TP.HCM: Nội dung Hoạt động trải nghiệm và Giáo dục địa phương ‘giẫm chân’ nhau
Khối lớp 7 hiện vẫn chưa có tài liệu môn giáo dục địa phương, các trường bị động trong việc sắp xếp phân công giáo viên, thực hiện kiểm tra đánh giá
Ngày 13/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát tại Ủy ban nhân dân Quận Tân Phú về tình hình thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2022.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Sĩ Đạt- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú cho biết tính đến cuối tháng 5/2022, trên địa bàn có 103 trường từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông nhiều cấp học. Trong đó, có 47 trường công lập (gồm 15 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 14 trường trung học cơ sở và 1 trường giáo dục chuyên biệt).
Những năm gần đây quy mô học 2 buổi/ngày của quận Tân Phú có tăng lên nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp. Hiện tại trong 24 quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh thì quận Tân Phú chỉ xếp trên quận 12 về tỷ lệ học 2 buổi/ngày.
Ông Phan Sĩ Đạt- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn (ảnh: L.P)
Theo đó, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận ở bậc tiểu học chỉ đạt 27,5% (riêng công lập đạt 25,7%), ở bậc trung học cơ sở đạt 33,37% (công lập đạt 26,26%). Tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với học sinh lớp 1,2 của quận cũng chưa đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện chỉ có 8/17 trường đảm bảo được 100% học sinh lớp 1, lớp 2 được học 2 buổi/ngày.
Với tỷ lệ học 2 buổi thấp thì liệu có đảm bảo đáp ứng tốt việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay không? Ông Đạt chia sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải thực hiện học 2 buổi/ngày nhưng trong khung chương trình yêu cầu lớp 1 chương trình phổ thông 2018 phải đảm bảo 25 tiết/tuần. Như vậy không cần phải học 2 buổi/ngày mà chỉ cần đảm bảo học 6 buổi/tuần là đủ hết nội dung chương trình lớp 1.
Tuy nhiên những khối lớp càng về sau sẽ gặp khó khăn nếu không thể học hai buổi/ngày. Chẳng hạn lên lớp 3 yêu cầu phải thực hiện 28 tiết/tuần; lớp 4, lớp 5 phải học đến 30 tiết/tuần.
Vẫn chưa có tài liệu môn giáo dục địa phương
Ông Phan Sĩ Đạt cũng cho biết, trong 3 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường tiểu học trên địa bàn quận chọn bộ sách Chân trời sáng tạo để dạy. Ở khối lớp 6, lớp 7 việc chọn sách cũng tương tự, tuy nhiên do một số bộ môn phải kèm thêm một bộ sách khác.
Đặc biệt, ở nội dung giáo dục địa phương trong khi khối lớp 6 có sách thì khối lớp 7 hiện vẫn chưa có tài liệu. Do tài liệu về chậm trễ nên giáo viên chưa có nhiều thời gian nghiên cứu chương trình, các trường bị động trong việc sắp xếp phân công giáo viên, thực hiện kiểm tra đánh giá.
Video đang HOT
Để triển khai chương trình mới, toàn bộ giáo viên của quận Tân Phú đều được tập huấn, bồi dưỡng đại trà chương trình. Tuy nhiên khi thực hiện chương trình mới cũng có những khó khăn nhất là những môn tích hợp. Do không có giáo viên dạy môn tích hợp ngay từ đầu chính vì vậy các trường sẽ phân công giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học tham gia giảng dạy thêm một môn khác trong môn Khoa học tự nhiên; hay giáo viên Lịch sử, Địa lý cùng tham gia dạy môn Lịch sử và Địa lý.
“Khi giảng dạy thì giáo viên sẽ dạy kỹ hơn ở môn chính vốn được đào tạo trước đó hơn là môn mới đào tạo thêm. Đây là điều thật sự khó khăn khi thực hiện giảng dạy những môn tích hợp”, ông Đạt cho biết.
Cũng như tình hình chung của thành phố và cả nước, quận cũng gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đặc biệt là ở bậc trung học cơ sở. Bên cạnh đó, quận cũng gặp vướng mắc để chuẩn bị đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh khi năm nay môn học này là môn bắt buộc đối với học sinh lớp 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. “Nguồn tuyển giáo viên của hai môn này rất khó khăn. Hầu như năm nào cũng tuyển nhưng vẫn luôn thiếu”, ông Đạt cho biết.
Cũng theo ông Đạt, các trường trên địa bàn đã được trang bị đủ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 tuy nhiên, năm nay đến thời điểm này các thiết bị phục vụ chương trình lớp 3 và lớp 7 vẫn chưa về mặc dù các trường đã đăng ký để trang bị đầy đủ cho các lớp.
“Năm nay lớp 3, môn Tin học là bắt buộc, nhưng việc đăng ký mua máy tính gặp rất nhiều khó khăn do phải theo chính sách tập trung. Thời gian từ khi đăng ký cho đến khi mua được mất rất dài, điều này gây khó cho việc đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Chưa kể, máy tính sử dụng một thời gian sẽ xuống cấp, muốn dạy các chương trình đạt chuẩn quốc tế đòi hỏi cấu hình cao hơn máy cấu hình hiện tại”, ông Đạt nói thêm.
Liên quan đến vấn đề tài liệu giáo dục địa phương, ông Cao Minh Quý – Phó trưởng phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án riêng để in tài liệu Giáo dục địa phương phục vụ cho học sinh thành phố.
Nói thêm về quy trình, ông Quý cho biết đối với tài liệu Giáo dục địa phương dành cho khối lớp 7 thì từ đầu tháng 8 đã trình Ủy ban nhân dân thành phố và nhận được yêu cầu điều chỉnh lại một số nội dung. Trong tuần trước Sở đã tiếp tục trình lên Ủy ban nhân dân thành phố đang chờ quyết định ban hành, tuy nhiên phải chuyển ra Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định duyệt. Tuy nhiên, khung chương trình môn học này Sở đã gửi các trường, dựa vào tên chủ đề các đơn vị có thể dự kiến phân công giảng dạy. Theo quy định pháp lý khi nào Bộ Giáo dục duyệt xong thì mới triển khai giảng dạy.
Chương trình lớp 6 mới quá tải cho học sinh
Ở góc độ cơ sở giáo dục trực tiếp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đặng Trần Côn chỉ ra hàng loạt khó khăn. Học sinh lớp 5 ở bậc tiểu học hiện tại chỉ học có 9 môn nhưng lên lớp 6 các em học tới 12 môn. Chưa kể môn Khoa học tự nhiên đã tích hợp các môn Lý, Hóa, Sinh còn môn Khoa học xã hội tích hợp môn Lịch sử, Địa lý.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường THCS Đặng Trần Côn, quận Tân Phú chia sẻ tại buổi làm việc (ảnh: L.P)
“Cũng ở chương trình lớp 6, học sinh được học Hoạt động trải nghiệm,trong đó cũng lặp lại nội dung giáo dục địa phương và hướng nghiệp nhưng chương trình lại tách riêng là Giáo dục địa phương. Như vậy 12 môn Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng có 2 môn “giẫm chân” lên nhau, nên chăng có thể lồng ghép về chung một mối ở Hoạt động trải nghiệm và tài liệu Giáo dục địa phương”, ông Hùng chia sẻ.
Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đặng Trần Côn cũng nhận định, chương trình lớp 6 mới tích cực ở chỗ giúp học sinh nhạy bén, phát triển công nghệ nhưng xét trong mối quan hệ xã hội thì rõ ràng có nhiều áp lực với học trò. Theo ông, giữa khung chương trình tiểu học với khung chương trình lớp 6 là hoàn toàn mới, những ngày đầu mới học các em rất mệt. Với khung chương trình này học sinh học 2 buổi/ngày thì ổn nhưng nếu chỉ học một buổi thì xét về định lượng và sắp xếp số môn thì quá tải cho học sinh.
Ông Hùng cũng chia sẻ mỗi mùa tựu trường phụ huynh hay than phiền về sách giáo khoa. Theo ông lý do nằm ở chỗ Bộ Giáo dục và Đào tạo không quản lý được giá sách giáo khoa mà để các nhà phát hành quản theo hướng làm sao có lãi. Chính vì thế, ông kiến nghị Bộ phải quản lý được giá sách giáo khoa thì phụ huynh mới bớt vất vả.
Phát biểu tại các buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dù có nhiều khó khăn nhưng quận Tân Phú đã nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những kết quả đáng khích lệ.
Phía đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh mong muốn ngành giáo dục địa phương khi thực hiện chương trình mới cần triển khai thực chất, không chạy theo thành tích. Ngoài ra, địa phương cần linh hoạt tuyển dụng giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, chủ động quy hoạch mạng lưới trường lớp nhằm tăng thêm chỗ học cho học sinh, kết hợp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng việc triển khai chương trình.
Quận Gò Vấp: Trường học thiếu giáo viên, sĩ số cao so với quy định
Chiều 14-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp tục có buổi làm việc với UBND quận Gò Vấp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2022.
Tại buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ngoài việc truyền đạt kiến thức còn hướng đến việc tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kiến thức lịch sử địa phương, qua đó phát triển năng lực và phẩm chất cho người học.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết trăn trở về các vấn đề thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học tại các đơn vị
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề như thiếu giáo viên, yêu cầu về trang thiết bị dạy học...
Báo cáo tình hình triển khai chương trình sách giáo khoa (SGK) mới tại địa phương, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận Gò Vấp đạt 82,86% (tăng nhẹ so với cùng kỳ năm học 2021-2022). Trong đó, ở bậc tiểu học, có 73,30% học sinh được học 2 buổi/ngày. Bậc THCS đạt tỉ lệ 96,93%.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và UBND quận Gò Vấp
Đại diện Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp thừa nhận các trường chưa đáp ứng hết nhu cầu học 2 buổi/ngày của học sinh, sĩ số học sinh/lớp còn cao so với quy định.
Bên cạnh đó, số lượng giáo viên dạy tiếng Anh và tin học còn thiếu, quá trình tuyển dụng gặp khó khăn do có ít ứng viên tham gia tuyển dụng.
Để giải quyết các khó khăn đó, quận Gò Vấp kiến nghị UBND TPHCM tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Làm rõ hơn những khó khăn đang gặp phải, cô Lê Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Gò Vấp) thông tin, trường có 17/38 lớp có sĩ số trên 45 học sinh/lớp, 21/38 lớp có sĩ số trên 40 học sinh/lớp, gây hạn chế trong việc tổ chức hoạt động dạy học của thầy và trò.
Cô Lê Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Gò Vấp) phát biểu tại buổi làm việc
Hiện nay, Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm chưa đủ phòng học để tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày.
Song song đó, trang thiết bị chỉ đáp ứng cơ bản các hoạt động giáo dục, trong đó trang thiết bị dạy học tối thiểu của lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa được cung cấp kịp thời để phục vụ việc dạy và học.
Tương tự, tại Trường THCS Gò Vấp, Hiệu trưởng Hoàng Thị Thu bày tỏ, đơn vị còn thiếu giáo viên ở các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Toán, Sinh học, Âm nhạc và Thể dục.
Trong đó, đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý), các môn và hoạt động giáo dục mới (Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương) gặp rất nhiều khó khăn do giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm những môn mới chưa được đào tạo chính quy.
Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp Hoàng Thị Thu nêu những khó khăn tại trường mình
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, ông Trần Ngọc Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Sở này đã phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Trước đây, do giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng đảm nhận nhiệm vụ dạy đa môn trong chương trình mới nên gặp khó khăn là khó tránh khỏi.
Xem xét kỷ luật, buộc thôi việc với 3 giáo viên dùng bằng giả ở Huế Hai trong số ba giáo viên của một mầm non trên địa bàn TP.Huế dùng bằng giả vừa bị buộc thôi việc, còn lại 1 người đang xem xét kỷ luật. Ngày 13/9, ông Nguyễn Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.Huế đã xác nhận thông tin này với PV. Theo đó, sự việc xảy ở trường mầm non Hoa...