TP.HCM thiếu hơn 11.000 GV mầm non: Lương ‘bạc’, kiêm nhiệm nhiều việc
Trong tờ trình của UBND TP.HCM về chính sách thu hút, giữ chân giáo viên mầm non đã nêu ra một thực trạng: Thành phố vừa thiếu giáo viên, vừa không giữ được các cô ở lại với nghề.
Trong tờ trình gửi HĐND, UBND TP.HCM cho biết hiện tại thành phố có 3.057 nhóm nhà trẻ, 10.347 lớp mẫu giáo, số giáo viên mầm non còn đang thiếu là 7.695 người so với quy định của Thông tư 06/2015.
Nếu kết hợp cả việc đáp ứng được quy định số trẻ/nhóm, lớp trong Điều lệ trường mầm non thì số giáo viên mầm non mà thành phố còn thiếu đến 11.014 người, riêng giáo viên mầm non ở công lập còn thiếu đến 3.319 người.
TP.HCM vừa thiếu, vừa không giữ chân được giáo viên mầm non. Ảnh minh họa.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy – hiệu trưởng trường mầm non phường 3 (quận 10) – cho biết trường hiện có 353 trẻ với 10 nhóm lớp nhưng chỉ có 18 giáo viên nên rất căng thẳng.
Trường chỉ cố gắng ưu tiên đủ giáo viên cho khối nhà trẻ, còn khối khác, ban giám hiệu buộc phải trực tiếp vào lớp những giờ cao điểm để phụ giáo viên như cho trẻ ăn, trông coi trẻ, thậm chí kiêm nhiệm thêm các công việc thủ kho, thu ngân…
Theo bà Thủy, trường cũng đã đăng ký tuyển giáo viên nhưng không được. Nhân viên nuôi dưỡng (bảo mẫu) cũng thiếu vì lương quá thấp, chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng nên khó tuyển, trường phải hợp đồng lại với một số giáo viên đã về hưu.
Ông Đặng Đức Hoàng – Trưởng phòng GD&ĐT quận 11 – cho biết trong 3 năm học vừa qua, giáo viên mầm non mới tuyển dụng trên địa bàn không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Số lượng ứng viên đăng ký thấp hơn cả chỉ tiêu các trường cần tuyển.
Video đang HOT
Năm học 2016-2017, toàn quận còn thiếu 15 giáo viên mầm non. Từ đầu năm học đến nay, quận Bình Thạnh đã tuyển 2-3 đợt nhưng hiện vẫn còn thiếu 9 giáo viên mầm non.
Ngay ở trung tâm như quận 1 cũng thiếu nhiều nhưng không tuyển được. Để đảm bảo công việc, quận phải linh động hợp đồng lại giáo viên đã về hưu hoặc diện KT3.
Một bất cập hầu hết trường mầm non hiện nay đang gặp phải là việc tuyển dụng và bố trí nhân sự cho 4 vị trí gồm kế toán, thủ quỹ, y tế và văn thư.
Do Thông tư liên tịch số 06 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định các trường mầm non chỉ được biên chế 2 người để làm 4 vị trí trên, tức mỗi người phải kiêm nhiệm thêm một việc. Theo các trường, như thế rất khó và các cô không kham nổi khi công việc ở trường quá nhiều.
Thêm vào đó, theo quy định, nhân viên kế toán không được giữ tiền, nghĩa là không thể kiêm thủ quỹ, kế toán cũng không được giữ mộc, nghĩa là không thể kiêm văn thư.
Như vậy, kế toán chỉ có thể kiêm y tế trong khi số trẻ mỗi trường đều ở khoảng 500-600 trẻ, phải đối diện với đủ thứ dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe, nhân viên y tế chuyên trách còn chưa chắc đã đảm đương nổi chứ chưa nói đến kiêm nhiệm.
Bất cập lớn nhất hiện nay là đãi ngộ cho giáo viên mầm non còn quá “bạc” so với công việc. Giáo viên mầm non phải làm từ 10-12 tiếng/ngày, vượt cả quy định làm thêm hàng trăm giờ một năm, rồi áp lực từ nhiều phía nhưng thu nhập lại rất thấp.
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết bình quân mỗi năm có hơn 1.000 giáo viên mầm non bỏ việc, trong khi nguồn tuyển rất hạn chế do vướng yêu cầu về hộ khẩu. Đồng thời, Sở cũng thừa nhận rào cản lớn nhất khiến giáo viên mầm non khó gắn bó lâu dài với nghề là chế độ đãi ngộ quá thấp trong khi áp lực công việc quá lớn.
Do đó, Sở đã kiến nghị lên thành phố hàng loạt giải pháp để làm sao giữ chân giáo viên trước, rồi tiến tới thu hút nguồn lực cho ngành này như nâng phụ cấp, tuyển đủ giáo viên, bảo mẫu…
Ngoài ra, Sở cũng đề xuất nhiều giải pháp khác như có cơ chế tuyển dụng giáo viên không gắn với yêu cầu hộ khẩu và kiến nghị thành phố cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non với cam kết ra trường công tác tại các cơ sở mầm non công lập ở thành phố và hoàn trả khoản vay trong 3-5 năm đầu công tác…
Theo Infonet
TP.HCM đề xuất chi hơn 250 tỷ đồng mỗi năm giữ chân giáo viên mầm non
Trước tình trạng thiếu giáo viên ở bậc mầm non ngày càng căng thẳng, UBND TP.HCM vừa có tờ trình đề xuất một số chính sách nhằm thu hút và giữ chân người lao động.
Theo tờ trình, hiện toàn TP.HCM còn thiếu gần 7.700 giáo viên mầm non so với quy định. Dự báo, đến năm 2020, khi có gần 2.000 trường mầm non, số giáo viên sẽ phải tăng gấp đôi so với năm 2017 mới đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Việc tuyển giáo viên mới cũng khó khăn do lượng giáo viên mầm non đăng ký dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu. Trung bình mỗi năm, TP.HCM chỉ tuyển được khoảng 1.466 người, trong khi nhu cầu cần là 1.965 người.
Hơn nữa, mỗi năm có hơn 1.000 người nghỉ việc, bỏ việc hoặc về hưu, trong khi tuyển dụng cũng đang gặp nhiều khó khăn do thu nhập ngành này thấp.
Trước thực trạng này, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về các chính sách thu hút và giữ chân giáo viên mầm non.
Giải pháp đầu tiên là giảm khối lượng và áp lực công việc cho thầy cô bằng việc bổ sung số giáo viên đủ theo quy định Thông tư 06/2015. Đề xuất cho phép thực hiện hợp đồng giáo viên bổ sung theo dạng khoán, ngân sách thành phố cấp để đảm bảo đủ số giáo viên theo quy định.
Sở cũng kiến nghị cho phép tuyển dụng chức danh nhân viên nuôi dưỡng trên lớp bằng hợp đồng khoán, kinh phí do ngân sách TP cấp để hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh cho trẻ. Mức lương là 2 triệu đồng/tháng với 50% kinh phí từ xã hội hóa và 50% ngân sách hỗ trợ.
Công việc chịu nhiều áp lực nhưng đãi ngộ và thu nhập cho giáo viên bậc mầm non lại chưa tương xứng. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM.
Bên cạnh đó, điều chỉnh thu nhập và chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non bằng việc hỗ trợ thêm số tiền tương đương 160 giờ/năm (theo tính toán như trên thì số giờ làm việc thêm của giáo viên khoảng 720 giờ/năm, hiện nay giáo viên chỉ được lãnh phụ trội thêm giờ không quá 200 giờ/năm).
Hỗ trợ thêm để khuyến khích giáo viên có trình độ chuyên môn đến công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non: Thạc sĩ 1,5 triệu đồng/người/tháng; đại học 1,1 triệu đồng/người/tháng; cao đẳng 550 nghìn đồng/người/tháng. Dự kiến, kinh phí hơn 89 tỷ đồng.
Như vậy, theo tính toán của sở GD&ĐT, tổng kinh phí dự kiến để giữ chân giáo viên mầm non hàng năm là hơn 251 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, sở cũng đề xuất nhiều giải pháp khác như có cơ chế tuyển dụng giáo viên mầm non không gắn với yêu cầu hộ khẩu TP; cho vay ưu đãi không trả lãi đối với sinh viên học ngành sư phạm mầm non (cả học phí và chi phí sinh hoạt). Sinh viên vay sẽ cam kết ra trường công tác tại các cơ sở mầm non công lập ở TP và hoàn trả khoản vay trong 3-5 năm đầu công tác.
Về lâu dài, TP.HCM sẽ cho phép một số trường công lập được tự chủ tài chính, theo hướng xã hội hóa, để cải thiện đời sống giáo viên và nâng cao chất lượng đào tạo. Qua thí điểm ở một số trường mầm non công lập, việc tự chủ tài chính đã giải quyết được nhiều bất cập hiện nay.
Đối với giáo viên mầm non, tăng lương và giảm tải sẽ giúp họ bớt đi những áp lực gắn bó với nghề lâu hơn. Nhưng có lẽ, làm việc trong ngôi trường tốt, được quan tâm về đời sống tinh thần sẽ giữ họ ở lại và sống trọn vẹn tình yêu với con trẻ.
Theo Zing
TP.HCM thiếu hàng nghìn giáo viên mầm non Năm ngoái, TP.HCM có gần 200 giáo viên nghỉ việc. Thực trạng này khiến vấn đề thiếu giáo viên mầm non trở nên căng thẳng hơn. Thời gian làm việc kéo dài, học sinh đông từ 40 đến 50 em, trong khi lương lại thấp khiến nhiều giáo viên mầm non nản lòng và không mặn mà với nghề. Trường mầm non phường...