TPHCM: Hơn 2.000 người đi bộ gây Quỹ khuyến học
Ngày 23/4, tại đại lộ Nguyễn Lương Bằng (Q.7, TPHCM), hơn 2.000 người hào hứng tham gia chương trình đi bộ gây quỹ. Đây là hoạt động tiếp nối sự thành công của những năm trước đây do Hội Khuyến học TPHCM tổ chức để tạo nguồn kinh phí giúp học sinh, sinh viên khó khăn.
Chương trình “Đi bộ gây quỹ khuyến học” lần 5 này được tổ chức quy mô toàn thành, với mục đích tuyên truyền hoạt động khuyến học và gây quỹ khuyến học nhằm hỗ trợ các em học sinh- sinh viên nghèo hiếu học, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con gia đình thương binh, liệt sĩ… để các em có điều kiện tiếp tục đến trường.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố dẫn đầu đoàn đi bộ.
Lực lượng tham gia ngoài Hội khuyến học TPHCM, Hội khuyến học 24 quận huyện, còn có gần 2.000 sinh viên đến từ các trường ĐH Kinh tế, ĐH Sài Gòn, Kỹ thuật công nghệ, Hùng Vương. Kiến trúc.
Với khẩu hiệu, băng rôn trên tay, đoàn người diễu hành dọc theo đại lộ Nguyễn Lương Bằng với chặng đường dài hơn 3km.
Sinh viên TPHCM hào hứng trong buổi đi bộ phát động gây Quỹ khuyến học lần 5.
Kết thúc chương trình đi bộ, Hội khuyến học đã trao 50 suất học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, trị giá mỗi suất 1 triệu đồng.
Video đang HOT
Ngoài ra, số tiền gây quỹ từ chương trình đi bộ sẽ tiếp tục trao cho các em HS, SV tại các trường.
Trao học bổng cho 50 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Thời gian tới, Hội Khuyến học TPHCM sẽ duy trì, phát triển và tuyên truyền sâu rộng phong trào và hoạt động khuyến học thiết thực theo chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị và chỉ thị số 02/2008/CT-TTg về việc “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
Được biết, sau 5 năm tổ chức chương trình đã xây dựng cho Quỹ Khuyến học được gần 3 tỷ đồng. Số tiền này là kinh phí để trao học bổng khuyến học cho HS, SV của các trường đóng trên địa bàn thành phố.
Theo Dân Trí
Cụ già 100 tuổi vẫn nhiệt tình làm khuyến học
Ở tuổi 100 và đã có 63 năm tuổi Đảng, cụ Trịnh Đăng Sẹo, hội viên Hội khuyến học, Hội người cao tuổi làng An Lạc, xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động khuyến học ở địa phương.
Cuộc đời của cụ Trần Đăng Sẹo gắn liền với hoạt động cách mạng và công tác làm khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Cụ Sẹo tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1935 và bị bắt tại chiến khu Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, cụ đã bị địch giam cầm 15 năm tại nhà lao Thanh Hóa. Sau khi ra khỏi nhà lao, cụ được điều động sang công tác ở ngành bưu điện cho đến lúc về hưu vào năm 1971.
Với cụ, nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, cụ quan niệm: "Còn sức thì còn cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng". Từ ngày nghỉ hưu, cụ Sẹo luôn tích cực tham gia các hoạt động ở thôn, xã và đặc biệt là công tác khuyến học, khuyến tài.
Năm nay cụ Sẹo tròn 100 tuổi, trông cụ vẫn rất minh mẩn và khỏe mạnh.
Ngày trước chưa có Hội và Chi hội khuyến học như bây giờ, hàng năm cụ vẫn trực tiếp tới các trường học thăm hỏi thầy cô, tặng quà 1/6, tết trung thu, ngày khai giảng và quà 20/11... cho các thầy cô và các cháu học sinh. Những món quà tuy nhỏ nhưng là niềm động viên, khích lệ tinh thần cho các thầy cô cũng như các cháu học sinh.
Năm 2001, Hội khuyến học được thành lập, cụ Sẹo đề xuất và kêu gọi mọi người ủng hộ quỹ khuyến hoc. Cụ còn hứa trước đại hội mỗi tháng sẽ dành một ngày lương góp vào quỹ. Noi gương cụ Sẹo, chi hội người cao tuổi thôn 2, làng An Lạc có gần 100% các cụ ủng hộ quỹ khuyến học, hàng năm dành trích tiền quỹ tặng quà cho các cháu đậu ĐH, CĐ, TCCN, THPT Công Lập...
Là người tâm đắc với hội, cụ tâm sự: "Ngày xưa chiến tranh loạn lạc, học được cái chữ rất khó. Hồi còn công tác tôi chỉ biết đọc biết viết và làm 4 phép tính cộng trừ nhân chia, sau này có thời gian tôi học hết được cấp I nên về hưu tôi rất quý sự học, quý nhà trường và yêu mến học sinh".
Năm 2001, Trường tiểu học xã Hạnh Phúc xây dựng cao tầng, cụ đã rút tiền tiết kiệm thay mặt 50 con cháu ủng hộ 4 triệu đồng. Riêng cụ đóng suất mình 500.000đ.
Cụ còn trực tiếp đến xã đóng góp vào quỹ khuyến học với số tiền 2 triệu đồng. Với các cháu trong thôn xóm cụ càng quan tâm nhiều hơn. Những lúc về khuya, các cháu phải học nhiều để chuẩn bị cho thi cử, cụ thường dùng lời động viên và những gói mì tôm, gói kẹo động viên các cháu học hành. Nhiều cháu đã trưởng thành quay lại quê hương thăm hỏi và cảm ơn cụ.
Ở trong dòng họ, trong làng, những cháu đậu ĐH, CĐ, cụ đều có quà động viên với mức thưởng từ 20.000 - 30.000đ. Nhiều thanh niên được kết nạp Đảng cụ cũng dành tặng 100.000đ. Cụ còn là người gương mẫu trong việc xây dựng khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ tại Thanh hóa và Đài tưởng niệm liệt sĩ xã nhà, xây dựng làng văn hóa. Vào các dịp tết Nguyên đán, cụ đền từng hộ gia đình liệt sĩ nghèo tặng quà và ủng hộ tiền cho dòng họ Lê Thọ (họ vợ) làm khuyến học.
Cụ Sẹo (bên phải) chia sẻ niềm vui của mình khi được làm khuyến học cho quê nhà.
Mặc dù tròn trăm tuổi nhưng mỗi sáng cụ Sẹo đều dậy từ rất sớm gọi các cháu học sinh mầm non trong làng đưa đón đi học rồi dắt các cháu về như một người ông trong nhà.
Hiện tại, do tuổi cao, cụ Sẹo giao cho con cái giữ tiền lương, nhưng cứ vào dịp lễ tết trung thu, cụ lại bảo con cháu trong nhà ủng hộ cho các cháu học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lời hứa dành một ngày lương đóng góp vào quỹ khuyến học xã nhà của cụ vẫn được giữ nguyên.
Noi gương cụ, con cháu trong dòng họ luôn quan tâm và ủng hộ khuyến học xã nhà. Các cháu học hành đỗ đạt cao và không quên làm nhiệm vụ khuyến học thay ông.
Hiện nay, tuổi cụ đã cao, sức khỏe cũng yếu dần nhưng cụ vẫn hăng hái làm khuyến học. Cụ không quên dặn dò các con, cháu cần quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương cho dù đang công tác ở đâu.
Cụ tâm sự: "Hàng năm cụ vẫn dùng tiền quà của ngành bưu điện, tiền lương của nhà nước dành làm khuyến học, khuyến tài, vì cụ đã hứa với Đảng, với Bác Hồ trong Đại hội khuyến học xã Hạnh Phúc. Người Đảng viên nói và làm phải đi đôi với nhau, phải giữ chữ tín cháu ạ".
Lan Anh - Duy Tuyên
Theo dân trí
Coi thi cũng... áp lực Kỳ thi tuyển sinh năm nào cũng có nhiều trường hợp thí sinh và giám thị bị kỷ luật vì vi phạm quy chế. Không chỉ căng thẳng với thí sinh và người thân, áp lực kỳ thi còn đè nặng lên vai giám thị, cán bộ phục vụ kỳ thi, ban chỉ đạo... Mùa tuyển sinh năm 2009, các trường ĐH, CĐ...