Tốt nghiệp TCCN có được thi ĐH?
Em vừa tốt nghiệp THCS thì đăng ký học vào trung cấp chuyên nghiệp hệ 3 năm. Em chuẩn bị tốt nghiệp và khi ra trường sẽ có bằng TCCN và giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình THPT.
Vậy em có thể đăng ký thi vàoTrường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) như các bạn tốt nghiệp THPT được không? (bub.pantteri@…)
Học sinh tỉnh Bình Thuận tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2014 do Tuổi Trẻ tổ chức.
TS Phạm Tấn Hạ – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM):
Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2014, tại khoản 1 điều 5 (điều kiện dự thi) quy định: Mọi công dân nếu có đủ các điều kiện sau đây đều được dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng: “Đã tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp…”.
Như vậy, theo quy định, nếu em tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp thì em đủ điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, hệ chính quy. Em yên tâm nhé.
* Năm 2014 đăng ký thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, nếu không đủ điểm có được xét nguyện vọng 2 vào khoa dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không? Điểm xét nguyện vọng 2 khoảng bao nhiêu ạ? (thongdah@…)
ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng – phó ban đào tạo khoa kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM: Chào em. Em đăng ký dự thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM nếu không trúng tuyển nhưng có điểm thi đạt ngưỡng điểm tối thiểu (do Bộ GD-ĐT quy định) em có thể dùng kết quả để tham gia xét tuyển vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vừa có tổ chức thi tuyển và xét tuyển năm 2014 căn cứ vào kết quả thi đại học của các trường. Em có thể tham khảo thêm trên trang web của trường theo địa chỉ: www.ntt.edu.vn. Chúc em thành công.
* Với học lực khá và môn Anh văn trung bình, em có nên thi vào ngành công nghệ thực phẩm không? Học ngành này em có thể trở thành nhà dinh dưỡng học được không? ( thikute…@gmail.com )
Video đang HOT
PGS-TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Nếu môn Anh văn trung bình và kém hơn môn hóa thì em đăng ký dự thi khối A chứ đừng nên thi khối A1. Em phải nỗ lực trong thời gian còn lại thì mới có thể đậu vào ngành công nghệ thực phẩm vì điểm trúng tuyển hơi cao. Tất nhiên là học ngành này em có thể trở thành nhà dinh dưỡng.
* Em chào thầy, thầy có thể cho em biết hơn về việc làm sau khi ra trường của ngành cơ khí chế tạo máy và tương lai của ngành. Trường ĐH Giao thông vận tải có chuyên ngành gì của ngành cơ khí và việc làm sau khi ra trường? (quoclinhnql@…)
PGS-TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Cơ khí chế tạo máy là ngành công nghiệp chủ chốt mà Việt Nam đang ra sức phát triển để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước. Một số công việc có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo máy gồm:
- Làm trợ giảng, nhân viên nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng và các viện liên quan.
- Làm nhân viên kỹ thuật (kỹ sư), quản lý, điều hành sản xuất tại các cơ quan, tổ chức, nhà máy, công ty liên quan đến ngành cơ khí nói chung và công nghệ chế tạo máy nói riêng.
- Tư vấn, thiết kế, vận hành, điều khiển hệ thống sản xuất chế tạo máy, kiểm tra bảo dưỡng thiết bị, quản lý, tổ chức sản xuất tại các đơn vị có trang bị dây chuyền và thiết bị tự động hóa phục vụ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.
- Làm kỹ sư bán hàng cho các công ty chế tạo các sản phẩm cơ khí.
- Tham gia các nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ tại các cơ quan, công ty, nhà máy, xí nghiệp có liên quan đến chuyên ngành cơ khí chế tạo máy.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có nhiều chuyên ngành của ngành cơ khí như: vận hành và khai thác máy tàu thủy; đóng tàu thủy; cơ khí ôtô; cơ giới hóa xếp dỡ cảng biển; máy xây dựng. Các ngành này đều có cơ hội việc làm khá tốt sau khi ra trường.
* Chào thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường. Tôi có hai câu hỏi: các trường trung cấp công an như an ninh, cảnh sát hay trung cấp kỹ thuật hậu cần có tổ chức thi tuyển sinh hay không hay là thi đại học nếu không đậu rồi xét tuyển xuống trung cấp? Trường đại học và trung cấp kỹ thuật hậu cần công an nhân dân có chi nhánh phía Nam hay không hay là ở phía Bắc vì con tôi ở tỉnh Bình Định. Mong thiếu tá tư vấn giùm tôi để tôi định hướng cho cháu thi tốt hơn. ( ngoctuan…@yahoo.com.vn )
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường – phó trưởng phòng kế hoạch tuyển sinh, Cục Đào tạo, Bộ Công an:
Chào anh. Các trường trung cấp công an và hệ trung cấp công an như: hệ trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ của Trường ĐH Kỹ thuật – hậu cần CAND và hệ trung cấp phòng cháy chữa cháy của Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy chỉ xét tuyển học sinh đủ điều kiện sơ tuyển và dự thi các trường đại học công an, không tổ chức thi tuyển.
Thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trung cấp khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, dự thi một trường đại học công an chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường trung cấp hoặc hệ trung cấp theo phân luồng quy định của Bộ Công an. Ví dụ thi Đại học Phòng cháy chữa cháy chỉ được đăng ký vào hệ trung cấp phòng cháy chữa cháy, không đăng ký vào trường trung cấp hoặc hệ trung cấp khác được.
Trường ĐH Kỹ thuật – hậu cần CAND chỉ có ở phía Bắc (tại Thuận Thành, Bắc Ninh) không có chi nhánh phía Nam. Thí sinh khu vực phía Nam (từ Quảng Trị trở vào) có nguyện vọng dự thi vào Trường ĐH Kỹ thuật – hậu cần (dự kiến) sẽ dự thi tại Trường CĐ An ninh nhân dân II (Long Thành, Đồng Nai). Nếu trúng tuyển đại học hoặc hệ trung cấp của trường thì học tại trường (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Theo VNE
Thạc sĩ, cử nhân ồ ạt học... trung cấp: Chớ chặn liên thông "xuôi"
Để giải quyết thực trạng "liên thông ngược" gây nhức nhối, các chuyên gia giáo dục đề nghị cần phải thay đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo và tạo điều kiện cho người học được học liên thông
Các chuyên gia giáo dục cho rằng sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo và cơ cấu ngành nghề khiến lao động có trình độ cử nhân dư thừa. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ sẽ khiến Việt Nam thua ngay trên sân nhà khi thị trường lao động tự do trong khối các nước ASEAN thực hiện năm 2015.
Cân đối lại cơ cấu ngành nghề
Ông Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, TP HCM - cho rằng trong gần 20 năm đổi mới, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ quy mô giáo dục ĐH là sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo các bậc học và mất cân đối về ngành nghề. Cụ thể, năm 2007, tính trên 100 lao động qua đào tạo thì có 30 người học nghề, 31 người học TCCN, 11 người học CĐ và 28 học ĐH. Năm 2011, con số này là 26 - 24 - 11 và 39. "Tỉ lệ giữa trình độ CĐ, ĐH so với nghề nghiệp năm 2007 là 39/61 thì đến năm 2011 tỉ lệ này là 50/50, điều này chứng tỏ cơ cấu lao động qua đào tạo ngày càng mất cân đối nghiêm trọng" - ông Sáng phân tích.
Thí sinh phỏng vấn vào học tại một trường trung cấp
Sự mất cân đối trong đào tạo còn thể hiện ở chỗ chỉ tiêu đào tạo kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư chiếm tỉ trọng thấp, còn các ngành xã hội, luật, kinh tế, ngoại ngữ lại quá cao dẫn đến việc thiếu nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề, trước hết là trong các ngành trọng điểm (cơ khí, điện tử - kỹ thuật điện, hóa chất...) và ở các khu công nghiệp lớn, các khu kinh tế mới.
GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng vấn đề phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh thời gian qua thực hiện không tốt nên người học cứ ào ào vào ĐH. Theo GS Nhĩ, tư tưởng "phi ĐH bất thành phu, phụ" vẫn còn nặng mà ít ai nghĩ tới "nhất nghệ tinh nhất thân vinh".
Một số ý kiến khác cho rằng cần chỉnh cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tăng q uy mô tuyển sinh cho dạy nghề, TCCN, giảm chỉ tiêu ĐH, CĐ để cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2020 là: 1 ĐH/4 trung cấp/60 công nhân kỹ thuật lành nghề/20 công nhân bán lành nghề và 15 lao động phổ thông. Ngoài ra, GS Nhĩ cho rằng việc mà ngành giáo dục phải làm là hướng nghiệp để khoảng 50% học sinh sau THCS tiếp tục học lên THPT để vào ĐH, CĐ; 30%-40% đi học nghề.
Mở lối vào trung cấp
Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 25-12-2012 quy định người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng để khuyến khích người học h ọc trung cấp, học nghề thì đừng gây khó khăn cho họ khi muốn học cao hơn. Tâm lý của người học là ít ai chấp nhận chỉ dừng lại học trung cấp mà phải liên thông lên những bậc học cao hơn. Vì vậy, cần phải cho phép người học được liên thông ngay lên bậc học cao hơn khi họ có nhu cầu và khả năng học liên thông.
TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, cho rằng Thông tư 55 không còn phù hợp khi các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh. "Tốt nhất, bộ cần để các trường được chủ động và chịu trách nhiệm trong tuyển sinh liên thông. Bộ chỉ nên giám sát và kiểm tra tiêu chí của các trường. Trong những trường hợp cụ thể, bộ có thể dùng chỉ tiêu để bảo đảm chất lượng" - TS Quang nêu ý kiến.
Theo VNE
Sửa đổi quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2012/TT-BGDĐT quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục. Những dự kiến sửa đổi, bổ sung liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; quyết định công nhận, cấp giấy chứng nhận...