TPHCM sẽ hỗ trợ các trường ĐH đổi mới sáng tạo và nghiên cứu
Những kết quả nghiên cứu, đào tạo của các trường ĐH gắn kết với doanh nghiệp là những mô hình cần nhân rộng. Nếu cần hỗ trợ tài chính cho phát triển, nghiên cứu đưa ra các sản phẩm ứng dụng thì thành phố sẵn sàng tạo điều kiện nhưng điều kiện là phải làm được.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ điều này khi cùng lãnh đạo Sở KH-CN, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đến thăm và làm việc tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vào chiều ngày 15/11.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm các sản phẩm khoa học công nghệ của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM. (Ảnh: H.T)
Báo cáo với lãnh đạo TPHCM, PGS-TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, trường được thực hiện thí điểm tự chủ từ năm 2017 và có nhiều đổi mới về chương trình đào tạo, tăng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, gắn kết với doanh nghiệp.
Để trường đạt nhiều kết quả trong các cuộc thi về sáng tạo, robot, được nhiều dự án đặt hàng của doanh nghiệp, sinh viên đã có việc làm ngay khi chưa ra trường trên 60% là do quyết tâm thúc đẩy và thổi “luồng gió” tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho tập thể cán bộ giảng viên và sinh viên.
Ông Dũng cho rằng, trường cũng mạnh dạn tạo cơ chế thoáng để giảng viên phát huy hết khả năng sáng tạo, kéo được nhiều dự án đặt hàng của doanh nghiệp để thầy và trò cùng làm, cùng học. Trường không đặt nặng vấn đề tài chính thu được bao nhiêu mà cái được là quảng bá hình ảnh, thương hiệu của trường và sinh viên theo học tại trường.
Giảng viên của trường chia sẻ những kết quả nghiên cứu của thầy và trò với Bí thư Thành uỷ TPHCM. (Ảnh: H.T)
Video đang HOT
Trao đổi với ban giám hiệu và các nhà khoa học của trường, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nhấn mạnh: Những kết quả của trường trong đào tạo, nghiên cứu và gắn kết với doanh nghiệp là mô hình cần nhân rộng. Ông Nhân cho rằng việc 10 ý tưởng khi triển khai nghiên cứu và thất bại đến 90 hay 95% là đương nhiên, thế giới họ cũng vậy. Vấn đề là trường phải tạo cơ chế, điều kiện để nuôi dưỡng và phát triển những ý tưởng mới. Nếu cần hỗ trợ tài chính cho phát triển, nghiên cứu đưa ra các sản phẩm ứng dụng thì thành phố sẵn sàng tạo điều kiện nhưng điều kiện là phải làm được.
Chiều qua, ông Nhân cũng đến thăm các sản phẩm khoa học công nghệ của trường như robot, máy pha cà phê tự động, robot thông minh. Bí thư Nhân cũng đi thăm khu nhà xưởng, phòng thí nghiệm thực hành, khu tự học, góc chia sẻ… của trường.
Lan Phương
Theo Dân trí
Giáo viên giỏi chạy từ trường công sang tư: Trường công tìm cách xoay xở
Với 'làn sóng' chuyển dịch nhân lực mạnh mẽ từ trường công sang tư như hiện nay do cơ chế trường tư thông thoáng, các trường công cũng đang tìm cách níu giữ người tài.
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (TP.HCM) trong giờ thực hành - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
"Hút" bằng lương 40 triệu đồng/tháng
Trong bối cảnh chung của trường công bị hạn chế về điều kiện tài chính, một số trường ĐH công lập đã mạnh dạn chuyển sang mô hình tự chủ. Trong đó, tự chủ tài chính là "chìa khóa" gỡ nút thắt trong việc giữ chân và thu hút người giỏi đến làm việc.
Trường ĐH Quốc tế (TP.HCM) là nơi thu hút được nhiều cán bộ, giảng viên người Việt làm việc tại các trường ĐH nước ngoài hoặc tốt nghiệp các trường nước ngoài về làm việc. Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết để làm được điều này bản thân trường phải thực sự uy tín. Trong đó, tiền lương quan trọng nhưng không phải là tất cả mà còn là môi trường làm việc.
"Đặc biệt với các ngành công nghệ kỹ thuật, giảng viên không thích dạy "chay" nên trường cần phải đảm bảo trang thiết bị dạy học và cả nghiên cứu. Ngay cả chất lượng người học cũng là yếu tố mà giảng viên cân nhắc khi lựa chọn nơi làm việc", tiến sĩ Khoa nói.
Cũng theo tiến sĩ Khoa, Trường ĐH Quốc tế (TP.HCM) không quy định giờ dạy quá nhiều mà dành thời gian cho giảng viên làm nghiên cứu với nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích từ phía nhà trường. Chỉ tính riêng tiền lương, trung bình từ 25 - 30 triệu đồng/tháng với giảng viên có trình độ tiến sĩ, 20 - 28 triệu đồng/tháng với trình độ thạc sĩ. Nếu tính thêm tiền dạy ngoài giờ, làm nghiên cứu thì thu nhập giảng viên còn cao hơn.
Tương tự, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết thu nhập trung bình của cán bộ, giảng viên ở mức 21 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ tính lương, giảng viên có học hàm PGS được trả từ 35 - 40 triệu đồng/tháng chưa tính tiền dạy vượt giờ. Ông Dũng nói: "Cơ chế tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính giúp trường thực hiện việc này. Quan điểm của trường là phải đảm bảo cho giảng viên đủ sống thì mới có sức cống hiến".
Sau khi thực hiện tự chủ tài chính, một số trường đã có thông báo tuyển giảng viên với mức thu nhập khá cao. Ví dụ, Trường ĐH Công nghệ thông tin (TP.HCM) vừa thông báo tuyển dụng 10 tiến sĩ tham gia giảng dạy ĐH, sau ĐH và nghiên cứu khoa học với mức lương từ 18 - 35 triệu đồng/tháng.
Cải cách thủ tục, mạnh dạn đổi mới
PGS-TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhìn nhận dù trường công hay tư, nếu không tạo ra môi trường tốt thì sẽ không có ai muốn làm việc. "Tuy nhiên, trường công bị bó buộc bởi rất nhiều quy định. Ví dụ, quy định về nghiệp vụ giảng viên phải đủ từ việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hội họp... Quy trình đánh giá viên chức thì rất rườm rà, mỗi năm phải làm đủ các loại kiểm điểm... Về cơ hội thăng tiến, một giảng viên giỏi nhưng nếu chỉ là giảng viên hợp đồng thì sẽ không được bổ nhiệm vào các vị trí quản lý. Hay một tiến sĩ mới về trường muốn bổ nhiệm thì cũng phải có biên chế và kinh nghiệm quản lý 3 năm. Trong khi muốn vào biên chế thì phải thi kỳ thi do cơ quan chủ quản tổ chức. Mà chỉ tiêu thì năm có, năm không...", PGS-TS Thư chia sẻ.
Về thu nhập, ông Thư cho biết lãnh đạo trường cũng phải tính toán "nát nước" để tăng thu nhập cho cán bộ, giảng viên mà vẫn khó, vì nguồn tài chính để chi trả lương phụ thuộc vào học phí, trong khi học phí không tăng được do không có mức trần mới, ngân sách thì giảm dần... Điều mà trường công lập có thể thay đổi trong tầm tay, theo PGS-TS Thư là cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình để tạo môi trường làm việc thông thoáng hơn, hỗ trợ cho giảng viên trẻ tìm kiếm học bổng làm nghiên cứu sinh, hỗ trợ làm bài báo khoa học...
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (TP.HCM), cũng nhận định: "Ở thời đại này, các trường công lập hay tư thục phải thay đổi toàn diện, không chỉ thu nhập mà còn là cách quản lý, để cán bộ, giảng viên có được môi trường làm việc thoải mái, từ đó mới có thể toàn tâm toàn ý cho công việc, đưa chất lượng đào tạo đi lên".
"Rời trường công để đến trường tư hay ngược lại, đều là lựa chọn riêng của mỗi người và mỗi lựa chọn đều có thuận lợi, khó khăn. Chẳng hạn nếu ở một trường công lập có uy tín, các bạn có thể thu nhập thấp hơn một chút, nhưng có nhiều cơ hội hơn do thương hiệu của trường mang lại, chẳng hạn việc nghiên cứu khoa học, việc xin học bổng làm nghiên cứu sinh...", tiến sĩ Hạ cho hay.
Tiến sĩ Hạ cho rằng trường luôn tìm cách tạo thêm nhiều nguồn thu giúp cán bộ, giảng viên có thu nhập tốt. Quy trình làm việc, các thủ tục hành chính... tại trường luôn nhanh chóng, cắt bớt những quy định rườm rà, gây mất nhiều thời gian...
Mạnh dạn giao giáo viên các vị trí quản lý
Trước xu hướng các trường tư ráo riết tìm giáo viên giỏi trong trường công, nhiều hiệu trưởng trường phổ thông cho biết phải ý thức và có sự chuyển biến nhằm giữ chân giáo viên trong điều kiện hiện có.
Một hiệu trưởng trường THCS tại Q.1, TP.HCM cho hay, 5 năm về trước, giáo viên trong trường công còn là đích ngắm của nhiều người nên có buồn, chán, giáo viên cũng không dám thay đổi. Nhưng nay thì khác, trường công nếu không nhìn nhận lại thì chẳng thể níu giữ được thầy cô khi trường ngoài công lập ngày càng phát triển với sự đầu tư tài chính mạnh mẽ.
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), cho biết chế độ lương là "phần cứng", là quy định, nhà trường chẳng thể thay đổi nên cố gắng thực hiện mọi chế độ hỗ trợ, tạo môi trường làm việc thoải mái, cởi mở, thân thiện. "Ban giám hiệu thường xuyên trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thầy cô để kịp thời có những điều chỉnh hợp lý. Hy vọng thu nhập thấp nhưng giáo viên thấy vui khi làm việc và thấy hạnh phúc khi ở lại trường công", ông Khoa chia sẻ.
Còn ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết nhận thấy vấn đề "chảy máu nguồn nhân lực này" nên ban giám hiệu đã xây dựng chính sách giữ chân người giỏi, người tài. Đó là chế độ bồi dưỡng, nâng cao trình độ và giảm nhẹ các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để giáo viên chuyên tâm vào công tác chuyên môn. Thêm vào đó, cần mạnh dạn giao các vị trí quản lý, đứng đầu về chuyên môn để giáo viên thấy trách nhiệm và phát huy khả năng. Đặc biệt, cần tạo môi trường thoải mái để giáo viên có điều kiện phát huy hết sức sáng tạo.
Bích Thanh
Theo thanhnien
6 chữ C của giáo sư đoạt giải Nobel PGS. Trần Huy Thịnh và TS. Lê Thị Hường là hai trong số bốn học trò Việt của GS. Tasuku Honjo - người vừa được trao giải thưởng Nobel Y học và Sinh lý học 2018. Với họ, kết quả này không quá bất ngờ bởi nhiều năm về trước, ông đã được cho là ứng cử viên sáng giá của giải thưởng...