TPHCM: “Thưởng Tết” cắt giảm không rõ ràng, giáo viên bức xúc
Thu nhập tăng thêm giảm đi một nửa, có người thậm chí giảm 3 lần, giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TPHCM không chỉ “sốc” mà còn bức xúc phản ánh hiệu trưởng cắt giảm thu nhập tăng thêm không lý do, thiếu minh bạch tài chính.
Hàng chục giáo viên (GV) Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TPHCM phản ánh đến Dân trí việc hiệu trưởng nhà trường không minh bạch về tài chính, cắt tiền thu nhập tăng thêm (TNTT) cuối năm không rõ ràng.
Theo đơn thư của tập thể của GV nhà trường, họ nhận tiền TNTT nhưng không khỏi bức xúc vì giảm một cách bất ngờ, giảm 1/2, 1/3 so với năm học trước và đứng sau rất nhiều trường có quy mô nhỏ hơn ở Gò Vấp. Cá biệt, có trường hợp chỉ nhận được 1,2 triệu đồng TNTT nhập tăng thêm.
Việc cắt giảm TNTT của GV không rõ ràng, minh mạch trong khi từ khi bà Phạm Thị Thu Hồng về làm hiệu trưởng bắt đầu từ đầu năm học này, theo GV mọi hoạt động của nhà trường đều bị cắt giảm, không cho chi hoặc chi ít hơn các năm trước.
Trong khi, họ đưa ra dẫn chứng nhà trường có nguồn thu khủng từ 2.500 học sinh (HS) với các khoản như học phí 120.000đ/tháng/HS, tiền buổi 2 là 300.000đ/tháng/HS, tiền tăng cường tiếng Anh là 120.000đ/tháng/HS, tiền Anh văn nước ngoài là: 180.000đ/tháng/HS, tiền điện 25.000đ/tháng/HS, tiền nước uống là 145.000đ/học kỳ/HS
Nhiều GV công tác lâu năm tại trường cho biết, họ xức xúc không phải bị cắt giảm tiền TNTT mà là sự thiếu rõ ràng, minh bạch trong tài chính.
Các năm trước, tất cả được công khai rõ ràng, GV ở vị trí nào thì họ sẽ biết mình được nhận bao nhiêu. Còn năm nay, họ không biết hiệu trưởng Phạm Thị Thu Hồng dựa vào đâu, cách chia TNTT như thế nào GV đều không biết. GV hỏi thì hiệu trưởng giải thích không rõ ràng, đưa ra nhiều khoản không đúng với thực tế, thiếu minh bạch.
Như trường hợp việc hỗ trợ chi thưởng cho nhân viên hợp đồng với mức 50% lương cơ bản đã được lấy ý kiến biểu quyết với quá bán đồng ý. Thế nhưng sau đó, hiệu trưởng đã thay đổi cách tính mà không thông qua Hội đồng Sư phạm nhà trường. Có GV hợp đồng chỉ nhận được… hơn 300.000 đồng/quý.
Được biết, tại cuộc Hội đồng Sư phạm chiều 26/1, hiệu trưởng đã cho trình chiếu các slide về “công khai tài chính” nhưng GV đã chất vấn, chỉ ra những con số vô lý, mâu thuẫn, chồng chéo… khiến phiên họp đã dẫn đến tranh cãi kéo dài.
Video đang HOT
Tại buổi họp, GV cũng đã chất vấn hiệu trưởng về trường hợp kế toán nhà trường là bà Đ.T.L.A. người đang làm kế toán ở trường không có quyết định bổ nhiệm làm kế toán dẫn đến thất thoát tài chính ở trường. Theo thông tin từ cuộc họp, hiệu trưởng trả lời bà L.A. có quyết định là chuyên viên nhưng hiệu trưởng có quyền phân làm kế toán.
Một phần đơn thư của tập thể giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ, THCM bức xúc về thu nhập tăng thêm giảm, những khuất tất trong tài chính tại trường
“Lạ lùng ở chỗ chúng tôi nhận TNTT khi chưa công khai tài chính 2018, khi GV đang bức xúc mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Không ai biết chính xác tình hình thu chi các khoản như học phí, tiếng Anh tăng cường, căng tin, nhà xe… Kể cả nhận tiền TNTT thấp, nhưng điều chúng tôi cần là sự rõ ràng và minh bạch”, một GV đại diện chia sẻ.
Nhiều GV Trường THPT Nguyễn Công Trứ cho biết họ sẽ gửi đơn thư lên Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu kiểm tra việc thu chi của nhà trường năm 2018.
Chiều 28/1, phản hồi về đơn thư tố cáo của GV, bà Phạm Thị Thu Hồng, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ trao đổi với báo chí, bà sẽ xem xét kỹ các nội dung phản ánh để có phản hồi sau.
Lê Đăng Đạt
Theo Dân trí
Thưởng Tết giáo viên hàng chục triệu đồng: "Dao hai lưỡi"?
Việc giáo viên ở TPHCM có thể nhận tiền thưởng Tết lên đến hàng chục triệu đồng khiến một số người đặt câu hỏi: Tiền từ đâu? Theo một nhà quản lý, việc "tiết kiệm" từ nguồn đầu tư ngân sách để chia là "con dao hai lưỡi".
Chia hàng chục triệu đồng: Tiền từ đâu?
Các năm qua, nhiều trường học ở TPHCM gây "choáng váng" khi tiền thưởng Tết cuối năm cho giáo viên (GV) có thể lên đến vài chục triệu đồng. Trước đó, mức cao nhất được ghi nhận là trên 30 triệu đồng tại một trường mầm non công lập vào năm 2018.
Giáo viên TPHCM có thể được chia thu nhập tăng thêm mỗi năm cao nhất lên đến hàng chục triệu đồng. (Ảnh mang tính minh họa)
Cũng phải nhấn mạnh, ngành Giáo dục không có thưởng Tết và cũng không có lương tháng 13 theo quy định. Khoản được gọi là "thưởng Tết" chính là khoản thu nhập tăng thêm căn cứ vào chi tiêu tiết kiệm của các trường theo Nghị định 43 của Chính phủ. Tiền từ ngân sách rót về trường sau khi trừ các khoản kinh phí dành cho hoạt động của một năm, còn lại nhà trường mới tính toán, chia thu nhập tăng thêm cho giáo viên, cán bộ công chức, viên chức của trường.
"Khéo co thì ấm", không có một con số, quy định chung cụ thể nào đối với khoản thu nhập tăng thêm này giữa các trường. Ngoài việc tiết kiệm, có trường có những khoản thu nhập thêm như cho thuê mặt bằng, căng tin...
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình (TPHCM) cho hay, mọi năm tiền thu nhập tăng thêm các trường ở quận chênh lệch nhau rất nhiều, có nơi vài triệu nhưng có nơi gần 20 triệu đồng/người. Cái này tùy điều kiện và khả năng "gói ghém" của từng trường.
Có trường đội ngũ lớn tuổi thì mức trả lương theo hệ số, thâm nhiên cao; có nơi đội ngũ trẻ thì mức chi lương thấp. Rồi tùy khả năng tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm, đầu tư các hoạt động... hay trường có thêm khoản thu từ cho thuê mặt bằng, bãi xe...
"Dao hai lưỡi"
Không thể phủ nhận, đối với tất cả mọi người, mọi ngành nghề, sau một năm làm việc, có thêm khoản tiền để lo toan cho Tết là niềm vui rất lớn. Nhất là đối với nghề giáo từ trước đến nay vốn xa lạ với việc "thưởng Tết" thì điều này động viên và tạo động lực rất lớn với thầy cô.
Tuy nhiên, việc chia thưởng Tết trong trường học như hiện nay chứa những điều bất ổn cần được thẳng thắn nhìn nhận. Đây chủ yếu là tiền ngân sách chi cho tất cả hoạt động của một đơn vị, nhiều trường cật lực tiết kiệm để dôi ra khoản chia thu nhập tăng thêm. Như vậy, chắc chắn ít nhiều đều ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư cho giáo dục.
Ông Trần Khắc Huy cho biết, việc "gói ghém" này cũng là cả vấn đề. Có trường đầu tư, chăm chút cho chất lượng giáo dục, hoạt động... nên xài hết tiền, cuối năm không có bao nhiêu. Nhưng có trường lại làm mọi cách để tiết kiệm thì lại dư nhiều, chia nhiều.
Một quản lý ở TPHCM đánh giá, việc chia thu nhập tăng thêm rõ ràng là "con dao hai lưỡi". Nhiều trường đầu tư cho giáo dục, tổ chức nhiều hoạt động... học sinh được thụ hưởng thì sẽ chi rất nhiều tiền, cuối năm lại không dư bao nhiêu. Nhưng đổi lại, nhiều trường chỉ hoạt động cầm chừng, làm chỉ để báo cáo nhằm tiết kiệm chi tiêu để cuối năm có một khoản lớn.
"Lẽ ra một hoạt động nào đó cần 20 - 30 triệu đồng mới đến nơi đến chốn nhưng trường chỉ làm cho có, đầu tư vài ba triệu, tiết kiệm để cuối năm có tiền chia", ông đưa ra ví dụ.
Tâm tư về vấn đề này, một GV ở TPHCM cho hay, nhà trường là một đơn vị hành chính, vận hành bằng tiền của nhà nước. Không cần nói ra chúng ta cũng biết, tiền ngân sách chi xuống phải đảm bảo tất cả các chứng năng trong nhà trường nhưng xét về nhu cầu thực tế thì số tiền sẽ luôn ít hơn yêu cầu.
Vậy tiết kiệm ở đâu ra? Tiết kiệm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường. Theo cô, có thể các trường được bù đắp bằng khoản bằng các khoản khác từ các các khóa học, ngoại khóa, cho thuê mặt bằng, sân bãi... hay có thể còn là từ nguồn quỹ phụ huynh với danh nghĩa tự nguyện.
Nhưng cô đặt ra vấn đề, trường có được phép có chức năng kinh doanh không? Vì kinh doanh mới được phép thu tiền. Thay vì tập trung vào nhiệm vụ thì thực tế nhiều trường lại lo thêm chức năng... đi kiếm tiền.
Như vậy, thưởng Tết có thể cao nhưng thật khó để vui vì có thể đó là tiền "bớt xén" từ những khoản cần đầu tư cho giáo dục hoặc nhà trường đang phải "gánh" thêm chức năng khác ngoài giáo dục.
Chăm lo Tết cho GV là cần thiết nhưng cần một chính sách, cơ chế rõ ràng.
Hoài Nam
Theo Dân trí
TPHCM: Huyện vùng ven cần hơn 22,5 tỷ đồng chi thu nhập tăng thêm cho nhà giáo Riêng cho khối sự nghiệp GD-ĐT, huyện Nhà Bè, TPHCM dự trù nhu cầu kinh phí là trên 22,5 tỷ đồng trong năm 2018 để chia thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM. Thông tin được đề cập tại buổi làm việc chiều ngày 23/1 của UBND huyện Nhà Bè với đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội,...