Tốt nghiệp THPT: Thời gian thi môn Ngữ văn giảm xuống còn 120 phút
Một trong những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2013-2014 là thời gian làm bài thi môn Ngữ văn giảm từ 150 phút xuống còn 120 phút.
Việc thay đổi này khiến nhiều giáo viên, học sinh băn khoăn về việc đề thi sẽ điều chỉnh như thế nào và hướng ra đề sẽ có những đổi mới ra sao?
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết đối với môn Ngữ văn, vì thời gian làm bài giảm xuống còn 120 phút nên việc ra đề thi sẽ được tính toán để dung lượng đề thi phù hợp với thời gian làm bài.
Đưa các tác phẩm không có trong sách giáo khoa vào đề thi
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng từ trước đến nay, việc dạy và học tại trường phổ thông vốn quen với việc dạy tác phẩm nào thì kiểm tra, đánh giá tác phẩm đó. Điều này dẫn đến học sinh chỉ học vẹt, chưa kiểm tra, đánh giá được năng lực ngữ văn của học sinh.
Vì vậy, đề Ngữ văn năm nay cần thay đổi thiết kế theo hướng giúp học sinh chủ động vận dụng những kiến thức, hiểu biết, tình cảm, năng lực của mình thể hiện vào bài thi, qua đó đánh giá toàn diện nhất năng lực của học sinh.
Theo Thứ trưởng, ở cấp Tiểu học, trong các bài kiểm tra giữa kỳ, học kỳ, giáo viên đã đưa vào đề thi những văn bản không có trong sách giáo khoa. Ở Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, đọc hiểu chiếm phần lớn lượng thời gian dạy học của môn Ngữ văn.
Để đạt mục tiêu tốt nghiệp Trung học phổ thông, học sinh đã có khả năng đọc hiểu tốt. Vì vậy, việc kiểm tra đánh giá kỹ năng đọc hiểu trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là việc hoàn toàn bình thường và là yêu cầu bắt buộc.
Điểm mới ở đây là chuyển từ việc yêu cầu học sinh học thuộc lòng những nội dung đã đọc hiểu của các tác phẩm có trong sách giáo khoa sang việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện, phát triển vào việc đọc hiểu các tác phẩm khác không có trong sách giáo khoa nhưng có kết cấu nội dung, độ khó tương đương những tác phẩm đã học.
Video đang HOT
Cách kiểm tra này sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực đọc hiểu của học sinh; tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt.
Ở phần kiểm tra kỹ năng viết, tiếp tục phát huy hướng ra đề của những năm trước, đề thi năm nay cũng sẽ đưa vào những câu hỏi theo hướng mở, yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức và làm bài theo tư duy mở. Học sinh chủ động vận dụng kiến thức thực tế, đưa ra những quan điểm cá nhân để giải quyết những vấn đề cụ thể.
Có khả năng môn thi Ngữ văn bao gồm hai phần
Đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp lớp 12 năm nay nhiều khả năng sẽ bao gồm hai phần: Phần thi kiểm tra kỹ năng đọc-hiểu dưới dạng trên cơ sở một trích đoạn văn bản (có hoặc có thể không có trong sách giáo khoa) yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi thể hiện kỹ năng đọc-hiểu (áp dụng phương pháp đánh giá bằng câu hỏi của phương pháp PISA).
Hiện đang cân nhắc điểm cho phần thi này ở mức 30-50% tổng điểm bài thi.
Phần thi viết, có thể bao gồm hai phần cho thí sinh lựa chọn là bài văn nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học, cũng có thể là một bài kiểm tra tổng hợp yêu cầu cả văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Đây là hai thể văn quen thuộc đã có từ nhiều năm nay trong đề thi văn tốt nghiệp lớp 12./.
Theo TTVN
Thay đổi lớn trong đề thi tốt nghiệp THPT
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến sẽ có nhiều thay đổi ở những môn thi quan trọng.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) ôn thi môn văn. Cấu trúc đề thi môn này có nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Môn văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD- ĐT, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có một số điều chỉnh theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đã được ban hành. Ngoài môn ngoại ngữ có thêm một phần viết luận bên cạnh phần trắc nghiệm thì cấu trúc đề thi môn ngữ văn sẽ thay đổi theo hướng chia làm 2 phần: đọc hiểu và làm văn.
Việc giảm bớt yêu cầu không có nghĩa là giảm bớt số câu hỏi hay cắt nội dung kiến thức của phần này hoặc phần kia một cách cơ học. Kỹ thuật ra đề sẽ đáp ứng được yêu cầu về thời gian làm bài Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT
Lãnh đạo Bộ cho rằng với cách ra đề mới, học sinh cần quan tâm đến các câu hỏi yêu cầu sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để trả lời chứ không phải máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.
Dựa trên chủ trương thay đổi này của Bộ, bà Phạm Thị Thu Hiền, chuyên viên Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, đã đưa ra một đề xuất về cách thức ra đề môn ngữ văn theo cách thức mới. Theo đó, phần đọc hiểu và làm văn sẽ có điểm số tương đương nhau (50 - 50).
Phần đọc hiểu (5 điểm), theo đề xuất của bà Hiền, sẽ đưa ra một số văn bản ngắn có thể lấy từ những nguồn khác nhau như sách báo, internet..., ngoài chương trình sách giáo khoa. Hoặc một văn bản văn học không có trong chương trình, sách giáo khoa nhưng cùng chủ đề hoặc đề tài và thể loại với các văn bản đã học.
Các văn bản này phải phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Đề thi sẽ xây dựng bộ câu hỏi gồm 5 loại câu hỏi với nhiều câu hỏi nhỏ, trong đó hạn chế các câu hỏi nhận biết, tăng cường các câu hỏi thông hiểu và vận dụng. Đề thi yêu cầu học sinh tìm kiếm thông tin từ văn bản, tích hợp và suy luận thông tin đã đọc, phản ánh và đánh giá, tìm hiểu văn bản và liên hệ với kinh nghiệm bản thân. Mục đích của phần thi này là kiểm tra kỹ năng đọc các loại văn bản khác nhau.
Phần làm văn (5 điểm), bà Hiền cũng đưa ra 2 phương án ra đề thi khác nhau. Phương án 1 chỉ yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội. Đây là dạng đề tự luận, theo hướng mở, tích hợp liên môn nhằm kiểm tra vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, khả năng giải quyết vấn đề của học sinh. Theo bà Hiền, phương án này phù hợp với đề thi tốt nghiệp THPT vì có thể học sinh sau khi tốt nghiệp không thi tuyển sinh ĐH, CĐ hoặc lựa chọn các ngành nghề liên quan đến văn học.
Phương án 2 sẽ gồm 2 câu: một câu yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội, một câu là bài văn nghị luận văn học. Học sinh chỉ lựa chọn một trong 2 câu để làm bài.
Đề phù hợp thời gian làm bài thi
Thời gian làm bài của 2 môn bắt buộc là toán và văn năm nay sẽ chỉ còn 120 phút thay vì 150 phút như trước đây. Điều này khiến nhiều học sinh và giáo viên hào hứng nhưng cũng không khỏi lo ngại: đề thi sẽ ra sao để đảm bảo đủ thời gian làm bài cho thí sinh.
Một giáo viên dạy văn Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, cho hay: "Vừa qua cho học sinh thi thử theo thời gian 120 phút nhưng do chưa có hướng dẫn và hình dung cụ thể về cách ra đề nên học sinh làm bài vẫn có vẻ căng quá". Giải đáp về điều này, ông Mai Văn Trinh khẳng định: "Chắc chắn đề thi sẽ phải được thiết kế sao cho phù hợp với thời gian làm bài theo quy định mới. Tuy nhiên, việc giảm bớt yêu cầu không có nghĩa là giảm bớt số câu hỏi hay cắt nội dung kiến thức của phần này hoặc phần kia một cách cơ học. Kỹ thuật ra đề sẽ đáp ứng được yêu cầu về thời gian làm bài".
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cho biết cụ thể về cách thức ra đề thi tốt nghiệp THPT môn văn ra sao sẽ được bàn bạc cụ thể vào ngày 10.4 tại hội thảo về đổi mới cách kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn do Bộ tổ chức.
Xung quanh đề thi ngoại ngữ, ông Trinh cho biết Bộ đang xem xét và đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các giáo viên ngoại ngữ về thời gian làm bài và mức điểm giữa phần trắc nghiệm và viết luận. Tuy nhiên, chắc chắn phần trắc nghiệm vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn trong đề thi. "Quyết định sẽ được đưa ra trước khi ban đề thi làm việc", ông Trinh cho hay.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các trường đang rất mong Bộ sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể về đổi mới cấu trúc đề thi vì đây là thời điểm học sinh đang tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bất ngờ cho cả giáo viên và học sinh
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Hà Thanh, giáo viên dạy văn Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.Hà Đông, Hà Nội cho rằng việc thay đổi cấu trúc đề thi môn văn là một điều khá bất ngờ đối với cả giáo viên và học sinh vì đến khi có hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT Bộ mới công bố điều này. Trong khi đó, đây là một thay đổi lớn, khác hoàn toàn so với cách thức mà học sinh vẫn ôn luyện lâu nay.
Bà Thanh cũng bày tỏ sự ủng hộ về mặt chủ trương của cách thức ra đề thi theo hướng mới khi yêu cầu không kiểm tra những kiến thức học thuộc lòng và làm văn theo khuôn mẫu. Tuy nhiên, bà Thanh băn khoăn về tỷ lệ giữa phần đọc hiểu và làm văn trong đề thi. "Nên quy định tỷ lệ 40% phần đọc hiểu và 60% là phần làm văn thì phù hợp hơn", bà Hà Thanh đề xuất. Bà Hà Thanh cũng cho rằng phần làm văn không nên để học sinh lựa chọn hoặc là nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học vì hai phần này không thể thay thế cho nhau. Do vậy cần bố trí tỷ lệ phần làm văn lớn hơn phần đọc hiểu văn bản để có thể kiểm tra được cả hai kỹ năng trên.
Theo TNO
Bài thi tốt nghiệp THPT: Lưu ý tránh phạm quy Có rất nhiều lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm mà học sinh thi tốt nghiệp THPT phải nắm rõ để không phạm quy. Một trong những chi tiết thí sinh cần đặc biệt lưu ý là bài thi tốt nghiệp THPT không được tẩy, xoá bằng bất kỳ cách gì; phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo. Điều này được...