Trả tiền mời gọi người học thạc sĩ: Thầy không phải ‘cò’
GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn không tán thành đề xuất trả tiền giảng viên để mời gọi người học thạc sĩ.
Trước thực trạng lượng số lượng tuyển sinh mới trình độ thạc sĩ vào các trường đại học công lập giảm, trong khi trường tư thục tăng mạnh, có ý kiến đề xuất trả tiền cho giảng viên để động viên, khuyến khích thí sinh vào học.
GS.TSKH Phạm Phố thẳng thắn phản đối đề xuất này bởi như vậy không khác nào biến đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thành đa cấp và giảng viên trở thành “cò”.
Phân tích cụ thể, GS Phố cho hay, đào tạo trình độ sau đại học là cần thiết nhưng không thể chạy theo số lượng mà quên chất lượng bởi đào tạo sau đại học là đào tạo những nhà nghiên cứu, nhà sáng tạo thực sự.
Số lượng người vào học thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường phụ thuộc vào chất lượng của người thầy và cơ sở vật chất của trường.
“Trường có bao nhiêu giảng viên chính, bao nhiêu GS, PGS… Giảng viên chính chỉ hướng dẫn phụ, còn hướng dẫn chính vẫn là PGS, GS. Để đảm bảo chất lượng thì người hướng dẫn phải có một tầm nhìn để thí sinh của mình tiến xa hơn, đồng thời tích lũy cho thí sinh năng lực, khả năng dồi dào.
Ở các trường đại học công lập, GS, PGS và điều kiện cơ sở vật chất thường tốt hơn các trường tư thục. Tuy nhiên, do biên chế các trường công lập, các GS về hưu hết, chỉ còn lại lẻ tẻ vài người, phần đông là PGS. Ngược lại, các GS sau khi về hưu thì sang làm việc tại các trường tư thục do đó số lượng GS của các trường tư nhiều khi nhiều hơn các trường công lập.
Đó là về chất lượng người thầy, còn về cơ sở vật chất, khi trường tư đầu tư cơ sở vật chất tốt thì tăng số lượng người học sẽ tăng lên”, GS.TSKH Phạm Phố giải thích.
Video đang HOT
Có thu hút được người học thạc sĩ hay không tùy thuộc vào chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất của trường đại học
Cũng theo nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, hiện nay phần đông người làm nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ phải trả tiền, dù trường công hay trường tư. Vấn đề là nhiều khi trường công tự đánh giá mình cao quá mà xem nhẹ thí sinh, gây nhiều khó khăn cho họ. Trong khi đó, điều kiện thu nhận ở trường tư dễ dàng hơn nên thí sinh sang đó học.
“Hiện nay, bằng thạc sĩ, tiến sĩ là do hiệu trưởng của trường đại học ký và cấp, không phải Bộ GD-ĐT. Bằng của trường nào thì cũng là bằng thạc sĩ, tiến sĩ nên người học sẽ lựa chọn nơi nào điều kiện không quá khắt khe”, GS.TSKH Phạm Phố nói.
Bởi vậy, ông nhấn mạnh, ngoài yêu cầu về chất lượng người thầy, cơ sở vật chất, để thu hút người học thạc sĩ, tiến sĩ, các trường công lập trước tiên phải tuân thủ quy định, quy định thế nào thì làm như vậy, không gây khó cho người học.
“Hữu xạ tự nhiên hương, trường có thầy tốt, cơ sở vật chất tốt, có tiếng tăm thì tự nhiên người học tìm đến”, GS Phố nhấn mạnh.
Một vấn đề khác được vị chuyên gia đề cập, đó là để đảm bảo chất lượng thạc sĩ, tiến sĩ, cần thiết phải có một hội đồng bí mật.
Theo ông, ở các nước khi làm luận án thường có một hội đồng bí mật. Khi nghiên cứu sinh làm xong luận án, hội đồng chấm luận án thông qua thì vẫn phải trải qua sự thẩm tra của hội đồng bí mật, nếu đạt chất lượng thì trường mới cấp bằng. Bằng không, dù nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công ở hội đồng mà hội đồng bí mật tuyên bố không đạt thì cũng coi như không thông qua.
Cách làm như vậy, theo GS.TSKH Phạm Phố, mới đảm bảo công bằng. Điều đáng tiếc là ở Việt Nam hiện nay chưa có hội đồng bí mật. Theo nguyên tắc, khi bảo vệ luận án, thường sẽ mời một PGS hay GS “bí mật” phản biện nhưng ở Việt Nam, phần đông trong ngành đều quen biết nhau, nếu người hướng dẫn học viên là GS thì cuối cùng họ cũng sẽ biết được người phản biện “bí mật” là ai và người phản biện sẽ nể nang mà cho qua.
Bởi thiếu một hội đồng bí mật đánh giá một cách công bằng nên GS Phố cho rằng mới xảy ra chuyện người đã vào học thạc sĩ, tiến sĩ rồi thì lúc bảo vệ ít khi bị rớt.
Thành Luân
Theo baodatviet
Người học muốn có học bổng hoặc được trả lương khi học thạc sĩ
Với sự đa dạng của các chương trình thạc sĩ hiện nay, người học không quá khó để lựa chọn chương trình học phù hợp. Vậy, người học thực sự mong muốn học chương trình thạc sĩ ra sao?
Lễ khai giảng và trao bằng chương trình thạc sĩ, tiến sĩ của một trường ĐH - Đào Ngọc Thạch
Câu hỏi này được bạn trẻ trả lời theo nhiều cách khác nhau. Một người vừa tốt nghiệp ĐH như Vũ Thị Hải Yến (cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) thì kinh phí để học tập là vấn đề đáng quan tâm. Hải Yến cho biết việc theo học chương trình thạc sĩ ở nước ngoài hay ngay cả một số chương trình liên kết với nước ngoài hoặc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh ở trong nước thì học phí khá cao.
"Mình mong muốn các trường trong nước có những chính sách cấp học bổng hoặc trả lương cho học viên cao học để tạo điều kiện cho những sinh viên mới tốt nghiệp ĐH có thể theo học mà không bị áp lực bởi vấn đề học phí", Hải Yến bày tỏ.
Chương trình phù hợp cho người đi làm
Lê Nguyễn Trà My (cựu sinh viên Trường ĐH Văn Lang), mong muốn có chương trình học cao học được thiết kế theo định hướng ứng dụng. Cụ thể, chương trình và giáo trình cung cấp cho học viên cái nhìn đa chiều thay vì theo khuôn khổ lý thuyết suông. Bài tập thực tế theo định hướng ứng dụng cũng chính là thước đo chính xác nhất để biết đầu ra có chất lượng hay không.
Với chương trình học theo hướng ứng dụng này, theo Trà My, tiêu chí để người vừa đi làm vừa đi học chọn lựa là khung giờ học không ảnh hưởng đến công việc. Hiện nay một số trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ dạy trong giờ hành chính, làm cho người học dù rất muốn nhưng không thể sắp xếp được công việc và thời gian để theo học. Vì vậy, lựa chọn với những người này là đành chọn trường khác.
"Khác với chương trình thạc sĩ định hướng nghiên cứu thì chương trình ứng dụng nghề nghiệp nên có đầu vào vừa phải. Tất nhiên, quá trình đào tạo và đầu ra cần siết chặt để bằng thạc sĩ dù theo hướng ứng dụng vẫn đảm bảo có trình độ chuyên môn và ứng dụng cao hơn trình độ trước đó của người học", Trà My mong muốn.
Người học nên có mục đích học tập rõ ràng
Phan Hồng Diễm Linh (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cho biết học tập trung toàn thời gian để thực sự tập trung cho nghiên cứu và lĩnh hội sâu kiến thức là mong muốn ở chương trình thạc sĩ.
"Sau một ngày dài đi làm mệt phờ, nếu phải đi học thêm nữa sẽ học không nỗi hoặc có lên lớp cũng không thể tập trung chứ chưa nói đến việc nghiên cứu", Linh chia sẻ.
Về việc học cao học, Diễm Linh quan niệm: "Bằng thạc sĩ có thể là 'tấm vé thông hành' để lên một vị trí công việc nào đó đối với một số đơn vị, nhưng quan trọng là chương trình ấy sẽ mang lại giá trị thực tiễn gì để những người học thực sự có những đóng góp vượt bậc hơn trong công việc đối với những người ở cấp bậc chuyên môn thấp hơn".
"Mình không phủ nhận việc học cao học sẽ giúp ích cho người học ở nhiều phương diện, tuy nhiên người học nên quyết định tùy yêu cầu công việc cụ thể. Thật sự với công việc hiện nay mình không nghĩ đến việc học tiếp cao học, thậm chí cả ĐH. Vì học cần thêm thời gian, công sức và tiền bạc nhưng đơn vị mình công tác không cần, họ cần tính ứng dụng hơn", Diễm Linh nhấn mạnh.
Theo Thanh niên
ĐH Mở TP.HCM hợp tác đào tạo chương trình thạc sĩ với ĐH Flinders, Australia Tại Trường Đại học Mở TP.HCM đã diễn ra Lễ ký kết thoả thuận hợp tác chương trình liên kết đào tạo đại học 2 cộng 1 và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh giữa Trường Đại học Mở TP.HCM và Đại học Flinders, Australia. Đại diện lãnh đạo 2 trường vui mừng với hợp tác vừa được ký kết Lễ ký kết...