TPHCM: Sau rà soát, không phát hiện sai phạm thi THPT quốc gia 2018
Sở GD-ĐT TPHCM vừa có báo cáo việc rà soát công tác tổ chức, thực hiện kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Kết quả rà soát không phát hiện sai phạm liên quan đến kỳ thi.
Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay tại thành phố đã được thực hiện với tinh thần trung thực, nghiêm túc.
Quy trình thực hiện các khâu của kỳ thi đúng quy chế, và cho đến thời điểm hiện tại thì không phát hiện có trường hợp nào sai phạm xảy ra. Việc phúc khảo bài thi, xét tốt nghiệp THPT cũng đã được thực hiện đúng theo quy định.
Kỳ thi năm nay, toàn địa bàn thành phố có 124 điểm thi, với 78.332 thí sinh thi tại 3.294 phòng thi. Tổng số cán bộ coi thi tham gia vào 124 điểm thi là 9.378 cán bộ, giáo viên, nhân viên, gồm cả 3.648 cán bộ, giảng viên của 7 trường đại học trên địa bàn.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 tại TPHCM.
Việc sao in, vận chuyển đề thi đã được thực hiện đúng theo quy chế thi của quốc gia. Sở GD-ĐT TPHCM đã huy động 1.464 nhân sự tham gia chấm thi, ban làm phách 12 người, ban thư ký 21 người và 271 nhân sự tham gia công tác phúc khảo.
Về điểm thi của TPHCM năm nay, điểm trung bình nhiều môn nằm ở nhóm cao nhưng tỷ trọng thí sinh đạt điểm cao từ 9 trở lên lại cực kỳ thấp. Điều này trái hẳn với một số tỉnh bị phát hiện gian lận thi cử như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình – điểm trung bình ở nhóm thấp nhất nước nhưng tỷ trọng điểm cao từ 9 lại trong nhóm cao nhất nước.
TPHCM có trên 78.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, chỉ đứng sau Hà Nội. Thế nhưng, môn Toán chỉ có duy nhất 1 thí sinh đạt điểm 10. Một số môn như Văn, Vật lý, Sinh, Sử… vắng bóng điểm 10.
Theo phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan, Australia), TPHCM có điểm thi trung bình môn Toán cao thứ 2 cả nước, nhưng tỷ trọng điểm từ 9 trở lên đứng thứ 26, sau Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ… Điểm trung bình môn Lý TPHCM nằm ở top 20 các tỉnh thành có điểm cao nhưng tỷ trọng thí sinh đạt từ 9 lại bị đẩy lùi bởi các tỉnh có điểm trung bình nhất như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…
TPHCM có điểm trung bình môn Toán cao thứ 2 trong cả nước
Video đang HOT
Nhưng tỷ trọng bài thi trên 9 điểm môn Toán của TPHCM lại đứng sau các tỉnh như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La theo dữ liệu điểm thi ban đầu.
Điểm trung bình môn Văn – môn tự luận, giáo viên các địa phương tự chấm – của TPHCM nằm ở nhóm giữa nhưng điểm tỷ trọng trên 9 nằm ở cuối đáy. Tổng số trên 78.000 bài thi tại TPHCM, chỉ có 5 thí sinh làm bài đạt điểm 9. Trong khi đó, Nghệ An có đến 188 thí sinh đạt điểm từ 9 trở, cao gấp gần 37,6 lần so với TPHCM dù số bài thi môn Văn chỉ hơn 31.500 .
Tỉnh Hậu Giang chỉ với trên 8.800 thí sinh dự thi lại có đến 89 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên, số thí sinh thua TPHCM gần 8,9 lần nhưng số điểm trên 9 cao gấp 17,8 lần; điểm từ 9 môn Văn của TPHCM cũng kém Cao Bằng đến gần 17 lần dù số học sinh dự thi cao gấp gần 16,8 lần. Cao bằng chỉ có 4.496 thí sinh dự thi nhưng có đến 85 bài văn đạt điểm từ 9 trở lên.
Môn Văn – môn tự luận duy nhất giáo viên địa phương trực tiếp chấm bài – TPHCM có điểm trung bình ở giữa
Nhưng toàn thành phố chỉ có 5 điểm 9, tỷ trọng điểm trên 9 ở nhóm thấp nhất nước
Từ những dữ liệu, sơ đồ phổ điểm, GS Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, phân bố điểm ở TPHCM có thể xem là chuẩn nhất. Hơn nữa, theo nhiều ý kiến nhiều chuyên gia, phổ điểm như vậy là hợp lý và phù hợp, phản ánh đúng thực tế đề thi năm nay được xem là cực khó nên rất hiếm để đạt điểm cao như dự báo ngay sau kỳ thi.
Được biết, từ năm 2016, TPHCM đã ra đưa ra đề xuất, TPHCM sẽ tự xét tốt nghiệp THPT. Mới đây, trong báo cáo của TPHCM tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 toàn quốc, TPHCM lại nhắc lại đề xuất cho phép giáo dục thành phố những cơ chế đặc thù. Trong đó, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm với UBND thành phố tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp. Các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Điểm thi chưa chuẩn, nguy cơ các trường "hứng" thủ khoa rởm?
Những sai phạm có phần tinh vi của hội đồng thi Lạng Sơn, Hòa Bình khiến bài thi gốc khó được trả về.
Đến thời điểm này, các trường vẫn phải công nhận điểm thi của tất các các thí sinh. Tuy nhiên, với việc đa số thủ khoa trường học viện An ninh Nhân dân, học viện Cảnh sát Nhân dân, học viện Hậu cần đều đến từ hai tỉnh có tiêu cực điểm thi khiến nảy sinh không ít tình huống trớ trêu. Những trường lấy điểm thi cao cũng đang đứng ngồi không yên, thậm chí lên phương án dự phòng nếu tìm ra bài thi gốc.
Học viện An ninh đề xuất rà soát lại bài thi gốc của thí sinh trúng tuyển
Theo đại diện học viện An ninh Nhân dân, năm nay trong danh sách trúng tuyển của trường, một số tỉnh như Hòa Bình, Lạng Sơn nổi lên là địa phương có thí sinh trúng tuyển với điểm số cao nhất. Đại diện của trường này cho hay: "Sau khi công bố điểm chuẩn, chúng tôi đã có những phân tích ban đầu. Khó để nói rằng những số liệu này bất thường nhưng chúng tôi đã báo cáo lên lãnh đạo cấp trên vì nó liên quan đến những điểm nóng (Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn - PV) mà dư luận đang nhắc tới gần đây".
Danh sách tuyển sinh, số thí sinh trúng tuyển trải đều ở tất cả các tỉnh, tức tỉnh nào cũng có người đỗ, số lượng ít - nhiều phụ thuộc vào năng lực học sinh ở từng địa phương. Tuy nhiên, theo vị này, phía Học viện dành sự "quan tâm đặc biệt" đến những tỉnh "có vấn đề", mặc dù trước mắt vẫn phải tạm công nhận kết quả này khi chưa có kết quả sau điều tra.
"Ngay từ khi bộ GD&ĐT tiến hành rà soát tại Sơn La và Hòa Bình, chúng tôi mong muốn sớm có kết quả và tìm ra được thí sinh vi phạm để thuận tiện hơn trong quá trình xét tuyển, còn hiện tại bộ GD&ĐT đang chấp nhận kết quả đã công bố ngày 11/7. Học viện mong muốn sớm có kết quả để đảm bảo chất lượng, vì tuyển vào ngành Công an phải là những người trong sạch và có năng lực", đại diện nhà trường nói.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết, hiện học viện An ninh Nhân dân đang làm đề xuất nếu được sẽ rà soát đối chiếu lại bài thi gốc của thí sinh. "Việc này bộ GD&ĐT đã cho chủ trương, bộ Công an cũng đã có sự chủ động, nhưng trước mắt vẫn công nhận kết quả như bình thường. Quan điểm của trường mong muốn sớm có kết quả điều tra, tìm ra những bài thi gốc của thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La", đại diện nhà trường nói.
Cơ quan chức năng rà soát bài thi ở Sơn La
Được biết, ở học viện An ninh, thí sinh đạt điểm cao nhất ở khối xét tuyển thì Lạng Sơn và Hòa Bình đang dẫn đầu, cụ thể, 3 thí sinh ở Hòa Bình đạt điểm cao ở khối C03 (29,25 và 28,7), D01 (28,35). Hai thí sinh đến từ Lạng Sơn đạt điểm cao ở khối A01 (31,25) và D01 (30,05). Một thí sinh thủ khoa khối A01 thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Trong khi đó tại học viện Cảnh sát Nhân dân, thủ khoa xét theo tổ hợp C03 trường này có mức điểm 29,35 cũng tới từ Sơn La. Cụ thể, môn Ngữ văn thí sinh này được 9 điểm, Toán: 9,6 điểm và Lịch sử 10 điểm. Ngoài ra, thí sinh này còn được cộng điểm ưu tiên 0,75. Còn thủ khoa và á khoa học viện Hậu cần cũng là thí sinh đến từ Hòa Bình với tổng điểm là 28,7 và 28,25.
Trường đại học top đầu có phương án dự phòng
Sau khi các trường công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2018, nhiều trường đại học cho biết vẫn có "phương án B" nếu như cơ quan chức năng tìm được ra các bài thi gian lận ở Hòa Bình, Sơn La.
Phân tích về trường hợp hạ điểm chuẩn nếu như phát hiện thí sinh gian lận, GS. TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó đại học Y Hà Nội cho hay: "Trong tuyển sinh việc hạ 0,25 điểm chuẩn sẽ có rất nhiều thí sinh nằm trong diện trúng tuyển. Nên nhà trường phải xem xét vào trường hợp thực tế, nếu số lượng nhiều hơn 3 thí sinh loại vì phát hiện sai phạm thì có khả năng sẽ xem xét tuyển bổ sung". Ông Tú cũng khẳng định rằng, những thí sinh gian lận để đỗ vào trường đại học Y Hà Nội sẽ không có cơ hội học ra trường cho dù không bị phát hiện gian lận: "Học ở trường Y Hà Nội rất khó với những kỳ thi nghiêm túc. Chính vì thế, nếu không phải là người giỏi sẽ rất khó để trụ lại".
Đồng quan điểm trên, đại diện trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng sẽ có khả năng gọi bổ sung nếu như phát hiện nhiều thí sinh trúng tuyển là những thí sinh đã được sửa điểm. "Đây cũng là điều mà nhà trường lo lắng, đã có những phương án được đưa ra, tuy nhiên cũng phải chờ vào tình hình thực tế", vị đại diện này nêu quan điểm.
Về phía trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng việc gọi bổ sung là rất phức tạp, rất khó xảy ra điều đó: "Nhà trường sẽ chấp nhận thiếu thí sinh nếu như phát hiện ra người đã được sửa điểm. Bởi nếu gọi bổ sung thì tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới những trường khác nữa. Bởi lẽ, nếu em đó NV1 vào Bách khoa không đỗ và đã chuyển sang NV2 vào trường khác, trong trường hợp Bách khoa gọi em này thì trường kia có khả năng sẽ mất thí sinh, một hiệu ứng dây chuyền rất xấu".
Vị này cũng lấy ví dụ để nói nên cái khó của việc gọi bổ sung: "Hôm nay chúng tôi đã phải xin ý kiến bộ GD&ĐT về một trường hợp đặc biệt, em thí sinh A đã đỗ NV1 vào học viện Hậu cần và NV2 ở đại học Bách khoa cũng đỗ. Em này đã tới trường để hỏi về việc nếu không vượt qua được khám sức khỏe ở trường Hậu cần thì có được nhập học Bách khoa hay không? Nhà trường sẽ phải xin ý kiến bộ GD&ĐT trường hợp này".
Còn phía học viện An ninh, một trường có nhiều thí sinh đỗ đến từ "điểm nóng", nhà trường cho biết, rất muốn cơ quan chức năng sớm có kết quả điều tra tại Sơn La và Hòa Bình, nếu có thí sinh gian lận chắc chắn sẽ xử lý theo quy chế của bộ GD&ĐT. Hiện tại, trường vẫn chấp nhận sử dụng kết quả này và chưa có chủ trương kiểm tra đầu vào của thí sinh vì không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Lùi thông qua luật Giáo dục để cân nhắc về kỳ thi THPT Quốc gia
Chiều 8/8, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý về kỳ thi THPT Quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ sau kỳ thi THPT Quốc gia 2018 với nhiều tiêu cực ở một số tỉnh, người dân rất quan tâm tới luật Giáo dục sửa đổi. "Cử tri cần một nền giáo dục có tính ổn định chứ năm nào cũng thay đổi tùm lum lo lắm. Sách giờ năm nào cũng đổi tốn tiền lắm. Nói chung luật Giáo dục phải cho qua sau ba kỳ họp cho chắc chắn", bà nói.
Lắng nghe tất cả góp ý, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ xin tiếp thu các ý kiến. Cho rằng cần lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các cuộc hội thảo, ông Nhạ xin lùi trình dự án luật sang kỳ họp thứ 7 để chuẩn bị.
3 cán bộ, giáo viên ở Hòa Bình tiếp tục bị công an mời lên làm việc
Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, ngoài 2 người bị bắt thì còn 3 người nữa đã bị công an mời lên làm việc. Những người đó đều là thành viên của tổ Chấm thi trắc nghiệm, ngoài ra có một người được tăng cường. Đó là ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, sở GD&ĐT, Tổ trưởng tổ Chấm thi trắc nghiệm. Ông Đào Ngọc Thuật, giáo viên trường THPT Mường Bi, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm. Ông Nguyễn Tân Hưng, giáo viên THPT Đại Đồng, Lạc Sơn. Ông Nguyễn Tân Hưng được tăng cường biệt phái từ trường THPT Đại Đồng, huyện Lạc Sơn về phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình để làm việc. Ông Hưng không có tên trong danh sách những người chấm thi.
Trước đó, 2 người khác đã bị khởi tố bắt tạm giam là ông Nguyễn Khắc Tuấn - cán bộ sở GD&ĐT, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm và ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lạc Thủy, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm.
Nhóm PV
Theo www.doisongphapluat.com
Nghệ An: 32 bài thi Văn giảm điểm sau phúc khảo Quá trình thẩm định không phát hiện có dấu hiệu sai phạm ở các khâu tổ chức thi THPT quốc gia 2018 tại Nghệ An. Có 95 bài thay đổi điểm số sau khi chấm phúc khảo, trong đó có 32 bài thi môn Ngữ văn giảm điểm so với trước đó. Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018...