‘TP.HCM phải đi đầu về chất lượng giáo dục’
TP.HCM sẽ có một chương trình đồng bộ để hướng đến đào tạo nhân lực trình độ quốc tế trên các lĩnh vực chọn lọc.
Đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh; cơ chế, chính sách; hệ thống quản trị đại học (ĐH), hội nhập quốc tế là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP.HCM giai đoạn 2020-2030″ diễn ra ngày 15-8.
Đào tạo nhân lực quốc tế phải có giảng viên quốc tế
Tham dự hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP.HCM, đặt ra câu hỏi nhân lực quốc tế nằm ở đâu trong chiến lược phát triển của TP.HCM. Dưới góc độ của ĐH Quốc gia TP.HCM, nhân lực chính là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy.
Nếu TP.HCM sử dụng nhân lực phục vụ cho sự phát triển của mình thì TP nên có một cơ chế đặt hàng các đơn vị đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, TP cần nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh. Bởi hội nhập quốc tế, trình độ nhân lực quốc tế, ngoại ngữ sẽ là yếu tố then chốt. Thực tế hiện nay, khi học ĐH, sinh viên thường yếu nhất ở môn tiếng Anh. “Cho nên tôi hy vọng chương trình đào tạo tiếng Anh sẽ được bắt đầu sớm để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội” – ông Quân nói.
Ông Quân đề xuất TP và các trường ĐH nên xây dựng trung tâm cải tiến các phương pháp và công nghệ giảng dạy. Đây là điều quan trọng, bởi muốn có nhân lực quốc tế cần phải có phương pháp mới, công nghệ mới để đào tạo. Song song đó nên hình thành mô hình ĐH dựa trên nền tảng công nghệ để các trường có thể chia sẻ kinh nghiệm, bài giảng, phương pháp, tài liệu.
Trong khi đó, TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho rằng để thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam, một trong những yêu cầu là hội nhập quốc tế và quốc tế hóa hệ thống giáo dục.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Video đang HOT
Để thực hiện điều này cần có chính sách quốc gia, cũng như chính sách của TP.HCM về quốc tế hóa. Quốc tế hóa giáo dục ĐH đòi hỏi một sự đầu tư mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo nghiên cứu.
Mặt khác, vấn đề cơ chế, chính sách rất quan trọng. “Trong quá trình triển khai dự án ĐH Việt Đức, chúng tôi thấy cơ chế, chính sách là vấn đề rất lớn, có những lúc đã tạo ra những rào cản trong quá trình hợp tác quốc tế về giáo dục ĐH. Chính vì thế, TP cần có một khung pháp lý cởi mở, rõ ràng. Bên cạnh đó, trong quá trình hợp tác quốc tế cần quan tâm đến chất lượng học thuật của các chương trình, dù hợp tác chương trình đào tạo ở cấp khoa hay thành lập ĐH quốc tế theo mô hình thì chất lượng học thuật đặt lên hàng đầu” – ông Viên nói.
Cần có hội đồng tư vấn đào tạo nhân lực quốc tế
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Với sự cần thiết về nguồn nhân lực trình độ quốc tế của TP.HCM, TP sẽ có một chương trình đồng bộ để hướng đến đào tạo nhân lực trình độ quốc tế trên các lĩnh vực chọn lọc.
Trước hết, nên chăng cần có một hội đồng tư vấn đào tạo nhân lực quốc tế TP.HCM. Hội đồng tư vấn sẽ bao gồm 10 người trong nước, 10 người nước ngoài. Bởi muốn có trình độ quốc tế thì phải có chuyên gia nước ngoài tham gia. Việc có hội đồng tư vấn sẽ giúp cho các chương trình được triển khai đồng bộ.
Thứ hai, TP nên có một chương trình cho vay để sinh viên học trường chất lượng cao. Thực tế, nhiều sinh viên khá, giỏi muốn học trường chất lượng cao nhưng không đủ điều kiện. Với nguồn vốn trên, các em sẽ được vay tiền đóng học phí và cam kết trả sau khi có việc làm. Song song đó, TP nên có chương trình cho vay kích cầu để hình thành các trường ĐH có trình độ quốc tế.
Bên cạnh đó, TP cần phải phát triển mạnh mẽ hợp tác công tư theo từng nhóm chuyên đề khác nhau như tăng tốc nâng cao trình độ tiếng Anh; đào tạo giáo viên thực hiện chương trình quốc tế; triển khai các chương trình đào tạo quốc tế; kiểm định chất lượng giáo dục; hợp tác trong việc nâng cao trình độ quản lý của nhà trường. Cùng đó là việc triển khai các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; chuyển giao công nghệ mới và phát triển công nghệ mới.
Mong muốn TP.HCM đi đầu trong đào tạo nhân lực
TP.HCM tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm, xem xét có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM tham gia với các cơ sở giáo dục ĐH trong việc phát triển và đánh giá chương trình đào tạo, hỗ trợ quá trình đào tạo, tạo môi trường sinh thái khởi nghiệp.
Đặc biệt, với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, TP.HCM đưa ra các dự báo đào tạo nguồn nhân lực cho TP đáp ứng sự phát triển kinh tế-xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ GD&ĐT mong muốn TP.HCM sẽ đi đầu trong đào tạo nhân lực có khả năng hội nhập quốc tế để cạnh tranh với các trường ĐH trong khu vực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho TP mà cho cả nước.
Ông LÊ HẢI AN, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
TPHCM phát triển đội ngũ nhân lực quốc tế giai đoạn 2020-2030
Ngày 15/8, UBND TPHCM tổ chức hội thảo đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 do UBND TP.HCM tổ chức ngày 15/8.
Các cơ sở giáo dục cần chú trọng công tác đổi mới đào tạo, hợp tác quốc tế phát triển nguồn lực.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trên địa bàn TPHCM có 54 trường ĐH, 52 trường Cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, hệ thống giáo dục của thành phố còn có tổng cộng 2.283 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên với hơn 2 triệu học sinh, sinh viên, trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đây là nguồn lực rất lớn mà lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.
Vì vậy, việc phát huy sức mạnh của ngành giáo dục đào tạo nói chung và của giáo dục ĐH nói riêng để đào tạo nhân lực chất lượng cao và nhân lực trình độ quốc tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng của thành phố.
TPHCM cũng đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, định hướng giáo dục đào tạo nói chung và định hướng trong đào tạo nhân lực trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới.
Đặc biệt, cuộc cách mạng 4.0 cũng đề ra yêu cầu cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng sự liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới. Do đó, vai trò của giáo dục trong đào tạo nhân lực là rất quan trọng.
Trước hết, hệ thống giáo dục phải tập trung phẩm chất và năng lực cho người học thông qua việc định hướng các con đường phù hợp nhất. Điều này cần được áp dụng ở tất cả cấp học, bậc học, trình độ đào tạo.
Đặc biệt, thành công các trường đại học không chỉ là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, khả năng kiếm việc làm của sinh viên hay vị trí trên bảng xếp hạng mà còn là sự phát triển lâu dài của sinh viên, khả năng chấp nhận rủi ro năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên trong môi trường hội nhập và quốc tế hoá.
Theo các chuyên gia, quốc tế hóa đào tạo là phương pháp hữu hiệu nhất để nâng cao chất lượng đào tạo. TS Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng ĐH Việt Đức cho rằng muốn hợp tác quốc tế và tạo ra nguồn lao động toàn cầu thì cần một chương trình đào tạo theo mô hình quốc tế, trong đó chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu. Đồng thời để đảm bảo chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng dạy cũng là yếu tố quan trọng, trước hết cần đào tạo những giảng viên đáp ứng chuẩn quốc tế, trong đó chú trọng kỹ năng tiếng Anh. Ngoài ra, cũng cần có chính sách thu hút đội ngũ giáo sư và sinh viên nước ngoài, nhất là những cá nhân có chất lượng, đến Việt Nam, giúp mở rộng không gian vật lý và không gian học thuật trong môi trường ĐH, từ đó tạo cho người học có cơ hội rèn luyện chuyên môn và kỹ năng.
Đồng quan điểm, PGS-TS Vũ Hải quân, Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, hợp tác quốc tế trong giáo dục ĐH được xem là phương án tối ưu giúp giải quyết các khó khăn, thách thức đối với chất lượng nguồn nhân lực hiện nay. Hợp tác quốc tế tạo ra động lực nhưng cũng tạo ra sức ép đổi mới hệ thống giáo dục.
Theo đó, các cơ sở giáo dục cần xây dựng chính sách bồi dưỡng và thu hút nhân tài, có kế hoạch, chiến lược bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện và chú trọng trong việc phát triển chuyên môn, khuyến khích sáng kiến theo hướng quốc tế hóa cho đội ngũ cán bộ và giảng viên.
Ngoài ra, thay đổi phương thức giảng dạy, đẩy mạnh giáo dục STEAM với trọng tâm là các ngành học và cung cấp kỹ năng quan trọng trên nền tảng công nghệ thông tin và mối quan hệ kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp...
Thu Dịu
Theo baohaiquan
Không tăng học phí năm học mới cùng một thời điểm Bộ GD-ĐT vừa lưu ý các địa phương một số vấn đề về các khoản thu trong năm học 2019-2020. Căn cứ vào trần học phí năm học 2019-2020, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương khi quyết định điều chỉnh học phí cần lưu ý tính toán và có phương án về thời điểm điều chỉnh thu học phí cho phù hợp...