TPHCM: Hàng trăm giáo viên mầm non nghỉ việc do thu nhập thấp
Từ đầu năm học 2011 đến nay đã có 422 giáo viên, quản lý và nhân viên ngành mầm non nghỉ việc do thu nhập quá thấp, công việc quá tải. Thành phố đang thiếu nhân lực ngành mầm non một cách trầm trọng.
Những khó khăn trong giáo dục mầm non hiện nay được Sở GD-ĐT TPHCM đề cập trong buổi làm việc với Hội đồng Nhân dân thành phố sáng 15/10.
Bà Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, hiên nay toàn thành phố có 759 trường mầm non công lập và ngoài công lập, hơn 1.000 nhóm trẻ gia đình có phép với tổng số học sinh gần 300.000 cháu với gần 11.000 giáo viên (GV). Theo quy định, bậc mầm non cần 2 GV/lớp nhưng thành phố mới chỉ đạt 1,19 GV/lớp, hiện còn thiếu 783 GV. Chỉ có 20% số lớp học có một bảo mẫu, toàn thành phố tiếp tục thiếu trên 7.200 bảo mẫu, 783 GV và 24 cán bộ quản lý.
Công việc quá tải, làm việc 12 giờ/ngày nhưng thu nhập của GV mầm non vẫn rất thấp. Trong ảnh: HS mầm non tại TPHCM trong một buổi hoạt động ngoài trời.
Riêng trong năm học này đã có 422 GV, cán bộ ngành mầm non nghỉ việc. Theo bà Thanh, nguyên nhân của tình trạng này là do nhân viên ngành mầm non có thu nhập quá thấp. Tổng thu nhập GV mầm non bình quân 1,8 – 2,4 triệu đồng/người/tháng nhưng thời gian lao động dài hơn 12 tiếng (từ 6 giờ 30 đến 18 giờ), cường độ lao động quá tải… Nhân viên bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ lại càng khó tuyển vì thu nhập chỉ 1,2 – 1,4 triệu đồng/tháng.
Phía Sở GD-ĐT nhấn mạnh, thành phố hiện vẫn áp dụng mức thu được ban hành từ năm 1996 như phí vệ sinh 3.000-5.000 đồng/tháng/HS, phí phục vụ bán trú 30.000-50.000 đồng/tháng/HS đã quá lỗi thời trong khi lương tối thiểu và giá cả đều đã tăng gấp nhiều lần. Mức thu này không thể đảm bảo chi trả cho mua sắm vật chất và bồi dưỡng đội ngũ GV, bảo mẫu. Sở kiến nghị tăng phí vệ sinh lên từ 15.000 đến 20.000 đồng và phục vụ bán trú lên từ 150.000 đến 200.000 đồng.
Tình trạng thiếu trường công lập cũng được ngành đề cập. Thành phố còn 13 phường chưa có trường mầm non công lập và nhiều quận chưa có trường chuyên biệt. Vì thế cần đẩy mạnh tiến độ xây trường mầm non công lập tại các phường – xã chưa có trường mầm non, xoá điểm lẻ và xây thêm trường mầm non tại các khu công nghiệp và khu nhà lưu trú công nhân.
Đại diện HĐND TPHCM đề nghị ngành giáo dục cần rà soát lại tình hình thức tế để có những số liệu chính xác về cơ sở vật chất, bữa ăn, chi phí sinh hoạt… để đưa ra mức thu sao cho phù hợp nhất. Đồng thời cũng phải cân nhắc các khoản thu nếu tăng được thì sẽ chi thế nào cho trẻ và ý kiến của phụ huynh để thành phố xem xét. Đồng thời phía lãnh đạo thành phố cũng sẽ tiếp tục khảo sát tại các quận huyện để có nắm rõ tình hình thực tế.
Theo DT
Chồng chất các bất cập ở bậc học giáo dục mầm non
Thiếu trường lớp, chương trình không đồng bộ trong khi trình độ giáo viên lại nhiều yếu kém, việc đào tạo giáo viên mầm non nhiều bất cập, chế độ cho người dạy quá thấp...
Những bất cập chồng chất của bậc học này vừa được các chuyên gia về giáo dục mầm non "mổ xẻ" tại "Hội thảo về chính sách giáo dục mầm non" do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức ngày 11/10/2011.
Quá tải
Theo PGS.TS Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, việc quy mô không đáp ứng nổi nhu cầu là bức xúc lớn nhất của giáo dục mầm non hiện nay. Cụ thể, năm học 2010-2011, chỉ có 21,5% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học. Ở khu vực đông dân cư ngay trong thành phố, thị xã, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở giáo dục mầm non cho các bậc cha mẹ có thu nhập trung bình, thu nhập thấp còn rất thiếu. "Thực trạng này hầu như bị thả nổi và chưa có được giải pháp tháo gỡ," bà Tuyết nói.
Nêu ví dụ cụ thể ở ngay Hà Nội, theo bà Tuyết, việc quy hoạch các khu dân cư đã không gắn với xây dựng các trường mầm non. Có nơi xây trường nhưng lại giao cho tư nhân xây dựng và thu học phí tới hàng trăm USD, ngoài khả năng chi trả của người dân, dẫn đến tình trạng trường thừa chỗ nhưng trẻ vẫn không có nơi để học, người dân phải khổ sở kiếm chỗ cho con ở trường công. Trường công vì thế trở nên quá tải.
Đây cũng là bức xúc của đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Theo Hội này, dù những năm qua, giáo dục mầm non đã được đầu tư phát triển nhiều hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bức xúc. Cơ sở trường lớp không đáp ứng được nhu cầu của trẻ, sĩ số lớp trên mức quy định. Thành phố Hà Nội đến cuối năm học 2010-2011 còn có 6 phường thiếu trường mầm non công lập (thuộc hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng). Đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ dưới 2 tuổi để cha mẹ tham gia lao động sản xuất là bức xúc lớn nhất, là nguyên nhân của tình trạng các cha mẹ buộc phải gửi con ở nhà trẻ tự phát không đảm bảo an toàn.
Bà Đặng Thị Sáu, Phó Chánh văn phòng Hội Khuyến học Hà Nội lại đưa ra một vấn đề cũng không kém phần nan giải là trẻ dưới 12 tháng tuổi gần như không có nổi một chỗ học trường công nào tại Hà Nội. Trong khi đó, nhu cầu gửi con của người dân ở lứa tuổi này rất lớn. Để đi làm, họ phải nhờ người nhà, thuê người giúp việc hoặc gửi nhà dân. "Đây là một hạn chế lớn của giáo dục mầm non. Chúng ta đã bỏ qua thời kỳ vàng của trẻ. Một số trẻ chậm nói, chậm phát triển, đó là hậu quả của việc thiếu môi trường giao tiếp, thiếu môi trường học tập cho trẻ," bà Sáu nhận định.
Báo động chất lượng giáo viên
Theo PGS.TS Lê Thị Ánh Tuyết, mặc dù đã có trên 70% số cơ sở giáo dục mầm non trên toàn quốc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới song nhiều giáo viên, kể cả giáo viên ở các khoa đào tạo sư phạm mầm non chưa hiểu thấu đáo về bản chất cái mới, cái ưu việt của chương trình, còn lúng túng khi thực hiện, cách hiểu máy móc. Nhiều giáo viên vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của phương pháp cũ, nặng về diễn giải, ít tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động, trải nghiệm. Giáo viên thiếu khả năng quan sát và đánh giá trẻ theo yêu cầu của chương trình mới.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho rằng, đa số giáo viên còn nhiều lúng túng trong xây dựng kế hoạch giảng dạy.
Lý giải vấn đề này, bà Tuyết cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là do việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên mầm non để thực hiện chương trình mới còn hạn chế. Ở giáo dục phổ thông, nếu đổi sách giáo khoa thì giáo viên sẽ được tập huấn theo sách. Nhưng ở bậc mầm non không có sách giáo khoa nên việc tập huấn, bồi dưỡng chưa hiệu quả.
Cũng chia sẻ về việc này, PGS.TS Lã Thị Bắc Lý, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non của Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, vài năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng được thành lập ồ ạt nên giảng viên cũng không được tinh lọc. Thậm chí có trường khoa giáo dục mầm non vừa thành lập, bản thân giáo viên không có chút kiến thức nào nhưng vẫn chiêu sinh. Chất lượng giảng viên vì thế không đảm bảo, dẫn đến hiệu quả đào tạo thấp, sinh viên ra trường kém về chuyên môn nghiệp vụ.
Trong khi chất lượng giáo viên được đào tạo bài bản vẫn còn phải xem xét lại thì các bảo mẫu không chút trình độ ở các cơ sở mầm non tư thục, tự phát còn đáng lo ngại hơn nữa. Hàng loạt những tai nạn thương tâm của các bé là nạn nhân của tình trạng này như ở Bình Dương, Đồng Nai...
Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, tại Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên khu vực ngoài công lập vẫn con thiếu, hiện phải sử dụng hơn 1.500 bảo mẫu thay thế giáo viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập.
Bên cạnh các vấn đề trên, hàng loạt những bất cập khác của giáo dục mầm non cũng được các đại biểu đưa ra như việc chế độ lương cho giáo viên quá thấp, việc ký hợp đồng khó khăn, vấn đề chênh lệch về số lượng và chất lượng đào tạo giữa các vùng miền.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì chính sách cho giáo dục mầm non là một chủ đề lớn. Chính sách đã có nhiều nhưng có chính sách chưa kịp thời, chưa đồng bộ, trong khi giáo dục mầm non đang khó khăn ở nhiều mặt. Vì thế, một hội thảo không nên nói quá rộng, như thế sẽ khó tìm được giải pháp hiệu quả nào. "Có thể chỉ lựa chọn, rà soát một vài chính sách về vấn đề cụ thể để thảo luận," ông Tiến nói.
Theo Vietnam
Công lập cũng lắm mức thu! Nhiều bất hợp lý trong việc thu học phí khiến các trường ĐH công lập được Bộ GD-ĐT cho phép tự chủ tài chính cảm thấy hết sức khó khăn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo cũng như quyền lợi của người học. Khó khăn hơn khi tự chủ Từ năm 2002, một số trường ĐH công lập...