TP Hồ Chí Minh “nóng” chuyện bán trú, an toàn trường học, thiếu giáo viên
Chiều 14-8, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới 2019 – 2020.
TP Hồ Chí Minh đã quan tâm đầu tư xây dựng mới nhiều trường học và đưa vào sử dụng trong năm học 2019 – 2020 với quy mô lớn, nhiều phòng học và đầy đủ các phòng chức năng. Công tác phổ cập giáo dục Mầm non đã được được thực hiện rất tốt, các địa phương huy động trẻ 5 tuổi trong diện đang cư trú trên địa bàn vào trường mầm non theo tuyến được phân bổ. Công tác tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, 6, 10) cũng được thực hiện công khai, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn cư trú.
Theo Sở GD-ĐT, tổng số toàn thành phố có 45.619 phòng học. Nhằm thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 – 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần X, Sở GD-ĐT đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 với 771 dự án, quy mô 13.734 phòng học. Tính đến đầu năm 2019 đạt 276 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học. Đồng thời, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ ngày 5-9 là 1.476 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 1.239 phòng, xây thay thế là 237 phòng).
Đại biểu ở huyện Cần Giờ với nỗi lo Trường tiểu học An Thới Đông đã xuống cấp, mất an toàn.
Tuy nhiên, tại hội nghị, đại diện Sở GD-ĐT cũng thừa nhận, tình trạng nhiều địa bàn vẫn quá tải, nhiều học sinh không được học bán trú. Tại hội nghị, GS Trần Đông A – nguyên Phó GĐ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Nhiều phụ huynh, trong đó có nhiều đồng nghiệp là bác sĩ tại nơi tôi làm việc rất muốn gửi con bán trú nhưng không được, lý do là thiếu trường. Vậy, đề nghị Sở GD-ĐT nghiên cứu để đáp ứng được nhu cầu của Phụ huynh về gửi con bán trú để yên tâm đi làm, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của thành phố”.
Toàn cảnh hội nghị chiều 14-8 .
Còn ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt nam xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ cho biết : “Hiện nay Trường tiểu học An Thới Đông đã xuống cấp, địa phương đã nhiều lần đề nghị sửa chữa nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Thầy cô giáo và 400 học sinh luôn trong tình trạng lo lắng khi ngồi dưới mái trường đã xuống cấp, nhất là vào mùa mưa bão rất nguy hiểm”.
Video đang HOT
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu lo ngại về công tác tuyển dụng giáo viên nếu kế hoạch của sở GD-ĐT tới tháng 8 mới thực hiện sẽ ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho năm học mới. Do đó, cần điều chỉnh thời gian tuyển giáo viên sớm hơn, vào khoảng tháng 6, tháng 7 để có thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ.
Ngoài ra còn nhiều ý kiến đại biểu quan tâm tới việc giáo dục đạo đức cho học sinh, tới quản lý các nội dung chương trình được giảng dạy tại khối các trường ngoài công lập, chứ không thể buông lỏng quản lý như hiện nay.
Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh lại đặt vấn đề liên quan tới việc cần thống nhất và có sự phê duyệt của cơ quan quản lý giáo dục các chương trình giảng dạy về kỹ năng sống, không thể mạnh trường nào trường đó dạy kỹ năng sống như hiện nay.
Liên quan đến việc học phí, nhiều đại biểu cho rằng nên thông tin mức đóng các loại tiền học học sinh cho phụ huynh biết sớm để chuẩn bị, nếu để vào đầu năm học mới thông báo sẽ gây khó khăn, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Phát hiểu tại hội nghị, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời cho biết, sẽ cố gắng đảm bảo đủ trường lớp, phối hợp với các ngành chức năng rà soát quy học quỹ đất xây dựng trường học, thực hiện xã hội hoá xây dựng trường học…
Sở cũng đã chỉ đạo các bộ phận chức năng giám sát tốt các trường tư thục, nhất là đối với các cơ sở Mầm non, bởi những nơi này rất dễ dẫn đến bạo hành trẻ, đồng thời giảm tải cho giáo viên, tăng cường tư vấn tâm lý trong trường học để giải tỏa cho học sinh khi có những khúc mắc trong cuộc sống, trong nhà trường để tránh xảy ra điều đáng tiếc.
Bà Thu cũng cho biết, việc thành phố tuyển giáo viên không cần hộ khẩu thành phố đã thu hút được nhiều giáo viên giỏi, từ đó nâng chất lượng được đội ngũ giáo viên.
Tại hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Sở GD-ĐT cần rà soát để không xảy ra xung đột trong phương pháp giảng dạy giữa giáo viên cũ và giáo viên mới. Bởi có giáo viên cũ dạy theo cách truyền thống, nếu không đổi mới học sinh sẽ gặp khó khăn trong thời kỳ hội nhập. Cần có sự thống nhất để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Bà Châu cũng băn khoăn, việc nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng ngược lại, cũng cần xem lại tình trạng giáo viên liên tục nghe điện thoại trong lớp. Rồi có trường hợp giáo viên mang những câu chuyện trên mạng xã hội vào lớp kể cho học sinh nghe, mà những thông tin đó có thể là tin rác, không chính thống, chưa được kiểm chứng, thành ra kéo theo nhiều học sinh bị lôi vào việc không bổ ích, thậm chị có hại cho học sinh.
Do đó, ngành giáo dục cần quan tâm vấn đề nội dung nào cần được đưa vào giảng dạy cho học sinh, nhất là những thông tin trên mạng. Bà Châu cũng mong muốn phụ huynh học sinh chủ động, phối hợp với nhà trường trong việc dạy học sinh, không nên phó mặc hết trách nhiệm dạy dỗ con cho nhà trường.
H.Nga-Nh.Sơn
Theo CAND
Đề nghị nâng thêm tầng tại các trường học ở TP Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu
Trong khi quỹ đất của thành phố ngày càng hạn hẹp, số học sinh lại liên tục gia tăng vào năm học mới đã làm ảnh hưởng nhiều đến công tác dạy và học hiện nay tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm học mới 2019 -2020, thành phố tăng khoảng 75.434 học sinh. Trong đó, bậc mầm non tăng 7.293, bậc tiểu học tăng 21.711, bậc THCS tăng 26.435 và bậc THPT tăng 19.995 học sinh. Số học sinh tăng nhiều ở bậc tiểu học và THCS, đồng thời tập trung tại một số quận, huyện như: Quận 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức; huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Để chuẩn bị cho năm học học mới, ngành giáo dục dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 1.239 phòng, xây thay thế là 237 phòng, tập trung ở quận 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân...
Việc sĩ số lớp học có trên 40 - 50 học sinh/lớp tại nhiều quận, huyện đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy của các trường.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết năm học 2019-2020 vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống tại thành phố có đủ chỗ học. Tuy nhiên, việc giảm sĩ số học sinh/ lớp học và đảm bảo học sinh học hai buổi/ ngày còn gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), TP Hồ Chí Minh có kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học với tổng kinh phí gần 70.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 6 năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã đạt 278 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.
Tại các thành phố lớn, quỹ đất dành xây dựng giáo dục rất hạn hẹp.
Trong quá trình khảo sát về công tác chuẩn bị năm học mới tại một số quận, huyện, ông Trần Trung Mậu, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Hồ Chí Minh đánh giá cao công tác đảm bảo cơ sở vật chất của các quận, huyện. Tuy nhiên, theo ông Mậu, hiện vẫn còn một số trường có cơ sở vật chất xuống cấp, chưa được sửa chữa kịp thời, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của nhà trường.
"Chẳng hạn như hai trường THCS- THPT Diên Hồng và Sương Nguyệt Ánh (quận 10) trước đây rất đông học sinh, nhưng trong những năm gần đây nhà trường tuyển sinh rất khó, nguyên nhân một phần do trường đã bị xuống cấp nhiều", ông Mậu cho biết. Tương tự, đại diện Ủy ban MTTQ huyện Cần Giờ cũng cho hay trường tiểu học An Thới Đông đang xuống cấp trầm trọng. Vào mùa mưa bão, học sinh và giáo viên không an tâm dạy và học. Theo đó, ngành giáo dục phải có kế hoạch chỉnh trang lại trường lớp để thầy và trò có thể yên tâm.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Liễu, Ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ quận Gò Vấp, quận hiện cũng gặp áp lực lớn về trường lớp vì có số học sinh tăng. "Qua giám sát tình hình thực tế ở địa phương, để đảm bảo nhu cầu học của học sinh trên địa bàn, quận cần phải xây dựng thêm hai trường tiểu học mới ở phường 9, phường 12 vì hai phường này chưa có trường tiểu học. Tương tự tại phường 1, 9, 7 và 5 cũng cần phải xây dựng thêm trường THCS", bà Liễu đề xuất.
Bà Bùi Thị Diễm Thu cho biết, hiện nay quỹ đất tại TP Hồ Chí Minh không còn nhiều nên để tăng số phòng học trong những năm học tới, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục quy hoạch mạng lưới trường lớp và rà soát lại quỹ đất để đầu tư xây mới, sửa chữa những phòng học cũ, đồng thời kêu gọi xã hội hóa.
Tại buổi hội thảo chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 14/8, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, cho rằng việc quy định về xây dựng trường lớp chỉ được xây tối đa 3 tầng như vậy rất khó đảm bảo đáp ứng nhu cầu trường lớp tại những thành phố có số học sinh tăng nhanh và quỹ đất lại bị hạn hẹp. Theo đó, bà Khánh đề xuất bên cạnh sửa chữa lại những phòng học đã cũ, xây dựng phòng học mới cũng cần phải có hướng xây thêm tầng trường học với những thành phố có số học sinh tăng.
Để đảm bảo nhu cầu về trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục thành phố, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị lãnh đạo UBND các quận, huyện rà soát lại quy hoạch đất tại địa phương, phải tập trung ưu tiên đất cho giáo dục. Đề nghị các sở ngành có liên quan tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để tham mưu cơ chế giải quyết khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục. Thành phố khuyến khích kêu gọi các đơn vị, các doanh nghiệp cùng tham gia liên kết, hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục.
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh luôn dành ưu tiên cao nhất cho giáo dục Chúc mừng kết quả đạt được của ngành giáo dục Thành phố trong năm học vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định lãnh đạo và nhân dân Thành phố đã và sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên cao nhất cho giáo dục. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân...