Top 2 lợi nhuận, Agribank có là điển hình cho vay hộ kinh doanh thành công?
Báo cáo tài chính năm 2019 của Agribank cho thấy lợi nhuận trước thuế đạt 14.116 tỷ đồng, xếp thứ 2 trong khối ngân hàng về lợi nhuận, đứng sau Vietcombank đạt 23.122 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
Ảnh minh họa.
Cho vay hộ kinh doanh đóng góp lớn cho lợi nhuận
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2019.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ngân hàng tăng vọt 92% so với năm 2018, đạt 14.116 tỷ đồng. Lãi ròng cũng tăng 95% lên mức 11.247 tỷ đồng.
Trong năm 2019, Agribank đã “bơm” thêm ra nền kinh tế 117.329 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 11,6% so với năm 2018, đưa tổng dư nợ cho vay lên mức 1,12 triệu tỷ đồng. Đây là mức dư nợ cho vay lớn nhất đối với nền kinh tế so với các ngân hàng thương mại khác trong toàn khối tính đến cuối năm 2019.
Agribank đứng đầu về dư nợ cho vay khách hàng năm 2019. Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2019 các ngân hàng.
Theo Agribank, cho vay nông nghiệp, nông thôn của ngân hàng chiếm tỷ trọng 50% dư nợ cho vay nông nghiệp trong toàn ngành. Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 70% tổng dư nợ của ngân hàng này, trong đó, tỷ trọng cho vay lĩnh vực Nông, Lâm và Thuỷ sản chiếm gần 27%, tương ứng 302.158 tỷ đồng.
Cơ cấu cho vay của Agribank cũng chủ yếu ở các lĩnh vực nhỏ lẻ, như: cho vay Bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe có động cơ chiếm 28%, (314.582 tỷ đồng); Cho vay Hoạt động làm thuê công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 14,7%, (165.147 tỷ đồng); Cho vay xây dựng chiếm 6%, (67.314 tỷ đồng); Cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 1,13% (12.636 tỷ đồng)…
Video đang HOT
Phân tích dư nợ cho vay theo loại hình doanh nghiệp, tỷ trọng cho vay hộ kinh doanh cá thể chiếm đến 69,7% trong tổng dư nợ (782.110 tỷ đồng). Tiếp đến là cho vay các tổ chức kinh tế chiếm 30%, trong đó chủ yếu là cho vay công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 29,59% (336.826 tỷ đồng).
Với tỷ trọng dư nợ cho vay chủ yếu là nông nghiệp cũng như cho vay các hộ kinh doanh cá thể cao đã góp phần đem về cho Agribank lãi thuần từ hoạt động cho vay 42.660 tỷ đồng, chiếm 71,9% tổng thu nhập hoạt động.
Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2019 của Agribank.
Các hoạt động thu nhập ngoài lãi năm qua cũng tăng khá tốt khi lãi thuần từ kinh doanh vàng, ngoại hối tăng 46%, đạt 1.030 tỷ đồng, chiếm 1,73% tổng nguồn thu. Lãi từ hoạt động khác tăng 37%, đạt 11.006 tỷ đồng, chiếm 18,5%. Lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 22%, đạt 4.591 tỷ đồng, chiếm 7,74%…
Về chất lượng nợ vay, dù tỷ trọng cho vay hộ kinh doanh lớn nhưng tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2019 ở mức 1,57%, giảm so với tỷ lệ 1,6% hồi cuối năm 2018. Ngoài ra, tài sản đảm bảo là các bất động sản nhận thế chấp cho các khoản vay của khách hàng hơn 1,62 triệu tỷ đồng.
Xoá xong lỗ luỹ kế, các khoản phải thu vẫn lớn
Trước thềm cổ phần hoá, Agribank đã nhanh chóng xử lý các khoản lỗ luỹ kế xuất hiện trên bảng cân đối kế toán từ năm 2010 – 2017. Theo đó, đến cuối năm 2018, về cơ bản Agribank đã xoá hết lỗ luỹ kế, thặng dư lợi nhuận chưa phân phối lên tới 6.129 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất 2019, nguồn thặng dư năm 2018 có được sau khi Agribank ngừng hợp nhất Công ty Cho thuê Tài chính II Agribank (ALC II) đem lại cho ngân hàng 7.243 tỷ đồng cộng với lợi nhuận sau thuế 5.675 tỷ đồng sau khi trừ đi các khoản trích quỹ khen thưởng, phúc lợi và quỹ thưởng Ban điều hành 3.145 tỷ đồng, trích quỹ trong năm 3.564 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2019, với mức lãi ròng hơn 11.200 tỷ đồng, sau khi trích các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối gấp 2,7 lần năm 2018 lên mức 17.091 tỷ đồng.
Trong 2 năm gần đây, vốn chủ sở hữu của Agribank tăng nhanh sau khi xoá xong lỗ luỹ kế, mức tăng 20% trong năm 2018 lên mức 58.180 tỷ đồng và tăng 19% năm 2019 lên mức 69.241 tỷ đồng.
Dù vậy, vốn chủ sở hữu cũng như vốn điều lệ của Agribank đang thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng lớn nhất. Tính đến cuối năm 2019, vốn điều lệ của Agribank cũng chỉ ở mức 30.591 tỷ đồng, dù trong suốt 17 năm qua ngân hàng này bổ sung vốn gần 2.000 tỷ đồng tiền lãi hằng năm từ Trái phiếu Chính phủ đặc biệt trị giá 3.590 tỷ đồng mà ngân hàng đang nắm giữ.
Đặc biệt, tính đến cuối năm 2019, Agribank có khoản phải thu nội bộ về các khoản tham ô, xâm tiêu của cán bộ, nhân viên tăng lên 518 tỷ đồng; khoản phải thu từ việc đầu tư dự án khách sạn của CTCP Đầu tư và Quản lý khách sạn Swivico là 155 tỷ đồng; khoản phải thu từ Công ty Cho thuê Tài chính I Agribank (ALC I) là 297 tỷ đồng (trong khoản nợ lãi phải trả cho Agribank là 427 tỷ đồng). Các khoản phải thu này Agribank đã trích lập dự phòng đầy đủ.
“Dọn dẹp” cho tiến trình cổ phần hoá, năm 2019, Agribank cũng đã thu hồi và xử lý nợ xấu gần 110.000 tỷ đồng và mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC.
Dù định hướng trở thành Tập đoàn Tài chính đa năng của Agribank sau cổ phần hoá, sự đóng góp về cho vay tam nông, hộ kinh doanh cá thể đã giúp ngân hàng trở nên lớn mạnh hàng đầu Việt Nam với quy mô cán bộ, nhân viên ngày càng tăng, lên tới 38.418 người, mức thu nhập bình quân đầu người khá cao trong khối ngân hàng với 26,17 triệu đồng/người/tháng, tính đến cuối năm 2019.
Lợi nhuận Agribank năm 2019 nhiều khả năng vượt xa BIDV và VietinBank
Các chỉ tiêu về tổng tài sản, huy động vốn, dư nợ tín dụng của Agribank và BIDV được công bố cho năm 2019 khá trùng hợp giống nhau.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019.
Theo ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank, tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn huy động đạt trên 1,34 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng.
Năm 2019, Agribank thu dịch vụ đạt gần 6.700 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu 1,4%. Thu nợ sau xử lý đạt trên 12.000 tỷ đồng, hoàn thành việc mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC.
Mặc dù không công bố con số lợi nhuận cả năm 2019, nhưng trước đó, Agribank đã thông tin lợi nhuận 11 tháng đầu năm đạt 11.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra là 10.000 tỷ đồng.
So sánh với một "ông lớn" khác trong ngành ngân hàng là ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng này kết thúc năm 2019 với các chỉ tiêu kinh doanh khả quan về tổng tài sản, huy động vốn, dư nợ cho vay khá trùng hợp với con số của Agribank.
Cụ thể, đến 31/12/2019, tổng tài sản BIDV đạt 1,45 triệu tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,35 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ở mức 10.800 tỷ đồng.
Nguồn: Agribank, BIDV.
Một điểm đáng chú ý nữa, nếu Agribank công bố con số lợi nhuận cụ thể năm 2019 trên mức 11.700 tỷ đồng, chắc chắn Agribank sẽ lại "vượt mặt" cả VietinBank khi ngân hàng này đã công bố lợi nhuận trước thuế ở mức 11.500 tỷ đồng.
Tuy Agribank công bố các chỉ tiêu kinh doanh đạt được rất tốt, nhưng ngân hàng vẫn chưa hoàn thành 100% chỉ tiêu theo kế hoạch đặt ra cho năm 2019.
Theo thông tin công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019 của Agribank, trong năm 2019 ngân hàng dự kiến tăng trưởng tổng tài sản có từ 10 - 13% so với năm 2018, tương ứng với mức 1,41 - 1,44 triệu tỷ đồng. Thực tế đạt 1,45 triệu tỷ đồng.
Nguồn vốn huy động thị trường 1 tăng từ 13 - 15%, tương ứng ở mức 1,36 - 1,38 triệu tỷ đồng. Thực tế đạt 1,34 triệu tỷ đồng.
Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng từ 11 - 14%, tương ứng ở mức 1,33 - 1,36 triệu tỷ đồng. Thực tế đạt 1,3 triệu tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 10.000 tỷ đồng. Thực tế tạm tính đến tháng 11/2019 đạt 11.700 tỷ đồng (tăng 55% so với năm 2018). Và theo tím hiểu của BizLIVE nhiều khả năng con số lợi nhuận 2019 cuối cùng của Agribank ở quanh mức 14.000 tỷ đồng, qua đó vượt xa cả BIDV lẫn VietinBank.
Như vậy, chỉ có 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch, đó là tổng tài sản và lợi nhuận trước thuế tạm tính đến tháng 11/2019, nhưng Agribank đã tạo điểm nhấn cho thị trường khi lợi nhuận tăng nhanh chóng trong 2 năm gần đây - thời điểm trước cổ phần hoá.
LAN ANH
Theo Bizlive.vn
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hôm nay 3/6? Lãi suất ngân hàng hôm nay 3/6 cao nhất cho kỳ hạn 09 tháng, gửi tại quầy là 7,45% tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). Với kỳ hạn tương tự, lãi suất gửi online cao nhất là 8,05% tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank). Theo cập nhật sáng 3/6, lãi suất ngân hàng hôm nay cho khách hàng cá...