TP.HCM: đưa khoa học dịch vụ vào đại học
Với mục tiêu đưa công nghệ tiến sát mọi ngành, nâng cao giá trị các loại hình dịch vụ, thời gian tới khoa học dịch vụ sẽ là một trong những lĩnh vực mà TP.HCM ưu tiên phát triển. Ông Phan Minh Tân, giám đốc sở Khoa học công nghệ TP.HCM (ảnh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về chiến lược phát triển lĩnh vực khá mới mẻ này.
Du lịch: dư địa màu mỡ cho việc ứng dụng khoa học dịch vụ. Ảnh: Hồng Thái
Nhiều người muốn biết bản chất và ý nghĩa của khoa học dịch vụ là gì?
Video đang HOT
Khoa học dịch vụ là khái niệm tương đối mới trên thế giới. Hiểu ngắn gọn thì đây là một ngành khoa học có tính tổng hợp cao, bao gồm kiến thức của nhiều lĩnh vực như khoa học tâm lý, khoa học xã hội, công nghệ thông tin, khoa học quản lý… hướng đến nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của ngành công nghiệp dịch vụ.
Bản chất của khoa học dịch vụ là áp dụng những công cụ quản lý hiện đại dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin, truyền thông để nâng cao chất lượng của sản phẩm dịch vụ. Ví dụ, đi nước ngoài cần thuê một chiếc xe hơi, bằng ứng dụng công nghệ thông tin thời gian làm phiếu thuê xe đến khi nhận chìa khoá xe tại sân bay chỉ hết một phút. Vậy có thể ứng dụng những kết quả này vào khách sạn được không? Khi đó, thủ tục nhận – trả phòng chỉ mất một phút… Xa hơn nữa, trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, y tế, giáo dục, giao thông… ở đâu có dịch vụ thì ở đó có khoa học dịch vụ, và mục tiêu của nó làm sao thoả mãn cao nhất nhu cầu khách hàng với chất lượng tốt nhất và làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm dịch vụ ấy.
Nhiều nước trong khu vực đã đầu tư phát triển khoa học dịch vụ từ lâu, sao bây giờ chúng ta mới đầu tư cho lĩnh vực này?
Chừng ba đến năm năm trở lại đây, người ta bắt đầu đưa khoa học dịch vụ vào đào tạo ở bậc đại học cũng như sau đại học. Đứng trước bối cảnh đó, TP.HCM thấy rằng phải hình thành khoa học dịch vụ. Bởi trong chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM, dịch vụ vẫn là khu vực quan trọng nhất. Hiện nay dịch vụ ở TP.HCM chiếm 52 – 53% GDP, phấn đấu đến năm 2015 đạt 59%. Còn ở Mỹ tỷ lệ này đã lên đến 82%, Nhật Bản là 79%, các nước châu Âu dịch vụ cũng trên 75%. Mình cũng phải phấn đấu tới mức cao vì đây là nền công nghiệp không khói, kinh tế tri thức…
Cụ thể sẽ có những định hướng nào?
Đây là lĩnh vực mới nên giai đoạn đầu tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực ở một số trường đại học như Bách khoa TP.HCM, đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM… Thứ hai là gửi một số cán bộ đi nước ngoài đào tạo, phấn đấu khoảng ba năm nữa sẽ có 300 – 500 cán bộ trình độ đại học trong lĩnh vực này. Ngoài ra, chúng tôi cũng bắt đầu làm một số dự án thử nghiệm như đã làm với công ty Saigontourist. Chọn ngành du lịch, vì đây là một thế mạnh của thành phố, nhằm nâng cao chất lượng của các sản phẩm du lịch. Ngoài ra cũng sẽ triển khai với lĩnh vực bảo hiểm y tế. Hiện chúng ta đã có thẻ bảo hiểm y tế, chỉ cần gắn chip cho thẻ này để lưu trữ toàn bộ dữ liệu của người được bảo hiểm: danh tính, nhóm máu, bệnh tiền sử, dị ứng thuốc gì, đi khám bảo hiểm bao nhiêu lần…
Đưa khoa học dịch vụ vào trường đại học bằng cách nào, thưa ông?
Hiện nay đại học Khoa học tự nhiên thuận lợi là đã có một khoá đào tạo liên kết với trường đại học Auckland của New Zealand. Họ tuyển sinh được mấy trăm người và đã có sinh viên sắp tốt nghiệp. Ngoài ra, đại học Bách khoa sẽ đưa vào đào tạo ở khoa quản lý công nghiệp. Trước mắt, sẽ đưa vào một số môn cho sinh viên năm cuối, sinh viên hệ cao học.
Một lĩnh vực tương đối mới như vậy thì việc áp dụng vào điều kiện cụ thể ở nước ta liệu có gặp trở ngại gì?
Trở ngại lớn nhất là phải làm sao tuyên truyền, cổ động để nhiều người biết tiện ích của lĩnh vực này, làm sao để người ta có thể cùng tham gia. Nhưng rào cản như vậy không lớn lắm. Tất nhiên khi đưa một số công nghệ này vào thì cũng phải có đầu tư nhất định, vì vậy người ta sẽ cân nhắc bài toán kinh tế. Nhưng chắc chắn sẽ có lợi.
Những tiêu chí nào để đánh giá một nước có khoa học dịch vụ phát triển?
Người ta không đánh giá khoa học dịch vụ bởi vì thông thường trên thế giới GDP chia làm ba nhóm: nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, dịch vụ. Các nước được coi là phát triển, khu vực dịch vụ ít nhất phải chiếm 70%. Dịch vụ phát triển thì mức sống người dân sẽ tăng lên.
Cám ơn ông.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị