Trả hồ sơ của thí sinh 18 điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa
Theo Bộ GD&ĐT, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa được phép tuyển sinh ngành Y đa khoa. Trường phải trả lại hồ sơ cho thí sinh đã trúng tuyển trong ngày 16/8.
Ngày 13/8, ĐH Kinh doanh và Công nghệ ra thông báo số 27 về điểm trúng tuyển nguyện vọng 1. Theo đó, điểm chuẩn vào hai ngành Y đa khoa và Dược học là 18. Tuy nhiên, ngày 15/8, trường rút lại thông báo này.
Giải thích việc rút thông báo trúng tuyển Y Đa khoa và Dược học, ông Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, trường đang chờ quyết định từ Bộ GD&ĐT cấp phép tuyển sinh hai ngành này.
Câu hỏi đặt ra: 130 thí sinh đã được thông báo trúng tuyển (100 thí sinh nộp hồ sơ Bác sĩ đa khoa, 30 thí sinh nộp hồ sơ Dược học) sẽ như thế nào?
Thiết bị cho hai ngành Dược học và Y đa khoa của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn.
Chia sẻ với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, khẳng định: ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa được phép tuyển sinh ngành Y đa khoa. Hiện tại, chưa có quyết định chính thức của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, vì vậy trường phải rút thông báo tuyển sinh.
Trước đó, kết luận kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT thông báo: Khi trường đã thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỷ đồng; bổ sung tối thiểu một thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm đối với ngành Dược học và báo cáo hai Bộ, trường mới được phép tuyển sinh ngành này năm 2016. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế vẫn đang xem xét.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nếu trường đã nhận hồ sơ đăng ký nhập học ngành Y đa khoa của thí sinh thì phải liên hệ trả lại trong ngày 16/8 để đảm bảo quyền đăng ký nhập học trường khác của thí sinh.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường phải giải trình về việc thông báo tuyển sinh khi chưa có ý kiến của Bộ GD&ĐT.
Bà Phụng cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT là “khi trường chưa được phép tuyển sinh ngành Y đa khoa thì không được thông báo tuyển sinh, không được nhận hồ sơ xét tuyển”.
Video đang HOT
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM nhận định, số điểm 18 là thấp so với điều kiện để đào tạo một cán bộ y tế tốt. Những học sinh đạt số điểm này chưa thể phù hợp để đào tạo.
Theo ông Dũng, số điểm tối thiểu để đào tạo ngành Y đa khoa phải là 23 trở lên. Theo kinh nghiệm của vị Phó hiệu trưởng, những sinh viên này mới có tố chất và kỷ luật học tập tốt.
Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM cho rằng, một học sinh đạt 18 điểm, sau này ra trường trở thành bác sĩ tốt chỉ có thể là kỳ tích trong đào tạo.
“Tuy nhiên, để có được kỳ tích đó, bản thân tôi hơi e dè, vì đây là điều rất khó”, PGS.TS Dũng chia sẻ.
Theo Zing
Cơ sở đào tạo Y Dược hơn 3 triệu USD của trường Kinh doanh - Công nghệ
37 phòng học và nghiên cứu thực hành trị giá 65 tỷ đồng được coi là tiền đề để Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội bắt tay đào tạo Y Dược vào năm tới tại cơ sở 2 Từ Sơn, Bắc Ninh.
Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội có hai cơ sở, một đặt tại Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng (Hà Nội) và cơ sở 2 đặt tại Từ Sơn (Bắc Ninh).
Khối nhà E với kinh phí 150 tỷ đồng, được xây dựng tại cơ sở 2 trong khuôn viên có diện tích hơn 100.000 m2. Trường dự kiến dành 1/3 khối nhà này cho 2 khoa Y và Dược. Tại đây, trường có khu ký túc xá sinh viên, khu vui chơi và giáo dục thể chất rộng hàng chục nghìn m2.
Từ tầng 3 đến tầng 6 của khu nhà E, được bố trí 37 phòng học và 10 phòng làm việc phục vụ cho sinh viên và giảng viên, chủ nhiệm khoa.
Nhà trường cho biết đã cải tạo các phòng phù hợp với yêu cầu giảng dạy cho 2 khoa, mua sắm bàn ghế, tủ kèm theo hết 10 tỷ đồng. Trước mắt trường đã mua các thiết bị phục vụ cho giảng dạy năm thứ nhất và tiếp tục mua sắm cho những năm tiếp theo với tổng chi phí cho xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị giai đoạn 1 là 65 tỷ đồng.
Tại khu nhà này có tới 28 phòng chức năng được trang bị đầy đủ y cụ, phục vụ việc nghiên cứu thực hành giải phẫu và nghiên cứu dược.
Theo lãnh đạo nhà trường, nhiều mô hình và trang thiết bị hiện đại từ các nước tiên tiến như Đức, Séc... được nhập về để phục vụ công tác giảng dạy cho sinh viên.
Mô hình lát cắt cơ thể người với hình ảnh trực quan giúp sinh viên nắm rõ những chi tiết, cấu tạo lên những bộ phân bên trong cơ thể.
Theo giáo sư, tiến sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường, thiết bị được các nhà cung cấp đưa về, nhưng chưa đầy đủ vì mới chỉ là giai đoạn 1, phục vụ chủ yếu trong 2,3 năm đầu. "Quan điểm của chúng tôi là học đến đâu đưa dụng cụ về đến đó vì đã ký với các đơn vị cung ứng, chỉ cần đặt một tuần là có, điều này không đáng lo ngại", ông Trần Phương khẳng định.
Kính hiển vi nhập từ nước ngoài về. Lãnh đạo trường cho biết, ngoài việc sinh viên nghiên cứu và thực hành, các giảng viên khi có thời gian rảnh cũng có thể lên các phòng chức năng sử dụng thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Bộ dụng cụ giải phẫu, phẫu thuật trong đào tạo Y đa khoa. Những thiết bị này đều nhập từ các nước châu Âu.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản trị, Đại học Kinh doanh - Công nghệ cơ sở Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết hệ thống máy móc thiết bị và các phòng thí nghiệm, thực hành có thể phục vụ sinh viên ngay năm đầu tiên. Sau đó, sinh viên sẽ được tham gia thực tế ở 4 bệnh viện tại Hà Nội do trường ký kết.
Một trong những nơi hiện đại nhất, đào tạo Y Dược được lãnh đạo trường này giới thiệu là phòng giảng máy chiếu và thực hành, thực tế. Tại đây sinh viên được nghe giảng bằng những bài đã có sẵn và được Việt hoá. Việc giảng dạy được ghi lại trên máy quay và có thể phát trực tiếp.
Trước đó, ngày 19/11, Bộ Giáo dục ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, Dược học. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập, cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành.
Bá Đô
Theo VNE