TP HCM có thể không xây trung tâm hành chính
Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, xây trung tâm hành chính vừa mất quỹ đất, tốn nhiều tiền mà giao thông, an ninh trật tự không đảm bảo.
Sau khi đi khảo sát trung tâm hành chính công ở TP Đà Nẵng và Quảng Ninh, UBND thành phố đề nghị Thường trực Thành ủy TP HCM cân nhắc việc xây trung tâm hành chính công vì đặc thù mỗi địa phương khác nhau.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, không giống các tỉnh chỉ nhận vài trăm hồ sơ, thành phố có đến hơn 10.000 hồ sơ cần giải quyết mỗi ngày. Nếu dồn hết về trung tâm hành chính sẽ gây áp lực cho bộ máy. Trong khi đó, để xây dựng trung tâm hành chính thành phố phải tìm quỹ đất lớn, nguồn ngân sách lớn.
“Khi tập trung lượng lớn người và phương tiện về một khu sẽ không đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự. Trong khi ngân sách đang bị cắt giảm do thành phố phải chia sẻ với Trung ương và cả nước, mình phải có biện pháp tiết kiệm. Trước hết, việc xây dựng trụ sở phải hạn chế tối đa”, ông Tuyến nói.
Phương án thiết kế Trung tâm hành chính TP HCM được lãnh đạo thành phố chọn hồi năm ngoái. Ảnh: N.P
Ông Tuyến yêu cầu Sở Nội vụ sửa lại Báo cáo học tập kinh nghiệm trung tâm hành chính công tại Quảng Ninh và Đà Nẵng để báo cáo Thành ủy. Trong đó, nêu rõ đặc thù và điều kiện của thành phố có đủ triển khai xây dựng Trung tâm hành chính trong bối cảnh hiện nay hay không.
Ông Tuyến cho rằng, để phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, thành phố nên triển khai một cửa liên thông điện tử (kèm dịch vụ trực tuyến) tại từng sở ngành, lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực sẽ giao một sở làm đầu mối tiếp nhận và trả kết quả cho người dân. Sở đó phải liên thông với các đơn vị khác, không để người dân, doanh nghiệp cầm hồ sơ đi đến từng nơi.
Đồng thời, các sở ngành cần phấn đấu để đến năm 2020, 100% thủ tục hành chính các sở, ngành, quận, huyện liên quan đến người dân, doanh nghiệp áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (người dùng điền và gửi các mẫu văn bản qua mạng (mức độ 3), trả phí và nhận kết quả qua bưu điện (mức độ 4).
Video đang HOT
Theo ông Tuyến, trong những năm tới, nếu có điều kiện thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng các trung tâm hành chính theo từng lĩnh vực đô thị, kinh tế, y tế, giáo dục…
Theo quy hoạch, Trung tâm hành chính TP HCM có diện tích 18.000 m2 được giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Thánh Tôn – Pasteur – Lý Tự Trọng – Đồng Khởi sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan Nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc gồm khoảng 1.700 người.
Các cơ quan sẽ được bố trí tại khu trung tâm hành chính sau khi xây dựng xong gồm: Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Sở Nội Vụ, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương, Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Giao thông Vận tải.
Hữu Công
Theo VNE
TPHCM không xây trung tâm hành chính tập trung để tránh lãng phí
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM sẽ không xây dựng trung tâm hành chính vì gây lãng phí. Xây trung tâm hành chính vừa tốn quỹ đất lớn, tốn tiền mà tình hình giao thông, an ninh trật tự không đảm bảo...
Thời gian qua, TPHCM đã tổ chức đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm mô hình trung tâm hành chính tại Quảng Ninh và TP Đà Nẵng để chuẩn bị cho việc xây dựng trung tâm hành chính cho TP. Tuy nhiên, trong điều kiện của TPHCM hiện nay, việc xây dựng trung tâm hành chính công còn nhiều vấn đề cân nhắc.
Xây trung tâm hành chính sẽ gây lãng phí lớn
Trao đổi với PV Dân trí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, mỗi địa phương đều có đặc thù khác nhau. Nếu như có tỉnh mỗi ngày chỉ nhận một trăm hồ sơ thì TPHCM nhận đến mười mấy nghìn hồ sơ. Nếu dồn về trung tâm hành chính sẽ gây áp lực cho bộ máy.
Mô hình được chọn làm đồ án thiết kế xây dựng trung tâm hành chính TPHCM do một công ty Nhật Bản thiết kế (ảnh Đ.P)
"Trong điều kiện hiện nay, nếu TP xây trung tâm hành chính sẽ gây lãng phí vì phải tìm quỹ đất lớn và nguồn ngân sách lớn. Ngoài ra, khi tập trung một lượng lớn người và phương tiện thì sẽ không đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự... Trong khi ngân sách đang bị cắt giảm thì TP phải chia sẻ với Trung ương và cả nước. Mình phải có biện pháp tiết kiệm, trước hết việc xây dựng trụ sở thì hạn chế tối đa", ông Tuyến nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, để phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn, TPHCM sẽ triển khai một cửa liên thông điện tử (kèm dịch vụ trực tuyến) tại từng sở, ngành. Trong đó, theo từng lĩnh vực như đô thị, y tế, giáo dục... sẽ giao cho một Sở làm đầu mối tiếp nhận và trả kết quả.
"Như giấy phép xây dựng thì Sở Xây dựng là một cửa tiếp nhận và giải quyết. Mọi việc liên thông đến các sở thì Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chứ không để người dân, doanh nghiệp cầm hồ sơ chạy đến từng sở ngành, rất phiền hà", ông Tuyến nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hiện có những văn bản sở này truyền qua sở kia mà một tuần chưa nhận được. Trong khi đối với doanh nghiệp thì thời gian là tiền bạc nên phải liên thông văn bản điện tử chứ không thể bằng đường bưu điện như hiện nay.
"Bây giờ mình chỉ mới dùng văn bản giấy nên để đảm bảo tính pháp lý phải ra chữ ký số. Việc này không thuộc về pháp lý giữa cơ quan chính quyền với người dân mà là pháp lý nội bộ. Trong lúc chờ chữ ký số thì triển khai song song văn bản giấy và văn bản điện tử để giải quyết hồ sơ nhanh hơn".
"TP sẽ áp dụng chữ ký số để triển khai hướng dẫn các sở - ngành, quận - huyện chuyển sang sử dụng văn bản điện tử, chấm dứt tình trạng sử dụng văn bản giấy từ đầu năm 2017", ông Tuyến nói và cho biết đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu triển khai chữ ký số.
Người dân cần hiệu quả công việc hơn trụ sở lớn
Ông Trần Vĩnh Tuyến đánh giá việc áp dụng văn bản điện tử là nền tảng để xây dựng chính quyền điện tử sau này. Tất cả công việc giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan công quyền, nội bộ sở ngành được liên thông điện tử.
"Điều này giúp hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan công quyền, đảm bảo minh bạch, công khai. Việc này giúp cơ bản chấm dứt tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính", ông Tuyến nói.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh đến năm 2020 tất cả thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp áp dụng dịch vụ công trực tuyến và liên thông điện tử
Cũng theo ông Tuyến, hiện nay TP đã chọn Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên Môi trường là 4 lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc nhất để triển khai liên thông điện tử trước. Phấn đấu đến năm 2020 tất cả những dịch vụ công đều phải trực tuyến, liên thông điện tử.
Ông Tuyến cũng chia sẻ thêm, trong điều kiện hiện nay, việc liên thông điện tử để phục vụ người dân, doanh nghiệp thì tốt hơn là xây dựng trung tâm hành chính tập trung. Song trong tương lai, nếu có điều kiện thì TPHCM sẽ xây dựng từng cụm trung tâm theo từng lĩnh vực như đô thị, y tế, giáo dục...
"Hiện nay để hoàn thành cấp phép đầu tư thì hồ sơ cũng chạy lòng vòng nhiều sở, ngành. Vì vậy, để rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao hiệu quả, TP cần một trung tâm liên quan đến lĩnh vực đô thị để bàn bạc, tham mưu xử lý các vấn đề cấp phép đầu tư, triển khai dự án lớn...", ông Tuyến nói.
Quốc Anh
Theo Dantri
Gần 53 tỷ đồng xây trung tâm hành chính TP HCM giai đoạn 1 Trong giai đoạn một, Khu trung tâm hành chính TP HCM trên đường Đồng Khởi (quận 1) có hầm và hai tầng cần tổng kinh phí gần 53 tỷ đồng. Khu trung tâm hành chính TP giai đoạn một, tại khu đất 213 đường Đồng Khởi (quận 1) nối dài khối nhà mặt tiền đường Lê Thánh Tôn của trụ sở UBND TP...