TPHCM: Tuyệt đối không giao cho giáo viên thu – chi các khoản tiền
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các đơn vị trường học phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản một cách chi tiết, cụ thể đến từng phụ huynh học sinh và tuyệt đối không giao cho giáo viên trực tiếp thu – chi các khoản tiền.
Ngày 22/8, Sở GD-ĐT TPHCM vừa có hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác năm học 2018-2019 đối với các trường công lập trên địa bàn.
Nội dung văn bản này nhấn mạnh các đơn vị trường học phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh, phải nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản theo thỏa thuận và thu hộ – chi hộ, khi thu phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng học sinh qua bộ phận tài vụ của trường. Đặc biệt, tuyệt đối không giao cho giáo viên thu – chi các khoản tiền.
Trường học ở TPHCM sẽ phải công khai chi tiết các khoản thu bằng văn bản đến phụ huynh. (Ảnh minh họa)
Đối với các khoản thu, các trường học thực hiện giãn thời gian thu, không tổ chức gộp nhiều khoản thu cùng một thời điểm để giảm áp lực cho phụ huynh.
Đối với kinh phí, hoạt động của Ban đại diện Cha mẹ học sinh phải thực hiện theo đúng Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Video đang HOT
Sở GD-ĐT TPHCM sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục để kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản không đúng quy định. Ngoài ra, UBND các quận huyện cũng thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra này.
Trước đó, theo ghi nhận những buổi làm việc chuẩn bị cho năm học 2018-2019, vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là việc thu chi trong trường học. Trong buổi làm việc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, nhiều đại biểu nhấn mạnh, người dân đã bớt bức xúc về các vấn đề như chạy trường, học hành quá tải… tại TPHCM. Tuy nhiên, vấn đề lạm thu vẫn là nỗi lo cánh cánh của mỗi gia đình khi năm học mới đến, nhất là các khoản thu thông qua “cánh tay nối dài” của nhà trường là Hội Cha mẹ học sinh.
Điều này đòi hỏi ngành giáo dục phải có văn bản cụ thể triển khai các khoản thu đầu năm học mới, không để xảy ra việc lạm thu gây ảnh hưởng đến nhà trường, phụ huynh, và cần phát huy đúng vai trò của phụ huynh trong nhà trường. Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM lưu ý, Sở GDĐT phối hợp chặt chẽ với địa phương đảm bảo các khoản thu chi trong trường lớp để làm sao tất cả trẻ em đến tuổi đi học được đi học.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Khi giáo viên không còn "đua" theo danh hiệu
Đăng ký vừa đủ chỉ tiêu được giao, không ai bị đánh rớt danh hiệu, hội đồng thi đua lại được lòng của giáo viên. Đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi. Và vô số người đã không còn muốn "đua" theo danh hiệu để gánh cực vào thân.
Ảnh minh họa
Tâm sự của cô giáo Loát Trần và Thanh Thanh trong hai bài viết "Giáo viên buồn vì rớt đề tài chiến sĩ thi đua", "Giáo viên trẻ thất vọng vì phải nhường danh hiệu Chiến sĩ thi đua" đã nhận được nhiều đồng cảm của bạn đọc. Khá nhiều người đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự với muôn nỗi niềm chán chường, buồn rầu, thất vọng.
Bởi ai đã từng là một nhà giáo mới thấu hiểu nỗi khát khao năng lực bản thân được công nhận thông qua những danh hiệu thi đua cao quý. Và cũng chính ai là nhà giáo mới thấm thía nỗi thất vọng khi bao cố gắng của mình "đổ sông đổ biển" bởi danh hiệu trượt khỏi tay với muôn vàn lý do.
Danh hiệu Chiến sĩ thi đua hay Lao động tiên tiến vốn là những mỹ từ thay lời khen tặng của ngành Giáo dục đối với sự đóng góp, cống hiến của mỗi giáo viên suốt một năm học. Hầu như giáo viên nào cũng dễ dàng đạt danh hiệu Lao động tiên tiến nếu không có những vi phạm nặng nề về chuyên môn trong quá trình công tác.
Riêng Chiến sĩ thi đua lại khó khăn hơn nhiều bởi quy định chặt chẽ về chỉ tiêu, số lượng người đạt danh hiệu này không vượt quá 15% tổng số giáo viên và nhân viên trường học. Chính vì vậy, nó mãi mãi là giấc mơ của vô số người.
Giá trị của nó ư? Phần thưởng vài trăm nghìn hay hơn một triệu đồng tuy lớn nhưng không thể so sánh với bao công sức người giáo viên đã bỏ ra suốt một năm học. Điều quan trọng là nỗ lực, năng lực của họ được công nhận, đánh giá trung thực, khách quan. Và đó sẽ là động lực để người thầy tiếp tục miệt mài đi "gieo chữ".
Tuy nhiên, chính trong hình thức đăng ký, bình xét thi đua nảy sinh nhiều bất cập khiến những danh hiệu đó đang dần mai một ý nghĩa tích cực ban đầu. Hội đồng thi đua nhà trường cuối năm học thường "đau đầu" về việc nâng lên, hạ xuống người này, người kia trong bình xét.
Dẫu được tiếng là "công khai", "minh bạch", "dân chủ", "khách quan", "công bằng" nhưng nhiều hội đồng thi đua vẫn tồn tại tình trạng thiên vị. Vậy nên, nhiều người xứng đáng lại không đạt Chiến sĩ thi đua, còn "cây đa", "cây đề" trong trường nghiễm nhiên giành được danh hiệu cao quý.
Một vài năm trở lại đây, trường tôi không còn những tình huống tréo ngoe như thế nữa. Bởi dường như ai cũng quá hiểu nỗi vất vả khi đăng ký danh hiệu Chiến sĩ thi đua đi kèm với thành tích, nỗ lực, tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào. Để rồi cuối năm khi bình xét danh hiệu, chỉ cần vướng một vài tiêu chí hoặc có chút tiêu cực nào trong hội đồng thi đua là lập tức rớt danh hiệu.
Công sức một năm đóng góp cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều người dần dà biến thành gánh nặng. Nhiều giáo viên đầy tâm huyết cũng trở nên mệt mỏi và buông xuôi. Không hiếm gặp những người thầy mang trong mình tư tưởng hoàn thành công việc, làm tròn nhiệm vụ, cuối tháng lãnh lương là ổn.
Không thi đua, không bon chen, không giành giật, an nhiên tự tại mà sống. Tư tưởng nhận thức ấy cộng hưởng với quá trình công tác "làm vừa đủ", "không muốn được khen, chẳng muốn bị chê" vô hình trung triệt tiêu tính phấn đấu, sáng tạo trong dạy và học.
Trong hội đồng trường có nhiều người dư thừa năng lực lại không muốn đăng ký để rồi áp lực công việc dồn nén. Họ sẵn sàng nhường danh hiệu lại cho người khác sắp đến kỳ nâng lương, nâng ngạch. Tính phần trăm chỉ tiêu danh hiệu Chiến sĩ thi đua được bao nhiêu người, cứ thể mà đưa chỉ tiêu về các tổ chuyên môn, mỗi tổ có mấy người đăng ký.
Và đăng ký vừa đủ chỉ tiêu được giao, không ai bị đánh rớt danh hiệu, hội đồng thi đua lại được lòng của giáo viên. Đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi. Và vô số người đã không còn muốn "đua" theo danh hiệu để gánh cực vào thân.
Trong lúc ngành Giáo dục đang đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt học tốt thì việc triệt tiêu nỗ lực phấn đấu trong chính nội tại mỗi người thầy chẳng khác gì những mầm bệnh nguy hiểm. Và muốn trị tận gốc căn bệnh "chây ì" này, cần trả lại bản chất của thi đua và trả lại ý nghĩa tích cực cho danh hiệu cao quý - Chiến sĩ thi đua.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
NĂM HỌC 2018 - 2019: Cà Mau: Hàng nghìn học sinh không vào lớp 6, lớp 10 thì đi đâu? "Số học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình năm học 2017 - 2018 là 20.730 em, còn số học sinh vào lớp 6 năm học 2018 - 2019 chỉ có 20.107 em, tính ra còn thiếu 623 em. Vậy hàng trăm em học sinh này đi đâu?", Chủ tịch tỉnh Cà Mau truy vấn ngành Giáo dục và các địa phương tỉnh...