TP HCM thiếu hàng nghìn thông dịch viên
Mỗi năm TP HCM cần khoảng 1.000 nhân sự thông dịch viên nhưng nguồn cung rất khan hiếm bởi các trường đào tạo chưa theo kịp nhu cầu.
Ngày 1/11, tại tọa đàm về nhân lực thông dịch viên, ông Trần Anh Tuấn (cán bộ Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM) cho biết, từ nay đến năm 2025 mỗi năm thành phố cần 270.000-300.000 nhân lực tất cả ngành (130.000 chỗ làm việc mới).
Nhu cầu nhân lực nhóm ngành khoa học xã hội chiếm tỷ trọng 2%, trong đó thị trường lao động tại thành phố hiện thiếu hơn 1.000 biên, phiên dịch viên.
“Nhu cầu thông dịch viên tuy không nhiều nhưng đây là nghề rất quan trọng. Sự thiết hụt nhân lực khiến nhiều công ty, đơn vị gặp khó khăn”, ông Tuấn nói.
Nhu cầu tuyển nghề này cao trong những năm gần đây, theo ông Tuấn, do Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, thường xuyên gặp gỡ, làm việc với đối tác các nước. Các doanh nghiệp trong nước muốn mở rộng đầu tư, xuất khẩu hàng hóa sang các nước cũng có nhu cầu thông dịch viên khá lớn.
Ngoài tiếng Anh, thông dịch viên tiếng Hàn Quốc, Hoa, Nhật và một số ngoại ngữ hiếm khác là rất ít. Ở TP HCM, chỉ số ít trường đào tạo các ngoại ngữ này như Đại học Mở, Sư phạm, Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), Cơ sở 2 Đại học Ngoại thương… nhưng chỉ đáp ứng được vài trăm nhân sự mỗi năm.
Video đang HOT
Một kỳ thi khảo sát năng lực bằng tiếng Anh của Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng
Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp tại TP HCM cho biết, sự sàng lọc, đào thải của nghề này rất cao nên nhiều người ra trường ở các ngành ngoại ngữ nhanh chóng bị “rơi rụng” sau nhiều năm. Dù giỏi ngoại ngữ nhưng không có kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên sâu, thiếu nỗ lực trau dồi kỹ năng, cũng không trụ lâu với nghề.
Họ than phiền, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành ngoại ngữ nhưng không thể dịch hoàn chỉnh một văn bản hành chính đơn giản hoặc khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ rất kém. Nguyên nhân được cho là chương trình đào tạo ngành ngoại ngữ ở các đại học thiếu thực tế, lạc hậu so với nhu cầu xã hội.
Ông Phạm Xuân Hoàng Ân (nguyên trưởng phòng Chính trị – Kinh tế, Sở Ngoại vụ TP HCM), người có thâm niên thông dịch viên, cho rằng đặc thù của nghề này rất khó, đòi hỏi không chỉ giỏi ngoại ngữ mà phải có trí nhớ tốt, hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực và kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt..
Theo ông Ân, nghề thông dịch viên sẽ không biến mất dù công nghệ hiện tại đã cho ra đời nhiều ứng dụng phiên dịch nhanh chóng, linh hoạt. Tuy nhiên, người học ngoại ngữ để hướng tới công việc thông dịch viên trong tương lai cần sự cầu thị, ham học hỏi và trau dồi kiến thức không ngừng.
Giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra cho tình trạng thiếu hụt thông dịch viên là các trường đại học mở rộng ngành ngoại ngữ, chú trọng chuyên ngành thông dịch viên. Các đại học cũng cần đào tạo để sinh viên cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn.
Theo VNE
Giảng viên chỉ ra nhiều hạn chế trong dạy tiếng Anh bậc đại học
Phương pháp dạy, chương trình đào tạo, thái độ của người học... được ông Cường cho là hạn chế của việc dạy và học tiếng Anh ở đại học.
Tại hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập và tự chủ do Đại học Nông Lâm TP HCM tổ chức ngày 6/10, TS Phạm Huy Cường (Phó trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, khảo sát hơn 100 doanh nghiệp ở Việt Nam có tới 70% trả lời rất cần tiếng Anh trong công việc. Đa số cho rằng có nhân sự thông thạo ngoại ngữ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, tăng tính hội nhập, nâng cao vị thế người lao động trong hội nhập.
Tuy nhiên, ông Cường khẳng định hiệu quả của việc dạy và học tiếng Anh bậc đại học khá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Dù hầu hết giảng viên các trường đều đạt yêu cầu chuyên môn, được trang bị tốt phương pháp giảng dạy nhưng khá ít người vận dụng hoặc ít có động lực để làm việc này. Bởi khối lượng kiên thức cần truyền tải khá nhiều trong khi thời gian, cách bố trí lớp học chưa hợp lý.
Yếu tố văn hóa, phong cách người thầy và quan hệ giữa giảng viên - sinh viên cũng ảnh hưởng đến không khí lớp học và chất lượng bài giảng. "Trong khi các giảng viên nước ngoài linh hoạt tổ chức lớp học, tạo không khí sôi động, quan hệ thân thiết với sinh viên thì giảng viên người Việt còn khá e dè", ông nói.
Một đợt khảo sát năng lực bằng tiếng Anh ở trường đại học tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Hầu hết chương trình đào tạo dựa vào nguồn tài liệu nước ngoài với nhiều ưu điểm, song lại tạo khoảng cách khác biệt về văn hóa với sinh viên Việt Nam. "Với các chương trình chuyên ngành như tiếng Anh thương mại, luật, du lịch... giảng viên chỉ có kiến thức ngôn ngữ mà hạn chế kiến thức chuyên ngành", ông Cường phân tích.
Việc thiết kế và triển khai chương trình đào tạo của các trường cũng ít tham khảo chuyên gia, nhà tuyển dụng và nhu cầu của người lao động nên nội dung học chưa hữu dụng cho sinh viên.
Phần lớn sinh viên ít có động lực học tiếng Anh bởi chưa hiểu được giá trị của nó. Giảng viên này cho rằng, việc dạy và học tiếng Anh cần chú ý tới yếu tố người học, quá trình và diễn biến tâm lý của họ.
Môi trường thực hành tiếng Anh ở các trường hiện chủ yếu diễn ra ở khuôn khổ lớp học, cùng với hạn chế về thời gian dẫn đến hiệu quả học không cao.
Hầu hết việc kiểm tra tại các trường theo hướng đánh giá kết quả học tập thay vì cải thiện hiệu quả dạy và học. Việc thiết kế và biên soạn đề thi khi dựa vào nhân sự Việt Nam cũng ảnh hưởng đến độ chuẩn xác của đề và đánh giá các kỹ năng.
"Các quy chuẩn đầu ra cũng thường dựa vào bài thi đánh giá năng lực như TOEIC, TOEFL, IELTS... dễ dẫn đến việc dạy và học chạy theo các bài thi hơn là hoàn thiện kỹ năng cho sinh viên", ông cho biết thêm.
Theo TS Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nông Lâm TP HCM), việc đổi mới giảng dạy ngoại ngữ không chuyên là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong bối cảnh hội nhập.
"Mục tiêu phải đào tạo tiếng Anh hoặc Pháp theo chuẩn quốc tế làm sao để sinh viên ra trường có thể sử dụng các ngoại ngữ này trong công việc và có thể học tiếp để nâng cao trình độ", ông Lý nói.
Biện pháp được ông đưa ra là tổ chức các lớp đào tạo ngoại ngữ đúng trình độ và yêu cầu chuẩn đầu ra với sinh viên, đồng thời đổi mới giáo trình, cải tiến cách dạy.
Theo VNN
Giáo sư khuyên sinh viên y 'phải nỗ lực nếu không muốn hối hận' Sinh viên y khoa phải học tập chăm chỉ, trau dồi ngoại ngữ, tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nếu không sau này sẽ hối hận. "Những bạn dám thi và đỗ ngành y đều rất giỏi và thông minh. Tuy nhiên, không phải ai cũng giữ được tinh thần học tập chăm chỉ, nỗ lực và kiên trì để đạt...