tùy chỉnh phần mềm mình đã làm để việc sử dụng máy trở nên nhanh, cá nhân hóa hơn. Và đó có lẽ cũng là điểm mấu chốt của bài viết này: sự lựa chọn.
Sự lựa chọn là điểm mạnh nhất của smartphone Android. Khi nói về Android, ta đang 'bao trùm' tới hàng chục hãng, hàng trăm dòng smartphone khác nhau với giá bán từ rất rẻ (1 2 triệu Đồng) đến cao cấp tương tự như iPhone 11 Pro Max. Bất cứ ai cũng có lựa chọn phù hợp cho riêng mình, dựa trên tầm tiền, thiết kế, cấu hình bên trong và trải nghiệm phần mềm; và nếu không hài lòng với phần mềm thì ta lại có những tùy chọn tùy biến cho đến khi hài lòng thì thôi. Thế giới Android như cái chợ với 'thượng vàng hạ cám', nhưng không hề thiếu 'vàng'!
Ngược lại, những ai đã mua iPhone thì chắc chắn sẽ có một trải nghiệm an toàn, dễ dàng vì sự hoàn thiện từ vỏ ngoài đến phần mềm đều được Apple đặt lên hàng đầu, hay nói một cách dân dã: Mua về là dùng thôi! Song, ta không có những lựa chọn về thiết kế, kèm theo đó là phải tự 'uốn nắn' cách sử dụng bản thân theo những quy tắc mà hãng đã đặt ra cho hệ điều hành iOS chứ không phải ngược lại là ta điều chỉnh nó theo đúng nhu cầu của mình.
Điều ngăn cản mình mua iPhone để sử dụng trong quá khứ là giới hạn về kinh tế đã không còn hiện hữu, vì bây giờ nếu 'cắn răng' chi một số tiền lớn thì mình cũng có thể sở hữu cho mình một chiếc rồi. Nhưng mình sẽ không làm điều đó, vì giờ mình đã có những lựa chọn trong Thế giới Android phù hợp với bản thân hơn!
Theo tri thức trẻ
Samsung đã bán được hơn một triệu chiếc Galaxy Fold Theo thông tin từ đại diện Samsung, đã có tới hơn 1 triệu chiếc Galaxy Fold được bán ra trên toàn cầu. Trong khuôn khổ sự kiện TechCrunch Disrupt Berlin được diễn ra vào ngày hôm qua, Chủ tịch Samsung Electronic - ông Young Sohn tiết lộ rằng gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã bán được 1 triệu chiếc Galaxy Fold....