TP Hồ Chí Minh: Khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm mua bán người
Ngày 6/7, Công an quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) vừa có thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Ngày 5/7, biết được hoàn cảnh của Oanh (15 tuổi, quê Giồng Trôm, Bến Tre) bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc mức lương 15 triệu đồng, sau đó bị giam giữ hơn 4 tháng tại hàng loạt công ty do người Trung Quốc điều hành, anh Lê Văn Phong (biệt danh Phong Bụi) cùng một người tên Nhân đã sang Campuchia, bỏ tiền túi ra chuộc thành công bé Oanh với giá 3.460 USD rồi hỗ trợ đưa về Việt Nam, trở về vòng tay của gia đình. Theo anh Phong, đây là người thứ 5 được anh và anh Nhân chuộc thành công. Ảnh: Lê Văn Phong
Theo Công an quận Bình Tân, đứng đằng sau các đối tượng mua bán người là người Trung Quốc (có cả người Việt và Campuchia), thường đưa ra các lời mời chào cơ hội việc làm hấp dẫn, có thể “đổi đời” như: Thu nhập ổn định hơn 20 triệu đồng/tháng; không tốn chi phí xin việc, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đánh máy, công việc nhẹ nhàng; Visa chính ngạch, 6 tháng về nhà một lần… và rất nhiều những cam kết hấp dẫn khác.
Tuy nhiên, đại diện Công an quận Bình Tân cho biết, sự thật không hề có “ việc nhẹ lương cao” nào cả. Người lao động xuất cảnh trái phép theo “giấc mộng đổi đời” phải đối mặt với những điều khủng khiếp sau khi đặt chân đến xứ người như: Bị đưa vào các sòng bạc làm việc 15-16 giờ/ngày hoặc được giao các công việc lừa đảo qua mạng xã hội; bị ép lôi kéo thêm người tham gia theo chỉ tiêu; chịu sự quản thúc và thường xuyên bị đánh đập, bán sang cơ sở khác và tiếp tục bị bóc lột; muốn về nước phải nộp tiền chuộc lên đến vài trăm triệu đồng…
Video đang HOT
Thông tin khuyến cáo từ Công an quận Bình Tân đến người dân.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện các nhóm buôn người thường tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội nên người dân cần hết sức tỉnh táo. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hay người nhà có thể liên hệ với cơ quan công an gần nhất hoặc gọi Tổng đài quốc gia 111, đường dây nóng 18001567.
“Công an Thành phố cũng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, tăng cường công tác nắm tình hình; phối hợp với các cơ quan ngoại giao để tiến hành điều tra, xử lý cũng như hỗ trợ các nạn nhân. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà có thể liên hệ với cơ quan công an gần nhất”, Thượng tá Hà chia sẻ.
Ngoài ra, Công an quận Bình Tân cũng khuyến cáo, người dân khi tìm việc làm cần cảnh giác, nên tìm hiểu kỹ các thông tin về nơi thuê lao động; liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động đã được nhà nước cấp phép để được hướng dẫn cụ thể.
Lừa đảo ra nước ngoài làm 'việc nhẹ lương cao' rồi đòi tiền chuộc
Gần đây, nhiều người dân ở Phú Yên bị các đối tượng thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo đưa sang nước ngoài, chủ yếu là sang Campuchia để làm việc với mức lương, hoa hồng cao.
Nhưng sau đó, gia đình họ phải trả hàng chục triệu tiền chuộc để đưa người thân về nước.
Một người dân thành phố Tuy Hòa bị lừa sang Campuchia kể với gia đình mình bị lừa.
Sau khi sang nước ngoài, gia đình các nạn nhân bị buộc phải bỏ ra một số tiền lớn để chuộc người về. Công an tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân cần cảnh giác, khi đi lao động nước ngoài cần thực hiện đầy đủ các thủ tục xuất cảnh theo quy định, tránh bị các đối tượng xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép.
Đầu tháng 5/2022, anh Đoàn Hồng Chương, con ông Đoàn Minh, phường 4, thành phố Tuy Hòa đã vào Bình Dương tìm việc làm. Lên mạng xã hội Facebook tìm việc, Chương được một người lạ giới thiệu sang Campuchia soạn thảo văn bản trên máy vi tính với mức lương cao. Tin và nghe theo lời mời của người lạ, ngày 6/5, Chương đã được đưa sang ở Campuchia để nhận việc. Tuy nhiên, sang đến Campuchia Chương phải làm việc thời gian 12 tiếng một ngày, công việc chủ yếu là tìm cách lôi kéo dụ dỗ lao động trái phép trên mạng. Sau 5 ngày làm việc tại Campuchia, nhận thấy mình bị lừa đảo, làm việc trái pháp luật, không đảm bảo sức khỏe, Chương đã tìm cách gọi điện cầu cứu gia đình.
"Con tôi gọi điện, gửi định vị về nhà nói bố mẹ phải gửi 2.000 USD để chuộc con nếu không sẽ bị bán đi công ty khác, đưa ra đảo. Gia đình tôi nghèo không có tiền để chuộc con, tôi đã gửi đơn cầu cứu nhiều nơi, may mắn gia đình tôi gặp được người từng bị lừa sang Campuchia làm việc cho số điện thoại Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để nhờ hỗ trợ. Ngày 24/5/2022, con tôi được các lực lượng giải cứu khỏi nơi làm việc tại Campuchia. Ngày 27/5, cháu được đưa về cửa khẩu Mộc Bài và được Bộ đội Biên phòng bàn giao về gia đình", ông Minh cho biết.
Tương tự, ngày 13/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định truy tìm Nguyễn Thị Thu Ng. (sinh năm 2006, trú tại thị xã Sông Cầu, Phú Yên) theo đơn trình báo mất tích của người nhà nạn nhân. Người thân của Ng. cho biết, cô gái đã điện thoại về nhà qua facebook và cho biết đang ở Campuchia. Trong hai ngày 13 và 14/6, gia đình hai lần nhận được điện thoại từ số máy lạ yêu cầu chuộc Ng. với giá 70 triệu đồng. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc tìm kiếm, chiều 20/6, Nguyễn Thị Thu Ng đã trở về nhà sau 15 ngày mất tích.
Đơn của ông Đoàn Minh, thành phố Tuy Hòa cầu cứu các cơ quan chức năng vì con trai mình bị lừa sang Campuchia làm việc.
Theo Công an tỉnh Phú Yên, trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã tiếp nhận xác minh 6 vụ, với 6 người dân trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc bị dụ dỗ, lôi kéo sang nước ngoài làm việc với mức lương, hoa hồng cao và mất tích. Trong đó, thị xã Sông Cầu 2 trường hợp, huyện Tuy An 2 trường hợp, thành phố Tuy Hòa, huyện Tây Hòa mỗi địa phương 1 trường hợp. Cả 6 trường hợp này bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc đều đã được hỗ trợ đưa về với gia đình.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook dụ dỗ, lôi kéo các nạn nhân sang nước ngoài làm việc với mức lương, hoa hồng cao, từ 800-1.000USD/tháng. Sau khi đưa được người qua biên giới, các đối tượng trên xóa tài khoản Zalo, Facebook, do vậy, người bị hại không biết được tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại về nhóm đối tượng này. Sau một thời gian liên tục có số điện thoại liên hệ với gia đình đòi tiền chuộc người. Tại tỉnh, có trường hợp ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, gia đình nạn nhân phải bỏ ra 69 triệu đồng để chuộc người.
Công an tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các hoạt động lôi kéo sang nước ngoài lao động, tìm việc làm. Người dân khi có nhu cầu ra nước ngoài lao động, tìm việc làm nên chủ động nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan hoặc liên hệ với các cơ quan chức năng, như Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh-Công an tỉnh; Công an các huyện, thị xã, thành phố hoặc Công an các xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục xuất cảnh theo quy định, tránh bị các đối tượng xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép. Đồng thời, khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hoạt động lôi kéo người khác xuất cảnh trái phép cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để hướng dẫn, xử lý.
Bộ LĐ-TB-XH nói gì về 'bẫy' lừa đảo sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao? Lợi dụng mạng xã hội, rất nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã thông tin sai sự thật, lập trang web, nhóm trên Zalo tạo lòng tin để lừa đảo người lao động. Đây là cảnh báo của ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài...