TP.HCM sẵn sàng cho năm học mới
Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đã sẵn sàng cho năm học mới.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, học sinh từ bậc tiểu học đến THPT sẽ tựu trường vào ngày 19-8. Riêng bậc mầm non, ngày tựu trường sẽ là 5-9. Tất cả bậc học sẽ khai giảng đồng loạt vào ngày 5-9.
Gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất
Năm học 2019-2020, quận 9 có nhiều trường học được xây mới, trong đó có Trường Tiểu học Phạm Văn Chính.
Tất bật tô điểm cho lớp học của mình, cô Vũ Thị Mỹ, giáo viên lớp 2/4, chia sẻ: “Nếu dạy trường cũ, do mọi thứ đã có sẵn nên việc chuẩn bị cho năm học mới không quá bận rộn. Thế nhưng với ngôi trường mới, chúng tôi phải làm nhiều việc hơn. Tôi đã dành rất nhiều thời gian trong việc lựa chọn cây xanh, lọ hoa để trang trí cho lớp. Tôi hy vọng những điều này sẽ khiến các con thích thú khi tới trường”.
Dẫn con tham quan trường học trước ngày tựu trường, chị Kim Anh nói: “Năm nay con lên lớp 2 và được chuyển qua trường mới sạch sẽ, khang trang khiến tôi khá yên tâm. Tuy nhiên, do trường chưa có nhiều cây xanh nên tôi sợ các con thiếu chỗ vui chơi vào mùa nắng”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Kim Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, cho biết mọi thứ đã hoàn tất để chuẩn bị đón 578 học sinh vào trường. “Trường sẽ khánh thành và khai giảng vào ngày 4-9. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao” – bà Trang nói.
Thời điểm này, Trường Mầm non 30-4 (quận Bình Tân) cũng đang tiến hành tổng vệ sinh trường lớp, sắm sửa cơ sở vật chất để chuẩn bị cho năm học mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay năm học này trường có bốn hạng mục mới được đưa vào sử dụng. Đó là mái che lưới giúp học sinh tránh nắng; công trình xây dựng xung quanh gốc cây để tạo chỗ ngồi cho trẻ; bồn cây kiểng dưới chân bảng tên trường và ốp thêm gạch xung quanh trường.
Video đang HOT
Thầy giáo Trường Tiểu học Phạm Văn Chính tỉ mỉ trang trí tấm bảng để chào đón học sinh trong ngày đầu năm học mới. Ảnh: THỦY TRÚC
Cô giáo Trường Phạm Văn Chính dọn dẹp, vệ sinh lớp học để đón đàn con thân yêu trong ngôi trường mới. Ảnh: THỦY TRÚC
Tăng cường dạy và học tiếng Anh
“Trong năm học mới, ngoài những hoạt động theo chủ trương của ngành, tôi sẽ tập trung phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Bên cạnh kiến thức, tôi sẽ quan tâm đến các hoạt động giáo dục thể chất để phát triển kỹ năng cũng như năng khiếu như bơi lội, cầu lông, bóng chuyền. Với vị trí mới, tôi luôn muốn học hỏi những mô hình trường học tiên tiến để phát triển ngôi trường của mình” – cô Trang nhấn mạnh.
Đề cập đến kế hoạch năm học 2019-2020, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh (quận 3), chia sẻ: Trong ngày khai giảng, ban giám hiệu sẽ tặng cho mỗi học sinh một chú gấu bông như một vật kỷ niệm chào đón các em vào trường.
“Nếu năm ngoái việc thực hiện tiết học mở chỉ được tổ chức ở môn tiếng Anh và một vài lớp với số lượng phụ huynh hạn chế thì năm học này sẽ được triển khai ở tất cả khối lớp, toàn bộ phụ huynh đều có thể tham gia. Ngoài ra, trường sẽ triển khai dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh tại hai lớp 1″ – ông Hùng nhấn mạnh.
“Đây là năm tiền đề chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tôi hy vọng sớm có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn giáo viên cho chương trình mới” – ông Hùng mong mỏi.
Là một ngôi trường luôn sáng tạo trong việc dạy và học, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), chia sẻ công tác chuyên môn của trường sẽ bám sát chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Điều đáng nói, năm học 2019-2020 trường sẽ đưa chuyên đề giáo dục văn hóa vào chia sẻ với học sinh. “Tôi xem đây là việc làm cần thiết để giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng cho các em. Bên cạnh đó, để chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ quốc tế trong tương lai, trường vẫn tiếp tục mời giáo viên bản ngữ về dạy cho học trò” – ông Phú chia sẻ thêm.
Kỳ vọng năm học mới, ông Phú mong ngành giáo dục sẽ ổn định trong cách kiểm tra, đánh giá; kiến thức chương trình được cập nhật kịp thời theo xu hướng của quốc tế; trang thiết bị, cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại; sẽ có nhiều chính sách quan tâm đến đời sống của người thầy và cuối cùng, có cơ chế nghiên cứu, tận dụng nguồn lực xã hội hóa để phát triển nhà trường.
Chín nhiệm vụ của năm học 2019-2020
1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT.
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
3. Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.
4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.
6. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD&ĐT.
7. Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT.
8. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT.
9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
NGUYỄN QUYÊN – TRÚC THỦY
Theo PLO
Học sinh Sa Ná sẽ tựu trường đúng kế hoạch năm học 2019-2020
Để học sinh bản Sa Ná (xã Na Mèo) được tựu trường cùng với học sinh trong toàn tỉnh vào ngày 19-8, huyện Quan Sơn đã quyết định đầu tư làm phòng học lắp ghép tại bản Sa Ná để học sinh học tạm trong thời gian chờ xây trường mới.
Khu nhà lắp ghép được xây dựng tại điểm trường mầm non bản Sa Ná
Trước đó, trận mưa lũ ngày 3-8 khiến nhiều điểm trường trên địa bàn huyện Quan Sơn bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại nặng nề. Khu trường tiểu học ở bản Son, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn) là điểm trường của học sinh tiểu học ở 2 bản Sa Ná và bản Son của xã Na Mèo (có 71 học sinh) bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn dãy 2 phòng học và nhà ở giáo viên. Hiện, toàn khu trường này chỉ còn lại các bức tường của 2 phòng học bên cạnh. Sau khi khảo sát, huyện Quan Sơn quyết định xây dựng khu nhà lắp ghép tại điểm trường mầm non bản Sa Ná để học sinh tiểu học 2 bản Sa Ná và bản Son kịp có phòng học trong ngày 19-8 sắp tới.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến ngày 16-8, mặc dù trên địa bàn bản Sa Ná có mưa nhưng những người thợ vẫn khẩn trương làm việc cho học sinh có phòng học kịp ngày tựu trường. Hiện khung sắt của dãy phòng học lắp ghép đã được dựng xong và chuẩn bị bắn tôn mái vách phòng học. Thầy Phạm Bá Thoa, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Na Mèo, cho biết: Với tiến độ công việc như hiện nay, đến ngày 18-8 sẽ hoàn thành dãy nhà lắp ghép với 4 phòng học cho học sinh 2 bản Son và Sa Ná học tập. Ngày 19-8, học sinh sẽ tựu trường đúng theo kế hoạch thời gian năm học. Hiện nay, có một số nhà hảo tâm đã tài trợ bàn ghế, sách vở cho các em học sinh nên sẽ đảm bảo cho các em có đủ điều kiện học tập.
Những người thợ đang khẩn trương làm việc để kịp có phòng học cho học sinh trước ngày tựu trường 19-8
Được biết, điểm trường mới của học sinh tiểu học 2 bản Son và Sa Ná sẽ được xây dựng ở khu tái định cư thuộc khu vực đồi Pom Ngồ, bản Sa Ná, cách điểm trường cũ khoảng 1km. Trong thời gian chờ xây dựng trường mới kiên cố, học sinh sẽ học tạm tại khu nhà lắp ghép. Dự kiến đến ngày 30-9, học sinh tiểu học 2 bản trên sẽ được học tập ở ngôi trường mới.
Thu Hà-Hoàng Giang
Theo baothanhhoa
Tựu trường mà chưa khai trường Liệu có những nghiên cứu xã hội học nào cho thấy tính ưu việt, hơn hẳn của cái sự có thêm "ngày tựu trường" dọn đường cho "ngày khai trường" truyền thống? Sáng nay bạn bè tôi ở một số tỉnh thành đã đưa con em tới trường để bắt đầu năm học mới 2019-2020. Nhưng đây mới chỉ là ngày tựu trường,...