Tổng thư ký LHQ: Đàm phán hòa bình về Ukraine chưa thể diễn ra
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres vừa nhận định các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine hiện chưa thể diễn ra vào thời điểm này.
Tòa nhà bị hư hại sau các cuộc xung đột tại Kiev, Ukraine, ngày 31/12/2022. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trong bài phỏng vấn đăng trên nhật báo El Pais của Tây Ban Nha ngày 9/5, Tổng thư ký Guterres cho biết ông chưa nhận thấy có khả năng đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện, hay đàm phán hòa bình vào thời điểm hiện tại, do cả Nga và Ukraine đều tin có thể giành chiến thắng.
Đánh giá về nỗ lực trung gian của Trung Quốc và Brazil trong cuộc xung đột tại Ukraine, ông Guterres cho rằng việc đạt được hòa bình là chưa thể xảy ra, đồng thời bày tỏ hy vọng đàm phán hòa bình có thể diễn ra trong tương lai nhằm hướng đến một nền hòa bình công bằng phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký nêu rõ LHQ đang đối thoại với cả hai bên để giải quyết các vấn đề cụ thể, quan trọng nhất là thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và lương thực và phân bón từ Nga qua Biển Đen. Ông Guterres cũng bày tỏ quan ngại về tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhưng ông cho rằng nguy cơ leo thang hạt nhân là rất thấp.
Armenia và Azerbaijan xúc tiến nối lại đàm phán hòa bình
Theo trang Financial Times, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev sẽ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình vào ngày 14/5 tại Brussels (Bỉ).
Cuộc gặp này diễn ra theo sáng kiến của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Binh sĩ Azerbaijan tuần tra tại trạm kiểm soát ở thị trấn Shusha, sau cuộc xung đột với binh sĩ Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Các nguồn thạo tin cho biết Chủ tịch Michel sẽ chủ trì cuộc gặp giữa Thủ tướng Pashinyan và Tổng thống Aliyev. Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ cuộc gặp tại Munich (Đức) vào tháng 2. Theo một nguồn tin giấu tên, cuộc gặp này là một dấu hiệu tiến triển quan trọng.
Trong khi đó, một quan chức của Ủy ban châu Âu đánh giá đây là một phần trong nỗ lực nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan, là động thái nối lại các cuộc gặp ba bên và là diễn biến mới nhất sau các cuộc đàm phán hòa bình quan trọng và tích cực tại Washington (Mỹ) vào tuần trước.
Ngày 4/5 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan tại Washington đã đạt được "tiến bộ rõ rệt" và có thể tiến tới một thỏa thuận nhằm giải quyết căng thẳng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Azerbaijan ra thông báo xác nhận nước này và Armenia đã đạt được hiểu biết về một số điểm của thoả thuận hòa bình song phương trong tương lai sau các cuộc đàm phán ở Mỹ. Tuy nhiên, hai bên chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài hàng thập niên.
Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh - khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này. Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp đối với các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới và trao đổi tù nhân. Quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi Baku ngày 23/4 vừa qua thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh.
Kiev và Moskva có thể đàm phán vào cuối năm nay? Một số quan chức Mỹ và châu Âu tin rằng chiến dịch phản công của Ukraine có thể "dọn đường" cho các cuộc đàm phán giữa Kiev - Moskva vào cuối năm nay, và Trung Quốc có thể là bên trung gian đưa Nga vào bàn đàm phán. Binh sĩ Ukraine tập luyện bắn súng máy từ xe bọc thép chở quân (APC)...