Tổng quan về mousepad Thermaltake Ttesports: Cho gamer hay di chuyển
Trong bài viết lần trước, GenK đã gửi tới độc giả đánh giá sơ bộ về 6 Gaming Mouse của Thermaltake. Tiếp tục trong bài viết này, tôi sẽ gửi tới độc giả những cảm nhận sau một tháng sử dụng 3 bàn di chuột mang nhãn hiệu Ttesports.
Đối với một bàn di chuột, cũng không có nhiều thứ để đánh giá. Khi nhìn vào mousepad, tôi sẽ để ý xem chất liệu tạo thành của nó ra sao, mouse pad gồm mấy lớp ghép lại, nếu có từ 2 lớp (lớp vải ở trên, lớp cao su ở dưới giúp bám chắc vào mặt bàn) thì có bo mép để khỏi bong hay không, và nếu không bo mép thì keo dán có chắc không.
Ngoài ra, tôi sẽ còn để ý tới chất lượng mực in của các họa tiết trên mặt mousepad. Một chiếc bàn di cho cảm giác “xịn” sẽ phải có các họa tiết in đẹp và đều màu.
Nhìn chung 3 mousepad của Thermaltake đều rất khá, chất lượng gia công tốt và hoa văn in khá đẹp. Đó là bàn di chuột Colossal Pyrrhus, White-RA và Ladon. Cả 3 sản phẩm này đều là mousepad Speed.
Một điểm cộng rất sáng giá của 3 chiếc mousepad này nói riêng (và toàn bộ chuỗi sản phẩm Gaming Gear của Thermaltake nói chung) là đều có bao đựng sản phẩm để người dùng có thể mang theo bên mình. Ở cả 3 chiếc mousepad này, Thermaltake đều trang bị bao đựng khá đẹp và tiện lợi.
Sau đây là đánh giá sơ bộ từng sản phẩm:
Mousepad Colossal Pyrrhus
Sản phẩm trông khá đơn giản, tông màu đen chủ đạo với điểm nhấn logo Ttesports mà đỏ và dòng chữ Pyrrhus trắng. Đây là mousepad đầu tiên được thiết kế bởi game thủ nổi tiếng Aleksey “White-Ra” Krupnyk của game StarCraft II.
Pyrrhus có độ dày 2mm, là mousepad mềm (các bàn di tôi mang về không có chiếc nào là mousepad cứng). Cũng giống như các bàn di chuột game khác, mặt vải trên Pyrrhus cho cảm giác di khá trơn nhẵn, tốc độ vảy chuột khá nhưng vẫn có độ bám nhất định, đủ tiêu chuẩn với một mousepad Speed chứ không quá lỳ như mousepad dạng Control.
Trong 3 sản phẩm, Pyrrhus là chiếc cho cảm giác di chuột thoải mái nhất, là chiếc mousepad Speed “đúng nghĩa” nhất. Tại sao lại nói vậy? Bạn hãy đọc tiếp đánh giá về hai chiếc mousepad còn lại.
Sản phẩm này Ttesports có ba sự lựa chọn về kích cỡ với tên gọi khác nhau. Colossal Pyrrhus là tên chiếc bàn di tôi mang về, ngoài ra còn có Compact Pyrrhus và Extended Pyrrhus.
Thông số cơ bản:
- Kích thước: Có 3 sự lựa chọn:
440 x 350 x 2mm.
360 x 300 x 2mm.
280 x 210 x 2mm.
- Chất liệu: Mặt pad được tạo thành từ sợi vải nhỏ (Ultra-slim), mặt đế là cao su tự nhiên.
- Dòng game: Dành cho tất cả các dòng game.
- Màu: Đen.
Mousepad White-Ra Special Tactics
Video đang HOT
Có đôi chút khác biệt ở mousepad White-Ra so với Pyrrhus. Thermaltake nói rằng họ dùng công nghệ Cross-Weave cho mặt pad của mình, giúp mặt vải mịn, trơn nhưng vẫn giữ được độ bám nhất định. Tôi đã thử và phải công nhận rằng, Thermaltake không nói ngoa. Thiết kế của sản phẩm này có sự đóng góp của game thủ Aleksey “White-Ra” Krupnyk, nhưng không phải do anh ta thiết kế hoàn toàn như chiếc Pyrrhus.
Cùng là mousepad Speed giống như Pyrrhus, nhưng mặt vải trên White-Ra nhìn thưa hơn, chưa thưa và nhám như trên mousepad dạng Control nhưng nó khiến cảm giác di chuột trên đó tuy vẫn trơn, dễ dàng nhưng lì hơn Pyrrhus một chút.
Có lẽ mousepad dạng White-Ra là một sản phẩm được xếp vào phân khúc giữa mousepad Speed và mousepad Control, dành cho người dùng nào không thích cảm giác di chuột quá “đầm” khi dùng mousepad Control.
Bàn di chuột White-Ra có hai màu đen và trắng. Đặc biệt sản phẩm này có thêm túi đựng khá đẹp.
Thông số cơ bản:
- Kích thước: 360 x 300 x 3mm.
- Chất liệu: Mặt pad là sợi tổng hợp, sử dụng công nghệ Cross-Weave, mặt đế là cao su tự nhiên.
- Dòng game: MMORPG (khuyến khích từ nhà SX).
- Màu: Đen, trắng.
Mousepad Ladon
Đây là chiếc mousepad “lạ” nhất mà tôi từng được sử dụng. Vẫn là mouspad Speed, nhưng không được may bằng sợi vải mềm như trên Pyrrhus hay White-Ra. Sợi vải mà Thermaltake dùng để tạo nên Ladon to và nhiều nilon hơn, khiến bề mặt của bàn di Ladon trông giống như mouspad Control. Mousepad này cũng được bo viền để tránh tình trạng bong mép.
Cảm giác di chuột trên Ladon khá lạ: Lúc đầu khi bạn mới bắt đầu hành trình của cổ tay, chuột bám khá “lỳ” trên pad giống như mousepad Control. Nhưng khi chuột đã được di, tốc độ di nhanh chóng đạt được giống như trên mousepad Speed, thậm chí tốc độ di chuột khá “bay”, gần đạt tới tốc độ di giống như trên mouspad cứng, mặt Speed siêu nhẵn.
Chiếc Ladon dày 3mm, tuy nhiên sợi vải cấu thành nhiều nilon nên có độ cứng nhất định. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cuộn vào dễ dàng.
Nhà sản xuất nói rằng mousepad này hợp với RTS và MMORPG, nhưng cá nhân tôi không cảm thấy thế. Có thể do không quen, nhưng tôi không thích lắm chiếc Ladon này. Mặt pad không mềm như pad được làm bằng vải, pad vải pha nilon khá hại feet chuột. Khi sử dụng tôi cảm thấy feet chuột bị ma sát khá mạnh. Đối với người dùng xài feet “xịn” thì chắc hẳn sẽ tẩy chay Ladon bởi nó bào mòn feet rất nhanh chóng.
Thông số cơ bản:
- Kích thước: 360 x 300 x 3mm.
- Chất liệu: Mặt pad là sợi vải pha nilon (Ultra-Thin), mặt đế là cao su tự nhiên.
- Dòng game: RTS/MMORPG (Khuyến khích từ nhà SX).
- Màu: Đen.
- Bo mép: Có.
Trong bài viết tiếp theo, GenK sẽ tiếp tục gửi tới độc giả đánh giá về những chiếc tai nghe của Thermaltake, mời các bạn chú ý đón đọc.
Theo Genk
Tổng quan về chuột Thermaltake Ttesports: Kiểu dáng đẹp và cao cấp
Khoảng một tháng trước (hồi đầu tháng 11/2012), tôi đã có dịp mang về nhà gần như "trọn bộ" các sản phẩm Gaming Gear Ttesports của Thermaltake bao gồm 6 Gaming Mice, 3 Mouse Pad, 4 Gaming Keyboard và 4 Gaming Headset. Các sản phẩm này được mượn từ nhà phân phối An Việt (số 4 ngõ 178 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội).
Quả thật đó là chuỗi thời gian dư dả nhất bởi có tới 1 tháng trời để thỏa thích "mix" mỗi ngày một bộ Gaming Gear. Sau kha khá thời gian sử dụng, tôi sẽ gửi tới độc giả những cảm nhận tổng quát nhất về các sản phẩm gắn nhãn Ttesports của thương hiệu Thermaltake, vốn không hề xa lạ đối với cộng đồng đam mê công nghệ.
Chuỗi bài đánh giá sơ bộ sản phẩm thuộc dòng Gaming Gear của Thermaltake sẽ chia làm 4 bài lớn, và bài đầu tiên là về Gaming Mouse.
Tuy nhiên trước khi nói về chuột, tôi cần lưu ý tới độc giả rằng chuột game là dòng sản phẩm mà cảm nhận của mỗi người dùng một khác, bởi trước hết là do thói quen chơi game khác nhau, sau đó là kích cỡ bàn tay của bạn, nên có thể tôi thấy nó ôm tay, vảy chuột dễ nhưng bạn sẽ có cảm giác không giống như vậy.
Thiết kế
6 Gaming Mouse tôi sử dụng rải khắp mọi phân khúc sản phẩm của Ttesports. Có một điểm mạnh chung của chuột Thermaltake là chất lượng gia công sản phẩm rất tốt. Ttesports sử dụng nhựa cứng, có phủ một lớp cao su mỏng tạo cảm giác "cao cấp" cho sản phẩm. Tuy nhiên, một điểm yếu cố hữu của loại chất liệu này là nếu người dùng bị ra mồ hôi tay, bạn phải chịu khó lau chùi chuột thường xuyên.
Ngoại hình là một chi tiết rất quan trọng trên Gaming Mouse, nhưng cá nhân tôi thấy Thermaltake đã làm rất tốt điều này. Các sản phẩm có ngôn ngữ thiết kế chung khá mềm mại, đan xen vào đó những góc cạnh, điểm nhấn. Có thể bạn sẽ nhìn thấy bóng dáng một thành phần nào đó của Razer DeathAdder trên chiếc Ttesports Back Element, nhưng điều đó có lẽ không quan trọng.
Một điểm ấn tượng nữa trên Ttesports Gaming Mouse là hệ thống đèn khá chuyên nghiệp và ấn tượng. So với những chiếc Gigabyte AIVIA hay đại đa số chuột game của Cooler Master mà GenK đã từng review qua, hệ thống đèn trên chuột Thermaltake trông đơn giản và "pro" hơn khá nhiều.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Hệ thống nút bấm trên một số chuột game khá tốt với nút bấm lớn, hành trình phím rõ ràng nhưng ở một số sản phẩm lại không được như vậy. Ngoài ra việc không trang bị cho người dùng chỗ cất tạ là một điểm thiếu sót. Ít ra Thermaltake nên trang bị hộp đựng tạ riêng cho từng con chuột một.
Sau đây là đánh giá sơ bộ cho từng sản phẩm:
Black Gaming Mouse
Ttesports Black là chuột game đầu tiên lôi mang ra thử nghiệm, bởi trông nó "lạ" nhất so với những chiếc còn lại. Ttesports Black khá to, chỉ hợp với kiểu cầm palm grip bởi phần lưng chuột gù lên đáng kể. Hai bên cũng phình ra khá to và thu hẹp dần về phía đầu chuột.
Ttesports Black có 5 tạ mỗi quả 4,5g, nhưng kể cả khi tháo hết tất cả thì chuột vẫn khá nặng. Tôi thường sử dụng Ttesports để chơi những game MOBA dạng Dota (nhiều nhất là Dota) và chút LOL mà thôi. Ttesports Black có một điểm hay là cụm đèn 4 nấc hiển thị mức DPI của chuột.
Mini Azoroes Optical Gaming Mouse
Nếu Ttesports Black phù hợp với game MOBA thì Mini Azoroes có lẽ chỉ dành cho FPS. Chuột khá nhỏ, không thể nằm trọn trong lòng bàn tay của tôi được mà chỉ có thể điều khiển bằng các ngón tay (kiểu finger Tip). Cảm giác điều khiển không đầm như Ttesports Black mà linh động hơn rất nhiều.
Tuy nhiên có lẽ Mini Azoroes chỉ hợp với game thủ nữ, bởi vốn có từ "mini" ở tên nên chuột này khá nhỏ, ít ra thì nó quá nhỏ so với tôi. Ngoài ra hệ thống đèn trên Mini Arozoes cũng thuộc dạng đơn giản nhất trong 6 Gaming Mouse mà tôi trải nghiệm.
Theron Gaming Mouse
Có lẽ đây là chuột đẹp nhất trong 6 chuột mà tôi được trải nghiệm. Thiết kế của Theron nhìn khá ấn tượng với cụm 2 nút tăng/giảm DPI là điểm nhất trên lưng chuột. Hệ thống đèn là một điểm đặc biệt trên Theron, thay vì đèn trên lưng hoặc thân chuột giống các sản phẩm còn lại, đèn chiếc trên Theron là đèn ở đáy (hệ thống đèn chiếu xuống mặt bàn, phản chiếu các tia sáng ra xung quanh vùng mousepad đặt chuột).
Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là chuột game có hệ thống đèn đẹp nhất trong 6 Gaming Mouse. Chuột Theron chỉ nhỏ hơn Ttesports Black một chút, có lẽ nó khá hợp cho những game thủ dòng RTS. Theron cũng là một Gaming Mouse của Thermaltake có hệ thống nút bấm trên thân chuột to, cảm giác hành trình phím rõ rệt.
Hệ thống chiếu sáng trên Theron khá đẹp.
Saphira Gaming Mouse
Một cái tên khác dành cho game thủ FPS, nhưng Saphira có vẻ "pro" hơn Mini Azoroes. Saphira lớn hơn, tuy nhiên vẫn giữ được độ nhẹ và linh hoạt. Cá nhân tôi đánh giá cao Saphira hơn Mini Azoroes, chỉ vì kích thước mà thôi. Chuột game này khá vừa tay, nút chức năng trên chuột không nhiều (chỉ có Back/Previous) nhưng nút bấm khá lớn và tiện dụng.
Hệ thống đèn trên Saphira cũng giống Mini Azoroes, kém ấn tượng nhất trong 6 Gaming Mouse nhưng lại có hệ thống đèn hông 4 nấc khá thú vị, ít ra nếu xếp thứ về độ đẹp của đèn trang trí trên thân chuột thì tôi sẽ xếp Saphira thứ hai...từ dưới lên.
Black Element và Black Element Cyclore Edition
Hai chuột này có hình dáng giống hệt nhau, duy Black Element Cyclore Edition có thêm quạt tản nhiệt cho ngóng tay của bạn. Tôi thấy chút hơi hướng của Razer DeathAdder trong thiết kế của 2 sản phẩm này, tuy nhiên ngoài việc đó ra, mọi thứ trên Black Element đều ấn tượng. Chuột khá ôm tay, tiết diện cho chuột trái/phải lớn, tuy nhiên các nút phụ lại thiết kế hơi nhỏ, dễ dẫn tới bấm nhầm.
Hệ thống đèn trên Black Element có thể nói là đẹp nhất trong 6 Gaming Mouse. Hai dải LED lớn chạy dọc thân chuột sáng khá đẹp với nhiều màu khác nhau.
Riêng Black Element Cyclore Edition có thêm quạt tản nhiệt cho ngón tay, kết nối với thân chuột qua một cổng miniUSB. Đây là một chi tiết khá ấn tượng nhưng có lẽ cần cải tiến đôi chút, bởi nó chỉ làm mát được ngón tay đặt chuột phải mà thôi.
Kết luận
Nhìn chung, phần lớn Gaming Mouse của Thermaltake có thể làm bạn hài lòng, nếu bạn không phải là một game thủ quá khó tính. Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ đánh giá sơ bộ về 3 Mousepad của Thermaltake.
Nếu bạn đọc quan tâm tới sản phẩm nào đó trong 6 Gaming Mouse trên, muốn có một bài viết đánh giá chi tiết thì hãy email về info@genk.vn. Chúng tôi sẽ xem xét và gửi tới độc giả bài đánh giá chi tiết sản phẩm đó.
Theo Genk
Gigabyte Aivia Osmium: Chiến binh đỏ mặc áo giáp xanh Gigabyte Aivia Osmium Mechanical Gaming Keyboard - là tên đầy đủ của chiếc bàn phím chơi game đang tạo nên một cơn sốt nhỏ trong cộng đồng game thủ Châu Âu trong thời gian gần đây. 2 tháng trước khi lần đầu tiên được nhìn ảnh của chiếc bàn phím này, tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục về vẻ ngoại hình của...