Tổng thống Trump kích hoạt luật quốc phòng để chống dịch
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/3 đã kích hoạt Luật Sản xuất Quốc phòng để tăng tốc sản xuất các thiết bị cần thiết cho cuộc chiến chống dịch.
Thông báo tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 18/3, Tổng thống Trump nói rằng ông sắp ký Luật Sản xuất Quốc phòng, được đưa ra từ thời Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, cho phép tổng thống yêu cầu ngành công nghiệp Mỹ tăng cường sản xuất các thiết bị và vật tư quan trọng như máy thở, khẩu trang và đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.
“Tôi coi mình như một tổng thống thời chiến. Chúng ta đang chiến đấu trong một cuộc chiến, tình hình rất khó khăn”, ông Trump nói. “Chúng ta sẽ đánh bại kẻ thù vô hình”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.
Động thái được đưa ra giữa lúc số ca nhiễm virus corona tại Mỹ đã lên tới 7.600, và 112 ca tử vong được ghi nhận và hơn 100 người bình phục.
Bệnh nhận Covid-19 xuất hiện ở tất cả các bang ở đất nước cờ hoa.
Covid-19 xuất hiện tại 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 204.000 người nhiễm, hơn 8.200 người tử vong và hơn 82.000 người bình phục.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/3 xác nhận trên Twitter rằng Canada và Mỹ sẽ đóng cửa biên giới với những hoạt động giao thông không thiết yếu.
“Với sự đồng thuận đôi bên, chúng tôi sẽ tạm thời đóng cửa Biên giới phía Bắc với Canada với những hoạt động giao thông không thiết yếu. Thương mại sẽ không bị ảnh hưởng. Chi tiết sẽ được làm rõ sau”, ông Trump viết trên Twitter.
Trước đó, Mỹ đã cấm người đến từ hầu hết châu Âu, Trung Quốc và các nơi khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tính đến 16/3, Canada đã đóng biên giới với hầu hết công dân nước ngoài nhưng không bao gồm công dân Mỹ. Thủ tướng Justin Trudeau lúc bấy giờ giải thích rằng quan hệ song phương thân thiết giữa hai nước khiến Mỹ được đối xử khác với những quốc gia còn lại.
Theo news.zing.vn
Ba nơi kiềm chế được Covid-19, dù 'sát sườn' tâm dịch
Dịch Covid-19 lẽ ra dễ trở thành thảm họa với Singapore, Đài Loan và Hong Kong, vì ngay gần tâm dịch Trung Quốc. Nhưng bất chấp rủi ro, các nơi này đã kiềm chế được số ca nhiễm.
Từ khi dịch Covid-19 lây lan, cuộc sống thường ngày của Amy Ho ở Hong Kong đã bị xáo trộn. Khi về nhà, cô luôn phải tẩy trùng giày dép, rửa tay bằng xà phòng, tháo khẩu trang, thay quần áo.
Cô chỉ ra ngoài khi cần thiết, chỉ đi bộ đi làm và đi mua thức ăn mỗi tuần một lần. Con gái cô mới chỉ rời căn hộ hai lần kể từ cuối tháng 1.
"Cũng khó chịu. Nhưng sức khỏe của chúng tôi là quan trọng nhất", cô nói với tạp chí Time.
Sự đề phòng của cô không phải là điều hiếm tại Hong Kong, một trong những nơi đầu tiên bị virus corona lan đến.
Hong Kong đã trở thành một trong những ví dụ về các nơi ở châu Á dường như đang chủ động trước dịch bệnh, giữa lúc nhiều nước ở châu Âu đang phải ban hành thêm các lệnh phong tỏa và chật vật trước số ca nhiễm vẫn tăng ngoài tầm kiểm soát.
Ngoài ra, Singapore và Đài Loan cũng được coi là ví dụ điển hình, đem lại một số bài học về cách chống dịch Covid-19.
Vẫn còn sớm để bất kỳ nơi nào tuyên bố chiến thắng dịch bệnh. Nhưng bất chấp các rủi ro, Hong Kong, Singapore và Đài Loan đã thành công trong việc kiềm chế số ca nhiễm, dù đều có nhiều tuyến đường nối với Trung Quốc.
"Các chính phủ ở Bắc Mỹ và châu Âu, giờ đang gồng mình chống chọi dịch bệnh, có thể học những bài học từ họ, để đẩy lui làn sóng lây lan đang ngày càng nhanh trên toàn cầu", tạp chí Time bình luận.
Hong Kong đã trở thành một trong những ví dụ về các nơi đang chủ động trước dịch bệnh. Ảnh: Getty Images.
Hành động nhanh chóng
Dịch Covid-19 có thể dễ dàng trở thành thảm họa với Singapore, Đài Loan và Hong Kong. Dịch bùng phát ở Trung Quốc ngay trước Tết Nguyên Đán, khi có lượng lớn người di chuyển, và cả ba nơi này đều có nhiều tuyến đi lại nối với Trung Quốc, bao gồm tuyến nối thẳng tới Vũ Hán.
Nhưng đến nay, dù dịch bệnh vẫn lan truyền với tộc độ chóng mặt, với 132.500 ca nhiễm tính đến 13/3, số ca hồi phục tại Singapore, Đài Loan và Hong Kong đang dần đuổi kịp số ca nhiễm.
Điểm mấu chốt trong thành công của họ là quyết định ứng phó quyết liệt ngay từ đầu.
Đến ngày 1/2, cả ba nơi này đều đã giới hạn đi lại với khách từ đại lục, trái với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói giới hạn đi lại là không cần thiết. Cả ba nơi này đều chịu tổn thất kinh tế nặng nề khi Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất và là nguồn du khách quan trọng.
Từ sau dịch SARS năm 2003, Đài Loan đã có sự chuẩn bị, thiết lập trung tâm chỉ huy để ứng phó với dịch bệnh. Đến ngày 20/1, chính quyền đã điều phối việc ứng phó virus corona bằng danh sách 124 điểm cần phải hành động, bao gồm kiểm soát biên giới, thay đổi chính sách trường học và công sở, truyền thông với công chúng, đánh giá nguồn lực bệnh viện, theo bài viết trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ.
Đài Loan, chỉ cách đại lục 130 km, từng được dự báo sẽ có số ca "nhập khẩu" cao nhất, nhưng giờ chỉ có khoảng 50 ca, ít hơn Slovenia.
"Việc chuẩn bị ứng phó phải bắt đầu từ nhiều năm trước dịch bệnh", Emanuele Capobianco, Giám đốc chăm sóc y tế tại Hiệp Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế, nói . "Nếu số giường bệnh, số bác sĩ bị cắt đi dần dần, sẽ rất khó để bù lại trong thời gian ngắn".
Việc ứng phó của Đài Loan tương phản với Hàn Quốc và Nhật Bản, đều gần với Trung Quốc và có hệ thống y tế tiên tiến. Hai nước Đông Á đều vấp phải chỉ trích về phản ứng ban đầu chậm khiến số ca nhiễm bùng nổ sau đó.
Các tấm màu vàng ngăn cách các học sinh trong lớp học ở Đài Loan, một biện pháp ứng phó dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Xét nghiệm rộng và cách ly chặt chẽ
Khi dịch bệnh vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc vào tháng 1, Singapore dường như không thoát khỏi cơn bùng phát lớn. Singapore là nước thứ 3 phát hiện người nhiễm virus, và đến giữa tháng 2, họ đã có 80 ca bệnh.
Nhưng con số đó thể hiện Singapore đã xét nghiệm rộng và đầy đủ. Để phát hiện các ca bệnh lẽ ra đã "lọt lưới", giới chức y tế nước này quyết định ngay từ đầu sẽ xét nghiệm toàn bộ các ca viêm phổi hoặc có triệu chứng giống cúm, đồng thời điều tra quyết liệt những người tiếp xúc với bệnh nhân.
Quy trình này được thực hiện liên tục 24/7, dựa vào phỏng vấn bệnh nhân, hỗ trợ của cảnh sát, danh sách chuyến bay. Singapore "không để sót hòn đá nào mà không lật lên", Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuyên bố.
Đến ngày 13/3, Singapore có 178 ca bệnh, chưa có ca tử vong.
Chính phủ mua quảng cáo trên trang nhất tờ nhật báo lớn nhất của nước này, kêu gọi bạn đọc nếu có triệu chứng dù là nhẹ hãy tới gặp bác sĩ và không tới trường hay chỗ làm. Không ai cần phải lo về chi phí, vì xét nghiệm là miễn phí, và chính phủ sẽ chi trả viện phí cho cư dân nào ở Singapore nghi nhiễm hoặc đã xác nhận nhiễm Covid-19.
Để cách ly không thành gánh nặng, chính phủ hỗ trợ 100 SGD, tương đương 73 USD, cho mỗi ngày cách ly, trong khi các cơ quan bị cấm trừ thời gian cách ly vào ngày nghỉ của nhân viên.
Nhưng cách tiếp cận của Singapore có thể khó lặp lại hoàn toàn ở nơi khác . Dù vậy, một số ý kiến cho rằng thành công của Singapore không nằm ở kiểm soát, cưỡng ép, mà nằm ở sự minh bạch, xét nghiệm rộng lớn, cách ly nhanh chóng.
"Nhiều người khen ngợi phản ứng theo kiểu kiểm soát và cưỡng ép, nhưng tôi nghĩ những gì chúng ta thấy (ở Singapore) là y tế công cộng tốt kèm theo các công cụ hiện đại", Matt Kavanagh, Giám đốc Sáng kiến Quản trị và Chính sách Y tế Toàn cầu tại Đại học Georgetown, Mỹ, nói .
Người đi làm đeo khẩu trang trên chuyến tàu sáng ở Singapore. Ảnh: Reuters.
Giới hạn tiếp xúc, cấm hội họp đông người
Khi đại lục đang trong cơn khủng hoảng virus corona, thì bên kia ranh giới, Hong Kong nhanh chóng ra lệnh giới hạn tiếp xúc. Trường học đóng cửa. Nhiều cơ quan đóng cửa hoặc yêu cầu nhân viên làm từ xa. Rạp phim, nhà thờ và sân bóng rổ không có người. Các buổi tụ tập đông người bị hủy.
Các biện pháp trên dường như đang có tác dụng. Tỉnh Quảng Đông kề sát ghi nhận 1.356 ca nhiễm, cao nhất bên ngoài tỉnh tâm dịch Hồ Bắc. Nhưng ở Hong Kong, số ca nhiễm chỉ là 131.
Thành phố này vẫn chưa quên mất mát to lớn từ dịch SARS. "Mọi người khá cẩn thận khi đứng trước một dịch bệnh mới", David Hui, Giám đốc một trung tâm về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Trung văn Hong Kong, nói và cho biết sự cẩn trọng còn thể hiện ở số ca nhiễm cúm giảm dần qua các mùa cúm.
Dù người dân không còn tin chính quyền, nhưng lòng tin đối với một trong những hệ thống y tế cộng đồng tốt nhất thế giới vẫn còn đó, ông Hui nói. Không ai muốn bị bệnh, "vì vậy họ đang tuân theo các biện pháp y tế cộng đồng dù họ không thích chính quyền".
Một nhóm người đeo khẩu trang chụp ảnh cưới ở Hong Kong. Ảnh: Reuters.
Truyền thông một cách hiệu quả
Làm sao để công chúng thận trọng, nhưng không lo ngại, khâu truyền thông có vai trò then chốt. Thủ tướng Lý Hiển Long dường như đang làm tốt.
Sau khi chính phủ nâng mức cảnh báo lên "da cam" ngày 7/2, chỉ dưới mức cao nhất, người Singapore ra siêu thị và "vét sạch" các kệ hàng. Để giảm sự hoang mang của người dân, ông Lý phát biểu trước toàn dân, bằng 3 trên 4 ngôn ngữ chính thức của đảo quốc.
"Tôi muốn nói trực tiếp với các bạn, để giải thích với các bạn chúng ta đang ở đâu, có gì phía trước", ông nói.
Ngay lập tức, hàng đợi ở các siêu thị ngắn dần. "Đó là ví dụ đẹp về truyền thông trong cơn khủng hoảng mà tôi từng thấy", Charlie Hooker, giáo sư ở Đại học Sydney nghiên cứu về truyền thông y tế, nói.
Bài phát biểu của ông Lý trái ngược lại với sai sót của các lãnh đạo khác.
"Để được tin tưởng, bạn cần phải mở, trung thực và minh bạch. Bạn cần phải thể hiện khả năng của mình, và cần cho thấy rằng bạn thực sự quan tâm", ông Hooker nói.
Một nhân viên nhà hàng đứng ra mời khách tại khu phố Tàu trống không ở Singapore ngày 21/2. Ảnh: Reuters.
Lo ngại về dịch bệnh ở Mỹ
Cách ứng phó của Đài Loan, Hong Kong và Singapore không thể là công thức cho Mỹ. Diện tích của Đài Loan, Hong Kong hay Singapore chỉ bằng một bang hay thành phố của Mỹ, khiến việc ngăn dịch bệnh từ bên ngoài dễ dàng hơn. Nhưng Mỹ có thể rút ra một số bài học.
Giữa lúc số ca nhiễm đang tăng cao, phản ứng chậm của chính quyền Mỹ đang gây ra nhiều lo ngại.
"Là một chuyên gia về y tế cộng đồng, tôi khá lo ngại cho Mỹ", ông Lim, từ Singapore, nói. "Vấn đề bị chính trị hóa, khiến người dân khó biết tin vào ai, tin vào bên nào".
Sự chậm trễ trong việc mở rộng xét nghiệm khiến các chuyên gia lo ngại không biết quy mô thực sự của dịch bệnh hay điểm nóng nằm ở đâu.
"Mỹ có nguồn lực khổng lồ", Wang, giáo sư Stanford, nhận định. Nhưng nước này "cần ứng phó một cách đồng bộ, như Đài Loan, vì dịch bệnh sẽ ảnh hưởng mọi khía cạnh của xã hội và thực sự ảnh hưởng tới cuộc sống người dân".
David Hui, từ Hong Kong, nói việc quan trọng Mỹ cần làm là giới hạn tiếp xúc để tránh dịch bùng phát quy mô lớn, làm hệ thống y tế quá tải. Trường học cần đóng cửa, sự kiện đông người cần phải hủy - điều mới chỉ bắt đầu diễn ra.
"Rõ ràng những nơi mà người dân lo lắng, thận trọng hơn, như Hong Kong, Singapore, Macau, Đài Loan, chúng ta thấy số ca nhiễm thấp hơn", ông Hui nói. "Con số đã nói lên tất cả".
Virus corona là gì?
Nó là loại virus mới được đặt tên vì các gai giống như vương miện nhô ra khỏi bề mặt của nó.
Virus corona có thể lây nhiễm cho cả động vật và người và có thể gây ra một loạt bệnh về đường hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng nguy hiểm hơn như Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS).
WHO ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Cơ chế tấn công của virus với tế bào người?
Virus corona đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó xâm nhập vào tế bào, giải phóng ARN và được bộ máy nội tế bào nhân bản cho đến khi tế bào dừng hoạt động.
Nên lo lắng thế nào?
Các đợt bùng phát mới ở châu Á, châu Âu và Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nỗi lo về đại dịch toàn cầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo rằng người Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng virus sẽ lây lan sang nước này.
Làm thế nào để giữ cho bản thân và những người khác an toàn?
Rửa tay thường xuyên là điều quan trọng nhất bạn có thể làm, cùng với việc ở nhà nếu bạn ốm.
Nếu tôi đi du lịch thì sao?
C.D.C. cảnh báo những du khách lớn tuổi và có nguy cơ nên tránh Nhật Bản, Italy và Iran.
Cơ quan này cũng đã khuyến cáo chống lại tất cả chuyến du lịch không cần thiết đến Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nên chuẩn bị thế nào nếu dịch lây lan?
Giữ dự trữ thuốc thiết yếu trong 30 ngày. Hãy tiêm phòng cúm.
Chuẩn bị sẵn đồ gia dụng thiết yếu và hệ thống hỗ trợ tại chỗ cho các thành viên gia đình cao tuổi.
Virus đã lây lan tới đâu?
Virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm 120.000 người nhiễm bệnh tại ít nhất 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Virus truyền nhiễm thế nào?
Theo nghiên cứu sơ bộ, nó có vẻ truyền nhiễm vừa phải, tương tự SARS, và có lẽ được truyền qua hắt hơi, ho và bề mặt bị ô nhiễm.
Các nhà khoa học ước tính mỗi người nhiễm bệnh có thể lây sang khoảng 1,5-3,5 người nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Ai đang làm việc để ngăn chặn virus?
Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới đã làm việc với các quan chức ở Trung Quốc, nơi sự phát triển của dịch bệnh đang chậm lại.
Nhưng trong tuần này, khi các trường hợp được xác nhận tăng vọt ở hai châu lục, các chuyên gia cảnh báo rằng thế giới chưa sẵn sàng cho dịch bệnh lớn.
Sân bay Los Angeles vắng vẻ sau lệnh cấm của TT Trump
Sân bay LAX tại Los Angeles vắng vẻ sau khi Tổng thống Trump ra lệnh cấm các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ.
Theo news.zing.vn
Phi công ở Mỹ nhiễm Covid-19, hãng hàng không giữ kín thông tin Một phi công của hãng hàng không American Airlines, ở Dallas - Fort Worth, xét nghiệm dương tính với virus corona. "Bộ phận y tế và các lãnh đạo của American Airlines đang giữ liên lạc với phi công của chúng tôi ở Dallas - Fort Worth đã dương tính với virus corona", thông cáo của hãng cho biết. Hãng không nói rõ...