TP Hồ Chí Minh: Xử lý linh hoạt cho người chưa kịp làm giấy đi đường mẫu mới
Từ 0 giờ ngày 25/8, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng mẫu giấy đi đường mới do Cơ quan Công an cấp, sau 2 ngày sử dụng giấy đi đường do các sở ngành của Thành phố cấp.
Ghi nhận trong ngày đầu áp dụng, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát đã xử lý linh hoạt cho người chưa kịp làm giấy đi đường mẫu mới.
Lực lượng Công an tại chốt kiểm trên đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) kiểm tra giấy tờ của người lưu thông.
Trong sáng 25/8, lượng phương tiện ra đường vắng hơn ngày 23/8 – ngày đầu Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách xã hội. Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ngay trong ngày đầu áp dụng tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, lượng phương tiện đã giảm 85% so với ngày trước đó.
Tại chốt kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, có nhiều người lưu thông dùng giấy đi đường cũ đã cấp trước đó. Lực lượng kiểm soát đã thông tin cho người dân về việc cập nhật theo mẫu mới, do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC08) hoặc Công an quận huyện cấp. Sau khi kiểm tra các giấy tờ chứng minh lý do ra đường, cán bộ chốt kiểm soát giải quyết linh động cho người dân tiếp tục lưu thông.
Video đang HOT
Một cán bộ kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, mẫu giấy đi đường mới vừa được ban hành nên nhiều người chưa kịp cập nhật. Người dân vẫn được tạo điều kiện đi lại trong thời gian này. Khoảng 1-2 ngày tới, Công an Thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn và yêu cầu phải đúng mẫu mới được lưu thông.
Tại làn ô tô trên đường Phạm Văn Đồng, lực lượng kiểm soát tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải đã có mã QR Code. Đa phần các phương tiện có QR Code được đi thẳng và không bị kiểm tra. Đối với các phương tiện còn lại, lực lượng kiểm soát vẫn kiểm tra giấy đi đường, giấy xét nghiệm theo quy định.
Trước đó theo Thông báo số 3261 của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an Thành phố giao Phòng PC08 in, ký cấp giấy về các đơn vị cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể… để cấp đến cán bộ, công nhân viên. Đối với lực lượng Công an, Quân đội trong trường hợp mặc thường phục theo yêu cầu công tác phải có giấy đi đường do Phòng PC08 cấp. Giấy đi đường do Phòng PC08 và Công an cấp huyện được ủy quyền ký có hiệu lực toàn Thành phố.
Công an Thành phố giao Trưởng Công an cấp huyện cấp giấy đi đường đối với diện được cấp giấy đi đường của UBND cấp huyện và Trưởng Công an cấp xã ký giấy đi đường đối với diện đối tượng được cấp giấy đi đường của UBND cấp xã, quy định tại Công văn số 2800. Giấy đi đường do Trưởng Công an cấp xã được ủy quyền ký có hiệu lực trong phạm vi cấp huyện của nơi Công an cấp xã đóng quân.
Đối với các phương tiện vận tải hàng hoá trong Thành phố, các xe vận tải hàng hóa trong Thành phố đã được cấp mã QR code được phép lưu thông theo khu vực, lộ trình, thời gian đã được cấp phép, không kiểm tra giấy đi đường (kể cả xe taxi đã được cấp mã QR, xe khách đã được cấp QR, xe chở công nhân đã được cấp mã QR). Các xe vận tải hàng hóa trong Thành phố không được cấp mã QR code thì tài xế và người ngồi trên xe phải có giấy đi đường theo quy định.
Ngoài ra, để đảm bảo thuốc men, vật tư y tế cho các bệnh viện, Công an Thành phố yêu cầu các chốt, trạm kiểm soát của Thành phố cho lưu thông đối với các đối tượng, phương tiện chở ô xy, thuốc men, vật tư y tế… khi có các giấy tờ chứng minh chuyên môn, lý do đi lại như giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận chuyên môn, hợp đồng, hàng hóa…
Long An quản lý người giao nhận hàng hóa, phương tiện vận tải
Nhằm đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa thông suốt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành chức năng tỉnh Long An thực hiện quản lý theo phương thức vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện vận chuyển hàng hóa, vừa đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Chốt kiểm tra giáp ranh thành phố Hồ Chính Minh, tại đường tỉnh 830C, thuộc xã Mỹ Yên (Bến Lức, Long An). Ảnh: Thanh Bình/TTXVN
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Thanh, sở đã hướng dẫn các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; tiến hành đăng ký địa bàn hoạt động, danh sách người lao động làm việc trong thời gian giãn cách và cam kết chịu trách nhiệm xét nghiệm cho người lao động.
Đồng thời, các đơn vị lập và đăng ký danh sách người lao động làm việc cung ứng hàng hóa thiết yếu của đơn vị, trên cơ sở đó Sở Công Thương sẽ ký xác nhận cho từng người. Người lao động của các đơn vị này sử dụng giấy xác nhận để thực hiện giao nhận hàng hóa thiết yếu tại các khu vực đã đăng ký, tuy nhiên chỉ được hoạt động trong thời gian từ 6 giờ đến trước 18 giờ hàng ngày.
Đối với phương tiện vận tải, ngành chức năng tiến hành cấp thẻ nhận diện kèm mã QR Code để thực hiện vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, hàng hóa thiết yếu...
Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, đến nay sở đã cấp thẻ nhận diện cho hơn 3.500 phương tiện vận tải hoạt động trên địa bàn theo lộ trình đi và đến các địa phương, ngoài ra còn có các phương tiện vận tải quá cảnh qua địa bàn Long An trên các tuyến quốc lộ.
Mặt khác, chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm chính trong việc khai báo, đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện kèm mã QR Code; theo dõi, giám sát hành trình hoạt động của phương tiện; đảm bảo toàn bộ người trên phương tiện có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV- 2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm, khai báo y tế trong suốt hành trình và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Để tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải hoạt động xuyên suốt, các trạm, chốt kiểm soát dịch trên địa bàn sẽ không kiểm tra đối với các phương tiện có thẻ nhận diện có QR Code còn thời hạn. Trường hợp phương tiện không có thẻ nhận diện hoặc có nhưng hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2 đối với người trên phương tiện.
Tuy nhiên, ngành chức năng sẽ thực hiện kiểm tra thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát trên tuyến đối với các phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống dịch và an toàn giao thông; theo dõi, kiểm tra lộ trình hoạt động của các phương tiện trên hệ thống cập nhật dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Cần tháo gỡ ách tắc để duy trì song song sản xuất và lưu thông nông sản Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phía Nam dẫn đến khả năng phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian khá dài. Do đó, bên cạnh việc lưu thông hàng hóa thì các địa phương cần tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp để không bị đứt gãy nguồn...