TPHCM: Nghiêm cấm may đồng phục HS để lạm thu
Ngày 3/10, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM đã có văn bản đề nghị các trường trên địa bàn triển khai việc mặc đồng phục theo đúng quy định. Việc thống nhất trong sử dụng đồng phục là biện pháp tạo sự đồng bộ giữa học sinh với nhau, tránh cho các em sự phân biệt giàu – nghèo, tăng kỷ cương nền nếp trong nhà trường.
Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cũng tuyệt đối nghiêm cấm việc lợi dụng may đồng phục để lạm thu, bày vẽ gây tốn kém và khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Đồng phục phải thiết kế giản dị, phụ hợp với lứa tuổi và được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận, dễ tìm mua hoặc may, chất liệu bền và giá không cao hơn giá thị trường. Với những học sinh đã có đồng phục cũ, không bắt buộc phải mua đồng phục mới. Việc may, mặc đồng phục phải được sự đồng thuận của Hội đồng trường và Ban đại diện Cha mẹ học sinh.
Đồng phục học sinh là đề tài gây nhiều tranh cãi trong xã hội (Ảnh minh họa)
Hằng năm, nhà trường không được tùy tiện thay đổi đồng phục hoặc thêm bớt các chi tiết làm khó khăn cho học sinh và phụ huynh. Nếu cần có sự thay đổi thì phải báo trước và được sự đồng thuận từ nhiều phía.
Việc thay đổi đồng phục phải được thực hiện một cách nhanh chóng, đồng bộ, tránh tình trạng đầu mỗi năm học, chỉ vì chưa có đồng phục mà học sinh không thể tới trường. Ngoài ra, Sở còn khuyến khích các trường thống nhất về kiểu dáng, màu sắc của đồng phục để phụ huynh tự chủ động đi may cho thuận tiện. Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường lưu ý phân công rà soát, vận động các nhà hảo tâm chăm lo, tặng các em sách vở, đồng phục, học bổng để có thể đến trường.
Video đang HOT
Theo TNO
Ban phụ huynh "tiếp tay" cho lạm thu
Nhiều phụ huynh cho rằng ban đại diện phụ huynh ở nhiều trường chỉ lập ra mang tính hình thức,"bù nhìn". Ban này chưa làm đúng chức năng, cũng chưa đẩy lùi được vấn đề lạm thu đầu năm học.
Ban phụ huynh lập ra chỉ mang tính hình thức!
Anh Phạm Thanh H, ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, con anh học lớp 2 ở một trường tiểu học thuộc quận. Ban đại diện phụ huynh ở trường con anh theo học không giúp ích gì nhiều cho phụ huynh. Đến mỗi kỳ họp phụ huynh đầu năm, ban này chỉ họp các thành viên với mục đích thông báo các khoản thu và yêu cầu phụ huynh ký vào đơn trên tinh thần tự nguyện.
"Tôi thấy ban phụ huynh lập ra gần như là tay sai cho trường. Ban này chỉ lập ra cho có tính hình thức. Trước khi họp phụ huynh đầu năm, người đứng đầu ban phụ huynh đã thống nhất trước với nhà trường về các khoản thu ngoài ngân sách. Họ đã quyết định sẵn số tiền, chúng tôi không được thông qua cũng như phản biện về các khoản thu, chi", anh H kể.
Anh H dẫn chứng, cách đây khoảng 2 tuần, anh đi họp phụ huynh cho con, đại diện ban phụ huynh đã đưa cho anh một tờ giấy gồm một loạt các khoản thu ngoài ngân sách phải đóng như tiền lắp đặt điều hòa, tiền kéo dây điện, tiền sửa máy bơm, tiền kéo công tơ với số tiền gần 1 triệu đồng. Anh có thắc mắc về khoản thu này thì đại diện ban phụ huynh chỉ nói chung chung không nói rõ chi tiết, cụ thể từng khoản thu.
"Điều lạ khi thông báo những khoản thu này, đại diện ban phụ huynh kèm luôn tờ giấy, yêu cầu phụ huynh ký vào đơn với nội dung đóng tiền trên tinh thần tự nguyện. Khi đó, chúng tôi khá bức xúc nhưng không dám nói bởi con cái mình vẫn đang học tại trường", anh H nói.
Anh H cho biết thêm, khoản thu về việc lắp đặt điều hòa thì anh được thông báo trong năm học 2012. Khoản thu này anh không có thắc mắc, nhưng về những khoản phụ đi kèm với thiết bị này như việc kéo công tơ điện, dây điện, tiền sửa chữa bảo dưỡng hay tiền đóng cho đội văn nghệ của trường anh không được thông qua. Khi anh nhận được thông báo đóng tiền thì chỉ thấy đại diện ban phu huynh ghi chung là khoản đóng tiền điều hòa chứ không ghi cụ thể từng khoản.
"Trách nhiệm của đại diện ban phụ huynh là phải công khai minh bạch từng khoản thu, chi để các phụ huynh khác không thắc mắc. Đằng này, họ ghi chung chung các khoản đóng góp và gần như quyết định sẵn trước số tiền rồi nên chúng tôi chỉ còn cách là gật đầu đồng ý chứ đâu có dám phản biện gì", anh H bức xúc nói.
Trong cuộc họp đầu năm, nhiều phụ huynh bức xúc về khoản lạm thu nhưng không dám nói (Ảnh minh họa)
Chị Nguyễn Thị L, ở phường Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội, có con đang theo học lớp 1 ở trường tiều học trên địa bàn quận cho biết, ban đại diện phụ huynh ở trường con chị học cũng lập ra chỉ mang tính hình thức. Phụ huynh có thắc mắc về các khoản lạm thu thì cũng không dám ý kiến, hoặc không biết kêu ai.
"Chúng tôi chỉ hy vọng vào đại diện ban phụ huynh ở trường đứng ra giúp các phụ huynh khác kiến nghị lên nhà trường hoặc các cơ quan có thẩm quyền về bức xúc liên quan khỏan thu, chi đầu năm. Nhưng ngược lại, đại diện ban phụ huynh lại có cùng quan điểm với nhà trường thì chúng tôi còn biết kêu ai", chị L nói.
Chị L cho hay, đầu năm học, bà nhận được thông báo từ đại diện ban phụ huynh đóng các khoản thu ngoài ngân sách như quạt điện treo tường, mua cốc, giá treo cốc, giỏ lọ hoa, bóng điện, trường với số tiền hơn 700.000 đồng. Tuy nhiên, điều chị L bức xúc là những khoản thu này bà không được thông qua trước, chỉ đến khi họp đầu năm cho con bà mới nhận được giấy báo các khoản thu từ đại diện ban phụ huynh và yêu cầu đóng tiền.
"Ngoài những khoản thu trên tôi cũng nhận được thông báo đóng 365.000 đồng tiền quỹ lớp để phục vụ việc tổ chức sinh nhật, văn nghệ báo tường, các ngày lễ, tết... Những khoản chi này, chỉ cuối học kỳ hoặc cuối năm học chúng tôi mới được biết con số tổng. Còn việc chi như nào, chi bao nhiêu, chi hoạt động nào thì phụ huynh cũng không hề được biết cụ thể", chị L. chia sẻ.
Khoản thu chi phải minh bạch, dân mới tin
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Bộ trưởng Bộ GD cho biết, hiện nay ban phụ huynh ở trường nào cũng có. Đây là một tổ chức được thành lập ra để có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường, đồng thời giám sát việc thu, chi trong năm học. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều trường học ban này hoạt động chưa tốt, có nhiều hoạt động sai nhưng chưa được chấn chỉnh kịp thời.
"Xét về mặt tổng thể thì ban phụ huynh là một tổ chức tốt, thiết thực đối với nhiều phụ huynh. Nhưng hiện nay, người đứng đầu đại diện cho ban này lợi dụng sự nhập nhèm về quy chế hoạt động của ban phụ huynh mà có những khoản thu không minh bạch. Điều này đã gây bức xúc cho nhiều phụ huynh khác, cũng như có nhiều ý kiến chưa tốt về ban này", P.GS Nhĩ cho hay.
Theo P.GS Nhĩ, hiện Bộ GD cũng chưa có bộ phận nào giám sát hoạt động của ban phụ huynh các trường. Quy chế hoạt động của ban phụ huynh còn chưa rõ ràng. Ban phụ huynh hoạt động trên tinh tần tự nguyện đóng góp các hoạt động nên cũng có nhiều cái khó.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD nêu, ở Việt Nam, đời sống của cán bộ giáo viên còn khó khăn. Trường công lập hoạt động phụ thuộc vào ngân sách nhà nước nên cũng chưa có tiềm lực kinh tế. Ngân sách nhà nước chi cho nền giáo dục còn hạn chế, trong khi đó lại trải rộng ra nhiều trường nên nhiều trường học phải huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để phục vụ cho cơ sở vật chất ở nhà trường.
Nếu là trường công thì nhà nước phải lo đầy đủ cơ sở vật chất, phục vụ cho việc học và giảng dạy của giáo viên. Còn trường tư thì người đứng đầu phải tự lo sắm các thiết bị này. Nhưng hiện nay, nguồn ngân sách của Việt Nam chi cho trường công, tư chưa rõ ràng, thiếu minh bạch nên nội dung này đang là "bài toán khó".
"Để ban phụ huynh ở các trường hoạt động được tốt thì người đứng đầu ban này phải là người thực sự khách quan, có tâm huyết với giáo dục. Các khoản thu chi ở các trường phải được công khai, minh bạch. Đồng thời quy chế hoạt động của ban này cũng phải cụ thể, rõ ràng hơn", P.GS Nhĩ nói.
Theo TNO
Lạm thu: Nói cứ nói, thu cứ thu Dù Sở GD-ĐT TP HCM đã có văn bản hướng dẫn thu chi nhưng tình trạng lạm thu vẫn tiếp tục tái diễn ở nhiều trường. Trong đơn gửi Báo Người Lao Động, nhiều phụ huynh (PH) Trường THCS Colette (quận 3, TP HCM) phản ánh về việc Hội PH trường phát động đóng quỹ PH 400.000 đồng/học sinh (HS), tiền sơn trường...