Trái cây của bầu Đức được bán ở đâu?
Báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) về Tập đoàn HAGL cho thấy thị trường tiêu thụ trái cây của tập đoàn này chủ yếu ở Trung Quốc.
Ông Đoàn Nguyên Đức
Mới đây, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào mảng kinh doanh mới của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là trái cây sẽ mang lại nguồn thu lớn trong ngắn hạn. Có thể đây sẽ là con đường duy nhất để HAGL có thể “lấy ngắn nuôi dài” khi đối diện với áp lực lãi vay khổng lồ.
VCSC cũng đưa ra lý do trồng trái cây của HAGL là vì doanh nghiệp này đang đối mặt với số nợ lớn trong khi dòng tiền yếu do đã đầu tư mạnh vào cao su và cọ dầu. Điều này tạo ra áp lực cho HAGL phải tìm hướng kinh doanh mới mà có thể tận dụng cơ sở hạ tầng nông nghiệp sẵn có nhưng tạo ra dòng tiền nhanh hơn, trong khi cao su và cọ dầu cần nhiều năm mới có thể thu hoạch. Cây ăn trái hợp với các tiêu chí này, đặc biệt là chanh leo vốn chỉ cần 6 tháng từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch.
Trái cây đang là mảng được kỳ vọng giải quyết áp lực nợ vay trong ngắn hạn của HAGL. Đồ họa: V.D
VCSC cho biết thêm hiện sản phẩm đầu ra của HAGL đang được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đối với thị trường trong nước, HAGL đang làm việc với CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) để cung cấp trái cây cho chuỗi siêu thị của đơn vị này. Việc hợp tác của HAG và MWG nếu thành hiện thực sẽ có lợi cho cả hai bên.
TGDĐ đã đến thăm vườn cây ăn trái của HAGL để đánh giá lại khả năng hợp tác. Việc hợp tác sẽ giúp HAGL xác lập sự hiện diện ở thị trường trong nước. Trong khi đó, bản thân TGDĐ cũng đang gặp phải thách thức lớn với chuỗi bách hoá về nguồn cung của sản phẩm rau quả với số lượng lớn và ổn định.
Video đang HOT
Tập đoàn cho biết giá vốn hàng bán đối với chanh leo là 12.000 – 13.000 đồng/kg, trong khi giá bán trung bình vào khoảng 20.000 đồng/kg. Như vậy, biên lợi nhuận gộp vào khoảng 35-40%. Dù chưa có cấu trúc chi phí của các loại trái khác, HAGL kỳ vọng biên lợi nhuận sẽ xấp xỉ hoặc thậm chí cao hơn so với cao su.
HAGL lý giải biên lợi nhuận từ trái cây cao, đầu tiên là nhờ quy mô lớn, cho phép doanh nghiệp bỏ qua nhiều khâu trung gian và bán trực tiếp cho các nhà phân phối lớn cũng như các chợ đầu mối ở Trung Quốc.
Tiếp đó là giá bán cao hơn so với giá của nông dân trong nước nhờ khả năng cung cấp sản lượng lớn, ổn định, chất lượng đồng đều, nguồn gốc rõ ràng (đến từ cùng 1 nhà sản xuất thay vì thu gom từ nhiều nông dân). Khoảng cách cũng như thời gian mang sản phẩm đến thị trường ngắn, cho phép vận chuyển hiệu quả hơn và bảo quản trái cây tốt hơn.
Về việc lựa chọn thị trường xuất khẩu Trung Quốc, VCSC cho biết vị trí các vườn cây HAGL nằm gần Trung Quốc cùng việc tiêu thụ trái cây tại đất nước này đang tăng tốt nhờ tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, Lào, và Campuchia có thể trồng các loại trái cây mà Trung Quốc không có thế mạnh.
Trong năm nay, HAGL đã trồng 18.686 ha cây ăn trái, tập trung vào trái cây nhiệt đới. Trong đó có 17 loại cây ăn trái, nổi bật là xoài (3.983 ha), thanh long (2.988 ha), chuối (2.826 ha) và chanh leo (1.483 ha).
Về mặt phân bổ địa lý, vườn trái cây của HAGL được trồng tại Việt Nam (2.111 ha), Lào (8.731ha) và Campuchia (7.845 ha). HAGL dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ tăng tổng diện tích cây ăn trái lên 20.800 ha.
Công ty cho biết việc trồng nhiều loại trái cây khác nhau sẽ giúp giảm rủi ro liên quan đến sự thay đổi về nhu cầu của thị trường cũng như bệnh dịch.
(Theo Zing News)
Bầu Đức dự kiến doanh thu "khủng" từ trái cây và bất động sản ở Myanmar
Bò thịt không còn là nguồn thu chủ lực của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2017 mà một mảng kinh doanh mới là trái cây và dự án HAGL Myanmar mới chiếm vai trò chủ đạo trong nguồn thu và lợi nhuận của bầu Đức...
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên 2017. Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt là 6.335 tỷ đồng và 2.185 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến là 553 tỷ đồng.
Đáng chú ý, bò thịt không còn là "mũi nhọn" của tập đoàn này trong năm 2017 mà một mảng kinh doanh mới là trái cây mới chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu và lợi nhuận.
Trái cây là "phao cứu sinh" của bầu Đức năm 2017?
Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Tập đoàn này, HAG tham gia vào dự án trồng chanh dây từ đầu năm 2016 và bắt đầu có nguồn thu vào cuối năm 2016, mặc dù đóng góp chưa nhiều vào cơ cấu doanh thu năm 2016, nhưng bước sang năm 2017 thì nguồn thu từ chay dây lại tăng lên cực lớn. Đồng thời, để giúp HAG vượt qua giai đoạn khó khăn, với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài, bầu Đức đã tận dụng quỹ đất dôi dư tại Việt Nam, Lào và Campuchia để trồng các loại cây ăn quả khác như bơ, chuối, thanh long, sầu riêng...
Trong năm 2017, HAG dự kiến có nguồn thu từ chanh dây lên tới 56.250 tấn, góp phần mang lại doanh thu khoảng 1.055 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 437 tỷ đồng. Với Thanh Long, dự kiến năm 2017 thu được 17.000 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 680 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 303 tỷ đồng. Và chuối dự kiến cũng mang về cho HAG sản lượng khoảng 50.000 tấn, mang lại doanh thu khoảng 843 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 354 tỷ đồng.
Một số loại trái cây khác như bơ, sầu riêng... thì chưa ghi nhận doanh thu do thời gian sinh trưởng và cho trái khá dài ngày.
Với ngành "mũi nhọn" của HAG những năm qua là chăn nuôi bò thịt, năm 2017, Tập đoàn dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 40.000 con, góp phần mang lại doanh thu khoảng 1.240 tỷ đồng và lợi nhuận gộp chỉ còn... 124 tỷ đồng.
Ở mảng cao su, trong năm 2017, diện tích khai thác dự kiến vào khoảng 11.000 ha, dự kiến thu được 18.000 tấn mủ khô góp phần mang lại doanh thu khoảng 745 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 202 tỷ đồng.
Mảng kinh doanh thứ 2 dự kiến mang về cơ cấu lợi nhuận cao cho HAG trong năm 2017 là bất động sản tại Myanmar. Theo đó, HAG dự kiến sẽ tiếp tục duy trì hoạt động cho thuê Trung tâm thương mại của giai đoạn 1, hiện đã lấp đầy diện tích cho thuê; phấn đấu nâng diện tích cho thuê văn phòng lên 80% và công suất cho thuê phòng khách sạn lên 70%. Dự kiến, mảng kinh doanh này góp phần mang lại doanh thu cho HAG khoảng 1.142 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 607 tỷ đồng.
Các ngành kinh doanh khác như cung cấp dịch vụ, xây dựng, doanh thu bán hàng hóa và doanh thu án căn hộ khoảng 630 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 158 tỷ đồng.
Ngoài ra, HAG cũng cho biết đang tiến hành các thủ tục chuyển nhượng dự án thủy điện Nậm Kông 2 và tìm kiếm đối tác để thanh lý các dự án thủy điện Nậm Kông 3 tại Lào.
Vì sao bầu Đức "bỏ rơi" ngành bò thịt?
Thực tế, theo báo cáo tài chính mà HAG công bố, có thể thấy lý do bầu Đức "bỏ rơi" ngành bò thịt xuất phát từ biên lợi nhuận của ngành này ngày càng giảm. Cụ thể, dù HAG dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 40.000 con trong năm 2017, góp phần mang lại doanh thu khoảng 1.240 tỷ đồng (chỉ xếp thứ 2 trong cơ cấu doanh thu của HAG, sau mảng trái cây), nhưng chỉ mang về mức lợi nhuận 124 tỷ đồng (chiếm 6% trong lãi gộp của HAG).
Trong khi đó, mảng trái cây lại mang về lợi nhuận khá khủng. Theo tính toán của bầu Đức, với doanh thu dự kiến 2.578 tỷ đồng thì số lãi mang về lên tới 1.094 tỷ đồng (chiếm 50% tổng lãi gộp của HAG).
Một số ngành khác như cao su mang về khoảng 202 tỷ đồng lãi gộp (chiếm khoảng 9%), bất động sản ở Myanmar mang về khoảng 607 tỷ đồng lãi gộp (chiếm 28%) và các ngành kinh doanh khác mang về khoản lãi dự kiến khoảng 158 tỷ đồng (chiếm 7%).
Cùng với HAGL, công ty con của tập đoàn này là HAGL Agrico (mã HNG) cũng thông báo kế hoạch năm 2017 với doanh thu thuần là 4.791 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là 1.509 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 461 tỷ đồng. Cả 2 doanh nghiệp của bầu Đức đều dự kiến không chia cổ tức năm 2017.
Theo danviet
Vụ kéo đến công ty mẹ đòi tiền môi giới công ty con: Chủ đầu tư lên tiếng Bị đòi nợ tiền phí môi giới, chủ đầu tư dự án Gold Hill đã tố ngược đơn vị môi giới tự ý nâng giá để chiếm dụng tiền của khách hàng. Vì thế, chủ đầu tư đã giữ tiền phí môi giới, phòng khi công ty môi giới "ầu ơ ví dầu" với khách hàng. Liên quan đến vụ "Ùn ùn kéo...