TP.HCM hợp thức hóa dạy thêm, học thêm: Lời thật phụ huynh
Chị H cho rằng, nếu việc này thành hiện thực, chị rất lo lắng bởi con chị mới học Tiểu học nên vợ chồng chị chưa muốn cho con đi học thêm.
Chị N.T.H (36 tuổi, trú quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ với báo Đất Việt thông tin trên vào ngày 14/11 xung quanh xôn xao vụ Sở GD-ĐT TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP về việc ra Quyết định ban hành quy định dạy thêm, học thêm.
“Tôi không biết các phụ huynh khác thế nào chứ quan điểm của vợ chồng tôi là, con mới học Tiểu học thì chưa cần phải học thêm nhiều. Ở trường của con tôi, nhiều cháu hết giờ học chính còn đăng ký học thêm Toán Kumon, Toán Singapore, luyện chữ và nhiều các môn học khác nhưng tôi chưa cho cháu học thêm môn gì, kể cả cô giáo dạy thêm sau giờ học cũng không.
Tôi không thích tạo áp lực cho con bởi các cháu còn nhỏ nên tôi nghĩ cần có thời gian cho các cháu chơi, vừa chơi vừa học, điều quan trọng là quan tâm đến sức khỏe của cháu thôi. Con khỏe mạnh thì sẽ tiếp thu bài được tốt, còn nếu con học nhiều quá, không đảm bảo sức khỏe cũng đâu phải là phương pháp hay”, chị H nói.
Nhiều em học sinh tiểu học vừa tan trường không kịp ăn uống, nghỉ ngơi, thậm chí thay bộ đồng phục, đã phải đến nhà cô học thêm.
Chị H tỏ ra rất băn khoăn về việc nếu Sở GD-ĐT TP.HCM hợp thức hóa dạy thêm, học thêm thì đây có phải là quy định bắt buộc không, trong trường hợp chị không cho con học thêm thì có bị sao không.
“Nếu hợp thức hóa việc dạy thêm, học thêm thì phụ huynh hay các em học sinh có được lựa chọn giáo viên dạy không.
Học các tiết chính trên lớp đã khiến các cháu căng thẳng, mệt mỏi rồi, giờ bắt học thêm thì chẳng khác nào tra tấn các cháu”, chị H lo lắng.
Cũng theo chị H, vợ chồng chị chỉ cho con đi học thêm môn tiếng Anh ở trung tâm, còn không học thêm bất cứ môn nào ở các trung tâm bên ngoài. Mặc dù vậy, hai người con của chị luôn đứng top từ năm lớp 1 đến lớp 4.
Có cùng lo lắng với chị H, anh N.V.N (38 tuổi, trú ở TP.HCM) cũng cho rằng: “Nếu có việc này, anh rất muốn biết quy định của việc học thêm ở trường. Từ việc giáo viên dạy thêm cho đến giờ giấc.
Con tôi mới học Tiểu học, học chính đã nhiều bài tập rồi, về nhà cần có thời gian cho các cháu vui chơi, trò chuyện với gia đình. Bắt các cháu học cả ngày như thế thì tôi sợ các cháu đang ở tuổi lớn sẽ chẳng phát triển được về thể chất”.
Cũng theo anh Nam, việc dạy thêm, học thêm nếu đưa vào quy định bắt buộc thì phải có sự đồng ý của người dân, phụ huynh học sinh.
Một trung tâm dạy thêm học sinh tiểu học ở quận 12, TP.HCM. Ảnh: TPO
Video đang HOT
Trước đó, theo thông tin phản ánh trên báo Tiền Phong, sau khi Thông tư 17/2012 của Bộ GD-T về quản lý dạy thêm, học thêm hết hiệu lực, Sở GD-T TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TP về việc ra Quyết định ban hành quy định dạy thêm, học thêm.
Động thái này của Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra được cho là giúp quản lý chặt chẽ quá trình hoạt động dạy thêm của giáo viên.
Tờ trình của Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra nhiều thuyết minh để chứng minh việc dạy thêm, học thêm trong trường là cần thiết. Cụ thể, đối với dạy thêm trong nhà trường, việc thu tiền để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy, các công tác quản lý của nhà trường, chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm – học thêm, mức thu tiền học thêm… không được quá mức trần cho phép.
Tổ chức các buổi dạy thêm trong nhà trường trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng, đan xen với các lớp chính khóa, không tổ chức dạy thêm – học thêm vào chủ nhật, ngày nghỉ lễ. Mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần. Học sinh được lựa chọn giáo viên và môn học mình mong muốn.
Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, việc thu tiền học thêm phải đạt được thỏa thuận của phụ huynh học sinh, thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm, công khai và cấp biên lai mức thu tiền.
Nói về việc này, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, căn cứ văn bản pháp lý có thay đổi nên phải điều chỉnh để cho đúng với quy định của pháp luật.
“Theo luật, Sở GD-ĐT TP.HCM là đơn vị cấp dưới, triển khai theo cấp trên nên có những cái cấp trên ghi chung chung nhưng do đặc thù của thành phố nên mình phải tham mưu thêm trong thẩm quyền cho phép”, ông Trung nói.
Được biết, TP.HCM được xem là một trong những điểm nóng của dạy thêm, học thêm.
Theo khảo sát, xung quanh các trường học nhất là trường tiểu học đều có các điểm dạy thêm do giáo viên của trường thuê để hoạt động sau giờ học chính khóa. Cụ thể, xung quanh trường Tiểu học Trương Công Định, quận 6, có không dưới 5 điểm dạy thêm, bán kính cách trường chỉ vài trăm mét.
Thu Hoài
Theo baodatviet
Phụ huynh hãy dừng lại trước cổng trường...
Tốt nhất là phụ huynh chỉ nên dừng lại ở trước cổng trường, phía sau cổng trường là chuyện của nhà trường và thầy cô giáo.
Trong quá trình dạy học, chúng tôi đã gặp và chứng kiến một số phụ huynh quan tâm quá thái đến con mình khi các em đã bước vào trong cổng trường.
Sự theo sát con cũng là điều rất cần thiết nhưng phụ huynh cũng cần phải buông tay con mình ra, không nên cứ nắm tay con mình trong mọi hoàn cảnh.
Phía sau cổng trường đó là công việc của nhà trường, của thầy cô giáo.
Nhà trường và các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy sẽ biết cách để làm sao cho học sinh trong trường, trong lớp học của mình được đối xử một cách bình đẳng nhất.
Thầy cô sẽ biết cách sắp xếp, đổi chỗ cho học sinh ngồi hợp lý và công bằng. (Ảnh minh họa: Phunuvietnam.vn)
Dù chúng tôi cũng biết rằng có những thầy cô đối xử với học trò của mình chưa công bằng, đánh giá học trò của mình chưa khách quan nhưng phải nói rằng số những thầy cô như vậy rất hiếm. Nếu có, nó chỉ rơi vào những trường hợp thầy cô có tổ chức dạy thêm ở nhà mà thôi.
Trong khi, học sinh ở quê cấp Tiểu học và Trung học cơ sở rất hiếm học thêm, nếu có cũng chỉ là mấy môn thi tuyển sinh10 vào dịp cuối cấp.
Những học sinh ở thành phố cũng chỉ có mấy môn được xem là môn chính là học thêm mà thôi.
Số nhiều các môn còn lại giáo viên không dạy thêm và học sinh cũng không có nhu cầu học thêm.
Vì vậy, phụ huynh cũng đừng nên can thiệp vào chuyện gặp gỡ thầy cô trong Ban giám hiệu để được xếp con mình vào những lớp chọn, những lớp có thầy cô có tiếng, con mình được ngồi ở những vị trí thuận tiện nhất trong lớp học.
Nếu phụ huynh nào cũng muốn con mình vào những lớp chọn thì học sinh nào vào những lớp đại trà?
Nếu phụ huynh nào cũng xin cho con mình được ngồi ở các dãy bàn đầu mà ngồi chính giữa bảng ghi thì học sinh nào ngồi sau, học sinh nào ngồi trong góc?
Đừng phán xét thầy cô về chuyện cho điểm học trò
Nói gì thì nói, thầy cô đánh giá kết quả học tập của trò phải căn cứ trên giấy trắng, mực đen. Điểm cao, điểm thấp được thể hiện trên bài kiểm tra của học trò chứ không có một cách nào khác được.
Thực tế, có nhiều học sinh học trên lớp thường xuyên phát biểu xây dựng bài, thường sôi nổi trong thảo luận nhóm nhưng khi làm bài kiểm tra thì bài làm lại không tốt.
Trong khi đó, có nhiều em học rất trầm, ít phát biểu bài nhưng khi làm bài kiểm tra lại thường rất tốt.
Nhưng, nhiều phụ huynh lại không hiểu điều đó, cho rằng thầy cô đánh giá không công bằng, suy luận nhiều điều chủ quan và gán ghép cho thầy cô nhiều chuyện không hay.Tất nhiên, thầy cô phải chấm đúng theo những nội dung mà học sinh đã thể hiện trong bài kiểm tra của mình chứ không thể bẻ cong ngòi bút được.
Vẫn biết, cũng có những thầy cô chưa khách quan trong việc kiểm tra trên lớp như chuyện em nào học thêm thì thường gợi ý hoặc ra các dạng bài tập tương tự như bài kiểm tra nhằm những em học thêm có lợi.
Nhưng, như phần trên chúng tôi đã trình bày, việc học thêm hiện nay chủ yếu chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, ở những môn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp và thường là đối với những học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và học sinh cấp Trung học phổ thông.
Phần lớn học sinh bây giờ vẫn không học thêm và phần lớn các môn giáo viên không dạy thêm. Vậy thì giáo viên có gì đâu mà phải yêu, phải ghét học trò nào. Việc đánh giá khách quan là điều mà thầy cô nào cũng hướng tới và tất nhiên chuyện chấm điểm không có chuyện "bên trọng, bên khinh".
Trước những phản ánh của con mình rằng con học tốt hơn bạn mà điểm tổng kết thấp hơn, phụ huynh cũng cần có những định hướng cần thiết cho con mình, không nên nói thầy cô như thế này, thế khác, không nên có những lời bàn tán với nhiều phụ huynh khác về thầy cô khi mà thông tin chưa được kiểm chứng rõ ràng.
Làm như vậy, không chỉ gieo cho con sự đố kị mà đánh giá về thầy cô của con mình chưa thực sự chuẩn xác.
Đừng can thiệp chuyện xếp chỗ ngồi của con trong lớp
Chuyện xếp chỗ ngồi cho học trò bao giờ cũng gặp những rắc rối khi phụ huynh can thiệp vào, nhất là đối với học sinh tiểu học. Nhiều phụ huynh ngay từ những ngày đầu năm học là đem con mình vào lớp rồi ấn vào một cái bàn thuận lợi nhất để con mình ngồi.
Khi thầy cô xếp lại chỗ ngồi thì phụ huynh có những lời lẽ khó nghe, cho rằng thầy cô ác ý với con mình.
Trong khi đó, dù học sinh cùng tuổi với nhau nhưng có những em cao, to, có những em thấp, bé, có những em mắt bình thường, lại có những em bị cận thị nặng. Chẳng lẽ thầy cô lại để các em nhỏ bé, những em cận thị ngồi sau còn những em to lớn ngồi phía trước?Tuy nhiên, một thực tế rất rõ là mỗi phòng học thường bố trí từ 20-24 bàn, mỗi dãy có 5-6 bàn học. Nếu học sinh nào cũng muốn ngồi vào bàn thứ nhất, thứ hai thì em nào ngồi ở bàn thứ năm, thứ sáu?
Chính vì vậy, thông thường những em cận thị, những em nhỏ nhất lớp hay được thầy cô xếp ngồi ở các bàn đầu. Nếu em nào cận thị mà cao lớn thì ngồi những bàn đầu nhưng ngồi sát tường để các em thuận tiện nhìn lên bẩng mà các em phía sau dễ dàng học tập.
Những em còn lại phát triển bình thường, mắt mũi bình thường thì thường xếp ngồi ở phía sau. Mỗi lớp có 4 tổ, liên tục được giáo viên chủ nhiệm đổi vị trí theo tuần, theo tháng. Những dãy ngồi sát vách tường ngồi tuần này thì tuần sau vào ngồi ở giữa và ngược lại.
Những em ngồi phía sau thì đổi lên ngồi trước, các em ngồi trước sẽ được đổi ngồi phía sau. Như vậy, học sinh của lớp luôn được đổi chỗ một cách công bằng và tất nhiên giáo viên không thiên vị trong việc này.
Vì vậy, phụ huynh cũng đừng quá can thiệp và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm luôn ưu tiên để con mình ngồi phía trên nếu con mình phát triển về thể trạng bình thường. Thầy cô biết cách để học sinh trong lớp mình được đối xử công bằng nhất, nhân văn nhất.
Phụ huynh quan tâm đến con mình khi đi học là điều mà nhà trường, thầy cô giáo luôn mong muốn để học trò mình tốt hơn.
Nhưng, sự quan tâm phải dựa trên cơ sở công bằng trong tổng thể từng lớp học, chứ không nên quan tâm một cách chỉ biết có con mình. Tốt nhất là phụ huynh chỉ nên dừng lại ở trước cổng trường, phía sau cổng trường là chuyện của nhà trường và thầy cô giáo.
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Bộ cứ cấm, giáo viên cứ dạy Bất chấp lệnh cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, không ít giáo viên ở Hà Nội đã tổ chức lớp học buổi tối, ngày cuối tuần để phụ đạo, còn phụ huynh cũng "lên đồng" đẩy con vào các lớp học thêm vì sợ con thua kém bạn bè hay đơn giản chỉ để vừa lòng giáo viên. Học sinh...