Trả lương triệu tám mà đòi tuyển người tài, buồn cười thật
Nhiều chuyên gia cho rằng: Muốn nâng cao chất lượng của người giáo viên thì trước tiên phải đảm bảo cuộc sống của họ. Giáo viên phải sống được bằng đồng lương.
Mức lương thấp không thu hút được sinh viên giỏi, giáo viên giỏi
Trong thông báo tuyển dụng giáo viên của một trường công lập trên địa bàn Hà Nội có ghi điều kiện tuyển dụng:
Cá nhân có hộ khẩu tại Hà Nội
Có tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện, yêu nghề, yêu thương học sinh
Tác phong nhanh nhẹn, ngoại hình khá, có tinh thần trách nhiệm cao.
Ưu tiên những người có nguyện vọng gắn bó lâu dài.
Ưu tiên những người có kinh nghiệm làm việc, có năng lực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục.
Độ tuổi: Không quá 35 tuổi
Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm I, Đại học Sư phạm – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Sư phạm II- Hà Nội
Có trình độ tiếng Anh tốt, thành thạo tin học văn phòng
Nhìn thông báo tuyển dụng giáo viên như này, nhiều sinh viên Sư phạm lắc đầu lè lưỡi vì yêu cầu cao mà mức lương hợp đồng chỉ có 1,8 triệu đồng/ tháng.
Sinh viên hóm hỉnh: “Đọc những yêu cầu này tôi cứ tưởng họ đang tuyển chuyên gia” hoặc “Với mức lương 1,8 triệu đồng/ tháng bằng với lương làm thêm tại quán cafe nhưng yêu cầu tương đương mức lương 18 triệu đồng/ tháng”.
Lương thấp, giáo viên giỏi khó lòng toàn tâm toàn ý cho công việc (Ảnh:vtv.vn)
Đây là một câu chuyện phản ánh thực trạng tuyển dụng giáo viên hiện nay: Yêu cầu cao nhưng mức lương lại rất thấp.
Điều này dẫn đến tình trạng: Sinh viên giỏi “né” ngành Sư Phạm, giáo viên giỏi xếp bút nghiêng về quê…chăn vịt.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Muốn nâng cao chất lượng của giáo viên, trước tiên phải nâng lương cho họ!
Thầy Nhĩ nói: “Theo tôi chất lượng của giáo dục được tạo nên bởi đội ngũ giáo viên. Họ là những người trực tiếp đứng lớp, giảng bài.
Cho nên nếu muốn nâng cao chất lượng của giáo viên thì phải đảm bảo cho họ có mức lương và đời sống tốt”.
Thầy Nhĩ dẫn chứng và đối chiếu với một số quốc gia: “Tôi đi một số quốc gia họ rất coi trọng người giáo viên. Lương của giáo viên có thể nuôi sống một gia đình.
Trong khi tại Việt Nam, nếu một nhà giáo chỉ có thu nhập 3-4 triệu đồng/ tháng thì không thể nào đủ lo cho cuộc sống của họ chứ đừng nói đến nuôi dạy con cái và có tài sản tích lũy”.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Nâng lương cho giáo viên trước rồi mới tính đến chuyện nâng cao chất lượng (Ảnh:Thùy Linh)
Nhiều chuyên gia cho rằng: Mức lương của giáo viên hiện nay chưa tương xứng với những gì thầy cô bỏ ra.
Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn đến ngành Sư phạm đang không thu hút được sinh viên giỏi và nhiều giáo viên giỏi bỏ nghề làm những công việc khác.
Video đang HOT
Thực tế trong những năm qua, nhiều trường Sư phạm đang gặp khó trong vấn đề tuyển sinh.
Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến sinh viên giỏi ít mặn mà với ngành sư phạm: việc làm cạnh tranh, thu nhập thấp, cơ hội thăng tiến và tôn vinh không cao.
Thực trạng này đúng với cả những giáo viên dạy giỏi trong các trường công lập.
Lấy mức lương của một giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức ( Hà Nội) chỉ có 1,2 triệu đồng/ tháng.
Trong khi đó để hoàn thành một khóa học và thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học cũng phải mất ngót nghét từ 6 đến 7 triệu đồng.
Như vậy người giáo viên phải làm quần quật 6-7 tháng mới đủ lương để đi học, nâng cao kiến thức.
Lương thấp, nhiều giáo viên vất vả mưu sinh (Ảnh: Vũ Ninh)
Có một số câu chuyện vừa đau lòng, vừa đáng tiếc. Trường hợp của thầy Nguyễn Minh Tuấn, sau khi học xong Đại học Sư phạm Hà Nội nhận dạy hợp đồng tại huyện Mỹ Đức.
Thầy Tuấn công tác 6 năm với mức lương hợp đồng mỗi tháng là hơn 1 triệu đồng.
Trong khi đó nói về chuyên môn thầy Tuấn rất xuất sắc: bồi dưỡng học sinh giỏi, thành thạo ngoại ngữ, tin học…Thầy còn giỏi đến mức biên soạn sách phục vụ việc ôn tập cho học sinh giỏi.
Tuy nhiên trong tháng 5/2019, thầy gọi điện cho phóng viên than thở: “Anh sẽ bỏ nghề và vào miền Nam sau đó lên núi ở ẩn một thời gian. Cuộc sống và công việc quá mệt mỏi, không thể cố được nữa”.
Như vậy đang có một nghịch lý rằng: Yêu cầu cho giáo viên ngày càng cao nhưng đời sống của họ vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Giáo sư Phan Quang Trung nhận định: “Không chỉ đối với riêng ngành giáo dục mà vấn đề về tiền lương là nguyên nhân của sự trì trệ của đất nước và xã hội.
Một sự thay đổi cơ bản về tiền lương có ỹ nghĩa rất lớn. Có những người giáo viên chỉ có 1,3 triệu đồng thì họ sống làm sao được”.
Nâng lương cho giáo viên trước, nâng cao chất lượng giáo viên sau
Ngày 13/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 – 2020 của ngành Giáo dục.
Chỉ thị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học 2019 – 2020.
Một trong 9 nhóm nhiệm vụ được đưa ra: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.Đây là những nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã được toàn ngành triển khai xuyên suốt trong 3 năm qua, căn cứ tình hình cụ thể, mỗi năm sẽ có những hoạt động trọng tâm để triển khai thực hiện theo hướng đảm bảo chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục ở từng bậc học.
Bên cạnh đó 5 nhóm giải pháp cơ bản bao gồm:
Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo;
Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục;
Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo;
Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục;
Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.
Như vậy trong 5 nhóm giải pháp giải quyết 9 nhóm nhiệm vụ không có nói đến việc nâng cao đời sống của giáo viên cụ thể là đảm bảo thu nhập từ công việc dạy học (nâng lương).
Lương 1,3 triệu đồng/ tháng nhưng tiền học chứng chỉ tiếng Anh, tin học lên đến 6, 7 triệu, giáo viên làm sao có đủ (Ảnh: Vũ Ninh)
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi với Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ về: Mối quan hệ giữa việc tăng lương giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ dạy học.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nói: “Hai việc này tất nhiên phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Nếu chúng ta nâng cao chất lượng giáo viên nhưng mức lương của họ chưa đủ sống bắt buộc họ phải làm chân trong, chân ngoài.
Nếu giáo viên vừa bận dạy học mà còn phải vất vả mưu sinh: buôn bán, đồng áng…thì làm sao họ tập trung công tác được
Cho nên làm được cái việc giải quyết vấn đề đời sống, chính sách cho giáo viên, nâng lương cho giáo viên thì hãy nghĩ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Nếu chất lượng giáo viên đã thấp mà đời sống của họ cũng thấp thì họ buộc phải lo cho đời sống của mình trước rồi mới tính đến chuyện dạy học sau”.
Theo thầy Nhĩ việc nâng lương cho giáo viên cần phải làm trước, làm ngay: “Nếu nâng lương cho họ thì họ mới tập trung giảng dạy, nâng cao chất lượng lên được.
Người giáo viên đóng một vai trò quyết định đến chất lượng của giáo dục. Thực tế mấy kỳ thi qua, điểm thi ngoại ngữ rất kém.
Một phần nguyên nhân là ở ta chưa có nhiều giáo viên giỏi về ngoại ngữ. Nhưng nếu bản thân giáo viên muốn đi học để cải thiện ngoại ngữ thì bản thân họ phải có tiền trước đã.
Lương còn không đủ nuôi gia đình, người giáo viên sao nghĩ đến những chuyện khác được”.
Lương giáo viên được coi là thấp so với nhiều ngành khác (Ảnh minh họa: DAD 15)
Câu chuyện về mức lương của giáo viên đã được nhiều chuyên gia và người làm giáo dục phân tích.
Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: “Luật giáo dục và luật lao động hiện nay đều đang sửa đổi.
Một vấn đề đặt ra là làm sao để luật giáo dục và luật lao động phải thống nhất mức lương cơ bản của giáo viên phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng”.
Để dẫn chứng cho vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Minh Đức nêu ra các ví dụ:
“Nhiều trường chúng tôi có dịp đến chẳng hạn như trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bắc Hà lương của cô nuôi chỉ có 1,3 triệu đồng.
Hay như ngay tại Thanh Oai, Hà Nội có những thầy giáo dạy hợp đồng 21 năm mà lương cũng chỉ 1,3 triệu đồng.
Trước những ý kiến như trên, kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa thêm vào 5 nhóm giải pháp trong đó có nhóm giải pháp: Nâng lương, cải thiện đời sống cho giáo viên để họ yên tâm công tác.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Sợ nhất, hôm nay giao ai xác định người tài, hôm sau con, cháu họ thành nhân tài
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn chia sẻ lo ngại trên khi nó về việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công.
Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án "Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài" và Hội thảo khoa học "Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công".
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách "trải thảm đỏ" nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Thực tế này đã được nhiều chuyên gia nêu ra từ lâu.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn. Ảnh: Hữu Chí
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, chủ trương thu hút người tài cho đất nước có mấy trăm năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới có.
Nói vậy để thấy ngày xưa các cụ đã chú ý đến điều đó. Ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra và vận dụng rất tốt, rất hay chủ trương này từ khi thành lập Nhà nước mới.
"Hiện nay, nói thu hút nhân tài thì ai cũng ủng hộ cả nhưng đi sâu vào thực hiện thì lại rất lúng túng, có khi lại bị lợi dụng, bẻ cong, xuyên tạc.
Có mấy vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách này. Đầu tiên phải xác định rõ thế nào là nhân tài? Ai là người xác định nhân tài? Cơ chế, chính sách để thu hút, mời gọi người ta vào đóng góp, cống hiến như thế nào? Và môi trường, vị trí làm việc ra sao?
Nếu đã là nhân tài thì cần xác định rõ là thu hút người đó vào chỗ nào, vị trí nào? Cái này liên quan đến xác định vị trí việc làm trong bộ máy chứ không thể chung chung được. Nôm na là đúng người, đúng chỗ", Tiến sĩ Sơn nói.
Theo Tiến sĩ Sơn, vấn đề nữa là cách thức, cơ chế sử dụng. Nhân tài là người giỏi. Nhưng nhân tài nhiều khi cũng khá vụng về, ngây ngô trong ứng xử đời thường.
Thậm chí, có khi họ thường có những biểu hiện khác thường (theo chuẩn đánh giá chung của một tập thể hay nhóm người nào đó) "Khác người"," Chí khí" hay" Ngạo khí" cũng là ở đây dù không phải tất cả đều như vậy.
Nhưng Nhân tài rất cần có không gian, môi trường thuận lợi cho họ tồn tại và cống hiến. Cần cho người ta cơ chế làm việc phát huy tối đa tư chất, trình độ cá nhân chứ đừng khống chế bằng các cơ chế hành chính thông thường.
Mặt khác, phải có cơ chế chính sách để người được thu hút yên tâm phục vụ. Họ phải được đánh giá, đãi ngộ xứng đáng như được trả lương đúng với năng lực cống hiến, đúng cho người có đóng góp xuất sắc,"nhả những sợi tơ vàng".
Vậy họ mới yên tâm, có điều kiện để phục vụ, cống hiến tốt cho xã hội, cho Nhà nước. Cần nói thêm cho rõ là điều quan trọng không chỉ nhăm nhăm vào lương cao.
"Lương lậu chỉ là một trong nhiều yếu tố để thu hút và giữ được nhân tài.
Có khi là sự tôn trọng, thái độ thực sự cầu thị của tập thể, của người trực tiếp sử dụng lại là quyết định". Tiến sĩ Sơn nói.
Theo ông, chủ trương này tốt, điều đó không cần phải bàn. Cái khó nhất bây giờ là thực thi nó.
"Vậy bây giờ ai xác định nhân tài? Sợ nhất giao cho ai xác định nhân tài hôm trước, hôm sau họ đưa con cháu ông vào bảo đấy là nhân tài.
Cái quan trọng nhất, khó nhất là đặt đúng, nêu trúng các tiêu chí thế nào là " Nhân tài". Có tiêu chí chung, nhưng cũng có tiêu chí rất cụ thể, đặc định, riêng biệt ở từng công việc, từng vị trí.
Có những trường hợp không phải nhân tài, đồng nghiệp đều biết cả, nhưng "đấu tranh"," kỳ đà cản mũi" có khi lại thành không biết "tránh đâu", vì đụng chạm đến lợi ích riêng chi phối.
Ta đã có nhiều ví dụ về thực trạng này rồi", Tiến sĩ Sơn chia sẻ.
Ông nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt nhất vẫn là ở yếu tố con người. Ở những người cầm chịch trong thực hiện chủ trương này.
Nó bị lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu chi phối, quyết định hành vi của người thực hiện", Tiến sĩ Sơn đánh giá."Hiện nay, theo tôi, không chỉ riêng trong vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài mà ở đa số các chính sách khác thì dở nhất là việc thực thi.
Ông chia sẻ thêm: "Nhiều người cho rằng với cơ chế, điều kiện hiện nay bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ, thì " Siêu nhân tài" có vào trong các cơ quan Nhà nước cũng khó sống, khó tồn tại, sớm muộn rồi cũng bị bật ra thôi bởi nếu không bị vướng cái này, cũng bị vướng cái khác.
Thậm chí bị phe nhóm cô lập, vô hiệu hóa, bị cài bẫy, bị "khoanh", không thể làm được gì.
Trái lại, những thứ kiểu như "Hòa đại nhân", uốn éo, xoay xở, nịnh bợ lại có cơ phát triển, leo cao, luồn sâu. Thực tế vừa qua có nhiều vụ việc xảy ra đã chứng minh rằng nhận định này, lo lắng này không phải không có căn cứ.
Vấn đề mấu chốt vẫn là ở "Yếu tố con người thực thi"".
Theo giaoduc.net
Trọng dụng nhân tài nhưng các cháu phải đợi các chú về mới đến lượt Nhân tài vào làm việc để cống hiến, không phải để bị sai vặt, pha trà rót nước nhưng thực tế ít được giao việc vì các 'bề trên' ngồi đó cả rồi, các cháu còn phải đợi các chú về mới đến lượt. Bộ Nội vụ hôm nay tổ chức hội thảo khoa học Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài...