TP Hồ Chí Minh bảo đảm nguồn hàng, giá cả ổn định trước Tết Nguyên đán 2022
Sao với năm ngoái, giá cả các mặt hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 sẽ không tăng giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Dự kiến, thị trường tiêu dùng mua sắm hàng hóa Tết Nguyên đán 2022 cũng sẽ không sôi động bằng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Hàng hóa về chợ nhiều, giá giảm
Đại diện các chợ đầu mối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng hàng hóa nhập về các chợ đang tăng mạnh, nhờ đó giá cả một số mặt hàng giảm nhẹ. Cụ thể, từ đầu tháng 1 đến nay, các chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền… đều tiếp nhận lượng hàng hóa nhập chợ trên 1.500 tấn/ngày đêm. Lượng hàng hoá dồi dào đã kéo giá các loại thực phẩm tươi sống giảm trên dưới 20%. Dự kiến đến Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa về các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cao và giá sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào nguồn cung và chi phí vận chuyển từ các tỉnh về thành phố.
Lượng hàng hóa bày bán tại các siêu thị đang khá dồi dào để phục vụ người dân mua sắm.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa khá dồi dào. Các quầy kệ thực phẩm tươi sống, hải sản, bánh kẹo, dầu ăn.. đều khá phong phú, đa dạng chủng loại để người tiêu dùng lựa chọn. So với năm ngoái, giá nhiều mặt hàng không tăng, lại đang được áp dụng giảm giá để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, đơn vị đã chuẩn bị cho trước, trong và sau tết với khoảng 6.000 tỷ đồng hàng hóa; trong đó tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu để người dân khi mua sắm không phải lo vấn đề tăng giá vào dịp Tết.
Là đơn vị cung cấp thực phẩm tươi sống lớn của TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc công ty Vissan cũng cho biết, đơn vị đã chuẩn bị khoảng 2.800 tấn hàng thực phẩm tươi sống (tăng 4% so với cùng kỳ) và 4.200 tấn thực phẩm chế biến (tăng khoảng 6% so với cùng kỳ), đủ cung ứng hàng cho người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, công ty cũng chuẩn bị thịt lợn đông lạnh khoảng 1.000 tấn. Trong trường hợp nếu có biến động thiếu hụt về nguồn thịt lợn, công ty sẽ cung cấp ra thị trường, đồng thời bình ổn giá trong và sau Tết Nguyên đán 2022.
Video đang HOT
“Bà con hết sức yên tâm trong mua sắm tết, chắc chắn TP Hồ Chí Minh sẽ không thiếu hàng. TP Hồ Chí Minh sẽ có đủ hàng đặc sản của các tỉnh, thành cung cấp cho thị trường Tết. Đặc biệt, hệ thống Saigon Co.op chỉ nghỉ 1 ngày, ngày Mùng 2 là mở cửa bán thường lệ, do đó không ngại hàng hóa thiếu hụt”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để chuẩn bị cho việc cung ứng hàng Tết, ngành công thương Thành phố đã làm việc với các tỉnh, các doanh nghiệp bình ổn giá, doanh nghiệp chủ lực sản xuất để chuẩn bị hàng tết ở mức hơn 19.000 tỷ đồng. Chương trình hàng bình ổn thu hút 80 doanh nghiệp tham gia với số tiền 7.000 tỷ đồng.
“Nhìn chung, Tết năm nay, số lượng hàng hóa không tăng và đang giữ mức ổn định. Thị trường tiêu dùng Tết năm 2022 không sôi động bằng năm 2021 nhưng ở mức gia tăng tương đối trong bối cảnh triển khai công tác chống dịch như hiện nay”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Theo đo lường của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, sức mua năm nay sẽ không bằng những năm trước nhưng người dân, đặc biệt là công nhân đến TP Hồ Chí Minh làm việc, năm nay sẽ ở lại thành phố đón tết nhiều hơn các năm trước vì sự khó khăn trong đi lại và sự phức tạp của dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc người dân không đi du lịch trong dịp Tết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng là một lý do tạo sự gia tăng tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh.
Chia sẻ với người tiêu dùng
“Năm nay, các hiệp hội, đặc biệt là các đơn vị sản xuất hàng Tết, chúng tôi đều đã làm việc về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và ổn định giá cả để chia sẻ khó khăn với người dân trong đợt dịch vừa qua. Sau khi làm việc, trên tinh thần các doanh nghiệp cũng quyết tâm vào cuộc cao để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.
Càng gần Tết, giá các mặt hàng thực phẩm sẽ có điều chỉnh giảm để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang tích cực làm việc với các tỉnh, thành khác trong chuẩn bị nguồn hàng. Các đoàn công tác của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã đến làm việc, kết nối cung cầu với các tỉnh như Đồng Tháp, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bến Tre… để đưa hàng hóa về phục vụ người dân dịp Tết và TP Hồ Chí Minh đã “chốt” xong các phương án cung hàng hóa và giá cả.
“Chúng ta đều biết có một giai đoạn hết sức khó khăn, sức mua giảm sâu, doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội mua sắm dịp Tết để đẩy nhanh hơn lượng hàng ra thị trường. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình khuyến mại tập trung do UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì với khoảng 1.700 doanh nghiệp tham gia, hơn 7.000 chương trình khuyến mãi với mức khuyến mãi khoảng 30%. Thông qua các chương trình này đã đo lường được sức mua của thị trường đang gia tăng. Doanh nghiệp bán được hàng với lượng lớn và người tiêu dùng có thể mua những sản phẩm vừa với túi tiền của mình. Với những giải pháp đó, TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng phục vụ mùa cao điểm dịp Tết”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp bình ổn giá và họ đã chuẩn bị 7.011 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết. Với mức chi phối khoảng 30%-40% thị trường tùy mặt hàng, hàng bình ổn sẽ giúp giảm nhiệt thị trường và khi khu vực nào thiếu hụt các doanh nghiệp sẽ tham gia. Điều này giúp người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp và thu nhập trung bình có cơ hội tiếp cận với nguồn hàng dù ngoài thị trường có biến động.
Là doanh nghiệp tham gia tích cực trong việc bình ổn giá ngành thực phẩm, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân cũng cho biết, trứng là mặt hàng bình ổn của Công ty Ba Huân suốt nhiều năm qua. Năm nay, dự trữ lượng trứng của công ty đến thời điểm này đạt khoảng 90%, bảo đảm đủ hàng và giá bình ổn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong mùa dịch. “So với năm ngoái, sức mua ngành thực phẩm, cụ thể là trứng sẽ không tăng cao nhưng đơn vị luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng”, bà Phạm Thị Huân cho biết.
“Trong dịp Tết 2022, chúng tôi rất mong bà con tiêu dùng một cách thông minh. Ngành công thương sẽ cùng với tất cả các ngành khác đảm bảo chuỗi cung ứng một cách liên tục, làm sao để những sản vật đa dạng vùng miền sẽ được mang về và phân phối cho người dân TP Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu cho một cái Tết đậm chất hồn Việt với giá cả phải chăng cho người dân”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Gần 80% chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh đã khôi phục hoạt động
Đã có gần 80% chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh khôi phục hoạt động. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.
Người dân mua thực phẩm tại chợ Bến Thành. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN
Theo Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.
Tính đến ngày 24/11, đã có 180/234 chợ truyền thống được khôi phục hoạt động, đạt tỷ lệ 76,9%. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.
Cùng với đó, đã có 2/3 chợ đầu mối đã hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.031/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân. Nhiều hệ thống siêu thị, doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ thực phẩm đang triển khai các chương trình, khuyến mãi giảm giá với nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm để kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Từ ngày 25/11 đến ngày 30/11, TP Hồ Chí Minh sẽ thành lập 19 đoàn kiểm tra do lãnh đạo thành phố dẫn đầu, kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố trong ngày 23/11 và sáng 24/11 giảm 0,7% so với trước đó, ước đạt 7.999,2 tấn/ngày. Trong đó, lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 23/11 ước đạt 1.360 tấn/ngày. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày, không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại.
Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 24/11 giảm 1,5% so với ngày 23/11, ước đạt 3.041,3 tấn/đêm.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh có 124 chợ các loại, 2 trung tâm thương mại, 20 siêu thị và 75 cửa hàng tiện ích. Hiện tại có 9 chợ và 2 cửa hàng tiện ích tạm thời ngưng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19; 115 chợ, 2 trung tâm thương mại, 20 siêu thị, 73 cửa hàng tiện ích còn lại hoạt động bình thường.
Lượng hàng hoá tại các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh; giá cả hàng hoá tương đối ổn định, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, sốt giá bất thường. Các khu vực cách ly vẫn đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhiệm vụ. Ngoài ra, bưu điện các huyện, thị xã, thành phố, các bưu cục xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện bán các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tại địa phương.
Tại thành phố Cần Thơ vẫn đang áp dụng theo cấp độ 3 theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; Sở Công Thương có công văn số 3279/SCT-QLTM ngày 21/10/2021 về việc hướng dẫn tạm thời cho phép chợ hoạt động trở lại, hiện trên địa bàn có 27 chợ đã được mở lại.
Các chợ mở lại có số lượng tiểu thương tham gia từ 30 - 70%, tất cả đều có tiêm ít nhất 1 mũi sau 14 ngày, các quận, huyện hướng dẫn các chợ bố trí lại vị trí các lô sạp để đảm bảo khoảng cách giữa người mua, người bán. Bên cạnh đó, có 9 siêu thị và 142 cửa hàng tiện ích đang hoạt động (9 cửa hàng tạm ngưng hoạt động), thành phố tiếp tục duy trì một số điểm bán hàng bình ổn giá cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu như: gạo, trứng, mì gói, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả tươi... đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày cho người dân thành phố.
Với các tỉnh, thành phía Nam khác nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, số lượng chợ truyền thống hoạt động trở lại đã đạt tới trên dưới 80%.
Khi nào 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức mở cửa lại? Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hiện các quận, huyện và TP Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch mở bán thí điểm tại các chợ, mở điểm trung chuyển, tập kết tại chợ đầu mối trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chợ đầu mối Hóc Môn đã tạm ngưng hoạt động nhiều tuần qua...