Tổng thống Putin xác nhận trả đũa Ukraine sau vụ Hạm đội biển Đen bị tấn công
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31.10 tuyên bố các cuộc tấn công Nga vừa thực hiện và việc rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen là để đáp trả việc hạm đội của nước này bị tấn công.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong họp báo ngày 31.1. Ảnh REUTERS
Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong họp báo ngày 31.10 cho biết Moscow nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine và quyết định ngưng tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc để đáp lại việc Hạm đội biển Đen bị Ukraine tấn công.
“Đó không phải là tất cả những gì chúng tôi có thể làm”, ông Putin nói và cho biết Nga có thể thực hiện nhiều hành động hơn nữa.
Trong ngày 31.10, Nga đã dội tên lửa khắp Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của nước này đã tấn công các mục tiêu hạ tầng quân sự và năng lượng của Ukraine với độ chính xác cao.
“Lực lượng vũ trang Nga tiếp tục oanh kích bằng các vũ khí chính xác cao tầm xa phóng từ trên không và trên biển nhằm vào sở chỉ huy quân đội Ukraine và hệ thống năng lượng. Các mục tiêu tấn công đã hoàn thành”, theo thông cáo.
Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 31.10 cũng thông báo các lực lượng Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng ở ít nhất sáu khu vực của Ukraine.
Quân đội Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 44 trong tổng số 50 tên lửa của Nga. Tuy nhiên, chính quyền Kyiv cho biết các cuộc tấn công khiến 80% người dân nơi đây không có nước sinh hoạt. Những vụ oanh tạc mới nhất đã khiến 13 người bị thương.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết 18 mục tiêu, chủ yếu là cơ sở hạ tầng năng lượng, tại 10 khu vực của Ukraine đã bị Nga tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) trong ngày 31.10.
Xem nhanh: Ngày 249 chiến dịch quân sự, Nga trả đũa mạnh sau khi Hạm đội biển Đen lại trúng đòn Ukraine
Trong họp báo ngày 31.10, Tổng thống Putin nói các thiết bị không người lái Ukraine đã sử dụng cùng hành lang biển mà các tàu chở ngũ cốc phải đi qua theo thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian.
Kyiv không nhận trách nhiệm về vụ tấn công và phủ nhận việc sử dụng hành lang an ninh của chương trình ngũ cốc cho các mục đích quân sự. Liên Hiệp Quốc cũng cho biết không có tàu chở ngũ cốc nào di chuyển trên Biển Đen vào ngày 29.10.
Trước đó, Moscow ngày 29.10 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, cáo buộc Ukraine sử dụng thiết bị bay và thuyền không người lái nhằm vào các tàu thuyền ở cảng Sevastopol thuộc bán đảo Crimea. “Ukraine phải đảm bảo rằng sẽ không có mối đe dọa nào đối với các tàu dân sự hoặc các tàu tiếp tế của Nga”, ông Putin nói hôm 31.10 và lưu ý rằng theo các điều khoản của thỏa thuận ngũ cốc, Nga có trách nhiệm đảm bảo an ninh.
Liên hợp quốc nỗ lực nối lại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của Nga trong việc dừng tham gia thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine và đang nỗ lực nối lại thỏa thuận được ký kết nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu này.
Tàu chở ngũ cốc của Ukraine di chuyển tại Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/8/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ngày 29/10, Nga đã rút khỏi thỏa thuận đạt được hồi tháng Bảy, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu từ một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.
Người phát ngôn của LHQ, Stephane Dujarric, cho biết, ông Guterres quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay liên quan đến Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Ông Guterres đang tích cực trao đổi để Nga tham gia thỏa thuận trở lại.
Ông Guterres đã lùi ngày khởi hành đến Algiers để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arập một ngày để thảo luận về vấn đề trên.
Hơn 9 triệu tấn ngô, lúa mỳ và các sản phẩm hướng dương, đại mạch, cải dầu và đậu tương đã được xuất khẩu theo thỏa thuận trên.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Bộ trưởng Hulusi Akar đã đàm phán với người đồng cấp Nga và Ukrainie để nối lại thỏa thuận.
Theo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã góp phần làm hạ nhiệt giá ngũ cốc toàn cầu.
Người phát ngôn NATO, Oana Lungescu, cho biết tổ chức này kêu gọi Nga xem xét lại quyết định trên và nối lại thỏa thuận, mở đường để lương thực đến được với những người đang cần nhất.
Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết 218 tàu đã bị phong tỏa do quyết định của Nga.
Nga và Ukraine nằm trong số những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới.
Ngày 30/10, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell đã hối thúc Nga hủy bỏ quyết định ngừng tham gia Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen, do điều này gây rủi ro đối với tuyến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón chính.
Nga sẵn sàng cung cấp 500.000 tấn ngũ cốc cho các nước nghèo nhất Hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev ngày 29/10 cho biết nước này sẵn sàng cung cấp tới 500.000 tấn ngũ cốc cho các nước nghèo nhất trong 4 tháng tới, với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ. Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở Stavropol, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN Trước đó, ngày 28/10, Nga cho...