Tốt nghiệp sớm một năm, nữ sinh trường Mỏ trở thành thủ khoa
Hoàn thành chương trình học trong bốn năm, Nguyễn Linh Chi ra trường cùng anh chị khóa trước với số điểm 3.8/4.0.
Nguyễn Linh Chi tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Kỹ thuật môi trường của Đại học Mỏ – Địa chất. Xác định sẽ học thạc sĩ ở nước ngoài, Chi quyết định học tăng môn bắt đầu từ năm thứ hai để không phải du học khi “quá già”.
Thay vì học 6-7 môn mỗi kỳ như các bạn cùng khóa, em đăng ký học 10 môn mỗi kỳ suốt ba năm qua và ra trường sớm một năm đúng như kế hoạch. Bất ngờ hơn, cô gái sinh năm 1995 trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường.
Nguyễn Linh Chi là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Mỏ – Địa chất năm 2017. Ảnh: NVCC
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hơn 40 năm theo ngành Mỏ – Địa Chất, Chi lựa chọn trường Mỏ, ngôi trường tưởng chừng chỉ hợp với nam sinh, để gắn bó. Em đăng ký ngành kỹ thuật môi trường vì cho rằng nó mới, nhiều cơ hội nghề nghiệp.
“Quá trình học, em được tìm hiểu cách thiết kế hệ thống xử lý nước, biến đổi các chất trong nước, khí và đất. Việc học không chỉ diễn ra trên lớp mà còn trong phòng thí nghiệm và các nhà máy. Với con gái, những công việc này có phần hơi nặng nhưng làm mãi thành quen và đã yêu rồi sẽ thấy dễ”, Chi nói.
Để tốt nghiệp sớm một năm với số điểm 3.8/4.0, Chi phải tự học rất nhiều. Em có thói quen ghi âm lại tất cả bài giảng của thầy cô trên lớp. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, em dành 1-2 tiếng nghe lại. Vào những buổi không có tiết học, Chi thường lên thư viện đọc sách chuyên ngành để mở rộng kiến thức. Em sử dụng cách học bằng sơ đồ tư duy (Mind Map) để ghi nhớ lâu hơn.
Nhờ đó, dù mỗi kỳ phải thi đến 10 môn, Chi không bị quá tải và vẫn có thời gian tham gia nghiên cứu khoa học. Em đã hoàn thành hai đề tài cấp trường về thiết kế hệ thống sinh học làm bằng mùn cưa để khử kẽm và đồng trong nước thải mỏ và dùng ảnh viễn thám, số liệu đo mưa vệ tinh nhằm nghiên cứu mức độ trượt lở ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).
Ngoài học tập, Chi còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện và tỏ ra là sinh viên tài năng khi lọt vào Top 5 Miss trường và giải nhì hát đơn ca trong hội thi văn nghệ sinh viên.
Video đang HOT
Bố mẹ có ảnh hưởng lớn đến mọi quyết định của Chi trên con đường học tập. Ảnh: NVCC
Chi từng học tiếng Hàn và nhận được học bổng học tiếng một năm ở Seoul. Tuy nhiên, em quyết định bỏ qua học bổng này để tập trung cho việc học ở trường. Năm cuối đại học, Chi làm thêm trợ giảng ở trung tâm tiếng Anh và bắt đầu học tiếng Nhật với hy vọng được du học tại đất nước này.
Hè năm ngoái, Chi có cơ hội sang Nhật Bản tham gia chương trình Summer Tripdo Chính phủ Nhật tổ chức. Nhờ sự giúp đỡ của chị gái, em được gặp gỡ một giáo sư của Đại học Kumamoto. Giữ liên lạc và trao đổi với thầy suốt một năm qua, Chi được thầy nhận hướng dẫn đề tài thạc sĩ. Em sẽ nhập học chuyên ngành Nước ngầm của trường vào tháng 4/2018.
Song song với việc liên hệ giáo sư, Chi đã nộp đơn xin học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Trường hợp không được cấp học bổng, cô gái Hà Nội vẫn sang Nhật học theo đúng kế hoạch. Em dự định làm thêm 4 tiếng mỗi ngày theo quy định để có thêm tiền đóng học phí.
Nhìn vào kết quả học tập của Chi ở bậc đại học, không ai nghĩ cô gái này từng có một năm “chơi bời hết nấc”. “Sau một lần làm hộ bài kiểm tra cho bạn năm lớp 8, em bị đình chỉ học mấy ngày. Chán nản, em bắt đầu bỏ bê việc học, giao du với mấy anh chị ngoài trường”, Chi nhớ lại và cho biết nhờ sự khuyên bảo của bố mẹ, lớp 9 em đã quay lại học hành tử tế và quyết tâm thi đỗ đại học để trở thành giáo viên như ước mơ từ nhỏ.
Hiện tại, trong thời gian chờ nhập học ở Nhật, Chi không tìm kiếm một công việc lâu dài mà chỉ dạy thêm ở trung tâm tiếng Anh cho thiếu nhi và dành thời gian để học tiếng Nhật, đọc sách chuyên ngành bằng tiếng Anh, học các phần mềm ứng dụng phục vụ cho ngành học.
“Sau khi trở về từ Nhật Bản, em sẽ ứng tuyển vị trí giảng viên của Đại học Mỏ -Địa chất. Em đẩy nhanh việc học đại học và liên hệ giáo sư ở Nhật cho việc học thạc sĩ cùng nhằm thực hiện ước mơ này”, Chi nói.
Cô Hoàng Thu Trang, giảng viên Đại học Mỏ – Địa chất, đánh giá Chi là một phó bí thư liên chi đoàn tích cực. “Chi biết cách sắp xếp thời gian, luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể và cố gắng tìm tòi để đạt được mục tiêu đó. Cách làm này giúp em vừa hoàn thành tốt cả việc học và rèn luyện ở trường”, cô Trang chia sẻ.
Theo VNE
Chàng thủ khoa kép năm 2017 mong muốn về quê trồng rừng
Quỳnh mong muốn sẽ được về công tác tại tỉnh Lai Châu để được cống hiến sức mình xây dựng quê hương cũng như có điều kiện gần gũi gia đình.
Nguyễn Đức Quỳnh - sinh viên Đại học Lâm nghiệp là một trong số 84 Thủ khoa được Thành phố Hà Nội tuyên dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 8/10 vừa qua.
Chàng sinh viên lớp K58E khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp) không chỉ là thủ khoa có bảng thành tích cao trong học tập, mà còn là thủ khoa kép đã từng được vinh danh khi đỗ điểm cao nhất vào trường.
Năm 2013, Nguyễn Đức Quỳnh vượt chặng đường hơn 500km từ bản Tân Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu và trở thành thủ khoa của trường trong mùa tuyển sinh năm đó.
Chia sẻ với tôi, tân cử nhân tâm sự: "Đạt được thủ khoa kép với em là một sự tình cờ vì ngay từ đầu em cũng không đặt mục tiêu học trở thành thủ khoa khi ra trường mà chỉ tự nhủ cố gắng phấn đấu hết sức để học tập và theo đuổi đam mê, em rất vui khi lại một lần nữa trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường".
Nguyễn Đức Quỳnh - sinh viên Đại học Lâm nghiệp là một trong số 84 Thủ khoa được Thành phố Hà Nội tuyên dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 8/10 vừa qua. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Quỳnh là con út trong gia đình có bốn anh em. Bố mẹ em vốn là người gốc Thái Bình lên Lai Châu lập nghiệp từ những năm 1975.
Hiện nay bố mẹ Quỳnh đều đã gần 60 tuổi, sức khỏe kém, lại đều làm nghề nông nên cuộc sống gia đình đều trông vào đồng ruộng.
Được biết, các anh chị của Quỳnh khi đi học đều phải kết hợp vừa đi làm vừa đi học để có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống bớt đi nỗi nhọc nhằn cho cha mẹ.
Nhờ những ảnh hưởng đó từ gia đình, chàng trai trẻ luôn tự hứa với bản thân phải nỗ lực không ngừng để vươn lên thoát nghèo.
Nhớ lại những ngày đầu khi trở thành sinh viên, Quỳnh kể: "...nhờ khoản tiền thưởng thủ khoa 10 triệu đồng của Nhà trường mà bước vào năm học đầu tiên, em vững tin hơn để phấn đấu học tập thật tốt...".
Rồi để có tiền cho con ăn học, ngoài việc đồng án, bố mẹ Quỳnh phải trồng rau, làm vườn tới tối muộn mới về và dậy từ 4-5 giờ sáng để gánh rau ra chợ huyện bán.
Quỳnh mong muốn sẽ được về công tác tại tỉnh Lai Châu để được cống hiến sức mình xây dựng quê hương cũng như có điều kiện gần gũi gia đình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nói về phương pháp học tập của bản thân, Quỳnh cho rằng: Mỗi sinh viên cần lên lớp đầy đủ để lắng nghe bài giảng kết hợp với tìm hiểu thêm tài liệu trên thư viện hoặc mạng Internet.
Và cần phân bổ thời gian hợp lý giữa chơi, học và hoạt động tình nguyện để có thời gian cũng như tinh thần học tập tốt nhất.
"Tập trung cao độ trước mỗi kì thi để hệ thống lại và nắm vững được kiến thức của môn học và quan trọng nhất là học tất cả các môn học bằng một sự say mê, yêu thích thật sự sẽ giúp việc học đạt được hiệu quả cao nhất", Quỳnh chia sẻ.
Ngoài học tập, Quỳnh đã tham gia vào nhiều hoạt động tình nguyện bởi chàng trai này, muốn được rèn luyện bản thân trong một môi trường năng động, nâng cao hơn các kĩ năng sống và làm việc cũng như muốn có được một thời gian sinh viên ý nghĩa.
Và chính hoạt động tình nguyện đã giúp Quỳnh rất nhiều cho sự phát triển toàn diện của sinh viên các hoạt động đoàn, hội và tình nguyện giúp sinh viên trở nên năng động hơn, hòa nhập hơn tăng cường các kĩ năng sống cần thiết...
Kỉ niệm đáng nhớ nhất mà chàng thủ khoa kép nhớ nhất là những ngày tháng thực tập gian khổ của bọn em tại Vườn quốc gia Cát Bà khi cùng các bạn thực tập tại nơi thiếu thốn, công việc vất vả hàng ngày chỉ được ăn một bữa cơm tối lại phải đi bộ hàng chục cây số trong rừng để điều tra nghiên cứu ở đây.
Tuy vất vả nhưng tình cảm bạn bè cùng nhau vượt khó, gắn bó trở nên thân thiết trong những lúc khó khăn là điều vô cùng đáng nhớ mà đến giờ ai nấy cũng xúc động mỗi khi nhắc đến tên nhau.
Nói về những dự định của mình trong tương lai, Quỳnh mong muốn sẽ được về công tác tại tỉnh Lai Châu để được cống hiến sức mình xây dựng quê hương cũng như có điều kiện gần gũi gia đình.
Dù chưa biết tại địa phương có những chính sách tạo điều kiện cho các thủ khoa hay không nhưng Nguyễn Đức Quỳnh vẫn tin rằng việc chọn lựa về quê để lập thân, lập nghiệp sẽ có ý nghĩa.
Theo GDVN
"Tôi từng thấy, cử nhân gần 30 tuổi nhưng bố mẹ vẫn dắt đi xin việc" Ở nước ngoài, thủ khoa tốt nghiệp một trường đại học sẽ được chào đón và rước về ngay từ khi biết sinh viên đó có khả năng trở thành thủ khoa. Còn ở ta thì... Em Bùi Thị Hà, quê ở Hà Giang, tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Hà được Thành phố Hà...