Tổng Bí thư: “Sinh viên tốt nghiệp phải có kỹ năng sáng tạo, hợp tác và tư duy phản biện”
Phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2018-2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam sáng ngày 30/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “ Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện…”
Sáng 30/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và dự lễ khai giảng năm học 2018-2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế cùng các đại biểu đến dự.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, chúc mừng, cảm ơn và biểu dương những thành tựu to lớn mà các thế hệ cô giáo, thầy giáo, cán bộ, sinh viên Học viện Nông nghiệp đã đạt được trong hơn 60 năm qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Học viện Nông Nghiệp Việt Nam đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; phấn đấu nhanh chóng trở thành một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đi tiên phong trong đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với thực tiễn phát triển của sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; gắn kết với doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cho sinh viên.
Với nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị ứng dụng vào sản xuất, Học viện góp phần thiết thực đưa nền nông nghiệp nước ta đạt trình độ tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới; vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và 2 lần đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh…
Khẳng định giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học – công nghệ là then chốt, Tổng Bí thư đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành hữu quan và Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần tích cực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
“ Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện… Sinh viên tốt nghiệp đại học phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, cộng đồng và đất nước.
Do vậy, ngoài đào tạo chuyên môn, Nhà trường cần coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên; gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh“, Tổng Bí thư nhắn nhủ.
Tổng Bí thư lưu ý, Học viện Nông nghiệp cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bùng nổ thông tin hiện nay. Nhà trường phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng xác định đúng chuẩn đầu ra và chuyển đổi phương pháp từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo; ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại; gắn đào tạo của nhà trường với thực tiễn sản xuất, nhu cầu của xã hội, đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên.
Đồng thời, Nhà trường cần tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo. Các cô giáo, thầy giáo cần chuyển từ vai trò giảng bài sang vai trò hướng dẫn học và phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống, phương pháp làm việc và học tập để sinh viên noi theo.
Để có được đội ngũ các thầy, cô giáo chuẩn mực, cần có những chính sách, chế độ cụ thể, thiết thực, tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để các cô giáo, thầy giáo cống hiến tốt nhất cho sự nghiệp trồng người.
Video đang HOT
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng tranh Khuê Văn Các cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học của Học viện.
Sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), trong đó có nội dung quan trọng là tự chủ đại học, nhằm tạo điều kiện cho các trường đại học được tự chủ hơn về học thuật, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải “tự túc” hoàn toàn về tài chính.
Nhà nước vẫn phải đầu tư để bảo đảm tốt các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện phục vụ để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với những ngành nghề, lĩnh vực khó xã hội hóa và đất nước đang rất cần như Nông – Lâm – Ngư nghiệp.
Tổng Bí thư mong rằng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học – công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học – công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội.
Tổng Bí thư căn dặn: “Các công trình nghiên cứu của Học viện phải hướng tới “tam nông” (nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh). Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.
Tổng Bí thư đề nghị nhà trường với địa phương sở tại gắn kết chặt chẽ với nhau. Trường đại học đóng trên địa bàn nào thì cần phải có những hoạt động đào tạo và khoa học – công nghệ phục vụ ngay tại địa phương đó. Ngược lại, chính quyền các cấp của địa phương cần cộng tác, hỗ trợ tích cực cho trường đại học trên địa bàn của mình phát triển.
Thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm, thị trấn Trâu Quỳ cần hợp tác chặt chẽ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Học viện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện tốt quy hoạch đã được phê duyệt.
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2018 – 2019, Tổng Bí thư mong các cô giáo, thầy giáo và sinh viên của Học viện, trong thời gian tới tiếp tục phát huy truyền thống của một trường đại học anh hùng, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu sáng tạo, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi”, phấn đấu trở thành một trường Đại học kiểu mẫu về nghiên cứu khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp “trồng người” trong giai đoạn mới.
Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Học viện và tham quan Khu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Tổng Bí thư trồng cây lưu niệm tại khu vực Quảng trường sinh viên của Học viện.
Tổng Bí thư tham quan Khu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Tin, ảnh: Lệ Thu
Theo Dân trí
Hội đồng trường - khâu đột phá trong tự chủ đại học
Trao quyền tự chủ đại học là việc đương nhiên trên thế giới, hợp với lẽ tự nhiên và hợp với xu thế quốc tế. Việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở GD đại học phải gắn liền với sự hình thành hội đồng trường và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.
Đây là một đột phá trong đổi mới GD đại học theo hướng hội nhập. Đó là chia sẻ của TS Dương Đức Hùng , Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Hải Phòng tại Hội nghị góp ý Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD đại học.
Ảnh minh họa
Tiếp cận xu hướng quốc tế
Theo ông Dương Đức Hùng, sửa đổi Luật GD là khâu đột phá để GD đại học Việt Nam hòa nhập thế giới. Phải khẳng định tự chủ là câu chuyện vốn thuộc thuộc tính của đại học, việc này hợp với lẽ tự nhiên.
Từ thời xa xưa, bản chất đại học đã tự chủ. Chính vì sự tự chủ về học thuật và tự chủ về nhân sự thì đại học mới phát triển như hiện nay. Nếu không có tự chủ thì GD đại học ở các nước không thể phát triển như hiện nay.
TS Dương Đức Hùng phát biểu góp ý cho dự thảo Luật GD
Ông Dương Đức Hùng cho rằng, trao quyền tự chủ đại học là việc đương nhiên trên thế giới, hợp với lẽ tự nhiên và hợp với xu thế quốc tế. Ông đưa ra so sánh tự chủ cũng giống như trong gia đình, nếu như trong gia đình bố mẹ bao cấp hết thì con không thể lớn được.
Tuy nhiên, khi tự chủ, nghĩa là chủ quản cả hình thức và nội dung. Ở nước ngoài, trường đại học là một thực thể độc lập, nó đứng trên danh nghĩa là trường đại học và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Luật sửa đổi GD đại học của chúng ta đang tiếp cận gần với việc đó.
Nâng cao thực quyền hội đồng trường
So với bản dự thảo trước đây, dự thảo Luật GDĐH sửa đổi lần này có nhiều bổ sung: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả vấn đề tự chủ; đổi mới quản trị ĐH (nâng cao thực quyền hội đồng trường - HĐT).
Theo ông Dương Đức Hùng, trong đổi mới quản trị có nói đến thực quyền của HĐT. HĐT là người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng nên phải là tổ chức quyền lực cao nhất của trường đại học, phải có nhiều thành viên đại diện cho các nhóm lợi ích liên quan và làm việc theo nguyên tắc đưa ra các nghị quyết tập thể. Khi tự chủ thì vai trò của bộ chủ quản rất quan trọng.
Ông Hùng cho biết, quy định về thành viên của HĐT (điều 16 mục 3) là một đột phá trong đổi mới GD theo hướng hội nhập. HĐT của các trường đại học trong thời gian vừa qua rất hình thức. Các HĐT đang thành lập hiện nay là bộ máy quản lý mở rộng, bản chất là cánh tay nối dài của hiệu trưởng nên làm cho việc quản trị chồng chéo khiến cho sự tồn tại HĐT là hữu danh vô thực. Nếu một tổ chức sinh ra không có thực quyền thì sẽ cản trở sự phát triển. Cần tách quản lý ra khỏi quản trị để đảm bảo tính thực quyền của trường ĐH.
Theo quy định hiện nay, hiệu trưởng là người đứng ra thành lập HĐT. Vậy thì, "hiệu trưởng sẽ tìm những người là người của mình, đưa toàn bộ bộ phận quản lý của mình vào, biến HĐT thành một bộ máy quản lý mở rộng".
Do đó, ông Hùng đề xuất, Chủ tịch HĐT cần phải là do cơ quan cấp trên thành lập, đưa ra tranh cử và bầu trực tiếp.
Đối với HĐT của các nước trên thế giới, nếu có thành phần của người học tham gia thì cấp trên mà ra quyết định công nhận HĐT thì sẽ không công nhận thành viên là người học, vì thành viên là người học được bầu chọn hàng năm. Thành phần này cần thay đổi hàng năm đảm bảo HĐT hoạt động liên tục, không thể thiếu vai trò của người học.
Đưa tín dụng sinh viên vào Luật là việc làm cần thiết
Góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ông Dương Đức Hùng cho rằng, khi tự chủ đại học, học phí sẽ tăng. Nếu với học phí như hiện nay rất khó nâng cao chất lượng một cách rõ rệt. Vì thế, đưa vay vốn tín dụng sinh viên là rất quan trọng.
"Có thể nói, đưa tín dụng sinh viên trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là việc làm cần thiết đảm bảo tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả mọi đối tượng."
TS Dương Đức Hùng chia sẻ
Vấn đề miễn học phí cho sinh viên không còn phù hợp nữa. Chẳng hạn như miễn học phí cho sinh viên sư phạm, nhưng khi ra trường họ đều không tìm được việc làm. Vì thế, việc thu hút người giỏi hay người không giỏi chủ yếu phụ thuộc vào việc làm, vị trí việc làm sau tốt nghiệp. Học phí chiếm một vị trí rất nhỏ trong tổng chi phí của quá trình học. Với những sinh viên nghèo được vay vốn tín dụng, đại học là một kênh đầu tư hiệu quả cho tương lai.
Tín dụng sinh viên cho vay một mức độ nào đó để đảm bảo khi ra trường sinh viên có thể hoàn trả. Nếu cảm thấy đây là kênh đầu tư để sau này ra trường họ có một vị trí việc làm tốt thì họ phải đầu tư vay tín dụng. Các nước trên thế giới đã giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển quỹ tín dụng sinh viên, tăng tỷ lệ đại học tư thục. Sinh viên có thể vay tiền đi học đến 10 - 20 năm sau trả dần.
Theo Giáo dục Thời đại
Công Vinh muốn phát triển bóng đá học đường Bước đi tiếp theo của cựu đội trưởng ĐTQG Việt Nam Lê Công Vinh là tạo ra liên kết với 40.000 học sinh, sinh viên để đưa bóng đá trở thành môn học chính khóa trong trường học. Sau thời gian xây dựng học viện bóng đá tại TP.HCM, Công Vinh đã bắt tay hợp tác cùng tập đoàn giáo dục lớn nhất...