TP. Quảng Ngãi: Dùng chung đề kiểm tra 1 tiết cho học sinh THCS
Năm học mới 2018 – 2019, học sinh bậc THCS của TP. Quảng Ngãi sẽ làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung. Đây là cách làm thể hiện quyết tâm hạn chế tiêu cực trong hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh của ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi.
Nhiều năm học trước, ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi đã triển khai hình thức kiểm tra cuối kỳ bằng đề chung cho học sinh THCS. Đến năm học 2018 – 2019, hình thức kiểm tra bằng đề chung sẽ được áp dụng cho cả bài kiểm tra 1 tiết.
Thông thường giáo viên bộ môn trực tiếp ra đề kiểm tra 1 tiết. Điều này dễ dẫn đến tình trạng giáo viên “mớm” đề cho học sinh học thêm, hoặc dùng đề kiểm tra tạo áp lực cho những học sinh không học thêm tại lớp của mình. Việc áp dụng hình thức kiểm tra bằng đề chung sẽ hạn chế được tình trạng này.
Đề kiểm tra sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên từ ngân hàng đề của tổ bộ môn. Bài làm của học sinh sau đó sẽ được rọc phách, chấm chéo nhằm tạo sự công bằng, khách quan.
Từ năm học 2018 – 2019, học sinh THCS của TP. Quảng Ngãi sẽ làm chung đề kiểm tra 1 tiết.
Thầy Trần Quốc Bảo – Hiệu trưởng trường THCS Trần Hưng Đạo nhận định, việc tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra 1 tiết cũng như kiểm tra học kỳ bằng đề chung là cần thiết. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng giáo viên “mớm” đề cho học sinh học thêm tại lớp của mình.
Bài kiểm tra được nhà trường tổ chức chấm tập trung, rọc phách và công khai điểm số. Theo thầy Bảo, đây là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tiêu cực có thể xảy ra, đảm bảo bài kiểm tra đánh giá đúng năng lực học tập của từng học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Hưng – Trưởng phòng GD-ĐT TP. Quảng Ngãi, cho biết: những năm học trước học sinh bậc THCS đã được làm bài kiểm tra cuối kỳ bằng đề chung, việc quản lý hoạt động dạy thêm cũng được tăng cường. Đến năm học mới 2018 – 2019, ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi tiếp tục triển khai cho học sinh làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung. Đây là những giải pháp tích cực nhằm thực hiện việc đổi mới trong kiểm tra và đánh giá học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
“Đây là việc làm cần thiết nhằm hạn chế tình trạng giáo viên chèn ép buộc học sinh học thêm. Chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo hoạt động này được thực hiện nghiêm túc”, thầy Hưng nhấn mạnh.
Video đang HOT
Việc dùng chung đề kiểm tra nhằm hạn chế tiêu cực, giải tỏa được áp lực của phụ huynh và học sinh trong vấn đề học thêm
Thông tin học sinh THCS của TP. Quảng Ngãi làm bài kiểm tra bằng đề chung nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh học sinh.
Chị Lê Nguyệt Ánh – phụ huynh học sinh trường THCS Chánh Lộ cho rằng: Dù hoạt động dạy thêm đã dần đi vào nề nếp nhưng áp lực cho học sinh và phụ huynh vẫn còn tồn tại. Với quan điểm cá nhân, chị Ánh hoàn toàn ủng hộ việc cho học sinh THCS kiểm tra 1 tiết bằng đề chung.
“Tôi không khẳng định là có hay không việc giáo viên dùng đề kiểm tra tạo áp lực buộc học sinh phải học thêm ở lớp của mình. Tuy vậy chúng tôi vẫn rất lo khi phải chọn lớp học thêm cho các cháu. Lo là nếu học người này mà không học người kia sẽ ảnh hưởng đến điểm kiểm tra. Vì vậy việc kiểm tra chung đề, chấm điểm công khai là điều nên làm”, chị Ánh bày tỏ quan điểm.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Thi vào lớp 10, nhiều ý kiến chọn phương án thay đổi... từ từ
Trước 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học 2019-2020 mà Sở GD-ĐT đưa ra để xin ý kiến góp ý, nhiều phụ huynh và các nhà giáo muốn chọn phương án 1, thay đổi ở mức... từ từ.
Nhiều ý kiến phụ huynh và nhà trường muốn lựa chọn phương án thi ít thay đổi - ẢNH NGỌC THẮNG
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 lâu nay vốn vẫn được đánh giá là căng thẳng hơn cả kỳ thi tuyển sinh ĐH vì lứa tuổi này mọi gia đình vẫn mong muốn con mình được học tiếp lên THPT. Trong khi đó, Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60% số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT công lập. Do vậy, bất cứ thay đổi nào cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội và mỗi gia đình.
Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh học sinh, quản trị diễn đàn đưa ra 3 phương án mà Sở GD-ĐT Hà Nội công bố để cha mẹ học sinh và những người quan tâm lựa chọn. Tính đến thời điểm này, có gần 370 người chọn phương án 1 (thi tuyển 4 bài độc lập); gần 140 người chọn phương án 2 (thi kết hợp xét như lâu nay) và gần 30 người chọn phương án 3 (3 bài thi, trong đó 2 bài độc lập và 1 bài thi tổ hợp).
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, nhiều ý kiến cho rằng, phương án 1 là phương án phù hợp nhất lúc này, vừa khắc phục được nhược điểm của phương án 2 lâu nay, lại không tạo áp lực về số môn thi như phương án 3.
Một phụ huynh cho biết, phương án thi 4 môn độc lập là phương án đã từng áp dụng từ trước năm 2003, chỉ khác là có thêm môn ngoại ngữ là bắt buộc. Tuy nhiên, để an toàn và không gây sốc thì phương án 1 vẫn khá phù hợp trong thời điểm hiện tại.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ cho biết, sau khi nghiên cứu cặn kẽ cả 3 phương án thì ông đã thay mặt nhà trường gửi lên Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án phù hợp trong giai đoạn chuyển tiếp.
Theo ông Hà, việc giữ nguyên cách thức tuyển sinh như đã áp dụng hơn chục năm nay đã bộc lộ nhiều bất cập cần thay đổi nhưng việc thay đổi không gây xáo trộn quá lớn thì phương án 1 là phù hợp vì vẫn đảm bảo không học lệch mà học sinh cũng không phải thi quá nhiều môn. Phương án thứ 3 thì học sinh phải thi khá nhiều môn, nếu chưa học tích hợp và làm quen với thi tổ hợp thì các con sẽ khá căng thẳng và mang nặng tâm lý phải luyện thi tất cả các môn để thi.
Còn bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy thì cho hay chưa nghiên cữu kỹ 2 phương án đổi mới và còn phải thảo luận trong hội đồng giáo dục của trường trước khi góp ý chính thức với Sở GD-ĐT. Dù cho rằng phương án nào cũng có những thuận lợi và khó khăn nhưng bà Kim Anh khẳng định vẫn giữ nguyên cách thức thi như hiện nay là không phù hợp nữa và cần thay đổi.
Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy cũng cho rằng ông ủng hộ phương án 1 vì thay đổi ở mức vừa phải nhưng điều quan trọng là đưa được môn ngoại ngữ vào là môn thi bắt buộc.
Ông Nam cho biết, đã tham khảo sơ bộ bước đầu ý kiến của học sinh lớp 9 năm học này và đa số các em cũng cho rằng nếu thay đổi thì nên chọn phương án 1. Thi môn ngoại ngữ rất cần thiết mà không gây áp lực lớn cho học sinh vì lâu nay các em vẫn học môn học này như một nhu cầu thiết yếu của môn công cụ.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ thì cho rằng, phương án 3 là phương án tiệm cận được với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông mà chúng ta đang và sắp tiến hành. Chắc chắn việc thi theo cách thức như vậy sẽ tác động rất tích cực với việc dạy và học trong các trường THCS, tránh hiện tượng học lệch như hiện nay.
Ông Đàm Tiến Nam và nhiều ý kiến đều đề nghị Sở GD-ĐT cần công bố phương án tuyển sinh càng sớm càng tốt, đồng thời phải có đề minh họa để các nhà trường căn cứ vào đó hình dung ra cách thức ra đề và có cách thức dạy học phù hợp.
Khẳng định với phóng viên Thanh Niên, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định Sở đang tích cực tiếp thu các ý kiến góp ý và trên cơ sở đó sẽ lựa chọn và công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học 2019-2020 ngay trong đầu năm học 2018-2019 này.
3 phương án tuyển sinh vào lớp 10
Ngày 13. 8, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp THCS do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục , Sở GD-ĐT cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, cụ thể:
Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư, trong đó bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.
Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học). Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài. Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD-ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.
Ông Phạm Quốc Toản cũng cho biết, ngoài 3 phương án như trên, các nhà trường có thể đề xuất phương án tuyển sinh khác. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất của các nhà trường về phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
Theo thanhnien.vn
TP HCM sẽ miễn học phí bậc trung học cơ sở Thành phố đang cân đối ngân sách để miễn học phí cho các em bậc THCS với quan điểm mọi công dân phải được đi học. Làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM chiều 13/8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố đang bàn hướng không thu học phí đối với cấp THCS, dự kiến...