TPHCM: Cả nhà ăn ngủ không yên trước giờ G chọn nguyện vọng lớp 10
Có phụ huynh sợ con “trèo cao ngã đau” nhưng cũng có trường hợp “thúc” con phải vào bằng được trường này trường nọ… Nhiều gia đình ở TPHCM vẫn đang căng như dây đàn trước khi “chốt hạ” nguyện vọng lớp 10 cho con.
Người “nâng”, người “hạ”
Con gái giữ lập trường thi vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, một trường top trên của thành phố làm vợ chồng chị Trần Thị Hà, ở Phú Nhuận, TPHCM không thể yên tâm. Từ đầu cháu đã chọn ngôi trường này, không thay đổi ý định kể cả khi biết số học sinh “rớt” khỏi trường cao ngất ngưởng.
Học sinh TPHCM luôn phải cân não trước quyết định chọn nguyện vọng lớp 10 (ảnh minh họa)
“Trường chỉ tuyển chưa đến 650 học sinh mà số học sinh đăng ký là gần 1.500 em, số học sinh rớt khỏi trường quá cao. Cho dù học lực của con khá nhưng tôi cũng hiểu, toàn những em có học lực tốt mới đăng ký vào đây. Nên tôi vẫn mong con “hạ chuẩn” tìm một trường vừa sức hơn”, chị Hà nói.
Chị lo lắng, không đỗ vào trường, cháu có thể “rớt” xuống NV2, NV3 hoặc rớt hết thì càng đáng tiếc hơn. Nhà chị không có điều kiện để con theo học trường tư. Chị lo con sĩ diện, đua theo bạn bè mà không lường sức mình. Bực bội vì con khăng khăng theo ý mình, chị buột miệng nói con rớt thì đừng kêu ca làm cháu cũng hoang mang.
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, trước 16h ngày 8/5 là hạn cuối cùng để học sinh điều chỉnh NV. Sau đó, Phòng GD-ĐT các quận huyện sẽ hoàn tất nhập dữ liệu điều chỉnh NV và khóa dữ liệu để chuyển về Sở.
Sau khi Sở GD-ĐT TPHCM công bố thống kê dữ liệu ban đầu đăng ký NV1 trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 cũng là lúc phụ huynh, học sinh thêm “cân não” trong việc điều chỉnh NV.
Ngược lại với trường hợp nhà chị Hà, anh Nguyễn Trọng Tạo, ở Bình Thạnh lại đang động viên con thay đổi NV, chọn trường nhóm cao hơn so với trường THPT Marie Curie con chọn. Nhất là khi theo số liệu số học sinh đăng ký vào trường còn thấp hơn cả chỉ tiêu, mà anh nghĩ ai thi cũng đỗ? Trong khi con mình có năng lực, học đều 3 môn.. nếu chọn quá an toàn thì mất cơ hội vào những trường tốt.
Những ngày qua, nhà anh ăn ngủ không yên, vẫn chưa thể để đưa ra quyết định cuối cùng. Anh Tạo không dấu việc nếu con không thay đổi chọn trường cao hơn thì anh rất tiếc lẫn có chút thất vọng. Họ rất mong chờ con vào học một ngôi trường danh giá, có sức cạnh tranh hơn.
Video đang HOT
Để trẻ tự quyết định
Việc tư vấn chọn lớp 10 cho HS luôn là việc cực kỳ khó khăn ở bậc THCS vì thực tế các em thi nhưng… người ra quyết định phần lớn là phụ huynh. Phụ huynh lại thường áp đặt chủ quan, kỳ vọng của mình lên vai con hoặc có người lại quá hoang mang, căng thẳng nên yêu cầu con lùi quá xa để an toàn.
Hai thái cực này đều có thể dẫn đến điều đáng tiếc là con trẻ có thể trượt lớp 10 vì “với” quá cao hoặc vào trường không mong muốn vì “hạ” quá thấp so với năng lực.
Chị Nguyễn Uyên, có con theo học tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM bày tỏ, các thông tin về sự căng thẳng của kỳ thi lớp 10, mấy chục ngàn HS “rớt”… gây thêm áp lực lớn cho HS và phụ huynh trong việc quyết định chọn trường. Còn thực tế sĩ số, chỉ tiêu của các trường đã có sẵn, HS chọn đúng hết thì…. cung vẫn không đủ cầu, số lượng lớn HS vẫn phải tìm một mô hình học tập khác ngoài trường công lập.
Trao cho các em quyền quyết định và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình (ảnh minh họa)
Chưa kể, nhiều HS khi chọn NV bị giáo viên nói này nói nọ. Yếu tâm lý và nếu không được sự ủng hộ của phụ huynh nên các em sợ, thay đổi NV. Để rồi khi có kết quả chính thức, có em lại hối hận trách bản thân không kiên định hơn để vào ngôi trường mong muốn.
Theo kinh nghiệm của chị Uyên, thầy cô hãy tôn trọng quyết định của trẻ. Chị động viên con mạnh dạn ghi NV theo ý thích và sức học của mình. Chỉ có mình mới biết mình muốn gì, chỉ có mình mới biết sức học của mình tới đâu. Khi đó, bố mẹ hãy nói với con tự quyết định và chịu trách nhiệm với con đường mình đã chọn.
Trước những lo lắng của phụ huynh, HS trong thời điểm phải đưa ra quyết định con đường học tập tiếp theo của mình, ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng GD trung học – Sở GD-ĐT TPHCM nêu quan điểm, các em đã đủ 15 tuổi cần có hành động trách nhiệm trong việc lựa chọn con đường của mình. Các em cần thuyết phục bố mẹ bằng suy nghĩ, lý lẽ của mình.
Với phụ huynh, theo ông Tân, hãy để các em được bày tỏ và quyền quyết định. Chỉ trừ trường hợp những em nào không có chính kiến thì bố mẹ hãy hỗ trợ nhiều hơn vì quyết định này sẽ ảnh hưởng đến quá trình học THPT.
Ông Lê Duy Tân cũng nhắn nhủ, sau khi ra quyết định thì con đường đó dù thuận lợi hay khó khăn thế nào các em cũng hay đón nhận, xem đó là thử thách trên con đường tương lai. Và bố mẹ cũng tránh việc trách cứ, mắng mỏ các con.
Trước con số hàng ngàn HS không thể theo học lớp 10 ở trường công lập, ông Lê Duy Tân bày tỏ, các em còn có những con đường rộng mở trong hướng nghiệp sau THCS. Đừng nghĩ học nghề là không đủ năng lực vào THPT mà cần xem đây là việc chúng ta có thêm quyền để chọn lựa.
Cẩn trọng với số liệu ban đầu
Hiệu trưởng một Trường THCS ở TPHCM lưu ý, số liệu ban đầu về NV1 của Sở GD-ĐT chỉ là để HS tham khảo về mức độ cạnh tranh, cân nhắc hơn trong lựa chọn. Đó không phải là yếu tố quyết định, thậm chí người học có thể lựa chọn sai nếu chạy theo con số này.
Ông dẫn giải, nhiều trường tỷ lệ “chọi” ban đầu cao nhưng sau đó HS có thể điều chỉnh, rút sang trường khác. Nhiều trường NV1 đăng ký có thể thấp hơn chỉ tiêu, có thể vì đây là nhóm trường các em dành cho NV2. Hơn nữa, khi thấy NV1 vào trường thấp, nhiều HS lại điều chỉnh đổ vào đây lại có thể đẩy tỷ lệ “chọi” tăng vọt khó lường
Hoài Nam
Theo Dân trí
Tạo kỹ năng phản xạ ôn thi vào lớp 10
Sau khi hoàn tất bài kiểm tra học kỳ 2, đây là thời điểm học sinh lớp 9 tăng tốc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT, tư vấn cho phụ huynh, HS lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) - ẢNH: B.THANH
Hệ thống kiến thức theo chủ đề
Được cho là một trong những căn cứ trong việc xác định việc chọn nguyện vọng lớp 10 phù hợp nên từ kết quả kiểm tra học kỳ 2 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ, các trường THCS đã triển khai phương án ôn tập cho học sinh (HS) lớp 9.
Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), cho hay kết hợp giữa nguyện vọng và kết quả kiểm tra, giáo viên phân loại HS để ôn theo hướng đại trà hoặc nâng cao. Trong đó, lớp đại trà nhằm hệ thống kiến thức để HS nắm chắc nội dung ôn tập và củng cố lại các kỹ năng cần thiết cho 3 môn thi. Còn lớp nâng cao, thường tập trung vào những HS có nguyện vọng thi trường, lớp chuyên để giáo viên tăng cường bài tập phân hóa nhằm giúp HS đạt kết quả tốt nhất.
Về thời gian, bà Đoan Trang thông tin, ngày 30.5 là kết thúc năm học thì trước thời điểm đó khoảng 1 tuần, giáo viên cho HS làm thử đề tuyển sinh các năm học trước để các em làm quen cách thức ra đề, tạo kỹ năng phản xạ.
Giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM), cũng nói rằng với thời gian còn lại, hình thức ôn tập hiệu quả là hệ thống kiến thức theo chủ đề và hướng dẫn phương pháp làm bài tập những dạng đề có xu hướng hay ra trong một vài năm gần đây.
Chẳng hạn với môn ngữ văn, ở phần nghị luận xã hội, giáo viên hướng dẫn HS cách xác định đúng vấn đề từ đó triển khai, đưa ra quan điểm, chứng minh... Thêm vào đó, để làm được bài văn nghị luận xã hội, HS cần có vốn sống thực tế nên cần tìm hiểu thông tin chính thống, quan tâm đến các sự kiện thời sự, diễn biến hằng ngày.
Do đó theo cô Ý Nhi, bên cạnh việc được giáo viên hệ thống kiến thức, củng cố phương pháp, kỹ năng làm bài thì HS cần nỗ lực cố gắng tự bổ sung những kiến thức thực tế.
Ôn theo lựa chọn nguyện vọng
Với 3 tuần còn lại dành để tập trung cho việc ôn thi vào lớp 10, ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6, TP.HCM), cho hay nếu tổ chức ôn tập trung thông thường thì sẽ không hiệu quả. Vì vậy, nhà trường tổ chức theo hướng phân loại HS, ôn theo năng lực và nhu cầu. Chẳng hạn, với HS đăng ký nguyện vọng vào trường, lớp chuyên thì cho ôn nâng cao kiến thức, còn HS có nguyện vọng trường thường thì đẩy mạnh việc nắm vững, chắc kiến thức để có thể trúng tuyển một trong 3 nguyện vọng.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thông tin HS bắt đầu bước vào giai đoạn ôn tập từ ngày 6.5 và kết thúc vào ngày 31.5 với thời lượng mỗi tuần học 12 tiết toán, 10 tiết ngữ văn và 10 tiết ngoại ngữ. Giáo viên có nhiệm vụ hệ thống kiến thức, hoàn thiện kỹ năng, cung cấp các bài tập thực tiễn để HS rèn luyện.
Ông Tuấn cho biết có 50% số HS của trường đăng ký trường, lớp chuyên nên nhà trường không ôn tập trung mà sắp xếp lớp theo năng lực để nâng cao tối đa hiệu quả, nhu cầu. Kế hoạch của nhà trường là làm sao đến trước ngày thi, mỗi HS đã được tiếp cận và làm quen với 3 đề thi theo cấu trúc của đề tuyển sinh.
Theo thanhnien
Biến động tỷ lệ chọi vào lớp 10 THPT công lập tại TP HCM Khoảng một nửa trường THPT có tỷ lệ chọi nguyện vọng một vào lớp 10 tăng, cao nhất là THPT Gia Định. Bảng so sánh tỷ lệ chọi vào lớp 10 THPT công lập ở TP HCM trong hai năm 2019-2020 và 2018-2019 của thầy giáo Trần Mậu Minh (nguyên Hiệu trưởng THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP HCM). Ông là người...