TP HCM rà soát, chuẩn bị cho tuyển sinh đầu cấp
Các quận, huyện tại TP HCM bắt đầu tổng rà soát số lượng học sinh, chuẩn bị cho tuyển sinh đầu cấp năm học 2021-2022
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều phòng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cho biết kế hoạch thời gian năm học sẽ có nhiều thay đổi do ảnh hưởng dịch bệnh và phụ thuộc vào quy định Bộ GD-ĐT, tuy nhiên, về cơ bản, phương thức tuyển sinh các lớp đầu cấp không thay đổi, kể cả ở TP Thủ Đức.
Tuyển sinh trực tuyến
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết hiện các phường tại TP đang bắt đầu rà soát số lượng học sinh (HS) trên địa bàn. Theo ông Nguyên, tuyển sinh các lớp đầu cấp lâu nay thực hiện theo quy định của UBND TP và trong tuyển sinh, quan trọng là giữ ổn định để phụ huynh được yên tâm. Chính vì vậy, cũng sẽ không thay đổi nhiều trong phương thức tuyển sinh. “HS ở phường nào thì học tại trường ở phường đó, trừ một số trường hợp đặc biệt, như trường theo mô hình tiên tiến hoặc cùng một phường nhưng số trẻ quá đông thì phải chuyển sang trường khác” – ông Nguyên nói.
Tuyển sinh đầu cấp tại TP HCM sẽ thực hiện qua hình thức trực tuyến Ảnh: TẤN THẠNH
Là TP được sáp nhập từ 3 quận là quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, theo ông Nguyên, việc quan trọng là tất cả HS trong độ tuổi đi học đều được đến trường và được học 2 buổi/ngày để bảo đảm theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Video đang HOT
“Trước đây, khu vực 1 và 2 (quận 2 và quận 9 cũ) thực hiện tốt, trong khi đó khu vực 3 (quận Thủ Đức cũ) lại không được vậy, do số lượng HS quá đông. Cũng do HS đông, ở năm học trước, tuyển sinh trực tuyến ở khu vực 3 chỉ thực hiện được trên 60%” – ông Nguyên thông tin.
Trong khi đó, tại các quận, huyện khác, giai đoạn này cũng là thời điểm tiến hành tổng hợp danh sách HS để lên phương án tuyển sinh đầu cấp. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều đơn vị cho biết nhiều công đoạn trong tuyển sinh năm nay đều chuyển sang hình thực trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh, mặt khác nhiều đơn vị cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh, phụ huynh không mất nhiều thời gian trong quá trình nộp hồ sơ cho con.
Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, quận đã ứng dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến từ 2 năm nay. Tất cả các trường từ mầm non đến THCS đều đã có website riêng. Phụ huynh chỉ cần tải các mẫu đơn về đăng ký và gửi luôn qua mạng.
Tăng cường ôn tập cho học sinh cuối cấp
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, trong thời gian HS tạm ngừng đến trường theo quy định của UBND TP để phòng chống dịch. Những HS cuối cấp ngoài vừa học trên internet theo lịch học của các trường, sẽ được học thêm trên truyền hình.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn này, ngoài tăng cường dạy trực tuyến, các trường cũng cấp tập tổ chức các chuyên đề ôn tập cho HS cuối cấp, đặc biệt là khối lớp 9 và 12, nhằm phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 3 cho biết nhà trường vẫn chú trọng dạy trực tuyến và ôn 3 môn chính là toán, ngữ văn, ngoại ngữ cho HS lớp 9 nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
“Nếu lịch thi có thay đổi so với dự kiến, HS cũng sẽ không bị động” – vị này cho biết. Trước đó, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021 dự kiến vào tháng 6, song còn phải phụ thuộc vào lịch thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, chưa kể những diễn biến về tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, quan điểm của sở là bảo đảm ổn định kỳ thi tuyển sinh lớp 10 bao gồm cả thời gian, cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức.
Trong khi đó, ở khối 12, việc ôn tập của HS nhẹ nhàng hơn do tâm lý chủ động, theo các giáo viên, nếu Bộ GD-ĐT điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học thì có thể cũng sẽ kéo theo những thay đổi trong đề thi tốt nghiệp, theo nguyên tắc học gì thi đó, không gây quá tải cho HS, việc ôn tập cho HS khối 12 cũng vì thế thoải mái hơn cho các trường.
Đơn giản hóa thủ tục
Các trường cũng công bố, phân chia luôn thời gian để phụ huynh đăng ký, tránh tình trạng đồng loạt một lúc. Mỗi phụ huynh chỉ phải đến trường trực tiếp một buổi để xác minh các giấy tờ liên quan có phù hợp hay không. Tại quận Tân Phú, Gò Vấp, quận 10…, các trường cũng tổ chức đưa thông tin, công khai mẫu đơn lên website để phụ huynh tham khảo, tải về.
Nếu dịch bệnh kéo dài, có lùi thi tốt nghiệp THPT?
'Nếu dịch kéo dài và tháng 3.2021, học sinh các cấp vẫn chưa thể trở lại trường thì Bộ sẽ lùi thời gian kết thúc năm học. Lịch thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp ở các địa phương cũng sẽ phải điều chỉnh'
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - ĐÀO NGỌC THẠCH
Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD-ĐT mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự chủ động của địa phương, cơ sở giáo dục trong việc nhanh chóng đưa ra những quyết định về dạy và học nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ông Nhạ yêu cầu: "Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch, từ đó kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp".
Theo Bộ trưởng Nhạ, mặc dù tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước. Vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống khác nhau, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng... "Cần chủ động xây dựng phương án, để dù tình huống nào xảy ra cũng thực hiện được ngay", ông Nhạ chỉ đạo.
Trao đổi thêm với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết trong nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, Bộ đã yêu cầu các sở chỉ đạo các trường chuẩn bị điều kiện để có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học trong tình thế học sinh không thể đến trường do dịch bệnh.
Bộ cũng ban hành các hướng dẫn trong thực hiện dạy học trực tuyến qua internet và truyền hình; việc công nhận kết quả dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá thường xuyên trong giai đoạn học sinh phải học trực tuyến và việc xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức sau khi học sinh trở lại trường.
Vì vậy, theo ông Thành, với các văn bản hướng dẫn, các trường có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, khởi động ngay việc dạy học trực tuyến. Trong đó, ưu tiên dạy trực tuyến các nội dung phù hợp với hình thức này, các nội dung cần tăng cường cho học sinh cuối cấp học. Nội dung nào, môn học nào chưa thể dạy học trực tuyến hoặc không phù hợp với hình thức này, thì để lại thực hiện sau khi học sinh trở lại trường chứ không bắt buộc phải dạy theo thời khóa biểu đầy đủ các môn trong một tuần như trước kia.
Theo ông Thành, cùng với việc tổ chức dạy học trực tuyến để tiếp nối tiến độ chương trình trong quá trình tạm dừng đến trường, các trường vẫn còn quỹ thời gian 2 tuần dự phòng. Vì thế, nếu hết tháng 2 này, học sinh các địa phương có thể quay lại trường học thì kế hoạch thời gian năm học vẫn có thể duy trì như quy định của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, ông Thành khẳng định, Bộ GD-ĐT vẫn theo sát diễn biến của dịch bệnh và chắc chắn phải tính toán, xây dựng các "kịch bản" khác nhau trong việc thực hiện năm học này trên cơ sở kinh nghiệm từ năm học trước. "Nếu dịch bệnh kéo dài và tháng 3.2021, học sinh các cấp vẫn chưa thể trở lại trường học thì Bộ sẽ tính toán, điều chỉnh, lùi thời gian kết thúc năm học. Lịch thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đầu cấp ở các địa phương cũng vì vậy sẽ phải điều chỉnh", ông Thành cho hay.
Nhằm tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ các điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Nhạ đề nghị các đơn vị tích cực hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Áp lực tuyển sinh đầu cấp tại TP HCM Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp năm học 2021-2022 tại các quận, huyện không thay đổi nhiều so với năm trước, áp lực vào các lớp đầu cấp sẽ không giảm Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều phòng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tại TP HCM cho biết theo thống kê ban đầu, số...