TPHCM: Giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng nhu cầu GD
Các giáo viên Trường MN Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TPHCM đang cùng trẻ vui chơi
GD&TĐ – Đây là chủ đề Hội thảo khoa học được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngày 19/6.
Tại hội thảo, với sự chủ trì của PGS.TS Hoàng Văn Cẩn, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, các nhà quản lý, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên đến từ Trường ĐH Sư phạm TPHCM, CĐ Sư phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn… đã lắng nghe những ý kiến tham luận, thảo luận rất bổ ích để hoàn thiện đề tài khoa học về phát triển đội ngũ giáo viên mầm non (GVMN) tại TPHCM.
Video đang HOT
Hội thảo tập trung vào ba nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp đổi mới công tác đào tạo GV MN; Nhóm giải pháp hoàn thiện công tác quản lý đội ngũ GV MN; Nhóm giải pháp hướng đến phát triển đội ngũ GV MN hiện có.
Với việc nghiên cứu về thực trạng động cơ làm việc của GV MN, Th.S Phan Hoàng Như My, Trường trung cấp Nam Sài Gòn chia sẻ tại Hội thảo rằng khi khảo sát gần 300 GV MN công lập, đa phần họ đều xuất phát từ tình yêu với nghề, đam mê với công việc, trách nhiệm tự chủ trong công việc.
Tuy nhiên, về mức độ các loại động cơ chi phối hoạt động của GVMN đó là động cơ về môi trường và điều kiện làm việc chiếm vị trí cao nhất. Tiếp đến là yêu nghề và đam mê công việc, thấp nhất là động cơ về cơ hội thăng tiến và nâng cao trình độ.
Vì thế, Th.S Phan Hoàng Như My cũng đưa ra ý kiến: Để nâng cao động cơ làm việc của GVMN cần có những giải pháp nhằm cải thiện môi trường làm việc cho GVMN, bố trí số lượng giáo viên phù hợp với số trẻ, cải tạo phòng học cho đủ diện tích, ánh sáng, đầu tư về thiết bị dạy học, đồ dùng học tập…
Tăng cường hoạt động của công đoàn, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho GVMN. Tích cực tham mưu với cấp trên, các ngành về thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho GV, đầu tư CSVC cho GDMN.
Dưới góc độ nhà quản lý, TS Nguyễn Thị Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm T.W TPHCM – chia sẻ: Về phát triển đội ngũ GV đáp ứng nhu cầu XH, hiện tại chúng ta vẫn chưa có được tầm nhìn xa, cũng như dự báo về nguồn nhân lực cho GVMN thiếu bao nhiêu, cần bao nhiêu.
Bên cạnh đó, sắp tới đây, giáo dục sẽ mở cửa quốc tế về giáo dục nên chúng ta cũng cần quan tâm đến việc đào tạo GVMN đáp ứng tốt xu thế đó.
TS. Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, cơ chế tuyển dụng tại TPHCM cũng là một rào cản đối với việc phát triển. Bởi vì hằng năm lượng SV tốt nghiệp ngành MN nhiều, nhưng ở TPHCM chỉ tuyển các em có hộ khẩu, KT3 tại TPHCM vào làm việc ở các trường công lập.
Trong khi đó các SV có hộ khẩu trên địa bàn lại học ngành này ít hơn rất nhiều so với các SV ở tỉnh khác. Vì vậy, “theo tôi hằng năm, việc đào tạo để cung cấp các GVMN ở TPHCM là không thiếu, nhưng do cơ chế tuyển dụng, tổ chức nhân sự còn cứng nhắc…”.
Vì vậy, TS Kim Anh cho rằng: cấp quản lý cần có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức trong cơ chế tuyển dụng GVMN.
Về vấn đề để có thể xây dựng đội GVMN đáp ứng nhu cầu của XH về mặt số lượng lẫn chất lượng, Th.s Giáo dục MN Nguyễn Thị Tâm Minh cho rằng: Cần quan tâm đến các mặt như kích thích nguồn nhân lực tham gia nhiều hơn bằng cách chính sách đãi ngộ hợp lý, tuyên truyền để mọi người hiểu rõ và nhìn nhận giá trị lao động của người GVMN;
Quản lý bề sâu về chương trình đào tạo cũng như năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo khối tư nhân; bản thân giảng viên tại các trường đào tạo GVMN phải không ngừng học hỏi, mở rộng tri thức cũng như kĩ năng giảng dạy để đưa người học đến gần thực tế và có nhiều cơ hội trải nghiệm; đổi mới hình thức thi cử, kết thúc môn nhằm thúc đẩy người học tự luyện tập thực hành và thắt chặt hơn.
PGS.TS Hoàng Văn Cẩn – chủ nhiệm đề tài đã ghi nhận những đóng góp của các nhà nghiên cứu, chuyên gia GD và sẽ tiếp tục hoàn thiện về đề tài nói trên với hi vọng sẽ góp phần phát triển đội ngũ GVMN đáp ứng nhu cầu GD MN tại TPHCM.
Theo GD&TĐ