Trải lòng của giáo viên sắp bị cắt hợp đồng
Giáo viên hợp đồng lương chỉ 3,5 triệu đồng, trong khi phải đau đầu với đủ thứ hồ sơ sổ sách, mỗi năm phải có một sáng kiến kinh nghiệm…
Nằm trong số hơn 260 giáo viên bị cắt hợp đồng của tỉnh Cà Mau, thầy giáo Trần Đức Tín chia sẻ tâm tư với nghề.
Tôi là giáo viên Ngữ văn THPT ở một huyện nhỏ thuộc tỉnh Cà Mau. Về dạy từ năm 2014, như thường lệ số phận những giáo viên hợp đồng chúng tôi luôn lo lắng mỗi khi hè đến. Lo về biên chế lớp học của năm sau, không biết mình còn có cơ hội đứng lớp hay nhận được quyết định cắt hợp đồng.
Đến nay đã 4 mùa hè, 4 lần lo lắng và năm nay mọi chuyện trở nên khó khăn hơn vì Cà Mau cắt hợp đồng giáo viên. Tôi không muốn cầu xin, đơn giản chỉ muốn trải lòng.
4 năm trôi qua, tôi đã có những thế hệ học trò khôn lớn. Chúng ra đi đến những khung trời mơ ước, còn chúng tôi ở lại đưa đò cho các thế hệ sau. Nhưng giờ sắp rời xa nghề, đọng lại trong tôi là những kỷ niệm.
Với nghề, tôi cảm thấy rất bạc bẽo. Thứ nhất vì lương thấp, mỗi tháng tôi nhận được khoảng 3,5 triệu đồng, phải thuê trọ, lo vợ con và các khoản chi phí khác, chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu tiền lương…
Nhiều người bảo giáo viên chúng tôi rất sung sướng, thu nhập cao vì dạy thêm. Nhưng về nguyên tắc, Nhà nước cấm dạy thêm. Việc giáo viên vẫn dạy thêm là có, nhưng phải nơm nớp lo sợ, sợ thanh tra, sợ kỷ luật… Tôi không dạy thêm vì cũng sợ! Vậy nên với tất cả số tiền 3,5 triệu đồng phải chi tiêu đủ thứ, nếu may mắn không bệnh tật, dè sẻn vẫn không đủ sống.
Một lứa học sinh của thầy giáo Trần Đức Tín.
Về thời gian của một giáo viên, nói thật nghề của chúng tôi không lao động nặng, nhưng cũng phải nhức đầu mỏi mắt với các hồ sơ sổ sách, nào là: Kế hoạch giảng dạy, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ chủ nhiệm, sổ báo giảng, học bạ học sinh, sổ điểm cá nhân, sổ dự giờ…
Ngoài ra, mỗi năm giáo viên phải có một sáng kiến kinh nghiệm. Tôi nghĩ nhà bác học, nhà khoa học cả đời chỉ cần một sáng kiến là đủ, còn giáo viên chúng tôi mỗi năm phải có một sáng kiến, thật phi lý. Và sáng kiến, tâm huyết của chúng tôi chỉ để nộp lên Sở Giáo dục mà chẳng thấy áp dụng gì…
Giáo viên cũng phải hội họp liên miên như: họp tổ chuyên môn, họp hội đồng sư phạm, họp đoàn thanh niên, công đoàn, chi bộ, bồi dưỡng chính trị khi hè đến… Ngoài ra, chúng tôi còn phải tham gia đủ phong trào của trường, ngành, sở, bộ.
Thứ hai, thời gian công tác là thời gian chúng tôi cống hiến, đầu tư hy vọng, mơ ước, thời gian, công sức, kiến thức và cả tuổi trẻ. Chúng tôi chấp nhận mức lương thấp chỉ vì muốn được yên thân.
Video đang HOT
Tuy nhiên, khi tinh giản biên chế, cắt hợp đồng là phải ra đi tay trắng và nhiều người trong chúng tôi đã già, đúng như câu nói: Lỡ thầy, lỡ thợ, lỡ công nhân! Nhiều người không còn sức lực đủ bươn chải cho công việc khác, cũng chẳng biết phải đi đâu về đâu cho những tháng năm còn lại…
Tôi viết ra đây không để cầu xin, chỉ để trải lòng với nghề. Cái nghề mà người ta vẫn tung hô là cao quý nhất, nhưng tôi nghĩ từ nay nên đổi lại là nghề bạc bẽo nhất!
Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo, từ ngày 1/7 sẽ chấm dứt hợp đồng với 264 giáo viên đang dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là những năm qua các trường có xu hướng “chia nhỏ” số học sinh để tăng lớp, dẫn đến thiếu giáo viên. Các trường phải tổ chức dạy tăng giờ và hợp đồng thêm giáo viên. Do vậy, kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục trong những năm qua không đầu tư cho mua sắm, sửa chữa mà chỉ tập trung trả lương hợp đồng và tăng giờ.
Trần Đức Tín
Theo vnexpress.net
Lương thấp còn cắt phụ cấp, hàng trăm giáo viên hợp đồng hoang mang
Đầu tháng 7-2018, nhiều giáo viên hợp đồng bị cắt tiền đứng lớp khiến tổng thu nhập vốn đã ít ỏi lại bị giảm nặng nề khiến họ rất lo lắng.
Trường tiểu học Tây Phong, nơi được xác định có dấu hiệu sai phạm trong việc chi trả tiền thu hút, đứng lớp cho giáo viên - Ảnh: TRUNG TÂN
Việc cắt tiền đứng lớp của giáo viên hợp đồng thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) tổng hợp, rà soát lại số việc chi trả phụ cấp đứng lớp đối với giáo viên hợp đồng tại địa phương...
Theo các giáo viên, họ được ký "hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế" từ 5-7 năm nay nhưng mãi không được thi, xét tuyển vào biên chế.
Lương giáo viên hợp đồng, đặc biệt bậc mầm non được trả rất thấp nên khi được huyện trả phụ cấp đứng lớp (35% lương) nhiều người mới đủ điều kiện bám trụ với nghề.
Thế nhưng thông tin bị giảm thu nhập, bị truy thu khiến giáo viên hợp đồng rất hoang mang...
Lương đã thấp, còn bị cắt bớt
"Giáo viên mầm non thường phải đi rất sớm và về rất muộn để đón - trả trẻ. Lương tôi hơn 2 triệu đồng/tháng, cả phụ cấp nữa là gần 4 triệu đồng/tháng. Nay lương bị cắt mất hơn 1,5 triệu đồng/tháng, không biết xoay xở đâu để lo cho gia đình, con cái" - một giáo viên dạy mầm non tại xã Ea Na, Krông Ana chua xót.
Một số trường còn thông báo cho các giáo viên hợp đồng rằng họ có thể bị "truy thu" số tiền phụ cấp đứng lớp đã được chi trả nhiều năm qua.
"Kế toán nhà trường nói từ tháng 7-2018 sẽ không chi trả phụ cấp đứng lớp nữa và tôi còn có thể bị truy thu khoảng 25 triệu đồng đã nhận. Tôi không biết lấy tiền đâu để trả nếu bị truy thu" - một giáo viên mầm non thị trấn Buôn Trấp, Krông Ana lo lắng.
Trả lời vấn đề này, ông Võ Trung Dũng, trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Krông Ana, xác nhận sau khi nghe thông tin, nhiều giáo viên đã rất lo lắng, có ý kiến đến phòng.
"Tuy nhiên việc rà soát này là nhằm đảm bảo việc chi trả phụ cấp đứng lớp cho các giáo viên đã đúng quy định, đúng đối tượng chưa. Đến nay chưa có kết luận là có tiếp tục chi trả hay truy thu tiền đã trả cho giáo viên" - vị này cho biết.
Cũng theo ông Dũng, các giáo viên hợp đồng lương rất thấp nên phụ cấp đứng lớp giúp họ yên tâm hơn trong việc giảng dạy. "Việc huyện kiểm tra, rà soát xem việc chi trả đúng hay không là cần thiết. Tuy nhiên, nếu phải truy thu thì chỉ nên thu trong năm 2018, các năm trước thì thôi để không gây khó khăn về tài chính cho các giáo viên" - lãnh đạo này nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Dương Hường - trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Krông Ana, khẳng định việc rà soát là để chuẩn bị cho đề án vị trí việc làm trong ngành giáo dục của huyện đang được cấp trên thẩm định.
"Việc rà soát nhằm xác định giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện hưởng phụ cấp đứng lớp. Việc này cũng giúp tự chủ về biên chế, tài chính trong các đơn vị công lập theo quy định. Khi tỉnh phê duyệt đề án vị trí việc làm thì huyện mới có thể giao tự chủ tài chính, biên chế về các trường. Khi đó mới xét đến việc có tiếp tục chi trả tiếp, truy thu hay không" - ông Hường thông tin.
Về việc nhiều giáo viên thông tin đã bị "cắt phụ cấp" từ tháng 7-2018, ông Hường cho biết hiện nay huyện chưa chỉ đạo vì đang rà soát. Có thể do các trường tự rà soát các đối tượng theo hợp đồng và chiếu theo quy định nên tự cắt phụ cấp giáo viên.
"Cái này phải kiểm tra cụ thể, xem hợp đồng của giáo viên đó có đủ tiêu chuẩn được phụ cấp đứng lớp theo quy định hay không" - ông Hường nói.
Lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Krông Ana làm việc với các phóng viên - Ảnh: TRUNG TÂN
Nhà trường "ém" tiền thu hút hàng tỉ đồng?
Liên quan đến sự việc này, Huyện ủy, UBND huyện Krông Ana cũng đang cho kiểm tra dấu hiệu sai phạm trong việc chi trả tiền phụ cấp đứng lớp, tiền thu hút theo Nghị định 116 của Chính phủ cho các giáo viên.
Bà H'Dung Niê K'Đăm, phó chánh văn phòng UBND huyện Krông Ana - thừa ủy quyền lãnh đạo huyện này - cho biết việc xác minh, kiểm tra ở các trường là theo đơn tố cáo nặc danh gửi về huyện. "Khi nào có kết quả cụ thể, huyện sẽ có thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí" - bà H'Dung nói.
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, mới đây huyện ủy, UBND huyện Krông Ana nhận được đơn tố cáo nặc danh việc lãnh đạo Trường tiểu học Tây Phong "bớt xén" tiền đứng lớp, thu hút dành cho giáo viên với số tiền hàng tỉ đồng.
Theo đó, lãnh đạo trường Tây Phong đã "lập khống" danh sách những người được hưởng tiền thu hút, đứng lớp để "bòn rút" ngân sách nhưng thực tế tiền không đến tay giáo viên...
Nguồn tin Tuổi Trẻ Online cho biết dù là đơn nặc danh, nhưng do có dấu hiệu vi phạm nên Ủy ban kiểm tra Huyện ủy và Thanh tra huyện đã được giao xác minh, kiểm tra dấu hiệu vi phạm ở trường này cũng như sẽ tiến hành kiểm tra thêm ở các đơn vị khác.
"Qua xác minh, có dấu hiệu vi phạm tại Trường tiểu học Tây Phong, tuy nhiên chưa có kết luận cuối cùng tất cả sai phạm" - nguồn tin nói.
Cũng theo nguồn tin, sau khi bị kiểm tra, mới đây Trường tiểu học Tây Phong đã trả lại cho ngân sách nhà nước số tiền khoảng 1 tỉ đồng. "Huyện đang tiến hành rà soát đầy đủ các yếu tố để có kết luận cuối cùng. Sau này, các cá nhân, tập thể sai phạm tới đâu sẽ tiếp tục xử lý theo quy định" - nguồn tin nói.
Đang xây dựng đề án việc làm ngành giáo dục
Trao đổi với phóng viên, nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Ana cũng lo lắng sẽ bị mất việc như đã xảy ra tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk). Theo tìm hiểu của phóng viên, tổng số lao động trong 33 trường học của huyện Krông Ana đến hết tháng 5-2018 là 1.514 người, trong đó có 1.193 biên chế và 321 giáo viên, nhân viên hợp đồng (261 hợp đồng với huyện, 60 hợp đồng 68).
Theo đề án vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục công lập, huyện Krông Ana sẽ có 1.545 vị trí (THCS 441, tiểu học 679 và mầm non là 425). Huyện cũng giao phòng giáo dục rà soát vị trí việc làm đối với từng giáo viên, nhân viên hợp đồng để có xây dựng phương án xét tuyển, thi tuyển sau khi được phê duyệt đề án.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Krông Ana, giáo viên hợp đồng nhiều năm không thi tuyển, xét tuyển được là do huyện chưa được phê duyệt đề án vị trí việc làm. Đề án đang thẩm định, nếu được thông qua cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng các giáo viên đứng lớp nhiều năm nhưng vẫn "chưa có danh phận". Cụ thể, hiện có hơn 100 giáo viên hợp đồng phù hợp với vị trí việc làm, số còn lại đơn vị đang tiếp tục tính toán, xây dựng...
Theo tuoitre.vn
Giáo viên nổi tiếng gợi ý giải môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018 Thầy giáo Trịnh Quỳnh, Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định- người sở hữu hơn nửa triệu thành viên với lượng tương tác tốt fanpage Học văn - Văn học, gửi đến Dân trí gợi ý bài giải môn Ngữ văn, kì thi THPT quốc gia 2018. I. Đọc hiểu Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ...