Top 10 công dân thủ đô ưu tú: Người thầy truyền lửa đam mê Toán học
Bằng nghị lực, tâm huyết, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã vượt qua khiếm khuyết của bản thân để gieo đam mê Toán học tới các thế hệ học trò.
Vượt lên chính mình
Thầy Nguyễn Đức Trường giáo viên môn Toán, Tổ trưởng tổ Khoa học Tự nhiên, trường THCS Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội kể, anh vốn bị dị tật từ chất độc da cam người cha đi bộ đội. Ngày nhỏ, con đường từ nhà đến trường chỉ độ 1km nhưng anh phải cuốc bộ cả tiếng đồng hồ. Sức khỏe yếu, đôi chân dị tật với dáng đi xô lệch, anh không thể tham gia các hoạt động tập thể lớp.
Những bất lợi hình thể là động lực để anh phải phấn dấu, nỗ lực từng ngày. Ngày ngày vượt qua những bước chân nặng nhọc nhưng với thầy giáo Trường, niềm vui được đứng trên bục giảng, truyền con chữ tới lớp lớp thế hệ học trò, đó không chỉ dừng ở trách nhiệm còn là niềm khao khát trong sự nghiệp trồng người.
Đối với thầy giáo Trường, môn Toán là niềm đam mê từ nhỏ. Trước đây, bố anh cũng là giáo viên dạy Toán. Ông chính là người truyền lửa đam mê Toán học tới cậu bé luôn thích được khen là thông minh. Trong liên tưởng của anh Trường lúc nhỏ, môn Toán có vẻ đẹp mà ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống. Sau tốt nghiệp cấp 3, cùng lúc đỗ 2 trường ĐH Nông nghiệp và ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Trường được gia đình định hướng vào học ngành sư phạm.
Câu nói của bố lúc đó tạo động lực cho chàng trai 7X rằng “Vào sư phạm sức khỏe có thể phù hợp, chân yếu nhưng sẽ bù lại bằng kiến thức truyền tải tới học trò”. 4 năm ĐH, anh Trường tốt nghiệp sinh viên loại giỏi, là trưởng nhóm thực tập môn Toán. Ra trường tháng 9-1993, thầy Trường được Phòng Giáo dục huyện Gia Lâm phân công giảng dạy ở trường THCS Đa Tốn. 27 năm đứng trên bục giảng, những kiến thức môn Toán truyền thụ tới học trò đã in dấu từng bước chân của ý chí, nỗ lực.
Khi được hỏi, trong suốt hành trình đứng trên bục giảng, có câu chuyện về tình thầy – trò đáng nhớ nhất, thầy Trường chia sẻ: Có phụ huynh nói tôi rằng,họ cho con học thầy, không chỉ học kiến thức còn học tấm gương vì nghị lực vượt lên hoàn cảnh. Câu nói ấy như truyền thêm lửa tình yêu với nghề.
Tôi nhớ có lần đi dạy học, qua khu chợ quê nhìn thấy cậu bé ngồi bán rau muống. Điều lạ là mỗi lần tôi đi qua, cậu bé lại úp mũ xuống. Sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn và ước mơ được đến trường, tôi đã viết đơn xin học và đề nghị nhà trường miễn học phí cho cháu. Bây giờ, cậu học trò đã đi lao động xuất khẩu Hàn Quốc, có cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Chân dung thầy giáo Nguyễn Đức Trường tại lễ vinh danh “10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2020″.
Thành tích đáng ngưỡng mộ
Thông thường môn Toán với nhiều học sinh là môn học khô khan, khó nhằn. Thay vì truyền tải kiến thức bằng các phép tính số học trên bảng đen, “bí kíp” của thầy Trường là gợi mở tư duy học toán bằng các câu đố vui, kể chuyện doanh nhân, những tấm gương tiêu biểu tạo cảm hứng học tập tới các em học sinh.
Video đang HOT
Ngoài các bài giảng sáng tạo, truyền cảm hứng học tập trên lớp tới học sinh, thầy Trường tham gia trực tiếp hướng dẫn cho nhiều học sinh đạt giải Toán các cấp. Trong đó, tại giải Toán cấp quốc gia có 1 em đạt Huy chương Đồng; 1 em đạt giải Khuyến khích; Tại giải cấp TP có 130 em đạt giải (2 em đạt giải Nhất; 29 em đạt giải Nhì; 40 em đạt giải Ba; 59 em đạt giải Khuyến khích). Cuộc thi Toán học Hà Nội mở rộng có 17 em đạt giải.
Đồng hành, giúp đỡ giáo viên Toán trong huyện Gia Lâm thi đạt giải Giáo viên giỏi cấp TP. Kể từ sau 4 năm thầy Trường về giảng dạy tại trường THCS Đa Tốn, từ ngôi trường có số lượng học sinh thi giỏi môn Toán cấp huyện rất ít thì đến nay trường trở thành “điểm sáng” toàn huyện với số lượng đông học sinh thi giỏi Toán cấp TP. Thời điểm này, thầy Trường đang bồi dưỡng 38 học sinh giỏi Toán để chọn 20 học sinh giỏi thi cấp TP vào tháng 11 này.
Bên cạnh công việc chuyên môn, thầy Trường còn tích cực với tham gia công việc nghiên cứu, biên soạn sách tham khảo môn toán THCS. Cụ thể, thầy Trường viết nhiều bài, đăng báo chuyên ngành: Toán học và Tuổi trẻ, toán tuổi thơ. Cùng với đồng nghiệp, tham gia biên soạn sách tham khảo môn Toán THCS cho NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia TP HCM.
Tính đến nay, thầy Trường tham gia viết sách, cộng tác với 31 đầu sách. Trong năm học 2016-2017, xuất bản cuốn: Bài tập Tài liệu môn Toán lớp 7, lớp 8 tập 1 (NXB Giáo dục Việt Nam, phát hành tháng 10 – 2016). Ôn luyện cuối tuần môn Toán, lớp 8 (NXB Giáo dục Việt Nam, phát hành tháng 11 – 2016), Phát triển tư duy sáng tạo giải Toán hình học, đại số lớp 8 (NXB Đại học Quốc gia TP HCM phát hành tháng 2 – 2017).
Cuối tháng 6 – 2018 xuất bản tiếp 2 cuốn sách Phát triển tư duy sáng tạo giải Toán hình học, đại số lớp 7. Tháng 7 – 2019 xuất bản cuốn “Thực hành kiểm tra, đánh giá năng lực “Toán 8. Tháng 11 – 2019 xuất bản tiếp 2 cuốn sách Phát triển tư duy sáng tạo giải Toán lớp 6 tập 1, tập 2.
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của huyện Gia Lâm nói riêng và của Hà Nội nói chung, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã nhiều lần được vinh danh và được tặng thưởng những danh hiệu thi đua. Từ năm 2009 đến 2017 liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt cấp” TP, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ GD&ĐT,…
Điều ít biết về cuộc sống hôn nhân, thầy Trường từng nên duyên với người vợ cùng nghề giáo viên. Cảm động trước nghị lực của thầy giáo Trường, cô đã để ngoài tai những định kiến xã hội, vun vén hạnh phúc gia đình. Đến nay, vợ chồng thầy giáo Trường có 2 người con trai SN 2005 và 2008.
Từng chịu nhiều bất hạnh số phận nên thầy Trường luôn dành nhiều thời gian chăm sóc, giáo dục con cái tốt nhất để con luôn tự hào về người cha. Đáp lại, cậu con trai lớn năm vừa qua thi đỗ lớp 10 chuyên Toán, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội). Cậu con trai thứ 2 đạt học sinh giỏi toàn diện.
GS Phan Thành Nam: Nhiều đề thi khiến tôi có cảm giác toán học vừa tẻ nhạt vừa vô dụng
Theo Giáo sư Phan Thành Nam - giáo sư Việt đầu tiên nhận giải Toán học Châu Âu - toán học rất thú vị nhưng cách dạy học và thi cử môn toán khiến một số bạn trẻ chưa mặn mà với môn học này. Ngay cả bản thân anh còn cảm giác toán học vừa tẻ nhạt vừa vô dụng khi nhìn vào những đề thi.
Giáo sư Phan Thành Nam. Ảnh: EMS Prizes.
Giáo sư (GS) Phan Thành Nam là một trong 10 nhà toán học nhận được giải thưởng EMS từ Hội Toán học Châu Âu năm nay, cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.
Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS Nam xung quanh giải thưởng EMS và câu chuyện đến với đam mê toán học của anh.
Đầu tiên, chúc mừng giáo sư nhận giải thưởng EMS 2020. Xin hỏi cảm nghĩ đầu tiên của anh sau khi biết mình nhận được giải thưởng toán học danh giá là gì?
- Tôi cảm thấy bất ngờ và rất xúc động vì sự ủng hộ từ các đồng nghiệp.
Để đạt được giải thưởng này, chắc hẳn anh đã yêu thích và tìm hiểu môn toán từ rất lâu. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Tôi thích toán từ nhỏ, đặt biệt từ những năm học cấp ba ở trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên). Những năm tôi theo học, các thầy giáo ở trường không dạy theo khuôn mẫu mà luôn động viên chúng tôi đọc thêm nhiều sách, nghĩ thêm các lời giải mới. Điều này rất quan trọng để rèn luyện tư duy suy luận và phản biện.
Sau này vào Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM, tôi may mắn được tiếp xúc với nghiên cứu khoa học từ rất sớm nhờ Giáo sư Dương Minh Đức và Giáo sư Đặng Đức Trọng. Các thầy đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ, đến nay đã có hàng chục cựu sinh viên đang là giáo sư toán học tại các đại học lớn trong và ngoài nước.
Trong câu chuyện của anh luôn đề cập đến những người thầy đã dạy anh trưởng thành, truyền cảm hứng và động lực cho anh nghiên cứu sâu về môn toán. Vậy kỷ niệm nào mà anh nhớ nhất?
- Tôi luôn nhớ bài báo nghiên cứu đầu tiên với Giáo sư Đặng Đức Trọng, Giáo sư Alain Phạm Ngọc Định (sau này là thầy hướng dẫn thạc sĩ của tôi ở Pháp) và anh Trương Trung Tuyến (hiện là Giáo sư Đại học Oslo, Na Uy).
Bài báo này độc đáo ở chỗ giải quyết vấn đề chỉnh hoá cho một hệ đàn hồi trong không gian thực nhưng lại sử dụng các công cụ trong giải tích phức. Đây là một kỷ niệm rất thú vị ở năm cuối đại học của tôi.
Với những thành công đã đạt được, anh có những dự định gì tiếp theo?
- Trong khoảng 10 năm qua, tôi theo đuổi một số bài toán quan trọng trong cơ học lượng tử, tới giờ mới đạt được một số kết quả bước đầu (partial results). Tôi sẽ cố gắng hoàn tất chúng trong thời gian tới.
Hiện, công việc chính của tôi ở Đại học LMU Munich là nghiên cứu và giảng dạy. Ở đây, mỗi giáo sư dạy khoảng 5 tới 9 tiếng một tuần, và dành thời gian còn lại để làm việc với sinh viên và đồng nghiệp.
Trong thời gian qua, tôi vẫn luôn giữ liên lạc với cộng đồng toán học trong nước. Tôi mong sẽ có thêm nhiều sự cộng tác trong tương lai. Ngoài ra, tôi hy vọng sẽ góp phần kết nối các bạn trẻ với khoa học thế giới.
Một số bạn trẻ hiện nay thường học toán chỉ để vượt qua những kỳ thi chứ không phải thực sự đem tình yêu vào toán. Anh có những chia sẻ về vấn đề này?
- Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở các bạn trẻ, mà nằm ở cách dạy học và cách thi cử của chúng ta.
Trong trường hợp lý tưởng, chúng ta cần xác định dạy cái gì để vừa hấp dẫn vừa hữu ích, sau đó thiết kế đề thi dựa trên cách dạy. Nhưng hiện nay, có vẻ chúng ta đang làm ngược lại, dạy và học chạy theo cách thi, mà nhiều đề thi lại khiến tôi có cảm giác toán học vừa tẻ nhạt vừa vô dụng.
Rất cảm ơn những chia sẻ của anh!
Giáo sư Phan Thành Nam là ai?
Giáo sư Phan Thành Nam, sinh năm 1985, quê Phú Yên, là cựu sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM, hiện là giáo sư tại khoa Toán của Ludwig Maximilian University of Munich (Đức).
Trước khi là giáo sư tại Đức, Giáo sư Nam là trợ lý giáo sư tại Đại học Masaryk, Cộng hòa Czech và là thành viên IST tại Viện Khoa học và Công nghệ ở Áo. Anh đã hai lần được mời làm diễn giả tại hội nghị quốc tế về vật lý toán học.
Năm 2018, anh được trao giải thưởng nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý toán học bởi Hội quốc tế về vật lý ứng dụng và lý thuyết (IUPAP) nhờ những nghiên cứu có chất lượng khoa học xuất sắc trong vật lý toán.
Giải thưởng EMS là gì?
EMS được đánh giá danh giá chỉ sau giải thưởng Fields của Hội Toán học thế giới. Giải thưởng do Hội Toán học Châu Âu xét và trao tặng từ năm 1992 với định kỳ bốn năm một lần cho các nhà Toán học dưới 35 tuổi, có quốc tịch Châu Âu, hoặc đang làm việc tại Châu Âu, có đóng góp xuất sắc cho trong lĩnh vực toán học.
Kiến thức toán học của phụ huynh Mỹ chỉ ngang học sinh lớp 6 Theo một nghiên cứu mới đây, kiến thức khoa học và toán học của phụ huynh Mỹ trung bình chỉ đạt ngang mức với một học sinh lớp 6. Cuộc khảo sát trên 2.000 bậc phụ huynh Mỹ đang có con trong độ tuổi đi học cho thấy, 42% trong số họ sẽ phải "bó tay" nếu cố gắng kèm cặp cho con...