TPHCM: Học sinh mầm non tham gia Ngày hội ‘Năng lượng mới – Cả ngày vui’
Sáng 3-11, tại Trường Mầm non Nam Sài Gòn ( quận 7), học sinh đến từ các trường mầm non trên địa bàn 6 quận gồm, quận 4, 7, 8, 12, Tân Phú và Tân Bình đã sôi nổi tham gia Ngày hội ‘ Năng lượng mới – Cả ngày vui’ do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với các đơn vị đối tác tổ chức.
Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, giai đoạn từ 0-6 tuổi là thời gian vàng phát triển thể chất cho trẻ mầm non.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục mầm non hiện nay không chỉ quan tâm mục tiêu hàng đầu là giáo dục trẻ mà còn đưa vào các nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, trong đó đẩy mạnh phát triển thể chất làm nền tảng phát triển thể lực từ giai đoạn đầu đời cho các con.
Các đội thi đấu có mặt từ rất sớm để hòa mình trong không khí náo nức của ngày hội.
Xuất phát từ những yêu cầu đó, kết hợp với mong muốn tạo ra một sân chơi cho các quận, huyện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh phương pháp “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, năm học 2022-2023, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày hội thi đấu thể thao với quy mô toàn thành phố ở bậc mầm non.
Cụ thể, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức được chia thành 4 cụm chuyên môn, tổ chức hoạt động giao lưu theo từng cụm, qua đó tăng cường sự kết nối và giao lưu giữa các trường ở khu vực ngoại thành và nội thành, tạo điều kiện cho giáo viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giáo dục.
Qua đó, các hoạt động nhằm định hướng cho các quận, huyện, đơn vị có thể vận dụng học tập, nhân rộng mô hình tổ chức tại các đơn vị tùy vào điều kiện thực tế và sáng tạo của từng trường.
Học sinh tham gia thi đấu 10 môn phối hợp
“Trước mắt, chúng tôi tổ chức hoạt động cho đối tượng trẻ mẫu giáo vì các con dễ di chuyển giữa các đơn vị. Tới đây, các sân chơi sẽ được mở rộng cho đối tượng trẻ ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) vì đây cũng là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng về thể chất cho các con. Tuy nhiên, dù trẻ ở độ tuổi nào, tôi đề nghị các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập mở rộng phạm vi lớp học, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện thông qua các hoạt động vui chơi ngoài trời, hòa đồng với thiên nhiên, lan tỏa tinh thần vận động cho trẻ”, bà Lương Thị Hồng Điệp cho biết.
Video đang HOT
Trận đá bóng mini giữa hai đội Mầm non quận 4 và Mầm non Phú Mỹ (quận 7)
Ngày hội diễn ra sôi động với nhiều hoạt động thi đấu như bóng đá mini, đồng diễn văn nghệ, vận động liên hoàn. Tiếng reo hò của các bé hòa cùng tiếng động viên, cổ vũ của các bậc phụ huynh, giáo viên tạo nên không khí thi đấu vô cùng sôi nổi.
Là một trong những phụ huynh có mặt từ rất sớm để ủng hộ tinh thần thi đấu của con, anh Trần Lý Nhật Huy, phụ huynh bé Trần Nhật Minh, học sinh lớp Lá 3, Trường Mầm non 2 (quận 4) cho biết, sự đồng hành của ba mẹ giúp con cảm thấy tự tin và thi đấu tốt hơn.
Đây là lần đầu tiên con trai anh Huy được tham gia một sân chơi có quy mô lớn như vậy. Phụ huynh này cho biết sáng nay con tự giác dậy rất sớm, hai cha con cùng ôn lại một số lưu ý, dặn dò về chiến thuật đã chuẩn bị từ cả tuần qua.
“Việc được tham gia thi đấu cùng các bạn giúp con tôi tăng cường sức khỏe, rèn bản lĩnh, trở nên năng động, tự tin hơn. Tôi vui vì con vừa được phát triển thể lực vừa rèn kỹ năng sống”, anh Huy bày tỏ.
Một tiết mục đồng diễn văn nghệ của học sinh mầm non
Đối với cô Lưu Ngọc Bích Thủy, giáo viên Trường Mầm non Hướng Dương (quận Tân Phú), các hoạt động tham gia thi đấu tạo thêm niềm vui cho trẻ khi đến trường. Trong quá trình chuẩn bị, đơn vị có gặp khó khăn vì một số ba mẹ xót con, sợ con bị chấn thương.
Thầy cô và ba mẹ cầm băng rôn cổ vũ tinh thần thi đấu của các con.
Song, nhờ có kế hoạch tập luyện khoa học, vừa sức, giáo viên đã giúp phụ huynh từ chỗ e ngại chuyển qua quan tâm, ủng hộ cô và các con. Một số thời điểm các con “thi nhau bệnh”, ảnh hưởng tinh thần thi đấu của cả đội nhưng nhờ sự động viên, tinh thần đoàn kết đã giúp các con ngoan ngoãn điều trị để mau hết bệnh, cùng thi đấu với cả đội.
Nhiều giáo viên cũng cho biết, ngày hội cũng giúp giáo viên phát huy tinh thần đoàn kết trong đơn vị, giao lưu giữa các đơn vị, có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các phương pháp dạy học tích cực, giúp phát triển toàn diện kiến thức và kỹ năng cho các con.
Trước đó, ngày 2-11, tại Trường Mầm non 2/9 (huyện Hóc Môn), Ngày hội “Năng lượng mới – Cả ngày vui” đã diễn ra tại cụm chuyên môn 2 gồm các quận 3, 10, 11, huyện Hóc Môn và Trường Mầm non Thành phố.
Không phân biệt trường công, tư thí điểm phổ cập mầm non 3 - 4 tuổi
TPHCM đang nỗ lực triển khai hiệu quả việc thí điểm phổ cập mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi.
Giờ học của trẻ ở Trường Mầm non Hoa Đào (Q 12, TPHCM). Ảnh: TG
Thời gian qua, ngành Giáo dục mầm non TPHCM luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, củng cố chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương này có thể triển khai hiệu quả việc thí điểm phổ cập mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Đến nay, các trường mầm non tại TPHCM có tâm thế khá tự tin khi nói đến việc chuẩn bị phổ cập mầm non 3, 4 tuổi, bởi trên thực tế, số trẻ đi học ở độ tuổi này tại các trường, đặc biệt khu vực nội thành khá đông.
Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12) có trẻ trong các độ tuổi từ 19 tháng đến 5 tuổi đăng ký học tại trường khá nhiều, thậm chí có năm số lượng trẻ đăng ký học tăng gấp đôi so với chỉ tiêu của trường. Hiện, Trường Mầm non Hoa Đào có 18 nhóm lớp với 485 trẻ từ 19 tháng đến 5 tuổi, trong đó trẻ từ 3 - 5 tuổi chiếm đa số.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Từ việc huy động các nguồn lực xã hội, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại với đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm. Vì vậy khi phổ cập trẻ 3 - 4 tuổi, nhà trường vẫn đáp ứng đủ các điều kiện để huy động".
"Nhận thức được tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục mầm non, các giáo viên và ban giám hiệu luôn cố gắng, quyết tâm thực hiện. Những năm qua, kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt được nhiều thành tựu và đó sẽ là tiền đề, động lực để nhà trường hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn", cô Hiền nói.
Tương tự, cô Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tạo (Bình Tân) cho hay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội, đơn vị được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ đảm bảo chỗ học cho trẻ khi tiến hành thực hiện phổ cập cho trẻ 3 - 4 tuổi.
Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM, sở đang tiến hành rà soát, cập nhật số liệu về tỷ lệ trẻ 3, 4 tuổi đến trường ở các quận, huyện trên địa bàn. Dựa trên số liệu này, sở sẽ xem xét, lựa chọn trường, địa phương thực hiện thí điểm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bậc giáo dục mầm non đang nỗ lực chuẩn bị thật kỹ về cơ sở vật chất, nhân lực và lên phương án lựa chọn quận, huyện, trường để sẵn sàng cho công tác thí điểm phổ cập giáo dục cho trẻ ở độ tuổi này. Các trường đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ sẽ triển khai thí điểm.
Nỗ lực làm tốt công tác vận động
Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, TPHCM cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền huy động trẻ 3 - 4 tuổi. Tại Hội nghị tổng kết công tác mầm non năm học 2021 -2022, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh: "Trong việc phổ cập trẻ mầm non 3 - 4 tuổi, đối với các trường nội thành, công tác huy động trẻ đến lớp sẽ thuận lợi bởi phụ huynh đa phần đều đi làm nên phải gửi con đến trường. Tuy nhiên, ở các huyện ngoại thành, nhiều trẻ có ông bà chăm sóc, tâm lý phụ huynh chưa muốn con ra lớp, nên việc huy động trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn".
Giờ học của trẻ ở Trường Mầm non Hoa Đào.
Xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) là địa phương khó khăn nhất của TPHCM. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Theo cô Nguyễn Thị Hoàng Bích Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh An, trường hiện có 136 trẻ chia làm 5 lớp. Trong đó có 1 lớp nhà trẻ, 1 lớp chồi, 1 lớp mầm và 2 lớp lá. Cơ sở vật chất của trường luôn đảm bảo công tác dạy và học cho toàn trẻ trong các độ tuổi trên địa bàn xã Thạnh An.
Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của cô Thắm, khó khăn hiện nay là việc huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp. Cụ thể từ trước tới nay, trẻ 3 - 4 tuổi theo học tại trường chỉ chiếm khoảng hơn 50% số trẻ của toàn xã. Nguyên nhân là do ở địa phương người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt trên biển, hàng ngày người chồng ra khơi, còn vợ ở nhà chăm con. Nhiều người không đưa con đến trường học vì nghĩ con còn nhỏ.
"Hàng năm, UBND xã Thạnh An triển khai đến trưởng ấp để vận động trẻ ở các lứa tuổi ra lớp. Qua đó nhà trường nắm danh sách trẻ trên địa bàn sau đó thống kê số lượng đến học tập tại trường. Đối với những cháu chưa ra lớp, chúng tôi phối hợp với ban vận động của xã tiếp tục vận động đến trường", cô Thắm cho hay.
Theo cô Lê Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Phú (huyện Củ Chi), Đề án phổ cập trẻ mầm non 3 - 4 tuổi rất phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, nếu thực hiện, nhà trường cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong công tác vận động trẻ ra lớp cũng như bảo đảm cơ sở vật chất cho việc nuôi dạy trẻ. Trên địa bàn xã An Phú, cuộc sống của nhiều gia đình còn khó khăn, người dân trên địa bàn phần lớn làm nông nghiệp vì vậy công việc nhàn rỗi nên có thể trông con mà chưa cần đến trường.
"Hiện cơ sở vật chất của trường đáp ứng được việc phổ cập trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên khi phổ cập trẻ 3 - 4 số lượng trẻ ra lớp sẽ nhiều hơn nên sẽ khó khăn trong công tác chuẩn bị phòng học để học tập", cô Tuyền cho hay đồng thời thông tin thêm: Với những trẻ ở địa phương mà học nơi khác vẫn được cập nhập trong phần mềm phổ cập. Căn cứ vào đó nhà trường sẽ xác minh đã đến học hay chưa. Xác định, khi phổ cập trẻ 3 - 4 tuổi sẽ gặp không ít khó khăn, tuy nhiên Ban giám hiệu cũng như các thầy cô giáo cùng chính quyền địa phương sẽ nỗ lực vượt khó để thực hiện tốt khi thí điểm.
"Phổ cập giáo dục mầm non 3, 4 tuổi là chủ trương đúng đắn, vì vậy ngành Giáo dục mầm non TPHCM coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học. Chúng tôi đang từng bước chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để khi triển khai đạt kết quả tốt nhất", bà Lương Thị Hồng Điệp chia sẻ.
TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị các điều kiện thí điểm phổ cập Mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi Với kết quả phổ cập Mầm non cho trẻ 5 tuổi từ 2014 đến nay, TP Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện, kinh nghiệm để triển khai thí điểm phổ cập Mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi... Ngành Giáo dục Thành phố đang từng bước chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để có thể thực hiện đạt kết quả tốt...