Tổng thống Mỹ phải bỏ tiền túi mua lại quà tặng của lãnh đạo nước ngoài
Theo quy định của Mỹ, những món quà do chính phủ nước ngoài tặng tổng thống sẽ không được coi là tài sản cá nhân của chủ nhân Nhà Trắng. Nếu muốn sở hữu chúng, nhà lãnh đạo Mỹ phải bỏ tiền túi để mua lại.
Cựu Tổng thống Obama nhận quà từ Quốc vương Ả rập Xê út tại Riyadh, Ả rập Xê út năm 2009 (Ảnh: AP)
Trong suốt nhiệm kỳ làm việc của mình, tổng thống Mỹ có thể được nhận những món quà giá trị từ lãnh đạo của các quốc gia khác hoặc từ một cá nhân hay tổ chức nào đó. Những món quà được tặng thể hiện sự tôn trọng và cũng để phản ánh mối quan hệ giữa tổng thống Mỹ và người tặng quà.
Tuy nhiên, đối với nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, việc nhận bất kỳ món quà nào không phải chuyện đơn giản và họ phần lớn không được giữ lại những món quà này. Hàng loạt quy định và luật pháp liên bang đã được đặt ra để kiểm soát việc tặng quà và nhận quà của tổng thống Mỹ.
Theo văn bản quy định về quà tặng dành cho tổng thống của Cục Khảo cứu Quốc hội Mỹ, những món quà do chính phủ nước ngoài tặng tổng thống Mỹ sẽ không được coi là tài sản cá nhân của nhà lãnh đạo Mỹ.
“Bất kỳ món quà bằng hiện vật nào có giá trị trên mức tối thiểu được tặng vì lý do ngoại giao hay phép lịch sự đều không được coi là tài sản cá nhân. Chúng được nhận thay mặt chính phủ Mỹ và là tài sản của nước Mỹ, cả trong trường hợp quà được tặng riêng cho tổng thống hay gia đình tổng thống, tất cả đều chịu sự quản lý của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia”, nội dung văn bản cho biết.
Theo quy định, bất kỳ món quà tặng nào dành cho tổng thống Mỹ cũng được lưu trữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia khi tổng thống tại nhiệm. Sau khi tổng thống kết thúc nhiệm kỳ, toàn bộ số quà tặng sẽ được chuyển tới Thư viện Tổng thống. Thông thường các tổng thống Mỹ không muốn từ bỏ một số món quà đặc biệt, do vậy họ được phép mua lại theo giá thị trường.
Liên quan tới việc tặng quà cho tổng thống Mỹ, có hai câu hỏi được đặt ra là: Ai là người tặng quà và giá trị của món quà đó là bao nhiêu?
Nếu đối tượng tặng quà là một người có chức sắc ở nước ngoài, Hiến pháp Mỹ cấm tổng thống hay bất kỳ nhân viên liên bang nào nhận quà khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội.
Quốc hội Mỹ thông thường cho phép tổng thống nhận quà với “giá trị tối thiểu” từ các chính phủ nước ngoài để giữ phép lịch sự. Theo một báo cáo của Cục Khảo cứu Quốc hội được công bố năm 2012, việc từ chối nhận quà có thể gây ra “tình huống khó xử”, thậm chí có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa các bên.
Quy định về “giá trị tối thiểu” của quà tặng cũng được thay đổi 3 năm một lần. Vào thời điểm năm 2014, “giá trị tối thiểu” theo quy định của Quốc hội Mỹ là không vượt quá 375 USD. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nước ngoài thường có xu hướng tặng những món quà có giá trị cao hơn “giá trị tối thiểu”. Thậm chí một số món quà còn cao hơn rất nhiều lần.
Mua quà được tặng
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhận quà từ người đồng cấp Phần Lan (Ảnh: AFP)
Theo danh sách quà tặng do giới chức nước ngoài tặng các thành viên trong chính quyền liên bang Mỹ hàng năm, Ả rập Xê út, quốc gia dầu mỏ giàu có, thường tặng những món đồ sang trọng và xa xỉ nhất. Năm 2014, Quốc vương Ả rập Xê út Abdullah bin Abdulaziz đã tặng cựu Tổng thống Barack Obama 6 món quà trị giá hơn 1,3 triệu USD. Số quà này bao gồm đồng hồ đeo tay bằng bạc và vàng dành cho nam trị giá 18.240 USD, đồng hồ đeo tay bằng vàng trắng dành cho nam trị giá 67.000 USD cùng bộ trang sức ngọc trai và kim cương dành cho đệ nhất phu nhân trị giá 570.000 USD.
Tuy nhiên, cả cựu Tổng thống Obama và gia đình ông đều không thể “bỏ túi” số quà này theo quy định của Hiến pháp. Họ chỉ có thể nhận chúng nếu sẵn sàng bỏ tiền để mua theo giá thị trường. Cách làm này để tránh bị coi là nhận hối lộ.
Nếu các món quà không được mua lại, chúng sẽ được coi là tài sản của quốc gia và được lưu trữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. Các tài liệu thống kê cho thấy cựu Tổng thống Obama không mua bất kỳ món quà nào mà ông được tặng. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng bỏ tiền túi để mua một vòng cổ ngọc trai đen có giá gần 1.000 USD. Đây là món quà do Cố vấn Quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi tặng bà Clinton khi bà còn công tác tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cựu Tổng thống Obama nhận quà từ cựu Thủ tướng Ireland Brian Cowen năm 2010 (Ảnh: Atlantic)
Video đang HOT
Một số món quà phải được Mật vụ Mỹ kiểm tra trước khi chúng được đưa tới cơ quan chính phủ phù hợp, chẳng hạn chai rượu cognac trị giá 615 USD do Thủ tướng Moldova tặng năm 2014. Người phát ngôn của Mật vụ Mỹ Robert Hoback cho biết một số món quà nhất định, bao gồm đồ ăn, thường được kiểm tra vì lý do an toàn. Sau khi kiểm tra xong, chúng sẽ được chuyển cho các nhân viên Nhà Trắng.
Hiến pháp cũng quy định các món quà có thể được dùng để làm từ thiện, chia sẻ với các văn phòng hoặc bị tiêu hủy. Một món quà lưu niệm đặc biệt mà tổng thống Mỹ có thể giữ lại cho riêng mình là giải thưởng Nobel. Cục Khảo cứu Quốc hội Mỹ cho rằng Nobel là giải thưởng do một quỹ tư nhân độc lập trao tặng, do vậy giải thưởng Nobel không bị coi là “quà tặng từ chính phủ nước ngoài”. Sau khi giành giải Nobel Hòa bình năm 2009, cựu Tổng thống Obama từng quyên tặng 1,4 triệu tiền thưởng cho 10 quỹ từ thiện.
Tổng thống Mỹ thông thường cũng được phép nhận các món quà từ công chúng Mỹ. Điều này nhằm tạo điều kiện để người dân Mỹ có thể thể hiện tình cảm với lãnh đạo đất nước. Ngoài các món quà bằng hiện vật, tổng thống Mỹ có thể nhận các quà tặng dưới dạng vé mời tham dự sự kiện, tiệc chiêu đãi, phiếu giảm giá… Nếu quà có giá trị cao hơn 350 USD, tổng thống Mỹ phải liệt kê trong bản kê khai tài chính để đảm bảo sự minh bạch.
Thành Đạt
Theo Dantri
"Soi" những lời hứa hẹn của Tổng thống Trump
Khi còn là ứng viên tranh cử, ông Donald Trump đã đưa ra rất nhiều lời hứa hẹn trước các cử tri về những việc ông sẽ làm nếu đắc cử tổng thống. Sau gần một năm tại nhiệm, bao nhiêu cam kết của nhà lãnh đạo Mỹ đã được thực hiện?
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 (Ảnh: Getty)
Cắt giảm thuế
Trước thềm cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, Tổng thống Trump từng hứa sẽ giảm thuế cho doanh nghiệp cũng như người lao động Mỹ và ông đã thực hiện được cam kết này sau khi đắc cử.
Dự luật thuế của đảng Cộng hòa rốt cuộc cũng được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 20/12 và đây được xem là cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm tại Mỹ. Dự luật đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, giúp doanh nghiệp Mỹ tiết kiệm gần 2.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Thỏa thuận khí hậu
Khi còn là ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, ông Trump từng chỉ trích hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris là trò "chơi khăm" do Trung Quốc nghĩ ra và tuyên bố các điều khoản của hiệp định này kìm hãm sự phát triển của Mỹ.
Sau khi chính thức trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump đã kiên quyết thực hiện cam kết của mình khi rút Mỹ khỏi hiệp định khí hậu Paris, dù đây là thỏa thuận được gần 200 nước trên thế giới tham gia.
Bổ nhiệm thẩm phán
Việc bổ nhiệm thành công ông Neil Gorsuch là Thẩm phán tòa án tối cao được xem là một thắng lợi của chính quyền Tổng thống Trump (Ảnh: Getty)
Ông Trump từng cam kết sẽ bổ nhiệm một thẩm phán tòa án tối cao mới cho Mỹ sau khi vị trí này bị bỏ trống từ tháng 2/2016 do cựu Thẩm phán Antonin Scalia qua đời. Việc Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Neil Gorsuch làm Thẩm phán tòa án tối cao sau khi đắc cử được xem là một trong những thắng lợi của ông vì Thượng viện Mỹ từng bác bỏ đề cử cho vị trí này của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đánh bại khủng bố
Trong bài phát biểu tại Iowa hồi tháng 11/2015, ông Trump từng cảnh báo sẽ ném bom xóa sổ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và thể hiện quyết tâm trong cuộc chiến chống khủng bố.
Đúng như những gì Tổng thống Trump tuyên bố, máy bay Mỹ ngày 13/4 đã thả "bom mẹ" GBU-43, quả bom phi hạt nhân mạnh nhất trong kho vũ khí của Mỹ, xuống căn cứ của IS tại Afghanistan. Chính quyền Tổng thống Trump cũng được đánh giá cao vì những nỗ lực trong việc đánh bật IS ra khỏi nhiều khu vực ở Iraq và Syria.
Thỏa thuận thương mại
Trong vai trò là ứng viên tranh cử, ông Trump từng chỉ trích Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là "một thảm họa". Ông cũng cảnh báo sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì TPP "ngày càng tồi tệ".
Trong những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Trump đã thực hiện đúng cam kết của ông khi đưa Mỹ ra khỏi TPP. Tuy nhiên, ông vẫn chưa rút Mỹ khỏi NAFTA trong khi Nhà Trắng cho biết Mỹ và Canada đã nhất trí sẽ đàm phán về vấn đề này.
Lệnh cấm người Hồi giáo
Những người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump tại thành phố Boston hồi tháng 1 (Ảnh: Reuters)
Ban đầu, ông Trump tuyên bố sẽ cấm tất cả người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Tuy nhiên khi trở thành ứng viên chính thức đại diện cho đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng, ông điều chỉnh lại tuyên bố này và nói rằng sẽ "kiểm soát gắt gao" người Hồi giáo.
Sau khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump đã đưa ra 3 sắc lệnh hành pháp nhằm cấm công dân của những quốc gia có đông dân Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, song các sắc lệnh này đều vấp phải rào cản từ giới tư pháp. Ngày 4/12, Tòa án tối cao Mỹ đã ra phán quyết cho phép sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với 6 nước gồm Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia và Chad, do Tổng thống Trump đưa ra có hiệu lực hoàn toàn.
Quan hệ với Cuba
Tháng 9/2016, ông Trump từng tuyên bố sẽ đảo ngược nỗ lực của chính quyền cựu Tổng thống Obama về việc cải thiện thương mại và tái thiết quan hệ ngoại giao với Cuba . Khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tổng thống Trump đã thực hiện một phần cam kết của mình, bao gồm việc hạn chế thương mại và du lịch tới quốc đảo Caribe.
Obamacare
Một trong những cam kết quan trọng mà ông Trump từng đưa ra khi tranh cử tổng thống là bãi bỏ và thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền Obamacare - một di sản của chính quyền tiền nhiệm giúp hàng triệu người dân Mỹ có bảo hiểm. Không chỉ ông Trump mà cả đảng Cộng hòa cũng muốn chấm dứt đạo luật này.
Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ hồi tháng 7 đã bỏ phiếu không thông qua dự luật thay thế Obamacare, đánh dấu thất bại của Tổng thống Trump nói riêng và đảng Cộng hòa nói chung sau nhiều năm nỗ lực.
Chuyển đại sứ quán tại Israel
Tổng thống Trump tới thăm Bức tường phía Tây ở Đông Jerusalem ngày 22/5 (Ảnh: Reuters)
Liên quan tới điểm nóng Trung Đông, ông Trump từng tuyên bố trong thời gian tranh cử rằng ông sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem - thánh địa linh thiêng của nhiều tôn giáo và là nơi tranh chấp giữa Israel và Palestine.
Trong tháng này, Tổng thống Trump đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ về đây. Mặc dù sẽ phải mất vài năm nữa trước khi Mỹ hoàn tất kế hoạch này, song Tổng thống Trump vẫn được đánh giá cao vì đã thực hiện đúng lời hứa khi tranh cử.
Cuộc chiến Afghanistan
Trong khoảng thời gian chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump từng tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan để giữ không cho chính phủ nước này bị sụp đổ, cũng như để giám sát Pakistan - quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Sau khi đắc cử, ông Trump vẫn thực hiện cam kết triển khai quân đội Mỹ tại Afghanistan, đồng thời cho biết cách tiếp cận của ông trong vấn đề này sẽ dựa trên điều kiện thực địa và không có hạn chót rút quân. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng xác nhận rằng Washington sẽ tiếp tục gửi thêm 3.000 quân tới Afghanistan.
Tường biên giới với Mexico
8 mẫu tường ngăn biên giới Mỹ - Mexico được trưng bày hồi tháng 10 song vẫn chưa có mẫu nào được chọn. (Ảnh: Reuters)
Kế hoạch xây tường ngăn biên giới Mỹ - Mexico là một trong những tuyên bố gây tranh cãi nhiều nhất của ông Trump trong giai đoạn tranh cử. Ông Trump còn yêu cầu phía Mexico chi trả tiền xây tường.
Tuy nhiên, kế hoạch này cho đến nay vẫn không có bất kỳ tiến triển nào. Mexico vẫn tuyên bố không trả tiền, thậm chí Tổng thống Trump còn cho thấy sự nhượng bộ khi quyết định rằng Mỹ sẽ ứng tiền trước và phía Mexico sẽ trả tiền sau.
Trục xuất người nhập cư bất hợp pháp
Ông Trump được cho là từng tuyên bố trước những người ủng hộ rằng bất kỳ người nhập cư nào không có giấy tờ hợp pháp sẽ phải rời khỏi Mỹ. Con số này khi đó ước tính khoảng 11,3 triệu người. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã không thực hiện được mục tiêu này. Trong năm tài khóa 2017, số vụ trục xuất người nhập cư bất hợp pháp thậm chí còn thấp hơn so với năm trước đó.
Chỉ trích NATO
Khi chưa trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump từng nhiều lần nghi ngờ mục đích thực sự NATO và gọi liên minh quân sự này là "lỗi thời". Một trong số các vấn đề do ông chỉ ra là các thành viên NATO không chịu chia sẻ gánh nặng ngân sách với Mỹ. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng hồi tháng 4, Tổng thống Trump lại thay đổi hoàn toàn lập trường.
"Tôi từng nói NATO là lỗi thời. Nhưng nó không còn lỗi thời nữa", ông Trump nói.
Chỉ trích Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Florida, Mỹ hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ" và cáo buộc Bắc Kinh "cưỡng bức" Mỹ. Ông Trump cho rằng Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ để giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc cạnh tranh tốt hơn so với hàng Mỹ. Nhưng đến tháng 4 năm nay, Tổng thống Trump tuyên bố Trung Quốc không hoàn toàn là quốc gia thao túng tiền tệ, thậm chí còn nói Bắc Kinh cũng tìm cách ngăn không cho đồng tiền của nước này bị yếu đi.
Tái thiết cơ sở hạ tầng
Trong bài phát biểu chiến thắng hồi tháng 11, Tổng thống đắc cử Trump khi đó từng nói sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng Mỹ lên vị trí hàng đầu, từ đó sẽ đưa hàng triệu người Mỹ quay trở lại làm việc. Ông cũng nói sẽ rót ngân sách vào các dự án đường bộ, tàu và sân bay, tuy nhiên cho đấy nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ thực hiện tuyên bố này.
Thành Đạt
Theo Dantri
Nhà Trắng công bố chân dung chính thức của Tổng thống Trump Nhà Trắng ngày 31/10 đã công bố ảnh chân dung chính thức của Tổng thống Donald Trump. Đây sẽ bức ảnh được treo ở tất cả các tòa nhà liên bang và đại sứ quán Mỹ trên toàn thế giới. Ảnh chân dung chính thức của Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence (Ảnh: Nhà Trắng) Theo Time, Nhà Trắng hôm qua...