TP Thủ Đức: Thiếu giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Chiều 16-11, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP Thủ Đức về giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM.
Mở đầu buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK là vấn đề đã và đang thu hút nhiều quan tâm của xã hội.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua kế hoạch chuyên đề giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước từ nay đến hết năm 2023.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Phong, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức cho biết, các bộ SGK triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đều có kênh hình, kênh chữ rất đẹp, cách thiết kế trang sách bắt mắt, phù hợp tâm sinh lý học sinh.
Tuy nhiên, giá thành của một bộ sách khá cao so với thu nhập của bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là gia đình có nhiều con học chương trình mới và gia đình khó khăn có thu nhập không ổn định.
Liên quan vấn đề cơ sở vật chất, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức thông tin, việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân hiện nay vẫn gặp khó ở một số khu vực, đặc biệt các khu vực đông dân nhập cư giáp ranh tỉnh Bình Dương.
Yêu cầu về trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn gặp khó khăn ở nhiều đơn vị.
Việc bố trí vốn, các dự án liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm.
Video đang HOT
Mặc dù địa phương đã dành nhiều chính sách ưu tiên để đầu tư sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, song công tác xây dựng chưa theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học của địa phương.
Bậc tiểu học hiện nay còn thiếu 188 phòng học, THCS thiếu 47 phòng, dẫn đến tình trạng học sinh phải học 6, 7, 8 buổi/tuần hoặc 1 buổi/ngày, đa số các trường còn thiếu phòng học bộ môn.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và UBND TP Thủ Đức
Hiện nay, do áp lực sĩ số học sinh nên một số trường phải tận dụng các phòng chức năng làm phòng học, ảnh hưởng chất lượng giáo dục và các hoạt động chung của đơn vị.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đủ theo quy định, nhiều trường còn thiếu giáo viên các bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, tiếng Anh, tin học…
Đơn cử, tại Trường THCS Hiệp Phú, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng An cho biết, hàng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức nhưng vẫn chưa đảm bảo đủ số lượng giáo viên dự tuyển theo yêu cầu biên chế lớp được giao.
Trường THCS Hiệp Phú hiện thiếu giáo viên ở các bộ môn tiếng Anh, nghệ thuật, KHTN, ngữ văn và giáo dục thể chất.
Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phú Nguyễn Thị Hồng An nêu khó khăn về tuyển dụng giáo viên
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, đơn vị đã liên hệ các đơn vị trường bạn trên cùng địa bàn lựa chọn đội ngũ giáo viên đã được tập huấn, bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để hợp đồng thỉnh giảng tại đơn vị.
Riêng đối với các môn tích hợp ở khối 6, 7, cô Nguyễn Thị Hồng An cho rằng, tình trạng thiếu giáo viên gây khó khăn cho công tác triển khai các môn học.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Linh Đông, Hiệu trưởng Phạm Thị Mười thông tin, trường còn thiếu 6 giáo viên ở các bộ môn tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc và mỹ thuật.
Để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường hợp đồng thỉnh giảng các vị trí còn thiếu nhưng không tìm được nguồn giáo viên hợp đồng, nhất là giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật.
Hàng năm đều có tình trạng giáo viên chuyển công tác, trong khi việc tuyển dụng viên chức không đủ ứng viên đăng ký theo nhu cầu.
“Vấn đề giữ chân đội ngũ đặt ra nhiều tâm tư trong bối cảnh thu nhập của giáo viên còn hạn chế. Chúng tôi đề xuất HĐND TPHCM và UBND các cấp nghiên cứu chính sách thu nhập cho đội ngũ nhà giáo nhằm thu hút giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề, thu hút ứng viên dự tuyển viên chức ngành giáo dục nhất là các chuyên ngành tiếng Anh, tin học”, cô Phạm Thị Mười bày tỏ.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Đông Phạm Thị Mười tâm tư về chế độ, chính sách thu nhập cho giáo viên
Bên cạnh đó, trang thiết bị dạy học, máy vi tính mới đáp ứng nhu cầu dạy và học ở mức độ cơ bản. Diện tích sân bãi hẹp nên gặp khó khăn trong việc tổ chức hoạt động thể dục thể thao, hoạt động trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp…
Đặc biệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Đông cho biết, vẫn còn tình trạng giáo viên “ngại đổi mới”, thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống cần sự hỗ trợ của ban giám hiệu.
Ở góc độ khác, thầy Võ Thanh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức tâm tư, đơn vị đang gặp khó khăn do chưa được cung cấp thiết bị, đồ dùng thực hành, thí nghiệm và kinh phí mua sắm thiết bị dụng cụ theo chương trình giáo dục mới.
Tới đây, Trường THPT Thủ Đức đề nghị Bộ GD-ĐT đẩy nhanh tiến độ biên soạn SGK các khối lớp 11, 12 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để nhà trường có sách sớm hơn nhằm chủ động thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Nội dung giáo dục địa phương: Nơi dạy nơi không
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương là hoạt động, môn học bắt buộc nằm trong chương trình các môn học tổng thể.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, qua giám sát việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở một số tỉnh, thành phố, một số đại biểu cho biết, hầu hết các địa phương đang lúng túng khi triển khai nội dung này, bởi có địa phương chưa biên soạn xong tài liệu môn học, có địa phương thì chưa thể in tài liệu bởi vướng ở khâu thẩm định.
"Qua giám sát tại Thanh Hóa thì phải nói rằng là, hiện nay các địa phương là rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện trong việc tổ chức biên soạn và in tài liệu sách giáo khoa địa phương. Qua giám sát thì chúng tôi thấy rằng là ở một số nơi có chậm tiến độ và có thể nói là trong học kỳ 1 không thực hiện được chương trình giáo dục địa phương. Tôi thấy là việc này không đồng bộ với các địa phương trên cả nước, nơi thì dạy, nơi không dạy, mà rõ ràng chương trình này chúng ta biết trước"- đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận nêu thực tế.
Ảnh minh họa
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, tài liệu giáo dục địa phương làm chậm là do giao cho địa phương biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trong khi các địa phương cũng phải thuê chuyên gia tổ chức biên soạn. Tuy nhiên, khi biên soạn xong, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có hướng dẫn tổ chức in ấn như thế nào, kinh phí ra sao, học sinh phải mua, hay được cấp phát...
"Chuyên gia viết thì liên quan đến nhuận bút. Nếu in mà bán cho phụ huynh thì liên quan đến nhuận bút, nếu như không in thì các con phải xem trên các thiết bị dạy học. Nếu mà trường đảm bảo có đầy đủ là ti vi, có màn hình máy chiếu thì các con học được nội dung đó đa dạng, hấp dẫn, còn nếu không thì thầy cô cũng giảng chay thôi. Hoặc là có trường có điều kiện thì đưa ra ngoài, thực tế có trường thì không. Có những trường là cô giáo hướng dẫn luôn với phụ huynh, cho phụ huynh file về đi in cho các con"- đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho biết.
Hiện đã gần hết học kỳ 1 năm học 2022-2023, việc triển khai nội dung giáo dục địa phương không đồng đều giữa các địa phương khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chung của chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ thực tế này, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn, cơ chế thẩm định tài liệu này sớm hơn, nhanh hơn để học sinh có tài liệu học./.
Triển khai dạy các môn tiếng dân tộc thiểu số: Tập trung chuẩn bị để đạt hiệu quả Kế hoạch triển khai Chương trình 'Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030' của UBND tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ bố trí đủ nguồn lực để triển khai dạy môn tiếng Ê đê, đến năm 2030 dạy...