Trại heo ở khu dân cư: Cô, trò mang khẩu trang lên lớp
Thầy cô và học sinh trường Tiểu học Điền Hòa (thôn 10, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) phải mang khẩu trang vào lớp học vì môi trường ô nhiễm.
Trong phạm vi bán kính vài trăm mét đến các khu dân cư, trường học, hàng loạt trại heo đua nhau mọc lên tại vùng cát ven biển xã Điền Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) khiến sinh hoạt người dân đảo lộn. Một điểm trường tiểu học cạnh đó cả cô lẫn trò thường xuyên đeo khẩu trang để dạy, học.
Ô nhiễm
Thời điểm chúng tôi có mặt tại điểm lẻ trường Tiểu học Điền Hòa (thôn 10, xã Điền Hòa), cơ sở này vừa vào tiết cuối buổi sáng. Khuôn viên trường nồng nặc mùi thối của phân heo từ những trại nuôi chỉ cách các lớp học vài trăm mét, theo gió phát tán đến dồn dập.
Chị Trần Thị H. (42 tuổi, nhà ở cạnh trường), than: “Dạo này, trại heo tập trung về vùng cát thôn 10 này nhiều, gần chục điểm nuôi lớn, nhỏ. Mùi hôi từ phân heo ngày nào cũng lan đến khu dân cư, rất nhức đầu. Cứ sống thế này miết, dân ở đây rất lo bị nhiễm dịch bệnh”.
Nước thải phân nặng mùi đen kịt, đầy ruồi nhặng bu bám, thuộc trại heo quy mô lớn của HTX Điền Hòa được xả ra môi trường tự nhiên. Ảnh: Tiền Phong.
Thầy Phạm Khoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Điền Hòa, cho biết: Mấy tháng trước, điểm trường thôn 10 bị ảnh hưởng nặng bởi mùi hôi của trại heo, nay giảm hơn. Dân trong vùng từng kiến nghị đến HĐND xã, nhưng ô nhiễm mùi hôi chưa được xử lý triệt để.
Đáng lo ngại, thời điểm gần Tết Đinh Dậu, một trại heo thịt quy mô 1.000 con, xây trên khu quy hoạch rộng khoảng 5 ha, từng bị vỡ hầm phân, nước bẩn chưa qua xử lý tràn thẳng ra môi trường tự nhiên.
Video đang HOT
Đây là một trong những trại heo quy mô công nghiệp lớn nhất huyện Phong Điền hiện nay, do HTX Nông nghiệp Điền Hòa đầu tư liên kết bán sản phẩm heo thịt cho một công ty chăn nuôi. Tuy nuôi công nghiệp, khu xử lý chất thải tại đây xây rất sơ sài, xung quanh không có tường bao, đê ngăn thải.
Ông Trần D, ngụ thôn 10, cho biết: “Trại heo quy mô lớn này mới hoạt động từ giữa năm 2016 nhưng đã xảy ra sự cố tràn phân thải trầm trọng khi gặp mưa lớn. Hỗn hợp chất thải theo nước mưa tràn ra xung quanh, lan vô rừng cây, chảy cả xuống khe suối đổ về khu dân cư bên dưới, tiếp đó là dòng dẫn ra biển”.
Chị Trần Thị H. kể: “Trời mưa, nước phân đen kịt tràn khỏi trại nuôi, tiến gần về khu dân cư, trường học; nắng lên thì mùi thối bốc nồng nặc, bẩn, hôi không chịu nổi”.
Một đại diện ban điều hành thôn 10 cho biết: “Các trận mưa lớn trước đây, cả cô và trò của điểm trường tiểu học đóng tại thôn hễ đến giờ vô lớp là phải mang khẩu trang, bịt mũi, vì quá thối”.
Phớt lờ quy định của UBND tỉnh?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, thừa nhận trại nuôi heo ở thôn 10 từng xảy ra sự cố bục hầm phân, gây tràn chất thải ra ngoài.
Ông Phúc khẳng định sự cố này đã được chủ trang trại xử lý xong từ nhiều ngày trước, hiện trại nuôi đã tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, trái với những gì ông Phúc nói, thời điểm chúng tôi có mặt vào cuối tháng 2/2017, trại heo của HTX Điền Hòa vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng xả nước phân thải ra môi trường.
Hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi cũng chưa được gia cố, nâng cấp. Khu nuôi vẫn để nước phân đen kịt nặng mùi với đầy ruồi nhặng và côn trùng bu bám, chảy ra thẳng dòng khe đất nhân tạo dẫn vào môi trường tự nhiên phía sau trang trại.
“Chỉ cần có mưa to, một lượng lớn nước phân tồn đọng nơi này sẽ ồ ạt đổ về phía dưới, nguy cơ thẩm thấu qua đất cát vào nguồn nước ngầm các khu dân cư, mùi hôi lại bị khuấy lên dữ dội”, ông Trần D. lo lắng.
Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, công nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, ngoài bảo đảm nghiêm ngặt về yêu cầu môi trường, các cơ sở nuôi phải cách xa trường học, bệnh viện, khu dân cư, khu đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt… tối thiểu 300 m đối với trại nuôi dưới 1.000 m2; tối thiểu 500 m đối với khu nuôi rộng trên 1.000 m2.
Với những gì diễn ra ở Điền Hòa, quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế liệu có phát huy hiệu lực, khi các trại heo lại nằm quá gần trường học, đường giao thông chính, khu dân cư; và để xảy ra tình trạng tràn chất thải chăn nuôi ra môi trường…
Theo Ngọc Văn / Tiền Phong
Người dân trải chiếu ngồi giữa đường để ngăn xe rác
Mùi hôi thối từ bãi rác đồi Mốc xộc vào, ruồi nhặng tấn công khiến người dân ở xã Minh Sơn (Thanh Hoá) ăn cơm phải bỏ màn, ngủ phải đeo khẩu trang.
Hơn 10 ngày nay, hàng chục người dân thôn 4, xã Minh Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) liên tục dựng lều, trải chiếu ngồi giữa đường để chặn xe chở rác vào khu đồi Mốc.
Người dân Minh Sơn dựng lều, trải chiếu giữa đường ngăn xe chở rác vào đồi Mốc. Ảnh: Lam Sơn.
Các hộ dân cho biết, đây là lần thứ tư họ tập trung phản đối và yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường quanh bãi rác đồi Mốc.
Đây là bãi rác hình thành tự phát từ năm 2000 trên khu đồi rộng chừng 4.000 m2, tập trung từ rác thải sinh hoạt, công nghiệp đến gia cầm chết. Mỗi ngày hàng chục xe chở rác từ các địa phương đổ về, mặc cho người dân phản ứng dữ dội. Rác chất động theo thời gian nhưng không được xử lý, trong khi bãi rác chỉ cách khu dân cư chỗ gần nhất 100 m, trung bình 200 - 300 m.
"Ngày nào chúng tôi cũng bị tra tấn bởi mùi hôi thối, ruồi nhặng tấn công, có hôm ăn cơm phải bỏ màn, ngủ phải đeo khẩu trang. Trẻ em, người già thường xuyên mắc các bệnh lý về đường hô hấp, có gia đình phải đưa con đi gửi nơi khác", bà Lê Thị Tuyên (60 tuổi) nói.
Ruồi nhặng tấn công khiến nhiều hôm gia đình bà Dương Thị Mai (thôn 4, xã Minh Sơn) phải mắc màn ăn cơm. Ảnh: Lam Sơn.
Anh Lê Ngọc Cửu (44 tuổi, xã Minh Sơn) cho hay, bãi rác nằm quá gần khu dân cư nên mùi hôi thối xộc vào cả ngày lẫn đêm khiến gia đình mất ăn mất ngủ. "Cuộc họp nào bà con cũng đề nghị nhanh chóng di chuyển bãi rác đi nơi khác nhưng mấy năm nay vẫn chưa giải quyết xong. Nhiều hộ dân vì ruồi nhặng quá nhiều, còn sáng chế ra cả cách diệt ruồi bằng vỏ chai nhựa, mắm tôm...", anh Cửu nói.
Ông Lê Phú Thành, Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn cho biết, tình trạng ô nhiễm của bãi rác đồi Mốc đã diễn ra nhiều năm qua, xã cũng chỉ biết tuyên truyền người dân, đề nghị cấp trên phun thuốc cho bớt mùi hôi thối, diệt ruồi nhặng chứ "không còn cách nào khác".
Mong muốn của người dân Minh Sơn là sớm di chuyển bãi rác đi nơi khác. Ảnh: Lam Sơn.
"Huyện sẽ xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Vân Sơn để giải quyết vấn đề rác thải của thị trấn và các xã lân cận. Còn trước mắt vẫn phải đổ rác ở bãi rác đồi Mốc", ông Thành cho biết thêm.
Lê Hoàng
Theo VNE
Cục Đăng kiểm: Cơ sở nào "khai tử" 2,5 triệu xe máy? TP Hà Nội đang tìm giải pháp thu hồi 2,5 triệu xe máy hoạt động từ trước năm 2000 đến nay, những xe này được cho là đã quá đát, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện chưa có quy định về niên hạn sử dụng xe máy và môi trường nên sẽ khó thu...