TP.HCM đi đầu trong đổi mới sáng tạo dạy học tiếng Anh
Là địa phương có điểm trung bình tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước trong 3 năm liên tục (năm 2017 5.92 điểm, năm 2018 5.06 điểm, năm 2019 5.79 điểm), TP.HCM được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong đổi mới sáng tạo dạy học bộ môn này với nhiều chủ trương đúng đắn, kịp thời.
Học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) trong Ngày hội giao tiếp tiếng Anh
Tự chọn chương trình học
Theo đó, tại TP.HCM, học sinh công lập có thể lựa chọn một trong các chương trình học tiếng Anh như: chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đề án, chương trình giảng dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh…
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, bên cạnh chương trình đề án tiếng Anh của Bộ GD&ĐT, triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3, TP.HCM đã xin phép Bộ để thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường từ 20 năm nay.
Với chương trình này, các em được học tiếng Anh trong trường công lập ngay từ lớp 1 với thời lượng 8 tiết/tuần. Đến nay, thành phố đã có 94,5% học sinh lớp 1 được học tiếng Anh ngay trong trường tiểu học.
Đặc biệt để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong nhà trường, TP.HCM đã đưa chương trình “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” (gọi tắt tiếng Anh tích hợp) vào giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn TP.HCM.
Video đang HOT
Theo đó, với chương trình tiếng Anh tích hợp, học sinh được học 8 tiết/tuần các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh do 100% giáo viên bản ngữ giảng dạy. Hiện nay, chương trình được triển khai tại bậc tiểu học, THCS, THPT. Đây được đánh giá là một bước đột phá trong dạy học ngoại ngữ của TP.HCM trong xu thế hội nhập.
Học sinh TP.HCM được tạo điều kiện học tiếng Anh và các môn khoa học với giáo viên nước ngoài
Để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường phổ thông, TP.HCM có chính sách riêng về đào tạo đội ngũ giáo viên. Theo khảo sát chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế của TP vào năm 2012 cho thấy chỉ có khoảng 5% giáo viên đạt yêu cầu. Thời gian qua, TP đã sử dụng ngân sách nhà nước để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế, đến nay có 70% giáo viên đạt chuẩn.
Đẩy mạnh xã hội hóa GD trong dạy tiếng Anh
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quan trọng cho chất lượng dạy học tiếng Anh tại TP.HCM được nâng cao đó chính là “nhờ” vào chủ trương xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, các trung tâm ngoại ngữ phát triển. Từ đó, phụ huynh có nhiều lựa chọn và đầu tư cho con học tiếng Anh trong môi trường học ngoại ngữ chuẩn, tăng cường thực hành, giao tiếp với người nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, hiện nay thành phố có hơn 700 trung tâm tiếng Anh. Ngoài được tạo điều kiện học tiếng Anh trong trường công lập với nhiều chương trình tiếng Anh đa dạng, tiên tiến, học sinh TP.HCM còn được phụ huynh đầu tư học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ.
Với chương trình tiếng Anh tự chọn, Sở GD-ĐT TP.HCM đã cho phép giáo viên bản ngữ vào giảng dạy, tăng thực hành, giao tiếp tiếng Anh chuẩn cho học sinh. Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh rằng nhu cầu giáo viên bản ngữ của thành phố hiện rất lớn và Sở GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ, có chính sách đưa giáo viên bản ngữ vào dạy ở các trường phổ thông.
Hồng Đăng
Theo GDTĐ
TP.HCM tuyên dương, khen thưởng 618 học sinh giỏi tiêu biểu
Ngày 16-7, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng 618 học sinh giỏi tiêu biểu năm học 2018-2019.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết ngành GD&ĐT TP đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học 2018-2019 và hướng đến những mục tiêu lớn hơn trong năm học 2019-2020.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (thứ 4 từ phải qua) cùng Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm (thứ 2 từ phải qua), tặng bằng khen cho các học sinh đạt giải quốc tế. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Năm học 2018-2019, TP.HCM có bốn học sinh đạt giải chương trình sáng tạo cuộc thi Khoa học ứng dụng quốc tế. 119 học sinh giỏi khối THPT và 49 học sinh giành thứ hạng cao cuộc thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Đối với cuộc thi học sinh giỏi cấp TP, có 3.890 học sinh đạt giải cao ở các bậc THPT, THCS, giáo dục thường xuyên.... Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, điểm số trung bình của học sinh TP đứng thứ 5/63 tỉnh, thành, tăng 4 bậc so với năm trước, trong đó môn tiếng Anh có điểm bình quân cao nhất nước.
618 học sinh giỏi tiêu biểu được vinh danh tại buổi lễ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những thành tích ngành GD&ĐT TP.HCM đã đạt được. Theo số liệu mới công bố, tỉ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia của TP.HCM là 97,6%, cao hơn tỉ lệ tốt nghiệp chung cả nước là 94,6%.
Thứ trưởng cũng cho biết thêm, ngành giáo dục TP đang đổi mới mạnh mẽ từ phát triển số lượng sang chú trọng chất lượng, cải tiến nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục.
Để chuẩn bị cho năm học mới, Thứ trưởng lưu ý TP phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Mặt khác, Quốc hội vừa thông qua Luật giáo dục sửa đổi, TP cần làm tốt công tác tuyên truyền về luật này. Cạnh đó là chuẩn bị tốt cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị... để đáp ứng yêu cầu của chương trình.
"Những thành tích ngành giáo dục TP đạt được trong thời gian qua là thành quả của sự sáng tạo, năng động, hết lòng vì học sinh của đội ngũ nhà giáo. Là sự chuẩn bị hiệu quả và tích cực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho quá trình hội nhập và xây dựng TP trở thành đô thị thông minh. Lãnh đạo thành phố luôn đặt trọn niềm tin vào đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các thế hệ học sinh thành phố", ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Cũng theo ông Liêm, để thực hiện tốt hơn yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP thời gian tới, đề nghị ngành GD&ĐT tiếp tục tập trung vào một số nội dung. Cụ thể như tiếp tục bồi dưỡng nhân tài, rèn luyện năng khiếu gắn với phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường học, hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức học được ở trường vào giải quyết những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống.
Cạnh đó, cần phải tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xây dựng trường đạt chuẩn tiên tiến, hội nhập quốc tế. Đặc biệt Sở GD&ĐT sớm trình UBND TP Đề án đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi tạo nền tảng cho mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo PLO
TP.HCM tăng hơn 75 ngàn học sinh trong năm học mới Ngày 11/7, kỳ họp lần thứ 15, HĐND TPHCM khóa IX đã khai mạc. Học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM. Ảnh minh họa Tại kỳ họp này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm học 2018 - 2019, công tác chuẩn bị cho năm học 2019 - 2020....