TP.HCM đề xuất chi hơn 250 tỷ đồng mỗi năm giữ chân giáo viên mầm non
Trước tình trạng thiếu giáo viên ở bậc mầm non ngày càng căng thẳng, UBND TP.HCM vừa có tờ trình đề xuất một số chính sách nhằm thu hút và giữ chân người lao động.
Theo tờ trình, hiện toàn TP.HCM còn thiếu gần 7.700 giáo viên mầm non so với quy định. Dự báo, đến năm 2020, khi có gần 2.000 trường mầm non, số giáo viên sẽ phải tăng gấp đôi so với năm 2017 mới đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Việc tuyển giáo viên mới cũng khó khăn do lượng giáo viên mầm non đăng ký dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu. Trung bình mỗi năm, TP.HCM chỉ tuyển được khoảng 1.466 người, trong khi nhu cầu cần là 1.965 người.
Hơn nữa, mỗi năm có hơn 1.000 người nghỉ việc, bỏ việc hoặc về hưu, trong khi tuyển dụng cũng đang gặp nhiều khó khăn do thu nhập ngành này thấp.
Trước thực trạng này, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về các chính sách thu hút và giữ chân giáo viên mầm non.
Giải pháp đầu tiên là giảm khối lượng và áp lực công việc cho thầy cô bằng việc bổ sung số giáo viên đủ theo quy định Thông tư 06/2015. Đề xuất cho phép thực hiện hợp đồng giáo viên bổ sung theo dạng khoán, ngân sách thành phố cấp để đảm bảo đủ số giáo viên theo quy định.
Sở cũng kiến nghị cho phép tuyển dụng chức danh nhân viên nuôi dưỡng trên lớp bằng hợp đồng khoán, kinh phí do ngân sách TP cấp để hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh cho trẻ. Mức lương là 2 triệu đồng/tháng với 50% kinh phí từ xã hội hóa và 50% ngân sách hỗ trợ.
Video đang HOT
Công việc chịu nhiều áp lực nhưng đãi ngộ và thu nhập cho giáo viên bậc mầm non lại chưa tương xứng. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM.
Bên cạnh đó, điều chỉnh thu nhập và chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non bằng việc hỗ trợ thêm số tiền tương đương 160 giờ/năm (theo tính toán như trên thì số giờ làm việc thêm của giáo viên khoảng 720 giờ/năm, hiện nay giáo viên chỉ được lãnh phụ trội thêm giờ không quá 200 giờ/năm).
Hỗ trợ thêm để khuyến khích giáo viên có trình độ chuyên môn đến công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non: Thạc sĩ 1,5 triệu đồng/người/tháng; đại học 1,1 triệu đồng/người/tháng; cao đẳng 550 nghìn đồng/người/tháng. Dự kiến, kinh phí hơn 89 tỷ đồng.
Như vậy, theo tính toán của sở GD&ĐT, tổng kinh phí dự kiến để giữ chân giáo viên mầm non hàng năm là hơn 251 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, sở cũng đề xuất nhiều giải pháp khác như có cơ chế tuyển dụng giáo viên mầm non không gắn với yêu cầu hộ khẩu TP; cho vay ưu đãi không trả lãi đối với sinh viên học ngành sư phạm mầm non (cả học phí và chi phí sinh hoạt). Sinh viên vay sẽ cam kết ra trường công tác tại các cơ sở mầm non công lập ở TP và hoàn trả khoản vay trong 3-5 năm đầu công tác.
Về lâu dài, TP.HCM sẽ cho phép một số trường công lập được tự chủ tài chính, theo hướng xã hội hóa, để cải thiện đời sống giáo viên và nâng cao chất lượng đào tạo. Qua thí điểm ở một số trường mầm non công lập, việc tự chủ tài chính đã giải quyết được nhiều bất cập hiện nay.
Đối với giáo viên mầm non, tăng lương và giảm tải sẽ giúp họ bớt đi những áp lực gắn bó với nghề lâu hơn. Nhưng có lẽ, làm việc trong ngôi trường tốt, được quan tâm về đời sống tinh thần sẽ giữ họ ở lại và sống trọn vẹn tình yêu với con trẻ.
Theo Zing
TP.HCM thiếu hàng nghìn giáo viên mầm non
Năm ngoái, TP.HCM có gần 200 giáo viên nghỉ việc. Thực trạng này khiến vấn đề thiếu giáo viên mầm non trở nên căng thẳng hơn.
Thời gian làm việc kéo dài, học sinh đông từ 40 đến 50 em, trong khi lương lại thấp khiến nhiều giáo viên mầm non nản lòng và không mặn mà với nghề.
Trường mầm non phường 2, quận 11, TP.HCM từng tuyển được đủ số lượng giáo viên, nhưng chỉ sau vài tháng nhiều cô đã không chịu được áp lực và bỏ nghề.
Bà Nguyễn Thị Trinh Tuyết, giáo viên trường mầm non phường 2, cho biết: "Lương chỉ có hơn 3 triệu đồng, thêm học phí nữa thì được khoảng hơn 4 triệu đồng. Áp lực đè nặng lên giáo viên khi phải dạy nhiều em cùng lúc. Nhiều khi, phụ huynh không thông cảm nên lớp trẻ hiện nay khó yêu nghề".
Trong năm học 2015-2016, TP.HCM có gần 200 giáo viên nghỉ việc. Tình trạng này khiến cho vấn đề thiếu giáo viên mầm non trở nên căng thẳng hơn.
Bà Trương Thị Thanh Duyên, Hiệu trưởng trường mầm non phường 2, chia sẻ đa số giáo viên mới được tuyển vào chỉ làm việc khoảng một tháng là sẽ xin nghỉ. Đối với giáo viên mới ra trường, lương khoảng 3 triệu đồng là quá thấp so với thời gian làm việc 12 tiếng một ngày.
Hiện nay, giáo viên mầm non phải chịu nhiều áp lực vì hầu hết lớp đều có từ 45-50 học sinh. Ảnh cắt từ clip.
Việc tuyển giáo viên mới sẽ càng trở nên khó khăn do thu nhập thấp trong điều kiện làm việc nhiều áp lực. Lượng giáo viên mầm non đăng ký dự tuyển thậm chí còn thấp hơn chỉ tiêu.
Năm học 2016-2017, TP.HCM cần 2.383 giáo viên mầm non nhưng chỉ tuyển được 1.760, còn thiếu hơn 620 người. Với bậc mầm non, việc thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nuôi dạy trẻ. Giờ ăn, nhận và trả trẻ, lúc trẻ đi vệ sinh, một cô không thể chăm sóc và bao quát được cả lớp vài chục cháu như hiện nay.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: "Chúng tôi còn thiếu trên 900 giáo viên mầm non mỗi năm, lượng giáo viên nghỉ việc cũng nhiều. Yêu cầu tuyển dụng có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM là một trong những nguyên nhân khiến khó tuyển đủ giáo viên mầm non hàng năm".
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, một lớp mẫu giáo có tối đa 35 học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, tại TP.HCM, hầu hết lớp đều có từ 45-50 học sinh. Thiếu giáo viên, không chỉ các trường mà chính các em nhỏ cũng bị thiệt thòi.
Trước thực trạng đó, nhiều chính sách được đưa ra nhằm thu hút và giữ chân giáo viên mầm non. Cụ thể, Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị hỗ trợ thêm cho giáo viên số tiền tương đương 160 giờ/năm. Hỗ trợ từ 550.000-1,5 triệu đồng/tháng để khuyến khích người có trình độ chuyên môn từ cao đẳng đến thạc sĩ.
Theo VTV
Bộ GD&ĐT trả lời việc chuyển giáo viên xuống dạy mầm non Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc chuyển giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non chỉ là giải pháp tình thế. Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 của các sở GD&ĐT diễn ra hôm 14/1, cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên trường công lập...