Tổng kết 1 năm thực hiện Chương trình GDPT mới: Chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 được thực hiện bắt đầu từ năm học 2020 – 2021 với lớp 1 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Song theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.
Ngày 20/8, Bộ GD&ĐT phối hợp với Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình
Báo cáo những kết quả sau một năm thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, toàn ngành Giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép trong năm học 2020 – 2021: vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp; vừa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1. Vì vậy, năm học được triển khai trong bối cảnh có những yếu tố khó khăn và khác biệt so với các năm học trước.
Trước khi vào lớp 1, trẻ 6 tuổi chủ yếu ở nhà nên các em học sinh hầu như không được trực tiếp học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi trên lớp, việc được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn và hầu như không thực hiện được.
Hội nghị tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông điểm cầu Bộ GD&ĐT. (Ảnh: Thế Đại)
Do tình hình dịch COVID-19, ngành giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, nhiệm vụ mới, tập huấn với hình thức mới, giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên, trong khi đó Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên, nhà trường tự chủ nhiều hơn; cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình nên có biểu hiện lo lắng…
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, sau những lúng túng ban đầu, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT đối với cấp tiểu học, đặc biệt đối với lớp 1. Các trường khai thác, sử dụng sách giáo khoa, nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Video đang HOT
100% trường tiểu học ưu tiên thực hiện đảm bảo tỉ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học đối với học sinh lớp 1; đảm bảo tỉ lệ giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định.
100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lí giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học. Thời khóa biểu đã được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lí về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học.
Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối năm học 2020 – 2021 cho thấy, tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học. Các em cơ bản đã đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1 và được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Bên cạnh đó, việc triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ, liên quan đến biên soạn SGK; tổ chức thực hiện lựa chọn, phát hành, tập huấn sử dụng SGK ở các địa phương; tài liệu giáo dục địa phương; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị trực tuyến. (Ảnh: Thế Đại)
Bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Định hướng đổi mới mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra là hoàn toàn đúng đắn; và quá trình triển khai đã đạt được mục tiêu rất quan trọng, kế hoạch đặt ra được hoàn thành.
Chặng đường triển khai đổi mới chương trình GDPT, bắt đầu với lớp 1, trong năm học vừa qua, đã nhận được sự quan tâm của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ GD&ĐT coi đây là nhiệm vụ rất trọng tâm, quyết liệt tập trung chỉ đạo; cùng với đó là sự quan tâm phối hợp của các bộ, ngành; đặc biệt, địa phương cũng đã vào cuộc rất trách nhiệm. Các tỉnh/thành phố đều đã lập các Ban Chỉ đạo, tập trung nguồn lực, quan tâm chỉ đạo để triển khai thực hiện.
Vạn sự khởi đầu nan, theo Bộ trưởng, chúng ta đã bước đầu vượt qua được những thách thức. Chia sẻ những vấn đề triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục kiên trì tư tưởng, quan điểm đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới. Đổi mới để chuyển mạnh từ việc trang bị kiến thức, truyền thụ bị động, sang tăng cường sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học.
Lấy thực hiện mục tiêu ưu tiên số 1 của GDPT là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về Tiếng Việt, về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần phải kiên định, kiên trì, xuyên suốt.
“Đổi mới Chương trình GDPT và đổi mới GDPT lần này là rất sâu sắc, toàn diện, triệt để” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, đồng thời, trên phương diện quản lý nhà nước và cơ chế chính sách, Bộ GD&ĐT cần phải đổi mới thêm một bước. Từ chỗ quản lý nhà nước đối với cách thức dạy học, biên soạn sách giáo khoa, triển khai kế hoạch như cũ; chuyển sang phương thức xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, triển khai năng động hơn dành cho giáo viên và cơ sở giáo dục, các địa phương, thì quản lý nhà nước cũng cần có sự đổi mới tương xứng. Việc này chúng ta đã từng làm, đã làm tích cực trong thời gian qua, nhưng thời gian tới cần lưu ý hơn.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý cần tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn sách giáo khoa, để bảo đảm có được chất lượng bản thảo sách tốt nhất. Các yêu cầu về quá trình thẩm định, phát hành, chọn sách, cũng phải điều chỉnh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, dựa trên cơ sở tiếng nói chuyên môn của các nhà giáo và cơ sở giáo dục.
Về việc này, các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường rà soát sự gia tăng các yếu tố bảo đảm kiểm soát chất lượng trong toàn bộ quá trình; bảo đảm cả tiến độ, thời gian, chất lượng, số lượng SGK, tinh thần là không để học sinh thiếu sách giáo khoa.
“Việc chỉ đạo để đẩy mạnh biên soạn SGK và tài liệu giáo dục địa phương, SGK tiếng dân tộc cũng sẽ được Bộ GD&ĐT tiếp tục lưu ý triển khai trong thời gian tới” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Năm học 2021 – 2022 vừa thực hiện mục tiêu đổi mới, bảo đảm chất lượng, cũng là năm học đầy thách thức do dịch bệnh. Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các địa phương, cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục quyết tâm hơn nữa, năng động và sáng tạo hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu đổi mới.
Với Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng mong muốn Ủy ban quan tâm tháo gỡ 2 vướng mắc lớn của địa phương liên quan đến đội ngũ và tài chính ngân sách phục vụ công cuộc đổi mới./.
Giáo dục chuyển trạng thái thích ứng với dịch bệnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu ngành giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực đến giáo dục
Ngày 12-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học.
Đáp ứng chuẩn trong bối cảnh dịch bệnh
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT, cho hay giáo dục tiểu học đã triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh khó khăn và khác biệt. Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, cũng là năm học cả nước chịu ảnh hưởng của nhiều đợt dịch Covid-19. Giáo dục tiểu học vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19 vừa triển khai chương trình phổ thông mới đối với lớp 1. Tuy nhiên, theo ông Tài, tổng hợp kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 của các địa phương cho thấy tất cả trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (đứng) và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị Ảnh: THẾ ĐẠI
Tuy nhiên, tại hội nghị, không ít khó khăn, vướng mắc trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã được nêu lên, đặc biệt là việc thiếu giáo viên và khó khăn trong tuyển dụng giáo viên là vấn đề chung của nhiều tỉnh, thành phố. Một số địa phương như Bình Dương, TP HCM... áp lực về cơ sở vật chất, trường lớp để bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày là một thách thức lớn.
Tại hội nghị, các địa phương cho biết đã xây dựng các kịch bản, phương án phù hợp, linh hoạt với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp để sẵn sàng bước vào năm học mới. Đồng thời, đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo
Giải đáp những ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng năm học mới diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường, vì thế cần ý thức đầy đủ các khó khăn và thách thức. "Không như các lĩnh vực khác, một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Do đó cần ưu tiên để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tổn thương, các tác động tiêu cực" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, cần hạn chế thấp nhất những tổn thương, ảnh hưởng. Và việc chuyển trạng thái phải tính tới lâu dài chứ không chỉ tạm thời. "Phải có sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, bảo đảm an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu bảo đảm chất lượng, lương tâm và trách nhiệm không thay đổi. Bất biến về chuẩn đầu ra và chất lượng nhưng vạn biến về phương pháp" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Nhấn mạnh đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong bối cảnh dịch bệnh là bậc tiểu học, người đứng đầu ngành giáo dục thẳng thắn cho rằng thách thức ở bậc học này là những hạn chế về sức khỏe, thể lực, hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ, khó khăn trong tương tác học tập trực tuyến... Bậc học này còn có số lượng trường, điểm trường lớn, phân tán, cơ sở vật chất nhiều khó khăn. Ngoài ra, những biến động về nghề nghiệp, nơi ở, sinh kế của các gia đình do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, dẫn tới nguy cơ trẻ em không đến trường, bỏ học... "Chính vì thế, cần phát huy hơn nữa sự chủ động, sáng tạo của địa phương, giáo viên. Các địa phương cũng điều chỉnh cơ chế chính sách và chuẩn bị cơ sở vật chất cho phù hợp với điều kiện thực tế" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Triển khai linh hoạt kế hoạch năm học mới
Về kế hoạch năm học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương triển khai kế hoạch linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó tận dụng tối đa thời gian "vàng" để dạy trực tiếp. Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Giáo dục tiểu học sớm ban hành hướng dẫn những nội dung giảng dạy cốt lõi, căn bản cho bậc tiểu học, ưu tiên giảng dạy những nội dung cốt lõi, căn bản theo hình thức trực tiếp nếu có thể và cân nhắc việc kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp nhất.
Sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa biên soạn SGK lớp 1 Cử tri thành phố Đà Nẵng phản ánh, năm học 2020 - 2021 số lượng đầu sách giáo khoa, sách tham khảo đối với học sinh lớp 1 nhiều. Ảnh minh họa/INT Hàng ngày, mỗi học sinh lớp 1 phải mang trên vai khối lượng sách, vở, đồ dùng học tập lớn so với trọng lượng cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe....